Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng chính quyền điện tử ở thành phố Hà Nội
TCCS - Ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những giải pháp quan trọng để hiện đại hóa nền hành chính, tạo nền tảng xây dựng chính quyền điện tử. Thời gian qua, với mong muốn xây dựng nền hành chính hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, việc ứng dụng công nghệ thông tin được thành phố Hà Nội đẩy mạnh thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ứng dụng công nghệ thông tin và từng bước hiện đại hóa nền hành chính nhà nước là xu hướng tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Ở Việt Nam, trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, bên cạnh việc tích cực, khẩn trương hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức,…, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước là một nội dung quan trọng để thiết lập một nền hành chính năng động, trách nhiệm, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đối với thành phố Hà Nội, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử, cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng nền tảng chính quyền điện tử.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin được thành phố thực hiện gắn kết chặt chẽ với việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, nhất là nhằm tạo nền tảng cho xây dựng chính quyền điện tử. Ngay từ năm 2014, thành phố đã có những bước đi đầu tiên để tìm hiểu về xây dựng thành phố thông minh. Đến năm 2016, bắt đầu triển khai một số ứng dụng thành phố thông minh theo phương thức vừa làm vừa rút kinh nghiệm và bước đầu đạt được hiệu quả nhất định. Theo đó, thành phố đã ban hành 22 danh mục cơ sở dữ liệu; Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 87/2020/NĐ-CP, ngày 28-7-2020, của Chính phủ, “Quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến” trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội năm 2021; Kế hoạch phát triển hạ tầng bưu chính - viễn thông phục vụ Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Tháng 9-2021, Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố Hà Nội theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 với tầm nhìn: Đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử thành phố, đưa thành phố dẫn đầu cả nước và xếp thứ hạng cao trong khu vực về phát triển chính quyền điện tử, tạo tiền đề phát triển chính quyền số, phát triển thành phố nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố để bảo đảm công tác lãnh đạo, điều hành hoạt động xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số thông suốt, liên tục. Thành phố cũng ban hành các văn bản, kế hoạch để khuyến khích, định hướng người dân, tổ chức và doanh nghiệp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thương mại điện tử, triển khai hóa đơn điện tử,...
Thành phố tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và trong cung cấp dịch vụ công theo thẩm quyền. Hệ thống công nghệ thông tin từng bước được hoàn thiện theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất trên toàn thành phố và có sự chuyển đổi từ hình thức triển khai nhỏ lẻ sang triển khai tập trung. Trong đó, ưu tiên triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành tích hợp thành hệ thống dữ liệu lớn, bảo đảm kết nối chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định. Hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu công việc, tạo nền tảng xây dựng chính quyền điện tử. Việc sử dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử cũng được thành phố quan tâm, thúc đẩy triển khai tại các đơn vị trực thuộc.
Nhằm bảo đảm sự thống nhất, xuyên suốt trong hoạt động gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước các cấp, đặc biệt là việc gửi, nhận các văn bản quy phạm pháp luật, ngày 12-7-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg “Về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước”. Theo đó, thành phố Hà Nội tích cực triển khai thực hiện 13 nhóm nhiệm vụ được giao tại quyết định này, trong đó có những nhiệm vụ quan trọng như: xây dựng trục liên thông văn bản quốc gia; hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; xây dựng, hoàn thiện các văn bản, quy định phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống và sao lưu văn bản điện tử; tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc.
Thành phố cũng duy trì hoạt động và đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đối với Trung tâm dữ liệu nhà nước Hà Nội để cài đặt, duy trì các hệ thống thông tin chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Hạ tầng công nghệ thông tin, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các cơ quan đảng, tổ chức chính trị - xã hội phục vụ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cũng tiếp tục được triển khai theo đúng định hướng của Trung ương và thành phố. Duy trì và triển khai mở rộng hạ tầng mạng diện rộng (WAN) của thành phố đến 579/579 xã, phường, thị trấn, kết nối cơ quan chính quyền các cấp của thành phố. Tích hợp mạng diện rộng của thành phố vào mạng truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ. Kết nối hoạt động mạng tin học của Ủy ban nhân dân thành phố với mạng thông tin điện tử hành chính Chính phủ, thực hiện liên thông các hệ thống thông tin để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm xuyên suốt đến thành phố. Duy trì mạng thông tin điện tử, chia sẻ dữ liệu giữa Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thành phố để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố. Trong quá trình phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thành phố đã khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống họp trực tuyến để triển khai các cuộc họp của ban chỉ đạo phòng, chống dịch từ cấp thành phố đến cấp xã. Đồng thời, kết nối liên thông hệ thống họp trực tuyến của thành phố với hệ thống họp trực tuyến của Văn phòng Chính phủ.
Hiện nay, thành phố đã thiết lập và duy trì hoạt động của cổng giao tiếp điện tử; hệ thống điều hành tác nghiệp, theo dõi và rà soát việc thực hiện các nhiệm vụ của tất cả các đơn vị; triển khai kết nối trục liên thông trong văn bản điện tử 3 cấp liên thông với Cổng thông tin của Chính phủ. Hệ thống thư điện tử được thành phố triển khai, duy trì hoạt động ổn định và cấp hộp thư cho đa số cán bộ, công chức để sử dụng trong công việc. Đến nay, 100% số cán bộ, công chức thành phố sử dụng email công vụ và thiết lập hệ thống họp trực tuyến trong nội bộ thành phố.
Cổng dịch vụ công thành phố và các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 dùng chung của thành phố được duy trì. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng được nâng cao, số lượng hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 liên tục tăng, nhất là trên các lĩnh vực thuế, hải quan, tư pháp. Đến nay, thành phố đã triển khai cung cấp cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp 1.685 thủ tục hành chính, trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 1.217 thủ tục, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 468 thủ tục.
Có thể nói, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng của chính quyền điện tử ở thành phố Hà Nội thời gian qua đã góp phần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của chính quyền các cấp thành phố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, qua đó, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng của chính quyền điện tử ở thành phố Hà Nội thời gian qua còn một số hạn chế nhất định. Một số hệ thống thông tin mới chỉ phát triển theo chiều rộng, triển khai còn rời rạc, nhỏ lẻ, chưa có tính tổng thể, đồng bộ. Cơ sở pháp lý cho việc xây dựng chính quyền điện tử đến nay còn chưa thật đầy đủ. Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công tác quản trị, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin được đầu tư vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Còn thiếu cơ chế xác thực các hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4…
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, đẩy mạnh có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính và xây dựng nền tảng cho chính quyền điện tử thành phố Hà Nội, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố sau khi ban hành. Nâng cao hiệu quả sử dụng các phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng các phần mềm dùng chung, cơ sở dữ liệu, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ và thông suốt để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp thành phố. Chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ phục vụ cho việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.
Thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo các danh mục đã được phê duyệt tại Quyết định số 846/QĐ-TTg, ngày 9-6-2017 và Quyết định số 877/QĐ-TTg, ngày 18-7-2018, của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngoài danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì phải bảo đảm các tiêu chí thực hiện trực tuyến và có số lượng hồ sơ giao dịch lớn.
Thứ hai, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa thành phố với các bộ, ngành ở Trung ương. Hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho việc quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành của thành phố và kết nối vào Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp để họ biết và tham gia sử dụng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, thực hiện thành công khâu “đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư”. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp với mô hình chính quyền điện tử, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số.
Thứ ba, tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin đã được đầu tư, đặc biệt là cán bộ quản trị cho Trung tâm dữ liệu nhà nước Hà Nội, quản trị mạng tại các địa phương. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền điện tử của thành phố. Điều chỉnh cơ chế đầu tư đặc thù cho công nghệ thông tin, tăng cường xã hội hóa để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong công tác này. Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn về các kỹ năng khai thác, sử dụng hệ thống thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp./.
Sự đồng thuận xã hội - yếu tố góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội  (28/09/2022)
Hà Nội: Phát triển kinh tế làng nghề từ du lịch và sản phẩm OCOP  (27/09/2022)
Phát triển kinh tế - xã hội xứng tầm với vị thế Thủ đô trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19  (27/09/2022)
Ô nhiễm môi trường ở Hà Nội: Thực trạng và giải pháp  (25/09/2022)
Du lịch Hà Nội: Tiềm năng và giải pháp phát triển  (24/09/2022)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên