Vận dụng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục văn hóa ứng xử cho cán bộ, chiến sĩ công an phường trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội
TCCS - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp, thấm đẫm tinh thần nhân văn của Người. Di chúc có giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng tu dưỡng, rèn luyện, giáo dục văn hóa ứng xử cho lực lượng công an nhân dân, trong đó có cán bộ, chiến sĩ công an phường trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Giá trị, ý nghĩa của bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục văn hóa ứng xử
Trong những di sản để lại cho muôn đời sau, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá. Bản Di chúc được Bác viết tay, chỉnh sửa nhiều lần trong 4 năm từ năm 1965 đến năm 1969 gói gọn chỉ hơn 1.000 từ hàm chứa tư tưởng cơ bản, cốt lõi sâu sắc nhưng cũng hết sức cụ thể, thiết thực và sát hợp đối với văn hóa ứng xử.
Một là, luôn coi trọng xây dựng đoàn kết. Trong Di chúc, Người chỉ rõ: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(1). Đoàn kết thống nhất trong Đảng phải trên nguyên tắc tôn trọng và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, vì mục tiêu lý tưởng cách mạng, vì lợi ích của giai cấp, của Đảng, của nhân dân và toàn thể dân tộc; đoàn kết trong nội bộ, đoàn kết với bên ngoài, đoàn kết rộng rãi, đoàn kết chặt chẽ để tạo nên sức mạnh từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Hai là, phải coi trọng tự phê bình và phê bình, thực hành dân chủ, nêu cao tình thương yêu đồng chí, đồng đội. Trong bản Di chúc, Bác viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(2). Phê bình cán bộ là phê bình thái độ, hành động ứng xử với cán bộ khi họ mắc sai lầm, khuyết điểm. Người chỉ rõ: “Tự phê bình thật thà và thành khẩn phê bình các đồng chí mình để cùng nhau tiến bộ. Nếu mình có cái gì sai không tự phê bình, giấu đi, đồng chí khác không biết để giúp đỡ mình sửa đổi, giúp mình tiến bộ được. Phê bình là giúp đồng chí mình tiến bộ. Mỗi một đồng chí đều tiến bộ thì toàn Đảng tiến bộ. Vì vậy, cần phải tự phê bình và phê bình. Cần phải nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm. Nếu không có tính tổ chức và tính kỷ luật thì sẽ tự do vô kỷ luật, vô chính phủ”(3).
Ba là, nhắc nhở vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng và nêu gương. Trong Di chúc, Bác viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(4). Người cho rằng đạo đức cách mạng là cái gốc, cái căn bản nhất: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”(5).
Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(6). Không chỉ cuộc sống hằng ngày thể hiện sự gần gũi, giản dị, mà trước lúc đi xa, Bác căn dặn: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân”(7), nhắc nhở trồng cây xanh tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp…
Bốn là, luôn quan tâm và chăm lo đến mọi tầng lớp người trong xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người thể hiện tình thương yêu con người, là nền gốc để quy tụ, đoàn kết tạo nên sức mạnh vĩ đại để giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ tình yêu thương đối với tất cả mọi tầng lớp người trong xã hội: “… tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”(8), “Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”(9). Người căn dặn phải có một chính sách đặc biệt đối với mọi tầng lớp nhân dân, đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm để đồng bào thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất; có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa mới như thực hành lối sống tiết kiệm, tránh lãng phí, chú trọng xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái…
Năm là, chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Trong Di chúc, Bác viết: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(10). Đây cũng chính là tư tưởng đúc kết trong quá trình hoạt động cách mạng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(11). Trong bồi dưỡng, đào tạo những con người kế tục sự nghiệp cách mạng phải coi trọng cả đức và tài, trong đó Người đặt lên hàng đầu là đạo đức cách mạng. Đối với đoàn viên, thanh niên, Bác căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên””(12).
Sáu là, tăng cường đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bác dặn trong Di chúc: “Về phong trào cộng sản thế giới” chỉ dẫn định hướng quan trọng cho quan hệ đối ngoại của Đảng, đó là nguyên tắc đoàn kết quốc tế dựa trên “nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”(13), “các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”(14). Bác mong muốn khi nước nhà được độc lập, sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em, các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta… Những định hướng trên mở ra những nhận thức sâu sắc hơn về đường lối đối ngoại, mục tiêu, vai trò của công tác tăng cường đoàn kết quốc tế.
Vận dụng giá trị của Di chúc nâng cao hóa ứng xử cho Công an quận Bắc Từ Liêm
Quận Bắc Từ Liêm được đánh giá là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng cao, trình độ dân trí không đồng đều, kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện, nhiều dự án đã và đang triển khai thực hiện với hàng nghìn công nhân, người lao động đến tạm trú trên địa bàn. Một số vấn đề bất cập trong quản lý đất đai, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án; mâu thuẫn về lợi ích giữa chủ đầu tư, ban quản trị tòa nhà và cư dân tại các chung cư cao tầng… gây bức xúc trong nhân dân dẫn đến việc một số người dân tập trung đông người, tuần hành, khiếu kiện và tiềm ẩn vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai. Tình hình tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, tệ nạn xã hội được kiềm chế, không để hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp. Tuy nhiên, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm liên quan đến ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại,… với những phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, đối tượng ngày càng trẻ hóa, manh động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, trên địa bàn quận có 2 tuyến đường quốc lộ (đường Phạm Văn Đồng và Đường 32) đi qua nối liền với các tỉnh biên giới phía Bắc và tuyến sông Hồng dài 9km là điều kiện để các đối tượng hoạt động phạm tội liên quan đến ma túy, buôn lậu, vận chuyển hàng cấm và khai thác khoáng sản trái phép... Những tình hình trên đã tác động trực tiếp đến công tác bảo đảm an ninh chính trị và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô nói chung và quận Bắc Từ Liêm nói riêng.
Địa bàn quận Bắc Từ Liêm có 13 công an phường, với 325 cán bộ, chiến sĩ, chiếm tỷ lệ 50% quân số công an quận. Đây là lực lượng công an thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, thụ lý và phối hợp giải quyết 80% vụ việc xảy ra tại địa bàn; trực tiếp tham gia xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tham gia hòa giải, trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, quản lý đối tượng, quản lý hành chính về trật tự xã hội; tham gia các hoạt động do cấp ủy, chính quyền tổ chức, như công tác dân vận, xung kích, tình nguyện, ủng hộ, giúp đỡ nhân dân… Trong khi đó, địa bàn quận Bắc Từ Liêm là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn quận với hàng nghìn công nhân, người lao động đến tạm trú trên địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động trực tiếp đến công tác bảo đảm an ninh và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của quận. Do vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phường luôn phải thực hiện tốt văn hóa ứng xử, tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện “gần dân, học dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, “lúc dân cần, lúc dân khó, có công an”…
Xác định để cán bộ, chiến sĩ công an phường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì vấn đề cốt lõi là giáo dục văn hóa ứng xử trên cơ sở nền tảng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đảng ủy, lãnh đạo Công an quận Bắc Từ Liêm chỉ đạo vận dụng thực hiện hiệu quả Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân.
Theo đó, Công an quận Bắc Từ Liêm tổ chức cho công an phường trên địa bàn nghiên cứu, học tập, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội,... Tổ chức tốt giáo dục truyền thống, về nguồn, gặp mặt, giao lưu điển hình tiên tiến, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về văn hóa ứng xử; phát động công an phường xây dựng phong cách bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ… Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ về lý luận chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, công tác dân vận, kỹ năng giải quyết các tình huống thường xảy ra trong thực tiễn khi tiếp xúc với nhân dân.
Tập trung quán triệt cho lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ công an phường nắm vững chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới với các tiêu chí, như: yêu nước, tôn trọng nhân dân, trung thành với Đảng, với Tổ quốc; bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng, rèn luyện, học tập suốt đời, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ công tác “nói đi đôi với làm; làm đi đôi với nói; đã nói là làm”…
Đảng ủy, lãnh đạo công an phường năng động, sáng tạo, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ của đảng ủy, ủy ban nhân dân phường trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vận dụng lời căn dặn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử cho cán bộ, chiến sĩ, tập trung là thực hiện tốt 5 lời thề, 10 điều kỷ luật, điều lệnh, quy tắc ứng xử; chế độ học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy.
Triển khai thực hiện hiệu quả tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, tự nhận diện, phòng ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; duy trì thực hiện việc nêu gương và làm gương, nhất là cấp ủy, lãnh đạo và người đứng đầu. Phối hợp thực hiện hiệu quả các hình thức lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức và nhân dân đối với Công an nhân dân, như: hội nghị công an lắng nghe ý kiến nhân dân; đường dây nóng, hòm thư góp ý, trang điện tử, ứng dụng Zalo… để nhân dân góp ý về tư thế, lễ tiết, tác phong, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ của công an phường; định kỳ hằng năm có văn bản lấy ý kiến góp ý của đảng ủy, ủy ban nhân dân phường, ban, ngành, đoàn thể, lấy ý kiến của chi bộ, tổ dân phố đối với cảnh sát khu vực… Thông qua các ý kiến góp ý để có biện pháp quản lý, chấn chỉnh, phòng ngừa cán bộ, chiến sĩ sai phạm, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân.
Công tác nắm, giải quyết, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ công an phường được duy trì thường xuyên; lãnh đạo, chỉ huy nắm vững về hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, năng lực chuyên môn; định kỳ lãnh đạo công an quận trực tiếp tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của cán bộ, chiến sĩ; gắn công tác tư tưởng với công tác tổ chức cán bộ, thực hiện chế độ, chính sách; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết kịp thời đơn thư và xử lý sai phạm của cán bộ, chiến sĩ theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Công tác quy hoạch bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ được đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ tự giác phấn đấu, rèn luyện; đồng thời thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển, kiêm nhiệm hoạt động đoàn thể của địa phương để đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ mai sau. Công an phường chú trọng thực hiện chương trình, kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân; phối hợp với các địa bàn giáp ranh trong trao đổi thông tin, xử lý các vụ việc về an ninh, trật tự…
Định kỳ hằng tuần, hằng tháng lãnh đạo, chỉ huy duy trì chế độ học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; nhận xét, đánh giá kết quả tu dưỡng, rèn luyện tại họp giao ban, sinh hoạt chi bộ, đơn vị, lễ chào cờ Tổ quốc; kịp thời biểu dương, tôn vinh tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện, đồng thời chấn chỉnh, nhắc nhở trường hợp thực hiện chưa đúng.
Công an phường lựa chọn khâu khó, việc khó, việc còn tồn đọng để tập trung lãnh đạo thực hiện; phân công kèm cặp, bồi dưỡng, giúp đỡ cán bộ trẻ, gia đình cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách… Phối hợp tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, dân vận, xung kích, tình nguyện, ủng hộ, giúp đỡ nhân dân, xây dựng môi trường “xanh, sạch, đẹp”; tham gia trồng cây, ngày Chủ nhật xanh, ngõ phố xanh, sạch, đẹp, xây dựng đơn vị văn hóa gương mẫu chấp hành điều lệnh Công an nhân dân.
Từ thực tiễn vận dụng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục văn hóa ứng xử cho công an phường trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, chú trọng quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về nội dung, ý nghĩa sâu sắc bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận thức đúng mới có hành động đúng để vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày.
Hai là, việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao với phương châm “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an”.
Ba là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp trong giáo dục văn hóa ứng xử để phù hợp đối tượng cụ thể, sát hợp với thực tiễn. Trong đó, phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát, góp ý, giúp đỡ lực lượng Công an nhân dân.
Bốn là, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, người đứng đầu phải đề cao trách nhiệm thực hiện nêu gương và làm gương trong học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân theo phương châm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách ứng xử của Người thể hiện trong Di chúc để lại cho muôn đời sau có ý nghĩa quan trọng. Đối với công an phường là đơn vị thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở nên việc vận dụng Di chúc của Bác trong giáo dục văn hóa ứng xử có ý nghĩa định hướng, nền tảng trong tu dưỡng, rèn luyện. Phát huy truyền thống và kết quả đã đạt được, lực lượng công an quận Bắc Từ Liêm nói chung, công an phường trên địa bàn quận nói riêng nguyện suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người; không ngừng bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
----------------------
(1),(2), (3), (4), (6), (7), (8), (9), (10), (12), (13), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.15, tr. 611, 611, 613, 611-612, 623, 613, 613, 612, 613, 622, 613, 613.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 292-293.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 528.
Xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử, xứng đáng là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”  (12/11/2024)
Phú Xuyên (Hà Nội): Hồi sinh làng nghề giấy dó cổ truyền An Cốc góp phần phát triển du lịch bền vững  (11/11/2024)
Thành phố Hà Nội nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân  (10/11/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay