Phát triển kinh tế biển: Nguồn lực tăng trưởng của tỉnh Khánh Hòa
TCCS - Đến năm 2050, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu ở châu Á. Để hiện thực hóa mục tiêu này, trên cơ sở lợi thế vốn có, tỉnh Khánh Hòa khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng cho phát triển, với kinh tế biển làm nền tảng.
Nắm bắt động lực phát triển, phát huy lợi thế
Khánh Hòa là tỉnh ven biển, có lợi thế vượt trội và tiềm năng phát triển kinh tế biển lớn khi nằm gần tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, có thềm lục địa hẹp, sườn lục địa dốc với khoảng 200 hòn đảo lớn, nhỏ và các vịnh ven bờ nổi tiếng, cùng với quần đảo Trường Sa ở ngoài khơi. Không chỉ vậy, vùng biển, đảo và vùng ven biển Khánh Hòa có hệ sinh thái đa dạng, giàu tiềm năng, với nguồn tài nguyên thiên nhiên biển phong phú, bao gồm cả cảnh quan biển, đảo - tiền đề cho phát triển đa dạng các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, nhất là du lịch biển, cảng biển, đánh cá, nuôi trồng thủy, hải sản. Tỉnh Khánh Hòa còn có vị thế địa - chiến lược quan trọng, nơi có huyện đảo Trường Sa, quân cảng Cam Ranh, cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế Vân Phong,… cùng với các giá trị mang tầm cỡ khu vực của vịnh biển Nha Trang và là một trong năm trung tâm nghề cá của cả nước. Bởi vậy, khai thác tiềm năng tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh được tỉnh Khánh Hòa đặt vào vị trí ưu tiên xuyên suốt, mang tầm chiến lược.
Với lợi thế kinh tế biển, trong thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn như đánh bắt, nuôi trồng, chế biến sâu các loại thủy, hải sản. Đồng thời, tăng cường phát triển các cụm đảo, các khu du lịch biển, đảo; phát triển các hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics để trung chuyển hàng hóa thông qua thu hút mạnh các nhà đầu tư. Đến nay, giá trị các ngành kinh tế biển và ven biển của tỉnh Khánh Hòa chiếm khoảng 80% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh(1).
Theo số liệu của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, thủy sản và đóng mới tàu biển là hai mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của tỉnh. Trong năm 2022, thủy sản và tàu biển có tỷ trọng lớn nhất với 1.176,6 triệu USD, chiếm 73,54% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh(2). Trong đó, tổng sản lượng thủy sản đạt 114.829,2 tấn (tăng 3,13% so với năm 2021); bao gồm sản lượng thủy sản khai thác được 97.669,5 tấn (tăng 1,76% so với năm 2021), sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 17.159,8 tấn (tăng 11,63% so với năm 2021). Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 276 triệu USD, chiếm 34,98% trong tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh. Với chính sách khai thác theo hướng bền vững, các trung tâm nghề cá lớn được đầu tư, xây dựng tại địa phương trở thành bàn đạp phát triển mũi nhọn đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, đưa tỉnh Khánh Hòa trở thành trung tâm nghề cá lớn của cả vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Cùng với đó, tỉnh thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân; hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ để nâng cao hiệu quả khai thác, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, thực hiện tốt công tác IUU (hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý)(3).
Về hệ thống cảng biển, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đưa vào khai thác 17 bến cảng biển và 1 khu chuyển tải dầu, chủ yếu là bến cảng tổng hợp, bến cảng xăng dầu, bến chuyên dụng (bến tiếp nhận xi măng/clinker phục vụ các trạm xi măng) và 4 cảng cá, 52 bến thủy nội địa đang hoạt động. Ngành công nghiệp đóng tàu và các ngành phụ trợ được cơ cấu lại, phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm.
Đối với thu hút đầu tư, khu kinh tế Vân Phong là một trong những điểm đến đầu tư lớn của tỉnh. Trong đó, khu vực Nam Vân Phong hiện đang triển khai một số dự án công nghiệp có quy mô lớn, như: Nhà máy đóng tàu Hyundai - Việt Nam (800.000 DWT; 475 triệu USD), Tổng kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (sức chứa 500.000 m3; 125 triệu USD), Cảng tổng hợp Nam Vân Phong (70.000 DWT; 40 triệu USD), Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (1.320 MW; 2,5 tỷ USD)… Khu vực Bắc Vân Phong bao gồm các dự án khu du lịch: Khu du lịch Bãi Cát Thấm (diện tích: 160ha mặt nước, 295ha mặt đất, tổng vốn đầu tư: 25.253 tỷ đồng); Khu du lịch Hòn Ông (diện tích: 5,2ha mặt nước, 5,75ha mặt đất; tổng vốn đầu tư: 53 tỷ đồng); Khu du lịch Bãi Ông Nghi (diện tích: 6ha mặt nước, 15ha mặt đất; tổng vốn đầu tư: 149,5 tỷ đồng); Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong (50.000 DWT; 20 triệu USD)(4).
Về phát triển du lịch, năm 2022, doanh thu du lịch của tỉnh Khánh Hòa đạt khoảng 13,5 nghìn tỷ đồng, với hơn 2,5 triệu lượt khách lưu trú. Sáu tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách lưu trú đạt trên 2,78 triệu lượt khách, tăng 165,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 780.000 lượt khách, tăng gấp 17,6 lần so với cùng kỳ; khách nội địa đạt hơn 1,9 triệu lượt khách, tăng 99,3% so với cùng kỳ. Theo đó, tổng lượt khách tham quan du lịch ước đạt 8,37 triệu lượt khách. Doanh thu du lịch đạt khoảng 12.565,7 tỷ đồng, tăng 126,2 % so với cùng kỳ năm 2022(5).
Đạt được những kết quả đáng khích lệ trên là do thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp: 1- Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng ven biển, hải đảo được quan tâm và tăng cường; 2- Phát triển phù hợp các loại hình sản xuất, các ngành, nghề nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng của biển; 3- Thực hiện chính sách ưu đãi, phù hợp trong thu hút đầu tư để khai thác tốt nhất tiềm năng biển, đảo, nhất là trong khai thác nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản; 4- Quản lý hiệu quả việc bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển và tính bền vững của các vùng biển nhằm duy trì và phát triển các ngành kinh tế biển, như nghề cá, du lịch; 5- Quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển hợp lý; 6- Phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái biển - ven biển đã bị suy thoái; 7- Bảo tồn đa dạng sinh học biển, đảo gắn với du lịch sinh thái và sinh kế bền vững.
Đẩy mạnh kinh tế biển, góp phần tăng trưởng bền vững
Ngày 29-3-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Các mục tiêu phấn đấu của tỉnh hướng tới GRDP bình quân đầu người được xếp vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc với một số đô thị đạt tiêu chuẩn quốc tế. Người dân được thụ hưởng mức sống cao và hạnh phúc. Hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ; có năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Trên cơ sở đó, tỉnh Khánh Hòa thực hiện các đột phá phát triển: 1- Tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện tốt cơ chế, chính sách đặc thù do Quốc hội ban hành nhằm huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển đột phá ba vùng trọng điểm, động lực phát triển của tỉnh là khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh; 2- Tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cho những ngành quan trọng như du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ logistics, cảng biển, thủy sản và hậu cần nghề cá, công nghệ thông tin; 3- Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế biển như hải dương học, công nghệ đại dương, công nghệ sản xuất giống thủy sản, công nghệ nuôi trồng và chế biến thủy sản, vaccine và sinh phẩm y tế, ứng dụng công nghệ vào dịch vụ du lịch...; thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp sáng tạo; 4- Tăng cường đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội để tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, cảng biển, cảng hàng không và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tỉnh triển khai các mục tiêu trọng điểm: Một là, phát triển khu vực vịnh Vân Phong (Khu kinh tế Vân Phong) trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, địa bàn động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung; hai là, phát triển thành phố Nha Trang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trưởng quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa; ba là, phát triển khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng - an ninh; trong đó phát triển thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics, huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.
Khu kinh tế Vân Phong được tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm. Theo Quyết định 298/QĐ-TTg, ngày 27-3-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong đó, kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistic, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác. Đồng thời, trở thành trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế; là khu vực phát triển đô thị thông minh bền vững với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại; có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh quốc gia.
Đặc biệt, tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh phát triển hai khu vực Bắc Vân Phong và Nam Vân Phong. Đối với khu vực Bắc Vân Phong, phát triển thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế nhằm khai thác giá trị tối đa từ lợi thế về vị trí, cảnh quan của khu vực thông qua kêu gọi đầu tư; xây dựng bến cảng đón tàu chở khách du lịch và du thuyền hạng sang; phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng; định hướng lâu dài phát triển cảng trung chuyển quốc tế; thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên du lịch bền vững. Khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển. Tập trung thu hút các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các dự án công nghiệp trọng điểm với các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp công nghệ cao, năng lượng, chế biến dầu khí, đóng tàu, công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp phụ trợ. Phát triển các cảng hàng hóa gắn với trung tâm logistics tại Nam Vân Phong để phục vụ cho cả khu vực Tây Nguyên và duyên hải Trung Bộ(6).
Như vậy, trong thời gian tới, quán triệt và thực hiện Quyết định số 318/QĐ-TTg, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xác định phát triển kinh tế bền vững, cơ bản dựa vào cơ cấu ngành, nghề theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển du lịch biển, đảo chất lượng cao và các đô thị biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Theo đó, các ngành kinh tế biển được phát triển theo thứ tự ưu tiên: 1- Dịch vụ du lịch biển chất lượng cao; 2- Công nghiệp, cảng biển, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; 3- Nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản gắn với xây dựng nông thôn mới; 4- Dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, vận tải biển - hàng không; 5- Kinh tế đảo.
Cùng với đó, tỉnh Khánh Hòa nhận diện một số hạn chế, như: 1- Công tác rà soát quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội đối với các địa phương vùng biển còn chậm. Quy hoạch một số ngành liên quan trong khai thác tiềm năng, lợi thế biển chưa đồng bộ, thiếu tính khả thi; 2- Việc kêu gọi đầu tư, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhằm phát triển kinh tế biển, nghiên cứu khoa học, bảo vệ tài nguyên môi trường biển vẫn còn nhiều hạn chế; 3- Công tác bảo vệ môi trường và phát triển tài nguyên biển theo hướng bền vững chưa được nhận thức và hành động một cách đầy đủ; 4- Nguồn nhân lực biển chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển trong giai đoạn mới, chưa trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển: 5- Công tác tuyên truyền về biển và hải đảo chưa đạt nhiều hiệu quả; 6- Việc sử dụng hợp lý vùng ven biển, các đảo và các thủy vực ven bờ (đầm, vũng, vịnh) chưa được chú trọng phù hợp với bản chất tự nhiên và thế mạnh của từng loại hình…
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội nói chung, phát triển kinh tế biển nói riêng, tỉnh Khánh Hòa quyết tâm thực hiện hiệu quả một số giải pháp sau(7):
Đối với quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết về sử dụng vùng biển, bờ biển, tài nguyên biển tỉnh Khánh Hòa, cần lồng ghép các nội dung quy hoạch phát triển của các địa phương có biển của tỉnh và các ngành kinh tế biển vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên cơ sở bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo, kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và quốc phòng - an ninh trên các vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam và của tỉnh Khánh Hòa.
Đối với quy hoạch chi tiết cho các ngành kinh tế biển và các địa phương có biển của tỉnh, cần bố trí không gian biển cho các hoạt động kinh tế biển ở tỉnh Khánh Hòa theo định hướng ưu tiên: 1- Vùng khai thác các tiềm năng vị thế, cảnh quan để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch chất lượng cao; 2- Vùng khai thác, sử dụng không gian biển để phát triển công nghiệp, hàng hải, cảng biển, khu kinh tế gắn với việc phát triển các khu đô thị, khu dân cư và kết cấu hạ tầng đô thị các khu dân cư ven biển, đảo; 3- Vùng khai thác, sử dụng không gian biển để nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản gắn với xây dựng nông thôn mới; 4- Vùng không gian biển gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo tồn, bảo vệ tài nguyên, môi trường và nghiên cứu khoa học biển; 5- Vùng không gian biển để phát triển kinh tế đảo phù hợp với thực tế của từng đảo, cụm đảo của tỉnh; 6- Vùng không gian biển phù hợp nhằm khai thác vị thế của biển, đảo phục vụ quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển, đảo của đất nước. Ngoài ra, cần chú ý quy hoạch vùng dành cho các loại hình sử dụng khác trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh ứng dụng, nghiên cứu khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển: Chú trọng và khuyến khích các hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới trong nuôi trồng, khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy, hải sản phục vụ phát triển kinh tế biển bền vững; nghiên cứu nuôi trồng, bảo tồn, chế biến dược liệu từ biển (thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm…); ưu tiên các nguồn lực để khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng các dạng năng lượng tái tạo và ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo ở các vùng biển ven bờ của tỉnh.
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, huy động và phát huy các nguồn lực đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển, đảo: Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh, như Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 21-2-2022, của Chính phủ, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số /NQ/TW. Tăng cường nghiên cứu cơ chế, chính sách mới, tập trung các chính sách đầu tư hoạt động bảo vệ môi trường biển, đảo và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển nhằm phát huy các lợi thế, tiềm năng của tỉnh và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc: Tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi, tái cơ cấu các ngành, nghề phù hợp với vùng biển, đảo nhằm nâng cao thu nhập, tạo việc làm, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân vùng biển, đảo; xây dựng và triển khai hiệu quả các mô hình chuyển đổi sinh kế bền vững, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu nghề thủy sản ven bờ theo hướng ổn định các nghề khai thác có tính chọn lọc, giảm các nghề làm suy kiệt nguồn lợi từ biển và phát triển nuôi biển để từng bước vươn ra biển khơi nhằm khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phát triển và xã hội hóa các hình thức du lịch biển, đảo với phục hồi, bảo tồn các hệ sinh thái biển và phát huy các giá trị truyền thống vùng biển, đảo, như các làng nghề truyền thống, làng chài…; phát triển hạ tầng du lịch bảo đảm quyền tiếp cận biển của cộng đồng dân cư; triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế nhân dân vùng biển, đảo và lực lượng vũ trang trên địa bàn. Các ngành, địa phương xây dựng và thực hiện tốt quy chế kết hợp quân dân y tại các xã đảo và huyện đảo Trường Sa.
Riêng đối với huyện đảo Trường Sa với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, huyện tiền tiêu của tỉnh Khánh Hòa trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, hiện nay, tỉnh đang xây dựng đề án “Xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước”. Để đạt được mục tiêu trên, trong quá trình xây dựng đề án, cần quan tâm quy hoạch phân vùng không gian biển tại huyện đảo Trường Sa theo hướng xác định những khu vực biển chỉ sử dụng cho quốc phòng - an ninh, những khu vực biển vừa sử dụng quốc phòng - an ninh, vừa phát triển kinh tế, những khu vực cho phép phát triển kinh tế - xã hội để thuận tiện cho hoạt động quản lý, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.
Để Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước cần xác định cụ thể các hoạt động kinh tế biển ưu tiên, như: giao thông vận tải biển, khai thác và chế biến thủy sản xa bờ, phát triển nuôi biển, phát triển du lịch biển, đảo; phát triển năng lượng tái tạo, các hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực… kết hợp với các dịch vụ hậu cần nghề cá, quốc phòng - an ninh; huy động các nguồn lực để xây dựng các cảng biển, âu tàu và các khu tránh trú bão cho tàu thuyền, khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại các đảo cho phép phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên áp dụng công nghệ cao sử dụng ít năng lượng, ít ô nhiễm môi trường trong chế biến hải sản tại các đảo nhằm gia tăng giá trị sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; định hướng ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ du lịch; quy hoạch hoặc xác định các khu vực, các đảo phù hợp với việc phát triển loại hình năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng…; nghiên cứu để xác định các khu vực có thể thăm dò dầu khí phục vụ cho phát triển kinh tế./.
-------------------------------
(1) Tuyết Trang, Đỗ Vương: “Khánh Hòa chú trọng phát triển bền vững kinh tế biển”, Báo điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 16-1-2023, https://baotainguyenmoitruong.vn/khanh-hoa-chu-trong-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien-348854.html
(2) “Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022”, Cục thống kê tỉnh Khánh Hòa, 2022, https://fileportalcms.mpi.gov.vn/TinBai/DinhKem/56767/100 7.BC.CTK.pdf
(3) Hồ Anh Mão: “Khánh Hòa đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững”, Hải quân Khánh Hòa điện tử, ngày 10-9-2023, https://baohaiquan vietnam.vn/tin-tuc/khanh-hoa-day-manh-phat-trien-kinh-te-bien-theo-huong-ben-vung
(4) “Giới thiệu chung khu kinh tế Vân Phong”, Trang thông tin Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong, https://vanphong.khanhhoa.gov.vn/gioi-thieu-chung-khu-kinh-te-van-phong.html
(5) Trung Nhân: “Khánh Hòa: Du lịch bứt phá doanh thu đạt hơn 12.565 tỷ đồng”, Báo Kinh tế và Đô thị điện tử, ngày 28-6-2023, https://kinhtedothi.vn/khanh-hoa-du-lich-but-pha-doanh-thu-dat-hon-12-565-ty-dong.html
(6) Trần Đình Phương: “Kinh tế biển là nền tảng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Khánh Hòa”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 29-3-2023, https://news.vnanet.vn/?created=7%20day&servicecateid=1&scode=1& qcode=17
(7) “Một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế biển tỉnh Khánh Hòa tại tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa, ngày 20-8-2022, https://stnmt.khanhhoa.gov.vn/ban-tin-chi-tiet/id/5835/Mot-so-giai-phap-nham-phat-trien-kinh-te-bien-tinh-Khanh-Hoa-tai-tinh-Khanh-Hoa-den-nam-2030,-tam-nhin-den-nam-2045
Kinh tế biển - Động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh từ nay đến năm 2030  (15/10/2023)
Một số quan điểm giải quyết các vấn đề xã hội khu vực ven biển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045  (31/08/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên