Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
TCCS - Tưởng nhớ 100 ngày cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với “thế giới người hiền”, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế, là dịp để chúng ta thêm suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Qua đó, góp phần lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta; củng cố và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội; nâng cao lòng tự hào và niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Khi nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xin nêu lên mấy suy ngẫm những điều đặc biệt về đồng chí mà nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa biết hoặc biết chưa đầy đủ, sâu sắc. Đó là:
Thứ nhất, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và cũng là người Việt Nam đầu tiên đã tham gia liên tục 7 khóa Trung ương, 6 khóa Bộ Chính trị, 5 khóa là đại biểu Quốc hội, 4 khóa là lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, 3 khóa là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bí thư Thành ủy Hà Nội, 2 khóa là Chủ tịch Quốc hội và 1 khóa là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ hai, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là trường hợp đầu tiên được Đại hội đại biểu toàn quốc ra Quyết nghị về việc đồng chí tiếp tục tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương bầu giữ chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp.
Thứ ba, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là ngọn cờ lý luận xuất sắc của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí đã để lại cho Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta di sản to lớn về sự vận dụng, phát triển lý luận, tổng kết thực tiễn về mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Với hơn 40 đầu sách về lý luận chính trị trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đồng chí đã thể hiện nhất quán, kiên định và sự vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổỉ mới ở Việt Nam. Đồng chí còn là một nhà báo tài năng, sắc sảo. Những bài báo đồng chí viết, đăng trên Tạp chí Cộng sản cách đây hơn 50 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị và nóng bỏng tính thời sự.
Thứ tư, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư đầu tiên trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và được nhân dân suy tôn là “Vị tướng trong cuộc chiến chống giặc nội xâm”. Với trách nhiệm là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đồng chí cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo chặt chẽ, bài bản, quyết liệt, hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với tinh thần 5 không: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, không ngừng nghỉ, không chịu bất kỳ sức ép của tổ chức cá nhân nào”; 5 nhân: “nhân văn, nhân đạo, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình” và “tâm phục, khẩu phục”. Do đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và đạt được nhiều kết quả rõ rệt, toàn diện, có tính đột phá, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia, góp phần củng cố, tăng cường thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Thứ năm, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư đầu tiên vừa làm Bí thư Quân ủy Trung ương theo quy định của Điều lệ Đảng, vừa trực tiếp tham gia Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương. Điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt và tình cảm sâu sắc của cố Tổng Bí thư đối với lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; đồng thời, giúp đồng chí cố Tổng Bí thư nắm chắc tình hình, có những quyết sách cụ thể đối với Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam, để Đảng nắm chắc cả “thanh bảo kiếm sắc bén” và “lá chắn vững chắc” như “2 cánh của một con chim”.
Thứ sáu, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên được Tổng thống Mỹ Barack Obama mời thăm cấp nhà nước tới Hoa Kỳ và hội đàm theo nghi thức trang trọng nhất dành cho các nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Đồng chí cũng là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên mời Tổng Thống Mỹ Joe Biden thăm cấp nhà nước tới Việt Nam để ký Hiệp định nâng cấp quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược toàn diện. Đến nay, Việt Nam đã xây dựng, thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 8 nước lớn trên thế giới, trong đó có 4 trong 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ bảy, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được nhận Huân Chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ta và nhiều huân chương cao quý khác của các nước bạn Lào, Cuba, Nga… khi đương chức. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người Việt Nam đầu tiên được nhận Huân chương hữu nghị của Đảng, Nhà nước Trung Quốc trao tặng. Trong 10 người đã được nhận Huân chương cao quý này, có Tổng thống Nga Putin và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thứ tám, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư đầu tiên có học hàm, học vị GS, TS Chính trị học, chuyên ngành Xây dựng Đảng. Đồng chí có nhiều năm làm Phó Chủ tịch và Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, trực tiếp chỉ đạo xây dựng Báo cáo chính trị và các báo cáo khác, để lại nhiều dấu ấn quan trọng, có tính đột phá về phát triển lý luận trong các văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.
Thứ chín, là cán bộ lãnh đạo cao cấp và là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, nhưng cuộc sống, sinh hoạt của đồng chí và gia đình luôn giản dị, khiêm tốn, chân thành, gần gũi với mọi người. Đến khi “đi gặp Cụ Các Mác, Cụ Lê-nin”, đồng chí Tổng Bí thư vẫn đang ở nhà công vụ, nhưng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta suy tôn và “tặng” cho rất nhiều “Nhà”. Đó là: Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc; nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực; nhà lãnh đạo liêm chính, trọn đời vì nước vì dân; nhà tư tưởng và nhà văn hóa lớn; nhà lý luận sắc sảo; nhà ngoại giao tài ba - “Tổng công trình sư” của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”; nhà gíáo, nhà báo, nhà thơ,…
Thứ mười, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cố Tổng Bí thư Đỗ Mười là 2 Tổng Bí thư của Đảng có tuổi đời cao nhất khi đương chức là 80 tuổi. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là trường hợp thứ 3 (sau Bác Hồ và cố Tổng Bí thư Trường Chinh) vừa là người đứng đầu Đảng, vừa là người đứng đầu Nhà nước. Đặc biệt là, sau đúng 50 năm, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, nhân dân ta lại được nghe thơ chúc tết lúc giao thừa của Chủ tịch nước. Giao thừa Tết năm 1969, nhân dân được nghe thơ chúc tết của Bác Hồ thì đến Giao thừa tết năm 2019, người dân Việt Nam lại được nghe thơ chúc tết của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Giao thừa năm 2019, đồng chí phát biểu: Học theo thơ Bác Hồ, tôi cũng xin có mấy vần: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng lợi tin vui khắp nước nhà/ Cả nước hân hoan mừng xuân mới/ Khải hoàn ta viết tiếp bài ca (Hai câu đầu là mượn thơ của Bác Hồ và có thay đổi một từ). Giao thừa năm 2020, đồng chí chia sẻ: Học theo thơ Bác Hồ, tôi cũng lại xin có mấy vần: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay cả nước chắc càng thắng to/Hòa bình, hạnh phúc, ấm no/Rạng danh Tổ quốc, cơ đồ Việt Nam” (Hai câu đầu cũng mượn thơ của Bác Hồ và có thay đổi một từ cho phù hợp).
Mười một, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một trong số ít người được kết nạp vào Đảng khi đang là sinh viên năm thứ 4 tại khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đồng chí cũng là một trong số ít sinh viên xuất sắc của khoa bảo vệ xuất sắc luận văn với chủ đề: “Phong vị ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu”, do GS Đinh Gia Khánh hướng dẫn. Có lẽ vì quá “ân tình”, “duyên nợ” với thơ Tố Hữu và thơ Tố Hữu đã thấm đẫm vào tâm hồn đồng chí từ thuở sinh viên, nên trong các bài viết, bài phát biểu của mình, đồng chí hay trích dẫn thơ của nhà thơ Tố Hữu. Chẳng hạn, ngày 2-2-2023, khi nhận huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, đồng chí đã mượn thơ Tố Hữu khi ở trong nhà tù của thực dân Pháp để thay cho lời hứa của mình với Đảng: “Còn một giây, một phút tàn hơi/Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi”. Trong bài viết “Tin tưởng và tự hào dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, đồng chí cũng mượn thơ Tố Hữu để nói lên lòng tự hào và niềm tin son sắt đối với Đảng khi kết thúc bài viết: “Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt/Đảng ta đây xương sắt, da đồng/Đảng ta muôn vạn công nông/Đảng ta chung một tấm lòng, niềm tin”. Khi đến thắp hương viếng Bác ở Nhà 67 và thăm Phủ Chủ tịch, được nhận trái bưởi từ vườn cây của Bác, đồng chí lại xúc động, nghẹn ngào đọc 4 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Trái bưởi kia vàng ngọt với ai/Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài/Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm/Quanh mặt hồ in mây trắng bay…”.
Mười hai, tốt nghiệp ra trường, đồng chí về làm cán bộ Phòng Tư liệu, cán bộ biên tập, Phó ban, Trưởng ban Ban Xây dựng Đảng, Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Biên tập rồi Tổng Biên tập. Như vậy, sau 24 năm công tác, kể cả gần 5 năm học tập tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc Trung ương, học ngoại ngữ và đi học nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng chí phát triển từng bước tuần tự, chắc chắn và trở thành người đứng đầu Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mười ba, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được cán bộ, đảng viên và nhân dân suy tôn là người học trò đặc biệt xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là tấm gương trong sáng, mẫu mực về phẩm chất đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói; người đảng viên cộng sản kiên trung, mẫu mực, trọn đời vì nước, vì dân; là hình mẫu tiêu biểu, cao đẹp về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hết mực kính trọng, tin yêu và học tập, noi theo.
Mười bốn, cuộc đời và sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều dấu mốc lịch sử, sự kiện gắn với con số 14. Đồng chí sinh ngày 14-4-1944 với họ, tên khai sinh là Nguyễn Phú Trọng gồm có 14 chữ cái. Tên xã và huyện trước đây là Hội Phụ, Đông Ngàn thuộc Bắc Ninh và ngày nay là Đông Hội, Đông Anh thuộc thành phố Hà Nội đều có 14 chữ cái. Đồng chí ra đời sau khi Đảng ta thành lập 14 năm và cũng sau 14 năm đèn sách (10 năm học phổ thông và 4 năm học đại học), đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau 14 năm công tác ở Tạp chí Cộng sản, đồng chí được chọn cử sang Liên Xô theo học nghiên cứu sinh về xây dựng Đảng. Sau khi học ở Liên Xô về nước công tác 14 năm, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị (năm 1997). Sau 14 năm tham gia Bộ Chính trị, được bầu là Tổng Bí thư (năm 2011) và giữ chức Tổng Bí thư trong 14 năm (2011 - 2024). Trong thời gian làm Tổng Bí thư, đồng chí được Quốc hội khóa XIV bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng chí là người đặt nền tảng cơ bản cho công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng (làm trưởng 2 tiểu ban văn kiện và nhân sự)…
Toàn bộ thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của GS, TS, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúng như câu hát “Trọn một đời là sen thơm ngát/ Tỏa hương thơm đến vạn mai sau/ Trọn lòng son của người cộng sản/ Để lòng dân thương kính muôn phần”(1). Bài viết cũng là nén tâm nhang thành kính, dâng lên hương hồn cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở “cõi vĩnh hằng” trên “miền mây trắng” và chia buồn sâu sắc với gia quyến đồng chí./.
----------------------
(1) Lời bài hát “Một đời là sen ngát” của Hà Tùng Long
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh  (11/10/2024)
Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII  (18/09/2024)
Đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam  (03/08/2024)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một nhà lãnh đạo mẫu mực  (31/07/2024)
Nhớ về đồng chí Nguyễn Phú Trọng!  (31/07/2024)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
NGHIÊN CỨU CÁC TÁC PHẨM QUAN TRỌNG VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CON ĐƯỜNG LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện cả tầm tư tưởng - lý luận và định hướng thực tiễn -
NGHIÊN CỨU CÁC TÁC PHẨM QUAN TRỌNG VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CON ĐƯỜNG LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Nét đặc sắc trong tư duy lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội “7 dám” -
NGHIÊN CỨU CÁC TÁC PHẨM QUAN TRỌNG VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CON ĐƯỜNG LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Công tác chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội thể hiện qua cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -
NGHIÊN CỨU CÁC TÁC PHẨM QUAN TRỌNG VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CON ĐƯỜNG LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội -
NGHIÊN CỨU CÁC TÁC PHẨM QUAN TRỌNG VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CON ĐƯỜNG LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Tọa đàm khoa học: “Những ý kiến tâm huyết với bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” (tiếp theo)