Khơi dậy khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại
TCCS – “Dựa vào dân”, “lấy dân làm gốc” để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là truyền thống và là kinh nghiệm quý báu được đúc kết trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã kế thừa sâu sắc và vận dụng sáng tạo nhận thức về vị trí, vai trò của nhân dân trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo để khơi dậy khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân, tạo ra động lực và sức mạnh to lớn để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Kế thừa sâu sắc truyền thống “dựa vào dân”, “lấy dân làm gốc” để khơi dậy khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại
“Dựa vào dân”, “lấy dân làm gốc” là bài học kinh nghiệm quý được đúc kết từ suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. Khi trả lời vua Anh Tông, Trần Quốc Tuấn đã chỉ rõ: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”(1).
Đề cập đến vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân, V.I. Lê-nin khẳng định: “Cuộc cách mạng chỉ thực sự là một cuộc cách mạng khi nào hàng chục triệu người đồng lòng hăng hái nổi dậy”(2). Quán triệt tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến vai trò của nhân dân, sức mạnh của “lòng dân” trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước lấy dân làm gốc”(3), “Gốc có vững cây mới bền,/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(4). Người nhắc nhở cán bộ: “Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”(5).
Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đúc kết một trong 5 bài học quan trọng trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới là: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần, trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”(6). Đặc biệt, trên cơ sở nhận thức rõ vị trí, vai trò và sức mạnh của nhân dân, “Dựa vào dân”, “Lấy dân làm gốc”, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa”(7).
Kế thừa truyền thống của dân tộc, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, trong suốt tiến trình lịch sử, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn “Dựa vào dân”, “Lấy dân làm gốc” để xây dựng, phát triển Thủ đô. Đặc biệt, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố cùng các cấp, các ngành đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm khơi dậy khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu: Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 - 13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD(8).
Để đạt được mục tiêu đề ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định là: Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác dân vận; thực hiện tốt quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Tiếp tục thực hiện tốt quy định tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố… Đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát tổ chức đảng và đảng viên, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy trong việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp trong việc thực hiện công tác dân vận. Xây dựng đội ngũ cán bộ gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với nhân dân(9).
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “Dựa vào dân”, “Lấy dân làm gốc”, khơi dậy khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn hiến, văn minh, hiện đại. Đặc biệt, Chương trình 04 về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”; Chương trình 06 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” và Chương trình 08 về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025” là những chương trình đề cập trực tiếp tới việc khơi dậy khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn hiến, văn minh, hiện đại. Điều đó cho thấy chủ trương, đường lối đúng đắn của Thành ủy Hà Nội nhằm khơi dậy khát vọng cống hiến của nhân dân Thủ đô. Nói cách khác, những chủ trương đó là biểu tượng của “ý Đảng” và “lòng dân”. Bởi chỉ khi nào chủ trương, chính sách hướng về nhân dân, lấy nhân dân làm trung tâm, làm chủ thể cho sự phát triển; chăm lo đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, thì khi đó sức mạnh của nhân dân sẽ được phát huy cao nhất; khát vọng cống hiến của nhân dân sẽ được nhân lên mạnh mẽ.
Nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn, Hà Nội đã từng bước phát huy được vị trí, vai trò và sức mạnh của nhân dân trong xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Điều đó được minh chứng bằng những sự kiện trọng đại, những thành tựu của Thủ đô đạt được trong thời gian qua đều có dấu ấn to lớn của các tầng lớp nhân dân. Chính khát vọng cống hiến của nhân dân Thủ đô là nhân tố quan trọng góp phần làm cho Hà Nội từng bước hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố. Chỉ tính riêng năm 2023, trong phát triển kinh tế - xã hội, thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát của năm 2023: “hoàn thành và vượt mức 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Các ngành, lĩnh vực đều phát triển khá. GRDP đạt 6,27% (cao hơn mức bình quân chung cả nước); GRDP bình quân đầu người ước đạt 150 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách trên địa bàn đạt 410,51 nghìn tỷ đồng (đạt 116,3% dự toán, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022); chi ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực, tiết kiệm chi thường xuyên; tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 504,89 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0%; vốn FDI đạt 2.874 triệu USD, tăng 62%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%; lượng khách du lịch đến Thủ đô Hà Nội dự kiến đạt 24 triệu lượt khách, trong đó 4 triệu lượt khách quốc tế”(10).
Như vậy, có được kết quả xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại thời gian qua bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó nhân tố quan trọng là Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội đã kế thừa sâu sắc truyền thống “Dựa vào dân”, “Lấy dân làm gốc” để khơi dậy khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân. Đó cũng là bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố trong xây dựng, phát triển Thủ đô.
Tiếp tục khơi dậy khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại
Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ còn nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột sắc tộc, tôn giáo ở một số khu vực trên thế giới tác động đến chính trị, kinh tế, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu. Khoa học - công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức mới đối với mọi quốc gia, dân tộc; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, có thể đe doạ nghiêm trọng đến sự ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta... Trong khi đó, ở trong nước, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch. Đối với Hà Nội, với vai trò và vị thế của Thủ đô, những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng thời cơ, thuận lợi vẫn là chủ đạo.
Nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua nguy cơ, thách thức, để tiếp tục khơi dậy khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, trong thời gian tới, Đảng bộ thành phố Hà Nội cần thực hiện tốt một số yêu cầu sau:
Một là, Hà Nội phải tập trung huy động trí tuệ của toàn Đảng bộ, khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm của mỗi người dân Thủ đô; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi định hướng và tầm nhìn phát triển Thủ đô - thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại; trong đó, người dân Thủ đô là trung tâm của quá trình phát triển, chất lượng cuộc sống của mọi người dân được đặt lên hàng đầu. Chỉ có như vậy mới phát huy được hết sức mạnh của các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Hai là, Hà Nội cần nhận thức sâu sắc hơn và giải quyết hiệu quả hơn nữa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; đồng thời, chú trọng phát triển kinh tế nhanh, bền vững trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Thành phố cần quan tâm nhiều hơn đến chăm lo phát triển, phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Nội, chăm lo cải thiện, bảo vệ môi trường xã hội, văn hóa, sinh thái, nâng cao chỉ số con người, chỉ số hạnh phúc. Đây chính là những thước đo thiết thực nhất, phù hợp với lòng dân nhất về tính ưu việt của Thủ đô xã hội chủ nghĩa… Thực hiện tốt được những yêu cầu đó là một trong những biện pháp quan trọng để tiếp tục khơi dậy khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Ba là, cần tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, một động lực quan trọng phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới. Đồng thời, không ngừng bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, gương mẫu về đạo đức, lối sống, khát vọng đổi mới sáng tạo, ý chí vươn lên của mỗi người dân Thủ đô. Chỉ có như vậy, khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân ngày càng nâng cao, góp phần nhiều hơn nữa cho việc xây dựng một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Bốn là, quần chúng nhân dân trên địa bàn Thủ đô chính là rường cột cho dựng xây, phát triển và là bệ đỡ cho khát vọng dân tộc. Mỗi người dân nơi đây, cho dù có nguồn cội từ bốn phương về sinh sống, lập nghiệp, làm việc trên địa bàn Thủ đô, hay là những người Tràng An thì họ đều là những nhân tố góp phần xây dựng nên khối đại đoàn kết, cùng chung sức đồng lòng vun đắp Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Do đó, trong bối cảnh mới, cần tiếp tục thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nếu thực hiện tốt phương châm này, mỗi người dân sẽ là một động lực xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội. Theo đó, cùng với nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, hiệu quả, thời gian qua, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã từng bước khơi dậy khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn hiến, văn minh, hiện đại. Trong thời gian tới, trước bối cảnh tình hình mới, với những chủ trương, chính sách được ban hành, những giải pháp nêu trên là vấn đề có tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được vận dụng sáng tạo để tiếp tục khơi dậy khát vọng của các tầng nhân dân, đồng lòng, chung sức, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với truyền thống Văn hiến - Anh hùng - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người - Thành phố vì hòa bình, hữu nghị và sáng tạo, mãi xứng đáng với niềm tin yêu, hy vọng của đồng bào và chiến sĩ cả nước; sánh vai với thủ đô các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
----------------------
(1) Ngô Sỹ Liên và các sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, t. 2, tr. 79
(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 36, tr. 613
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 501
(4) Hồ chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t. 5, tr. 502
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 142
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 69
(7) Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 116 - 117
(8) Thành ủy Hà Nội: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tr. 115
(9) Thành ủy Hà Nội: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tr. 128 - 129
(10) Nguyễn Thị Tuyến: “Xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, Báo Lao động Thủ đô, ngày 10-2-2024, https://laodongthudo.vn/xay-dung-thu-do-ha-noi-ngay-cang-giau-dep-van-minh-hien-dai-165705.html
Hà Nội phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quản lý nhà nước ở địa phương qua thực hiện phân cấp, ủy quyền  (08/11/2024)
Để phát huy hiệu quả nguồn lực FDI tại Hà Nội theo hướng bền vững  (06/11/2024)
Thành phố Hà Nội nâng cao chất lượng dân số vì sự phát triển bền vững  (05/11/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay