Ngân hàng chính sách xã hội: Một năm nhiều dấu ấn
TCCSĐT - Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, chỉ tính riêng năm 2018, việc bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 2.764 tỷ đồng, mức cao nhất trong 16 năm qua.
Ngân hàng Chính sách xã hội chính thức thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg, ngày 04-10-2002, của Thủ tướng Chính phủ để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện bảo tồn vốn ban đầu, phát triển vốn, bù đắp chi phí. Tính đến nay, sau 16 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, ngày càng củng cố được vị trí, vai trò của mình trong hệ thống ngân hàng nói riêng và trong lòng nhân dân nói chung.
Thành công lớn trong hoạt động tín dụng chính sách
Năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội gặt hái được nhiều thành công trong hoạt động truyền tải vốn vay ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo, đối tượng chính sách khác trên phạm vi cả nước, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đây là điểm sáng của Ngân hàng Chính sách xã hội trong hoạt động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tính đến ngày 31-12-2018, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt 194.420 tỷ đồng, tăng 19.038 tỷ đồng so với năm 2017. Trong đó, vốn điều lệ tăng 3.197 tỷ đồng, vốn huy động của các tổ chức, cá nhân trên thị trường tăng 6.533 tỷ đồng.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đến nay, nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đạt 8.000 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn nhận ủy thác này đến hết ngày 31-12-2018, đạt 11.809 tỷ đồng. Riêng trong năm 2018, nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 2.764 tỷ đồng, mức tăng cao nhất trong 16 năm qua. Cũng tính đến ngày 31-12-2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 187.792 tỷ đồng, tăng 16.003 tỷ đồng (tăng 9,3%) so với năm 2017, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn. Trong đó, dư nợ tín dụng thực hiện theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao đạt 165.141 tỷ đồng, tăng 12.938 tỷ đồng (tăng 8,5%), hoàn thành 100% kế hoạch.
Củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, Ngân hàng Chính sách xã hội luôn chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Nhờ vậy, đến hết năm 2018, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.467 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,78%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn 736 tỷ đồng, chiếm 0,39%/tổng dư nợ. Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai đã đầu tư đến 100% xã, phường trên cả nước. Riêng trong năm 2018, tổng doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 62.078 tỷ đồng, tăng 6.964 tỷ đồng so với năm 2017, với hơn 2,1 triệu lượt hộ được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách tập trung vào một số chương trình, như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Tín dụng chính sách góp phần giúp hơn 300.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 245.000 lao động; giúp hơn 6.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Cũng từ nguồn vốn tín dụng chính sách, hơn 51.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; trên 1,3 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn được xây dựng. Cùng với đó, gần 30.000 căn nhà ở đã hoàn thành giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống và hơn 2.800 căn nhà ở xã hội được xây dựng theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP...
Tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, doanh số cho vay đạt 6.121 tỷ đồng, với gần 185.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại các huyện nghèo đạt 20.309 tỷ đồng, với gần 595.000 khách hàng còn dư nợ. Thời điểm cuối năm 2017, dư nợ bình quân một huyện nghèo trên 227 tỷ đồng; hiện nay, dư nợ bình quân đạt trên 239 tỷ đồng/huyện.
Với mục tiêu góp phần xây dựng nông thôn mới, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã nông thôn mới tính đến ngày 31-12-2018 đạt 118.695 tỷ đồng, chiếm 63,2%/tổng dư nợ, với gần 5,5 triệu khách hàng còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động, trong đó hơn 3.300 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 29.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 600.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng gần 18.000 căn nhà ở cho hộ nghèo. Cũng trong năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội được ngân sách nhà nước cấp 500 tỷ đồng để thực hiện cho vay chương trình nhà ở xã hội. Nếu tính cả 50% nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được ngân sách cấp bù để cho vay theo quy định, thì năm 2018, nguồn vốn cho vay chương trình nhà ở xã hội đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phân giao ngay chỉ tiêu kế hoạch cho chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội các tỉnh, thành phố triển khai, đã thực hiện cho vay 905 tỷ đồng.
Tính đến nay, có gần 1,5 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang được thụ hưởng hầu hết 20 chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ 45.194 tỷ đồng, chiếm 24,7%/tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội. Mức dư nợ bình quân 1 hộ đạt 30,6 triệu đồng (mức bình quân chung là 27,3 triệu đồng/hộ). Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống trong vùng dân tộc thiểu số, giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội; ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi... Đặc biệt, việc sử dụng vốn tín dụng chính sách đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Đa dạng hóa các hoạt động nghiệp vụ
Tổ tiết kiệm và vay vốn là một tập hợp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống. Các thành viên (tổ viên) tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh và đời sống, đồng thời cùng giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ Ngân hàng. Một tổ tiết kiệm và vay vốn phải có tối thiểu 5 tổ viên và tối đa là 60 tổ viên; các tổ viên phải cư trú hợp pháp theo địa bàn dân cư thuộc đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, trong đó các tổ viên được sắp xếp theo hướng liền canh, liền cư. Nhận thấy tính tích cực, hiệu quả của việc cho vay thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, đến nay, về cơ bản các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đều được thực hiện cho vay theo Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện nay, ở 11.162 xã, phường, thị trấn trên toàn quốc có gần 186.500 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động. Đây là nền tảng nâng cao hiệu quả và chất lượng vốn tín dụng nhằm mục đích tương trợ, phổ biến kinh nghiệm giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, tạo thu nhập.
Để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận thuận lợi với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng đưa các hoạt động nghiệp vụ về phục vụ ngay tại điểm giao dịch xã (xã, phường, thị trấn) thông qua hoạt động của tổ giao dịch xã. Điểm giao dịch xã được hiểu là nơi Ngân hàng tổ chức giao dịch với khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn một xã, được đặt trong khuôn viên trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã. Phiên giao dịch xã diễn ra vào ngày cố định hàng tháng. Các ngày giao dịch cố định của từng xã được niêm yết trên trang mạng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến cuối năm 2017, Ngân hàng có trên 10.900 điểm giao dịch xã.
Hoạt động giao dịch lưu động tại xã do một tổ giao dịch thực hiện. Tổ này là một bộ phận nghiệp vụ gồm tối thiểu 3 nhân viên, có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền và công khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm và thực hiện quy trình xử lý nợ, họp giao ban với tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác. Việc tổ chức giao dịch vào ngày cố định tại điểm giao dịch xã được xem là phát huy dân chủ, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện chức năng phản biện xã hội, tạo mối quan hệ gần gũi giữa nhân viên ngân hàng với người dân.
Ngày 14-11-2018, Ngân hàng Chính sách xã hội và Công ty MicroSave phối hợp phát động chương trình 3i nhằm thực hiện chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2020 theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận sản phẩm dịch vụ tốt nhất. Chương trình 3i (Inovate - Implement - Impact/Đổi mới - Thực hiện - Tác động) có mục tiêu xây dựng và cung cấp các dịch vụ tài chính cho thị trường đại chúng bằng cách sử dụng các công nghệ kỹ thuật số với những hiểu biết chuyên sâu về nhu cầu, nguyện vọng và hành vi cho người dân nông thôn. Theo đó, chương trình sẽ tăng cường kiến thức và cơ hội sử dụng công nghệ thông tin và dịch vụ ngân hàng qua điện thoại cho khách hàng cũng như Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn.
Tăng cường vai trò của các hội, đoàn thể nhằm xã hội hóa hoạt động tín dụng
Ngân hàng Chính sách xã hội có hai phương thức cho vay: cho vay trực tiếp và cho vay ủy thác. Cho vay ủy thác nghĩa là Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ủy thác một số công đoạn trong quy trình cho vay cho bốn tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là Hội, Đoàn thể) gồm Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Việc ủy thác cho hội, đoàn thể là nhằm công khai hóa, xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của tổ chức hội, đồng thời củng cố hoạt động của tổ chức hội ở cơ sở. Việc bình xét hộ vay vốn công khai, dân chủ bảo đảm đưa vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Mặt khác, việc ủy thác giúp đối tượng thụ hưởng tiếp cận dễ dàng, hiệu quả với dịch vụ tài chính, tiết kiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội. Quan hệ giữa Ngân hàng và hội, đoàn thể được xác lập qua văn bản liên tịch, văn bản thỏa thuận (cấp Trung ương); văn bản liên tịch (cấp tỉnh, huyện) và hợp đồng ủy thác (cấp xã).
Năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hoàn thành toàn diện, vượt mức chỉ tiêu đề ra, trong đó, con số nợ xấu ở mức rất thấp, 0,78%. Kết quả đáng ghi nhận nữa là hệ thống chính trị như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên… đã vào cuộc, cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội huy động, cho vay, giám sát thực hiện, cho nên, đồng vốn đã đến tận tay người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ngân hàng Chính sách xã hội trở thành cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước trong việc quan tâm đến người nghèo, đối tượng chính sách. Mô hình hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực tế chứng minh là phù hợp với điều kiện, cấu trúc hệ thống chính trị của nước ta, không những về hiệu quả kinh tế, khả năng tiếp cận tín dụng, sử dụng vốn mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội rất lớn với mục tiêu tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Với nhiệm vụ quan trọng này, vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng lớn, cần tiếp tục củng cố, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội
Việt Nam được các tổ chức của Liên hợp quốc đánh giá cao về việc thực hiện an sinh xã hội, trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội là kênh quan trọng thực hiện nhiệm vụ này. Nhiều địa phương ủy thác vốn ngân sách sang Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, bởi đây là việc làm cần thiết, đầu tư cho con người, cho người nghèo. Với mạng lưới hoạt động trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 điểm giao dịch xã, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được trên 194.000 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn ủy thác các địa phương chuyển sang để thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 11.809 tỷ đồng) để cho vay với tổng dư nợ đến hết năm 2018 đạt trên 187.000 tỷ đồng. Gần 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.
Sau 16 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trên 34,1 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi, góp phần giúp trên 5,1 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động. Hơn 3,6 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Trên 118.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài… Năm 2018, nguồn vốn ủy thác địa phương đạt mức kỷ lục. Đây là điểm sáng của Ngân hàng Chính sách xã hội trong hoạt động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
* * *
Trong thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội được Thủ tướng Chính phủ giao, tiếp tục tập trung tham mưu các bộ, ban, ngành tại Trung ương và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt nội dung Chỉ thị số 40 và Quyết định số 401 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, Ngân hàng Chính sách xã hội cần tiếp tục quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời, bảo đảm cho vay thuận lợi cho người dân, đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng, công khai, minh bạch. Thủ tục phải ngày càng đơn giản, thuận lợi, bên cạnh đó, cần chống thất thoát.
Thứ hai, cải cách, đổi mới, cạnh tranh lành mạnh với các ngân hàng thương mại để đồng vốn tới người dân thuận lợi hơn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao năng suất, giảm chi phí. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người vay vốn để nâng cao khả năng bảo toàn vốn. Trong bối cảnh hoạt động tín dụng “đen” thời gian qua xảy ra trên nhiều địa bàn gây bất ổn trật tự xã hội, tác động xấu đến hoạt động tiền tệ ngành ngân hàng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, các đơn vị tập trung rà soát các đối tượng vay vốn, không để một đối tượng nào thuộc diện hộ nghèo mà không được tiếp cận tín dụng chính sách, rơi vào “bẫy tín dụng đen”.
Thứ ba, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chú trọng tới việc chấp hành các thủ tục quy trình nghiệp vụ, chất lượng hoạt động giao dịch tại xã, công tác ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của chính quyền địa phương, tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện, củng cố chất lượng hoạt động để hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn phát triển mới. Tiếp tục thực hiện chương trình kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề và phúc tra chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội các tỉnh, thành phố theo kế hoạch. Tăng cường công tác giám sát từ xa hoạt động tại Ngân hàng Chính sách xã hội cơ sở nhằm kịp thời phát hiện sai sót, tồn tại để có biện pháp xử lý. Tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời những giải pháp và chính sách mới được ban hành có liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Chủ động rà soát các chương trình tín dụng chính sách xã hội để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh đối tượng cho vay, mức cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay cho phù hợp thực tiễn hoạt động.
Thứ năm, rà soát, kiện toàn công tác tổ chức cán bộ toàn hệ thống. Tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông về tín dụng chính sách, tăng cường công tác trao đổi, học tập kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Phối hợp với các bộ, ban ngành chức năng (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ) trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn điều lệ, cấp vốn kịp thời cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình chính sách xã hội hằng năm./.
Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra 6 bộ: Tranh luận tư duy quản lý  (22/04/2019)
Thủ tướng tham dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường” tại Trung Quốc  (22/04/2019)
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên bang Nga thăm, làm việc tại Việt Nam  (22/04/2019)
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần  (22/04/2019)
“Áo hồng cánh sen” đem niềm vui về xã  (22/04/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên