TCCS - Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30-10-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” xác định phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo và dịch vụ văn hóa trở thành một mũi đột phá chiến lược, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh phát triển nhanh và bền vững. Đây cũng là hướng đi đúng đắn để lan tỏa các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh tới các địa phương trong nước và quốc tế.

Phát huy tiềm năng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Văn hóa Quảng Ninh kết tinh cả văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số, tạo nên sự “đa dạng trong thống nhất”. Văn hóa biển gồm văn hóa thời tiền sử, trải qua thời kỳ văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hạ Long, tồn tại và phát triển năng động trong quá trình giao lưu văn hóa. Là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, văn hóa công nhân mỏ Quảng Ninh được đúc kết qua các phong trào công nhân, tạo nên phẩm chất “kỷ luật và đồng tâm”. Cùng với đó, Quảng Ninh còn là nơi hội tụ của 43 dân tộc anh em với các sắc thái văn hóa độc đáo. Tất cả cùng bồi đắp nên những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng, tiêu biểu cho đất và người Quảng Ninh, như yêu nước, anh dũng, kiên cường, cần cù, hào sảng, trọng tình nghĩa, thân thiện...

Trải qua hành trình xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, hiện tỉnh  Quảng Ninh sở hữu kho tàng văn hóa đồ sộ, quý giá với 637 di sản văn hóa vật thể (trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia, 100 di tích cấp tỉnh, 466 di tích được kiểm kê phân loại) và 362 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Đây chính là nguồn lực văn hóa hết sức dồi dào của vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, tạo cơ sở quan trọng để xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần lan tỏa sâu rộng các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh tới các địa phương trong cả nước và trên thế giới.

Trên cơ sở nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình nhất định. Tỉnh khuyến khích phát triển các loại hình du lịch di sản, du lịch tâm linh; xây dựng các sản phẩm văn hóa mang tính liên kết vùng; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn học nghệ thuật dân gian trong hình thành chuỗi sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, độc đáo; xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch văn hóa ra thị trường khu vực và thế giới; thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động quảng cáo ngoài trời, tăng cường quảng cáo tại các sự kiện văn hóa; thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh, đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản xuất phục vụ quảng cáo đưa hình ảnh Quảng Ninh đến với bạn bè thế giới. Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ văn nghệ sĩ sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, độc đáo trên cơ sở phát huy nghệ thuật truyền thống; khuyến khích phát triển các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập; thực hiện cơ chế đặt hàng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã và đang khai thác có hiệu quả các công trình Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cung quy hoạch, hội chợ, triển lãm, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ…; hình thành các đơn vị, doanh nghiệp chế tác sản phẩm mỹ nghệ, xây dựng các sản phẩm lưu niệm hướng tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài; hình thành một số mô hình triển lãm, hội chợ chuyên đề, chuyên ngành của những thương hiệu nổi tiếng khu vực và thế giới được tổ chức thường niên tại Quảng Ninh; khuyến khích hình thành, xây dựng trung tâm chiếu phim hiện đại, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân.

Cùng với việc xác định được tiềm năng, lợi thế so sánh, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực để phát huy nguồn lực văn hóa của địa phương trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với 2 định hướng chính là phát triển du lịch văn hóa và nghệ thuật biểu diễn.

Về du lịch văn hóa, tỉnh Quảng Ninh đã chọn lọc, sáng tạo, xây dựng, phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hóa đặc sắc. Hiện nay, tỉnh đã và đang phát triển chuỗi các khu di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng tiêu biểu trở thành các điểm đến hấp dẫn với các tour, tuyến du lịch cố định, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, như di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều), quần thể di tích danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (Uông Bí), chùa Lôi Âm và chùa Long Tiên (Hạ Long), đền Cửa Ông (Cẩm Phả), chùa Cái Bầu (Vân Đồn)… Cùng với đó là các lễ hội đã và đang tạo điểm nhấn trong du lịch văn hóa Quảng Ninh. Các lễ hội diễn ra quanh năm, trong đó tập trung nhiều nhất vào mùa xuân, gắn với các di tích lịch sử - văn hóa của địa phương, như lễ hội truyền thống đình Trà Cổ (Móng Cái), lễ hội truyền thống đình Quan Lạn (Vân Đồn), Hát nhà tơ (hát cửa đình) (Móng Cái), lễ hội Tiên Công (Quảng Yên), lễ hội đền Cửa Ông (Cẩm Phả), Hội Hát tháng ba của dân tộc Sán Chỉ,… Gần đây, nhiều lễ hội đã khẳng định được thương hiệu nổi tiếng cả trong và ngoài nước, như lễ hội Carnaval Hạ Long, lễ hội Carnaval mùa đông, lễ hội Mùa vàng, lễ hội Hoa sở Bình Liêu, lễ hội Trà hoa vàng Ba Chẽ… Thông qua các lễ hội văn hóa, người dân Quảng Ninh nói riêng và các du khách đến với vùng đất này nói chung càng thêm yêu quê hương, đất nước, có ý thức và trách nhiệm với các di sản văn hóa dân tộc. Các lễ hội được tổ chức định kỳ, vừa góp phần bảo tồn được giá trị các di sản văn hóa, vừa tạo thành sản phẩm văn hóa riêng có, đặc sắc của tỉnh Quảng Ninh, tạo sức hấp dẫn khách du lịch và lan tỏa sâu rộng các giá trị văn hóa của vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng quan tâm và tăng cường các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Các hoạt động bảo tồn, giữ gìn, phục dựng các di sản văn hóa được gắn kết với khai thác các loại hình du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa và mô hình sinh kế nông nghiệp nông thôn cũng như xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP. Các sản phẩm du lịch tiêu biểu được khai thác khá hiệu quả thời gian qua, như “Một ngày làm ngư dân trên biển”, “Khám phá Quan Lạn”, “Cốc đảo Hà Nam”, “Hành trình theo dấu chân đức Phật tại Yên Tử”... Tỉnh Quảng Ninh hiện có một số địa phương phát triển du lịch làng nghề thủ công truyền thống, như thị xã Đông Triều với nghề gốm sứ; thị xã Quảng Yên với nghề đan ngư cụ, đóng tàu vỏ gỗ; huyện Vân Đồn với nghề nuôi cấy ngọc trai... với nhiều sản phẩm chất lượng cao, giàu giá trị văn hóa, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, một số người uy tín dân tộc Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán, Sán Chỉ, Tày, Sán Dìu ở thành phố Hạ Long, Móng Cái, các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn... đã gây dựng nên một số câu lạc bộ văn nghệ dân gian, câu lạc bộ thể thao truyền thống, thêu may trang phục, phát triển nghề truyền thống phục vụ khách tham quan, du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các công trình văn hóa, khu du lịch giải trí quy mô lớn, tạo thêm những dòng sản phẩm du lịch văn hóa mới, phong phú, đa dạng, như Khu vui chơi giải trí Sun World Hạ Long Park, Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp (thành phố Cẩm Phả), Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, Khu vui chơi giải trí quốc tế Tuần Châu, Công viên Dragon Park, Bảo tàng tranh 3D Funny Art... Nhờ đó, ngành du lịch của tỉnh ngày càng có những phục hồi tốt sau đại dịch COVID-19 và ngày càng phát triển. Năm 2023, Quảng Ninh đã thu hút khoảng 15,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2 triệu lượt du khách quốc tế (tăng 33,6% so với năm 2022), doanh thu du lịch ước đạt 33.480 tỷ đồng (tăng 48% so với năm 2022).

Về nghệ thuật biểu diễn, tỉnh Quảng Ninh đã và đang đăng cai tổ chức nhiều sự kiện lớn, như Liên hoan Xiếc 3 miền, Festival Áo dài, liveshow âm nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước, quốc tế, show trình diễn thời trang của những nhà thiết kế có tên tuổi, như Adrian Anh Tuấn, Minh Hạnh, Đỗ Trịnh Hoài Nam… Tỉnh cũng được khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao, như Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh; Quảng trường 30-10; Thư viện, Bảo tàng Quảng Ninh, Cung văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh, Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ, Sân vận động Cẩm Phả, Trung tâm huấn luyện và thể thao Quảng Ninh, Trung tâm văn hóa, thể thao vùng Đông Bắc (huyện Tiên Yên), Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vỹ (thành phố Móng Cái)... trong tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, xây dựng những chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, riêng có, qua đó tăng cường quảng bá văn hóa, con người Quảng Ninh đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Tháng 11-2023, chương trình nghệ thuật “Hạ Long thần tiên” đã được xây dựng để biểu diễn tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, thu hút đông đảo khách du lịch. Đồng thời, tỉnh cũng thu hút ngày càng nhiều các sự kiện văn hóa, thể thao cấp khu vực, quốc tế đến với Quảng Ninh, như Liên hoan xiếc thế giới, Festival âm nhạc, Tiếng hát Asean +3, Gala xiếc ba miền, Ngày hội yoga quốc tế, Giải chạy marathon quốc tế Hạ Long, Giải bóng chuyền bãi biển quốc tế... Điều này thể hiện tư duy đổi mới của tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao, tạo điểm nhấn khác biệt, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, qua đó góp phần quảng bá, định vị thương hiệu địa phương.

Cùng với hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh, các đơn vị nghệ thuật do tư nhân đầu tư quản lý và tổ chức hoạt động trên địa bàn tỉnh bước đầu hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tạo thêm sản phẩm văn hóa, góp phần thu hút khách du lịch, nhất là các bộ môn nghệ thuật truyền thống (múa rối, hát chèo, cải lương, các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số,…), được biểu diễn tại Cảng tàu quốc tế, sân bay Vân Đồn tại các lễ hội và cùng du khách trên các hành trình, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách. Nhờ khai thác tốt nguồn lực văn hóa mà thị trường nghệ thuật biểu diễn ở tỉnh Quảng Ninh ngày càng phát triển, vừa giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các nghệ sĩ, người lao động, vừa thúc đẩy du lịch phát triển, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một số giải pháp thời gian tới

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua, quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh Quảng Ninh còn tồn tại một số hạn chế. Hệ thống cơ chế, chính sách về khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn bất cập, chưa thực sự khuyết khích được đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy hết khả năng sáng tạo các sản phẩm văn hóa trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương. Một số địa phương chưa khai thác hiệu quả lĩnh vực du lịch văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường tại các làng nghề truyền thống và các điểm đến du lịch... Khoảng cách trong tiếp cận, thụ hưởng, tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa giữa miền Đông với miền Tây, giữa miền núi, biên giới, hải đảo với thành thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn khá xa cũng là một thách thức cho quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh.

Thời gian tới, tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2024 là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ một số giải pháp để đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh. Cụ thể là:

Thứ nhất, tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân Quảng Ninh về vị trí, vai trò của các giá trị văn hóa nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng. Đổi mới tư duy về phát triển ngành công nghiệp văn hóa theo hướng “xuất khẩu văn hóa” tại chỗ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; đồng thời lan tỏa sâu rộng các giá trị văn hóa của địa phương, qua đó định vị và nâng tầm thương hiệu địa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Thứ hai, xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa lâu dài, tập trung vào các lĩnh vực đã được xác định trọng tâm, trọng điểm và mở rộng một số loại hình khác trên cơ sở khai thác các nguồn lực văn hóa địa phương. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh trong các giai đoạn tiếp theo nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa. Tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn cơ chế, chính sách khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy sức sáng tạo để làm nên những tác phẩm văn hóa giàu giá trị. Thực hiện cơ chế khuyến khích các nghệ nhân dân gian truyền bá giá trị văn hóa cho các thế hệ sau và khơi dậy mạnh mẽ khát vọng sáng tạo của nhân dân - chủ thể của hoạt động văn hóa.

Thứ ba, có kế hoạch, lộ trình và điều kiện bảo đảm cụ thể để thực hiện giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn văn hóa, giữ gìn các giá trị đặc sắc của tỉnh Quảng Ninh và hoạt động khai thác, phát huy giá trị văn hóa thông qua phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở thế mạnh của mỗi địa phương. Việc khai thác có hiệu quả các di sản văn hóa cần gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư các địa phương trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn thu để đầu tư trở lại cho bảo tồn di sản văn hóa một cách tương xứng (vừa đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo tồn, vừa đầu tư kinh phí cho đào tạo, nghiên cứu, quản lý và sáng tạo các sản phẩm văn hóa). Tăng cường đầu tư phát triển các làng nghề và nâng tầm các thương hiệu sản phẩm OCOP - được xem như những “đại sứ văn hóa” của địa phương, tạo ra những sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm hấp dẫn du khách, truyền tải thông điệp văn hóa của đất và người Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành, đơn vị liên quan trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Ninh phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng và sáng tạo của nhân dân cũng như du khách đến với Quảng Ninh. Tiếp tục huy động sự vào cuộc tích cực, sự quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong bồi đắp, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển bền vững.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng như trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, quảng bá các sản phẩm văn hóa. Số hóa các dữ liệu văn hóa, hướng tới hình thành các sản phẩm công nghiệp văn hóa với công nghệ tiên tiến kết hợp với những nét văn hóa đặc sắc của địa phương, vượt qua các thách thức về không gian và thời gian, qua đó vừa thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, mà trước hết là du lịch văn hóa và nghệ thuật biểu diễn, vừa góp phần lan tỏa sâu rộng các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh tới đông đảo du khách trong và ngoài nước một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất./.