Vai trò của hệ thống chính trị ở nông thôn tỉnh Ninh Thuận trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
TCCS - Hệ thống chính trị ở nông thôn của tỉnh Ninh Thuận đã vào cuộc tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thể hiện qua vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, việc tổ chức điều hành, quản lý đồng bộ, thống nhất của các cấp chính quyền, sự giám sát, phản biện tích cực, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Nghị quyết số 25/2021/QH15, ngày 28-7-2021, của Quốc hội “Về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”, Quyết định số 263/QĐ- TTg, ngày 22-2-2022, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” quy định đối tượng thực hiện chương trình gồm hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và toàn xã hội, trong đó chủ thể là người dân trên địa bàn nông thôn.
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy Ninh Thuận ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 13-1-2023, “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy thực hiện xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy Ninh Thuận đã xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch và các cơ chế, chính sách về xây dựng nông thôn mới (NTM); chỉ đạo, tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến về xây dựng nông thôn mới; đồng thời tăng cường công tác theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện; kịp thời phát hiện những cách làm hay, để động viên, khen thưởng và nhân rộng điển hình, cũng như hạn chế, yếu kém để khắc phục…
Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn trong thực hiện nông thôn mới
Thực hiện các nội dung, mục tiêu xây dựng NTM, vai trò của hệ thống chính trị (HTCT) cơ sở ở nông thôn của tỉnh Ninh Thuận được xác định là rất quan trọng để triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về xây dựng NTM đến với toàn thể nhân dân, được thể hiện nổi bật ở những khía cạnh sau:
Một là, nắm bắt, vận dụng sáng tạo chỉ thị, nghị quyết, chính sách và pháp luật trong xây dựng NTM. Khâu quan trọng của xây dựng NTM chính là việc HTCT cấp cơ sở thực hiện việc nắm bắt, vận dụng sáng tạo các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản của cấp ủy và chính quyền các cấp vào thực tiễn của địa phương; nhằm tạo sự đồng thuận chung về nhận thức, hành động trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh ở khu vực nông thôn, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Hai là, lập kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu xây dựng NTM. Vai trò này của HTCT cơ sở bao gồm: vạch ra các mục tiêu, nhiệm vụ cho kế hoạch giai đoạn 5 năm và hằng năm, các kế hoạch cụ thể, xây dựng các mục tiêu ngắn hạn và kế hoạch ngân sách. Việc lập kế hoạch xây dựng NTM của HTCT cấp cơ sở đóng vai trò mang tính định hướng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng NTM ở từng địa phương. Việc xác lập kế hoạch xây dựng với các chỉ tiêu phù hợp với thực tế sẽ giúp chọn lựa cách thức thực hiện hợp lý, từ đó, có các quyết định phù hợp và hiệu quả. Đây là vai trò mấu chốt, bao gồm việc tìm ra các phương thức, giải pháp và nguồn lực thích hợp, kịp thời để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong xây dựng NTM.
Ba là, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM. Vai trò tuyên truyền, vận động của HTCT cơ sở thể hiện trên các mặt: Giúp nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức và người dân về xây dựng NTM, từ đó, có các hoạt động phối hợp, hỗ trợ triển khai thiết thực, phát huy tốt vai trò chủ thể, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dân trong xây dựng NTM. Tuyên truyền, phổ biến, lan tỏa những mô hình hiệu quả, những cách làm hay trong xây dựng NTM để các địa phương có thể áp dụng.
Bốn là, tổ chức thực hiện xây dựng NTM. Vai trò tổ chức thực hiện trong xây dựng NTM của HTCT cơ sở thể hiện qua việc thành lập bộ máy chỉ đạo, điều hành, giám sát. HTCT cơ sở lãnh đạo, tổ chức, điều hành, quản lý, hướng dẫn nhân dân về mọi mặt trong xây dựng NTM bảo đảm theo đúng pháp luật và các chính sách, kế hoạch, chương trình, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, chống tham ô, lãng phí.
Năm là, huy động nguồn lực trong xây dựng NTM. HTCT cơ sở có vai trò, trách nhiệm vận động, huy động nguồn lực xây dựng NTM, nhất là xã hội hóa dựa trên nguyên tắc “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Các hình thức huy động của HTCT cơ sở bao gồm: tiền mặt, hiện vật (như đất đai, hoa màu và các tài sản gắn liền với đất), ngày công lao động và các hình thức xã hội hóa khác.
Sáu là, kiểm tra, giám sát trong xây dựng NTM. Vai trò kiểm tra, giám sát của HTCT cấp cơ sở bao gồm: Xây dựng chương trình hoạt động công tác kiểm tra, giám sát và phân công cán bộ kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết, chính sách, pháp luật về xây dựng NTM; quan tâm và tạo điều kiện để ban giám sát cộng đồng hoạt động có hiệu quả; giải quyết kịp thời các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc.
Bảy là, đề xuất, kiến nghị lên các cơ quan và cấp có thẩm quyền cách thức xử lý những yếu kém, bất cập. Trong quá trình thực hiện, HTCT cơ sở tổng kết những mô hình, kinh nghiệm quý báu trong xây dựng NTM, phát hiện những bất cập, hạn chế, vướng mắc, chỉ ra những điểm phù hợp và không hợp lý trong thực hiện các chính sách liên quan đến xây dựng NTM trên địa bàn, từ đó đề xuất với các cơ quan và cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Từ những kết quả đáng khích lệ…
Thứ nhất, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy ở nông thôn trong xây dựng NTM.
Căn cứ các nghị quyết, chỉ thị và các văn bản hướng dẫn của Tỉnh ủy Ninh Thuận, thành ủy, huyện ủy, các cấp ủy ở nông thôn đã tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Qua 3 năm thực hiện, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy được thể hiện qua việc đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của tập thể cấp ủy trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình tại địa phương; xác định được những vấn đề cơ bản, trọng tâm, cấp bách cần giải quyết trước. Quá trình triển khai thực hiện chương trình là thực sự dân chủ, tuyệt đối không áp đặt, nhân dân được lấy ý kiến trong việc xây dựng và công nhận NTM. Tạo điều kiện và phát huy tối đa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Kế thừa và phát huy hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” trong thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục ban hành kế hoạch thực hiện mô hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2022 - 2025 gắn với việc vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương. Mô hình “Dân vận khéo” tiếp tục nhận được sự đồng thuận, tích cực tham gia của các cơ quan, đơn vị kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và HTCT, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Thứ hai, chú trọng công tác quản lý, điều hành của chính quyền nông thôn.
Xác định xây dựng NTM là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó, chính quyền có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là chính quyền cấp xã - cấp trực tiếp tổ chức, thực hiện xây dựng NTM ở địa phương. Căn cứ kế hoạch, đề án xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện của Trung ương, tỉnh, chính quyền cấp xã xây dựng cụ thể kế hoạch, mục tiêu nhiệm vụ, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM phù hợp với điều kiện, nguồn lực của địa phương. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng và tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn thông qua cơ chế hỗ trợ, lồng ghép đa dạng hóa nguồn lực huy động từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư phục vụ xây dựng NTM. Cơ chế đầu tư đặc thù giúp đơn giản hóa về thủ tục hành chính, tiết kiệm về thời gian và phát huy vai trò chủ thể của người dân thông qua việc tham gia trực tiếp thực hiện, giám sát các công trình. Quá trình thực hiện có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, cá nhân, tạo ra mối quan hệ phối hợp trong nội bộ hệ thống chính quyền các cấp, bảo đảm vận hành nhịp nhàng và đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá luôn được quan tâm, thường xuyên thực hiện trên tất cả các nội dung của chương trình, góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại tỉnh Ninh Thuận thời gian qua.
Thứ ba, sự tích cực tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn trong xây dựng NTM.
Cùng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong quá trình phối hợp, tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp cùng chính quyền, ban chỉ đạo cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về chương trình bằng nhiều hình thức khác nhau thông qua các cuộc vận động, phong trào, đề án như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Chương trình khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế, Chương trình trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng NTM(1)… góp phần thực hiện tốt các nội dung, tiêu chí NTM.
Công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình thực hiện NTM ngày càng được quan tâm, triển khai thực hiện. Công tác giám sát được tổ chức định kỳ hoặc đột xuất, tập trung vào việc giám sát thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến chương trình xây dựng NTM. Giám sát việc công khai, minh bạch các nguồn lực huy động để thực hiện xây dựng NTM và đặc biệt là giám sát kết quả xây dựng NTM thông qua việc lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân khi xét, công nhận các xã, thôn đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Hoạt động phản biện cũng được Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tham gia, góp ý khi xây dựng dự thảo các cơ chế, chính sách của tỉnh liên quan đến Chương trình mục tiêu xây dựng NTM, nhất là các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, tổ chức thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Nhận thức rõ việc thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, HTCT cơ sở đã quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện, phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” với nội dung thiết thực, hiệu quả. Các chương trình, dự án trên địa bàn, từ việc lập kế hoạch đến triển khai đầu tư và tổ chức giám sát thi công, bảo dưỡng công trình, được thực hiện công khai, minh bạch. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân thông qua việc lấy ý kiến người dân tại các thôn, xóm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và được nhân dân đồng thuận, cùng với Nhà nước hoàn thiện, bổ sung các hương ước, quy ước để cùng xây dựng NTM. Đặc biệt, việc thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở đã tạo ra những tác động to lớn trong việc huy động nguồn lực từ nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2021 - 2023 (tính đến tháng 6-2023), tỉnh Ninh Thuận đã huy động được 82.675 triệu đồng từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư cho xây dựng NTM; trong đó huy động từ doanh nghiệp là 38.042 triệu đồng và từ cộng đồng dân cư là 44.633 triệu đồng.
… Đến những con số cụ thể
Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh Ninh Thuận có thêm 36 thôn đạt chuẩn thôn NTM (lũy kế là 38 thôn đạt chuẩn thôn NTM) và 2 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Ở cấp xã có thêm 5 xã đạt chuẩn xã NTM (lũy kế là 31 xã đạt chuẩn xã NTM) và 8 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (lũy kế là 10 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao); đồng thời tiếp tục duy trì, giữ vững chất lượng 2 huyện đạt chuẩn huyện NTM giai đoạn 2016 - 2020.
Mặc dù việc triển khai Chương trình mục tiêu xây dựng NTM trong bối cảnh có nhiều khó khăn, nhất là tác động của đại dịch COVID-19, nhưng với sự quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức, điều hành và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, đơn vị trong HTCT cơ sở ở nông thôn đã huy động được nguồn lực, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của chương trình, đặc biệt là đã tạo điều kiện, phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, hoàn thành các mục tiêu của chương trình đề ra theo kế hoạch hằng năm. Có thể nói, ở những nơi xây dựng NTM thành công tức là HTCT cơ sở ở nơi đó đã phát huy hiệu quả vai trò của mình trong thực hiện NTM.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy vai trò của HTCT cấp cơ sở ở nông thôn trong xây dựng NTM vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Một số cấp ủy chưa phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận trong HTCT cấp cơ sở trong xây dựng NTM chưa được phân định rõ. Tổ chức và hoạt động của một số tổ chức cơ sở đảng còn mang tính hình thức, hiệu quả đạt được chưa cao. Trình độ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng NTM.
Tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở ở nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của HTCT cấp cơ sở ở nông thôn trong xây dựng NTM, đặc biệt là ở những xã, thôn chưa đạt chuẩn NTM, cần triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, việc quán triệt, thực hiện nghị quyết của tổ chức cơ sở đảng trong thực hiện NTM.
Để phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng ở khu vực nông thôn, với vai trò là lực lượng đi đầu trong xây dựng NTM, cần tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng (chi bộ thôn, đảng bộ xã) trong sạch, vững mạnh về tư tưởng, có năng lực tổ chức thực hiện, năng lực quản lý, điều hành xây dựng NTM. Cấp ủy cơ sở cần cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, địa phương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả tại địa phương thông qua hệ thống quy định, cơ chế, chính sách. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng trong xây dựng và thực hiện tiêu chí xây dựng NTM; thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn ở nông thôn.
Hai là, nâng cao năng lực và phát huy vai trò nòng cốt của chính quyền cơ sở trong lập kế hoạch chỉ tiêu và tổ chức thực hiện NTM.
Phát huy hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở, như: Nâng cao chất lượng các kỳ họp, đổi mới phương thức tiếp xúc cử tri và trực tiếp đối thoại với nhân dân thôn, xóm; tăng cường hiệu quả việc thực hiện nghị quyết của hội đồng nhân dân về xây dựng NTM. Chú trọng việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Đổi mới phương thức quản lý, điều hành của chính quyền cấp cơ sở, xác định rõ vai trò, vị trí, thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong xây dựng NTM, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước.
Ba là, nâng cao năng lực, phát huy vai trò tập hợp lực lượng, tuyên truyền và giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở trong xây dựng NTM.
Xác định cụ thể nội dung, phương thức hoạt động, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, thôn; bảo vệ thiết thực quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, đoàn viên, nhằm nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng; khắc phục tình trạng “hành chính hóa” công tác đoàn thể; khuyến khích thực hiện chế độ “tự quản” trong cộng đồng dân cư. Tăng cường giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với bộ máy chính quyền trong thực hiện NTM. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, thôn cần phát huy tốt vai trò tập hợp, xây dựng khối đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân, góp phần huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân cùng tham gia xây dựng NTM. Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, bảo đảm nhân dân vừa là người thực hiện, vừa là người thụ hưởng những thành quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở ở nông thôn phải đóng vai trò đi đầu, tiên phong, gương mẫu trong công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng và thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí NTM. Thường xuyên tuyên truyền nhân rộng, lan tỏa, chia sẻ những điển hình tiên tiến, những mô hình hay, tạo sức lan tỏa và phong trào thi đua trong xây dựng NTM. Tăng cường đổi mới hình thức, phương pháp và nội dung tuyên truyền sát hợp với từng đối tượng, thời điểm cụ thể, góp phần nâng cao hiệu thực hiện NTM./.
------------------------
(1) Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” toàn tỉnh Ninh Thuận có 89.515 lượt hộ đăng ký thi đua và đã bình chọn được 30.272 lượt hộ đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp; nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến; mỗi năm có trên 40.000 lượt hộ hội sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm đăng ký, cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Quỹ Hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp để hỗ trợ và cho vay không lấy lãi, kết quả đã giúp 426 phụ nữ nghèo khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp vay vốn với số tiền trên 650 triệu đồng. Chỉ đạo xây dựng mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch trong xây dựng nông thôn mới” tại xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước với 35 thành viên; đồng thời, nhân rộng các mô hình “Dịch vụ gia đình” ở các xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; duy trì mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, mô hình hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, đuối nước…
Đoàn thanh niên các cấp thành lập 480 đội hình, với 11.283 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, như: tổ chức trồng mới 327.061 cây xanh các loại; trao tặng 1 “Ngôi nhà xanh” phân loại rác cho Trường Tiểu học Lợi Hải; triển khai xây dựng 10 mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” tại các điểm chợ; tặng 3.050 túi vải bảo vệ môi trường cho tiểu thương và người dân; tổ chức hơn 820 đợt ra quân vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thu gom và tiêu hủy hơn 1.000 m3 rác thải... Ngoài ra, Huyện đoàn Ninh Hải phối hợp nhóm Green trip Việt Nam tham mưu tổ chức chương trình “Tâm tình cùng đất mẹ” thu hút 2000 cán bộ, đoàn viên thanh niên, tình nguyện viên tham gia thực hiện thu gom 19 tấn rác tại các bãi biển trên toàn huyện...
Nguồn lực văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới hiện nay  (22/11/2023)
Quảng Ninh phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới  (14/11/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển