Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh phát triển giao thông kết nối vùng
TCCS - Trong những năm qua, hệ thống giao thông của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từng bước được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng giao thông đồng bộ không chỉ kết nối từ thành thị đến nông thôn, mà còn liên kết thuận lợi với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Đặc biệt, các tuyến giao thông quan trọng kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với quốc lộ 51 đã được triển khai đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VII đặt mục tiêu về giao thông, vận tải giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là “tạo ra kết cấu đồng bộ, hiện đại, bền vững, trong đó giao thông đường bộ là trọng tâm, cảng biển là trụ cột, giao thông đường thủy, hàng không là tăng lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế”. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2022 - 2025, thì khâu đột phá đầu tiên là: “Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, vùng, khu vực và thế giới”. Điều đó cho thấy, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối tỉnh với các vùng, khu vực và thế giới sẽ là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của tỉnh trong nhiệm kỳ tới để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bứt phá.
Xác định giao thông là điều kiện tiên quyết để phát triển, hệ thống giao thông của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được đầu tư khá đồng bộ và được đánh giá là một trong những địa phương có hệ thống giao thông đường bộ tốt nhất cả nước. Trong thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặc biệt quan tâm phát triển hệ thống giao thông nội tỉnh, đồng thời định hướng quy hoạch và xây dựng các tuyến đường kết nối với vùng qua hệ thống giao thông đa phương thức. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 1.613km giao thông đường bộ, bao gồm 3 tuyến quốc lộ 51, 55, 56 với tổng chiều dài 129km, 306km tỉnh lộ, 473km huyện lộ, 661km đường đô thị và 44km đường chuyên dụng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp 413km đường bộ.
Các tuyến tỉnh lộ kết hợp với quốc lộ tạo thành mạng lưới đường trục ngang, dọc đan xen, trải đều trên khắp địa bàn. Đường giao thông nông thôn phát triển đến hầu hết khu vực, đáp ứng cơ bản việc lưu thông trong tỉnh. Nhiều tuyến đường đi vào hoạt động đã phát huy vai trò là sức bật cho nền kinh tế của địa phương, đó là tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đây là tuyến đường khai thác hệ thống cảng biển và các khu công nghiệp dọc sông Cái Mép - Thị Vải; tuyến đường cao tốc liên vùng phía Nam, đường liên cảng được cho là giảm tải cho quốc lộ 51 tạo nên trục đường liên thông nối hệ thống cảng biển nhóm 5; đường Phước Hòa - Cái Mép, là một trong những dự án giao thông quan trọng kết nối nội vùng phục vụ hành lang kinh tế Phú Mỹ - Cái Mép - Long Sơn - Vũng Tàu, kết nối quốc lộ 51 với đường liên cảng, được thiết kế 6 làn xe; đường 991B nối quốc lộ 51 từ nút giao Hội Bài - Tóc Tiên với đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải phục vụ vận chuyển hàng hóa cho các cảng biển ở khu vực Cái Mép - Thị Vải, trung tâm dịch vụ logistics, các khu công nghiệp và nhu cầu đi lại của người dân. Ngoài những tuyến đường trên, quốc lộ 56 tuyến tránh thành phố Bà Rịa cũng rút ngắn cung đường vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp và hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải ra quốc lộ 1 đi các khu vực khác.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 48 cảng đang hoạt động với tổng chiều dài cầu cảng hơn 17km, công suất 180 triệu tấn/năm. Riêng hệ thống cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có 22 cảng, trong đó cảng container đã đi vào hoạt động với tổng chiều dài cầu bến gần 11km với tổng công suất thiết kế 129 triệu tấn/năm, 8 cảng container có công suất 8,3 triệu TEU/năm. Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có thể tiếp nhận được tàu container lớn nhất thế giới tải trọng lên tới hơn 200.000DWT và là 1 trong 20 cảng trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu siêu trọng và nằm trong nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới. Các khu bến Thị Vải, khu bến Sao Mai - Bến Đình, bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu, khu bến sông Dinh, khu bến cảng Côn Đảo… là những bến cảng lớn, đáp ứng vận chuyển hàng hoá và dịch vụ logistics. Ngoài ra, còn có khu bến Long Sơn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với chức năng hóa dầu, luyện kim và ngành năng lượng, có bến hàng lỏng/khí, tổng hợp, container, hàng rời… Đặc biệt, có các bến cảng dầu khí ngoài khơi phục vụ các mỏ Rồng Đôi, Rạng Đông, Lan Tây, Đại Hùng, Chí Linh, Ba Vì, Vietsopetro 01, Chim Sáo, Tê Giác Trắng và các bến cảng khác, phát triển phù hợp với nhu cầu khai thác mỏ dầu khí. Đường thuỷ có hành lang kết nối với tỉnh có tuyến Vũng Tàu - Thị Vải - Thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ dài khoảng 286,5km.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, đã xuất hiện những bất cập về kết nối giao thông. Mặc dù hạ tầng giao thông đường bộ nội vùng của tỉnh tương đối tốt, nhưng mạng lưới giao thông kết nối vùng chưa theo kịp nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế của tỉnh và cả khu vực. Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tăng từ 59.000 tỷ đồng lên 75.000 tỷ đồng. Trong đó, dành nguồn lực ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm. Đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông nội tỉnh, đồng thời cùng các địa phương đẩy nhanh việc triển khai các dự án trọng điểm, kết nối liên vùng, nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ các khu kinh tế, công nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải, giảm bớt áp lực cho quốc lộ 51 vốn đã quá tải từ lâu. Qua đó, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tỉnh cũng chuẩn bị các thủ tục pháp lý để phối hợp triển khai tuyến đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, đồng bộ với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An; Dự án cầu Phước An với tổng mức đầu tư gần 5 nghìn tỷ đồng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với khu vực Cái Mép - Thị Vải, giúp việc vận chuyển hàng hóa từ đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực lân cận đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nhanh chóng và thuận tiện...
Dự kiến đến năm 2025, sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành giai đoạn 1, đi vào hoạt động, đồng thời, tuyến đường sắt Biên Hòa - Cái Mép đang được khẩn trương các bước triển khai xây dựng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có 5 phương thức vận tải: đường biển, đường thủy, đường bộ, đường không và đường sắt, trở thành địa phương có hệ thống vận tải đa phương thức là lợi thế ít tỉnh nào trong cả nước có được. Bên cạnh đó, Cảng hàng không Côn Đảo đang có kế hoạch nâng cấp, mở rộng đường băng để đón được máy bay cỡ lớn, hoạt động cả ngày lẫn đêm và gia tăng công suất đón khách. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất Bộ Giao thông vận tải xem xét đưa sân bay Gò Găng vào quy hoạch thành cảng hàng không Vũng Tàu, kết nối cùng với Cảng hàng không quốc tế Long Thành để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh, khu vực và trên cả nước, mở ra không gian phát triển mạnh mẽ cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, góp phần tạo động lực phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tuyến đường Phước Hòa - Cái Mép (gần 1.000 tỉ đồng) kết nối quốc lộ 51 với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và khu công nghiệp đã được đầu tư và hoàn thành./.
Bà Rịa - Vũng Tàu hướng tới phát triển du lịch xanh và bền vững  (01/12/2023)
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hướng phát triển bền vững  (28/11/2023)
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư  (27/11/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay