Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong lực lượng vũ trang Thủ đô: Những kết quả nổi bật và phương hướng, giải pháp thời gian tới
TCCS - Những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong lực lượng vũ trang Thủ đô luôn được các cấp ủy, chỉ huy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất và dần đi vào nền nếp. Nội dung, hình thức từng bước được đổi mới, vận dụng phù hợp với nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao ý thức tự giác của cán bộ, chiến sĩ trong chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội.
Những kết quả nổi bật
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, những năm qua, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ động bám sát chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng và Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, triển khai thực hiện toàn diện, có hiệu quả công tác này. Qua đó, góp phần thiết thực nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật, ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, công nhân và viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng, dự bị động viên và dân quân tự vệ trên địa bàn Thủ đô.
Cấp ủy các cơ quan, đơn vị trong Bộ Tư lệnh luôn thống nhất trong nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp. Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư lệnh được kiện toàn về số lượng, bảo đảm về chất lượng, thực hiện tốt nhiệm vụ theo Quy chế hoạt động đã đề ra, luôn chủ động trong công tác tham mưu và thường xuyên phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất nội dung, biện pháp, hướng dẫn chỉ đạo, tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ quan, đơn vị. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được đưa vào kế hoạch công tác giáo dục chính trị trong nghị quyết lãnh đạo thường kỳ của cấp ủy các cấp tại các cơ quan, đơn vị.
Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh chủ động trong tham mưu xây dựng, triển khai kế hoạch công tác giáo dục chính trị, phổ biến, giáo dục pháp luật sát với đặc điểm, tình hình ở từng cơ quan, đơn vị, với từng đối tượng cụ thể. Ban hành Hướng dẫn học tập chuyên đề, tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch, giáo án, bài giảng, kiện toàn các tổ cán bộ giảng dạy chính trị(1). Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động biên soạn nội dung về phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nét mới của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là cơ quan hướng dẫn và xây dựng bộ giáo án, trình chiếu theo chương trình (với đối tượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp), cung cấp trên hệ thông tin chỉ đạo điều hành của Bộ Tư lệnh. Trên cơ sở đó, các đơn vị tải về, bổ sung tư liệu, ví dụ minh họa sao cho sát hợp với cơ quan, đơn vị mình, bảo đảm tính thống nhất về quy cách, bám sát nội dung tài liệu, góp phần nâng cao chất lượng soạn thảo giáo án. Nghiên cứu, vận dụng linh hoạt ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và hướng dẫn của Cục Chính trị, Bộ Tham mưu để tổ chức giáo dục, phổ biến pháp luật phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19.
Năm 2021, việc tổ chức học tập các chuyên đề về phổ biến, giáo dục pháp luật được các cơ quan, đơn vị trong toàn Bộ Tư lệnh triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch(2). Trong đó, trọng tâm là các chuyên đề về Luật Bầu cử, Luật Biên phòng Việt Nam, Bộ luật Lao động, Pháp lệnh về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; quy định về các tội phạm sở hữu trong Chương XVI, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các cơ quan, đơn vị trong Bộ Tư lệnh được bảo đảm thường xuyên theo đúng quy định. Tổ chức quán triệt nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, thành phố Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội về nhiệm vụ quốc phòng năm 2021 và công tác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ những ngày lễ, tết và các sự kiện chính trị trọng đại diễn ra trên địa bàn Thủ đô(3). Tỷ lệ quân số tham gia học tập, quán triệt các nội dung về giáo dục pháp luật đạt 98,6%.
Ban chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền sâu rộng về Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản có liên quan. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức trong nhân dân, đặc biệt là thanh niên về Luật Nghĩa vụ quân sự, trách nhiệm của công dân với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch Nhà nước giao về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, nâng cao chất lượng công dân nhập ngũ trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Tổ chức lễ giao quân bảo đảm trang trọng, nhanh gọn, an toàn, đúng quy định(4). Phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, gắn giáo dục pháp luật với giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Chú trọng tuyên truyền về công tác tuyển sinh quân sự; vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Các cơ quan, đơn vị tích cực tham gia cuộc thi trực tuyến về “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân” và “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Hội thi Báo cáo viên pháp luật toàn quân năm 2021 đúng, đủ thành phần, đạt kết quả tốt. Tham gia ý kiến vào Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở”. Biên tập tài liệu “Những tình huống tư tưởng có thể nảy sinh trong phòng, chống sự cố thiên tai, dịch bệnh và gợi ý biện pháp xử lý của cán bộ cơ sở”. Tổ chức tuyên truyền về học tập và làm theo “Lời Bác Hồ dạy” trong lực lượng vũ trang Thủ đô dưới nhiều hình thức, góp phần xây dựng ý thức trách nhiệm, tích cực, tự giác của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Vận hành có hiệu quả hoạt động của tổ 3 người, tổ công tác dân vận, tổ tư vấn tâm lý, pháp lý và chiến sĩ bảo vệ ở đơn vị cơ sở, bảo đảm chặt chẽ. Đồng thời, chủ động rà soát, rút kinh nghiệm để phát huy điểm mạnh, kịp thời khắc phục những điểm hạn chế trong quá trình tổ chức hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở đơn vị cơ sở.
Bộ Tư lệnh chủ động hướng dẫn rút kinh nghiệm trong công tác giáo dục, quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn trong các cơ quan, đơn vị, trọng tâm là các đơn vị trực tiếp quản lý, huấn luyện bộ đội. Chỉ đạo Báo Quốc phòng Thủ đô duy trì có hiệu quả chuyên mục “Tìm hiểu chính sách, pháp luật” và phòng, chống đại dịch COVID-19. Năm 2021, đăng tải 70 chuyên mục về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, 61 tin, bài. Chương trình Truyền hình quốc phòng Thủ đô thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí ở trong và ngoài quân đội tuyên truyền về kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa, hệ thống truyền thanh nội bộ trong các cơ quan, đơn vị. Nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đóng quân. Vận dụng linh hoạt, đa dạng các hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật sao cho sát hợp với thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, quản lý, huấn luyện, rèn luyện bộ đội.
Việc tổ chức và thực hiện Ngày Pháp luật được duy trì hằng tháng và trở thành nền nếp ở các cơ quan, đơn vị. Tủ sách Pháp luật cũng được quản lý và khai thác sử dụng có hiệu quả. Các đơn vị ở cơ sở kết hợp tiếp nhận tài liệu được cấp với trích quỹ đơn vị để mua sách pháp luật đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, tra cứu pháp luật của cán bộ, chiến sĩ. Vận dụng linh hoạt, có hiệu quả tài liệu “100 tình huống có thể nảy sinh ở đơn vị và gợi ý biện pháp xử lý của cán bộ cơ sở” của Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị vào công tác quản lý tư tưởng, duy trì kỷ luật tại đơn vị cơ sở. Quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, chú trọng quán triệt, phổ biến, vận động cán bộ, chiến sĩ, người dân tại các khu cách ly tập trung tự giác tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh.
Một số phương hướng, giải pháp trong thời gian tới
Trong thời gian tới, để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô, góp phần xây dựng Đảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, một số phương hướng, giải pháp cần được tiếp tục quan tâm, thực hiện có hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là:
1- Tiếp tục quán triệt nghiêm túc Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, các văn bản của Bộ Quốc Phòng và thành phố Hà Nội về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bám sát yêu cầu, nhiệm vụ. Phát huy tinh thần chủ động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật, hoàn thành toàn diện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2022 của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của cán bộ, đảng viên, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan - binh sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng và lực lượng dân quân tự vệ. Phấn đấu cơ quan, đơn vị không có vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, giảm tỷ lệ kỷ luật thông thường xuống dưới 0,2 %, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt.
2- Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp. Đồng thời, chủ động tổ chức bồi dưỡng đội ngũ này hằng tháng. Nội dung bồi dưỡng cần tập trung vào phổ biến những văn bản mới, thông tin về những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước, của Thủ đô, những vấn đề thực tiễn đang đặt ra để định hướng tư tưởng, hành động của cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
3- Tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về nghĩa vụ, trách nhiệm quân nhân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là với các chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2022. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-UBND, ngày 9-2-2021, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, “Về việc tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội”. Duy trì và nâng cao hiệu quả việc tổ chức các chuyên trang, chuyên mục, tăng dung lượng, thời lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên Báo Quốc phòng Thủ đô. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên hệ thống truyền thanh nội bộ, thông qua các hoạt động, như tọa đàm, diễn đàn, nói chuyện chuyên đề, tư vấn, trợ giúp pháp lý. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Duy trì thực hiện nghiêm quy định hoạt động của Tủ sách Pháp luật và Ngày Pháp luật trong lực lượng vũ trang Thủ đô.
4- Kết hợp chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác giáo dục chính trị - tư tưởng. Thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới” và Phong trào Thi đua yêu nước của thành phố Hà Nội. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, chiến sĩ. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về pháp luật do Bộ Quốc phòng, thành phố Hà Nội phát động trong lực lượng vũ trang Thủ đô bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả, đạt mục đích, yêu cầu đề ra./.
------------------------------------
(1) Năm 2021, toàn Bộ Tư lệnh có 312 cán bộ giảng dạy chính trị/81 tổ giáo viên
(2) Giáo dục chính trị, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đạt tỷ lệ 98,5%; đối tượng chiến sĩ nhập ngũ năm 2020 đạt tỷ lệ 98,65%, chiến sỹ mới đạt tỷ lệ 100%; đối tượng dân quân tự vệ đã huấn luyện 34 đơn vị. Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng 2,3,4 và đối tượng 4 mở rộng được 30 lớp/2.694 người; chức sắc, chức việc tôn giáo được 1 lớp/103 người
(3) Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, dịp Lễ 30-4 và 1-5, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2021; công tác quân sự, quốc phòng địa phương; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn năm 2021; phòng, chống dịch bệnh COVID-19
(4) Năm 2021, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tuyển chọn và gọi 3.500 công dân thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, trong đó số người có trình độ đại học, cao đẳng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước
Xây dựng khu vực phòng thủ và diễn tập chiến đấu phòng thủ: Nâng cao tiềm lực quốc phòng Thủ đô  (02/08/2021)
Công điện của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19  (01/08/2021)
Hà Nội kiên quyết không lãng phí “thời gian vàng” giãn cách xã hội để đẩy lùi và chiến thắng đại dịch COVID-19  (31/07/2021)
Hà Nội tăng cường phát triển hệ thống cây xanh  (30/07/2021)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên