Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, góp phần xây dựng Đảng bộ thành phố Hà Nội trong sạch, vững mạnh
TCCS - Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng trong xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn quan tâm tới công tác này, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục để xây dựng đội ngũ đảng viên đủ năng lực, phẩm chất, tổ chức đảng và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Thủ đô.
Cơ sở lý luận để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát
Nội dung của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng thể hiện chủ yếu trên ba mặt sau:
Một là, trong Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định của Đảng.
Hai là, trong hoạt động thực tiễn lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nói chung, của ủy ban kiểm tra các cấp, đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra nói riêng.
Ba là, trong việc tổng kết, đánh giá công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng hằng năm và các nhiệm kỳ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là kim chỉ nam cho các tổ chức đảng. Những năm qua, việc vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn của Người về kiểm tra, giám sát vẫn còn nhiều thiếu sót, hạn chế, yếu kém, bất cập. Cụ thể là, một số cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp chưa nhận thức đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác này nên chưa tổ chức thực hiện có hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp mình. Có nơi, có lúc nhận thức được thì việc vận dụng còn máy móc, giáo điều, chủ quan, duy ý chí, dẫn đến có hành động nóng vội, giản đơn, chạy theo thành tích.
Một số cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy nhận thức về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng chưa đầy đủ nên chưa quan tâm đúng mức, đúng tầm đến công tác này, thậm chí còn cản trở việc kiểm tra hoặc không chịu trách nhiệm khi kiểm tra. Bên cạnh đó, việc xây dựng tổ chức bộ máy ngành kiểm tra đảng và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Để có thể vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm tra, giám sát, cần có những yếu tố là:
Thứ nhất, phải có trình độ nhận thức lý luận và năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn.
Thứ hai, phải có phương pháp đúng đắn, sáng tạo khi làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ ba, phải đề cao trách nhiệm cá nhân và tổ chức, nhất là trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu. Họ phải có bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm. Ý thức chính trị và đạo đức của người cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát là: Làm tốt công tác này chính là để xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân.
Có thể khái quát về việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác kiểm tra, giám sát hiện nay là:
Chủ động học tập, nhận thức lại, bổ sung, phát triển và thực hành một cách sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát trong bối cảnh mới.
Theo đó, cần tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp cần nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm tra, giám sát nhằm nắm vững và hiểu được những nội dung cốt lõi và phương pháp luận cơ bản.
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp học tập và giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm tra, giám sát theo hướng tăng tính cập nhật, tính thiết thực, tính hấp dẫn, tính chiến đấu, tính giáo dục, tính dẫn đường, chống quy kết, chụp mũ, giáo điều, xét lại.
Ba là, các ban của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp phải nêu cao vai trò tham mưu, giúp cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức vận dụng đúng tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm tra, giám sát vào hoạt động của cấp mình.
Bốn là, chủ thể và đối tượng kiểm tra, giám sát cần quán triệt sâu sắc, vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.
Năm là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước phục vụ công tác kiểm tra, giám sát.
Sáu là, xây dựng tổ chức bộ máy ủy ban kiểm tra các cấp và đội ngũ cán bộ kiểm tra theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong bối cảnh mới hiện nay.
Bảy là, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát. Mở rộng và tăng cường đối thoại với các đảng cầm quyền ở các nước về công tác kiểm tra, giám sát. Phải bồi dưỡng cho được một đội ngũ cán bộ chuyên sâu, có trình độ cao, ngang tầm nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới xây dựng lý thuyết về công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện có hiệu quả trong bối cảnh mới.
Thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ thành phố Hà Nội
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp trong Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; tạo điều kiện để Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và ủy ban kiểm tra các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định.
Ban Thường vụ Thành ủy hoàn thành 1 cuộc kiểm tra, 1 cuộc giám sát, triển khai 2 cuộc kiểm tra (đối với 52 tổ chức đảng, 10 đảng viên), trong đó, có 1 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Các cấp ủy cấp dưới kiểm tra 665 lượt tổ chức đảng và 456 đảng viên (tăng 132 lượt tổ chức đảng và 269 đảng viên so với cùng kỳ năm 2022).
Ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ thành phố đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 52 tổ chức đảng và 121 đảng viên. Đặc biệt, đối với những cuộc kiểm tra có nội dung mới, khó, phức tạp, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã thành lập các tổ công tác giúp việc Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; tổ chức tập huấn nghiệp vụ phục vụ công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các dự án, gói thầu do Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” AIC thực hiện từ năm 2011 đến năm 2021. Ủy ban kiểm tra quận ủy, huyện ủy, thị ủy và tương đương kiểm tra 29 tổ chức đảng và 97 đảng viên. Ủy ban kiểm tra cấp cơ sở kiểm tra 16 tổ chức đảng và 24 đảng viên.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện và chủ động thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được giao liên quan đến các vụ việc, vụ án diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo; chủ động triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng.
Công tác giám sát chuyên đề tập trung vào việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị; kịp thời giám sát công tác quản lý đất đai ở những địa bàn có dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua. Việc thi hành kỷ luật được thực hiện công minh, chính xác, kịp thời; một số vụ việc đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc tạm giam đã được cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp chủ động xem xét, kỷ luật kịp thời, không chờ kết luận của cơ quan điều tra hoặc tuyên án của tòa án…
Trong 6 tháng cuối năm 2023, ngành kiểm tra đảng thành phố sẽ nghiêm túc triển khai những chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội. Trong đó, sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tiến hành các cuộc kiểm tra liên quan đến 125 gói thầu dự án với gần 500 chủng loại hàng hóa, vật tư do Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” AIC thực hiện từ năm 2011 đến năm 2021.
Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã hoàn thành việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm liên quan đến vụ việc tại Công viên Tuổi trẻ đã tồn tại 20 năm. Đồng thời, đề nghị Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố xem xét triệt để nhằm sớm triển khai dự án, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của thanh, thiếu nhi Thủ đô…
Thời gian tới, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần kịp thời xử lý sai phạm từ khi còn là lỗi nhỏ; quan tâm đặc biệt tới những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, như công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; công tác quản lý sử dụng đất đai, hoạt động vận chuyển khai thác cát dọc sông Hồng, sông Đáy… Cùng với đó, cần tập trung xử lý triệt để đơn thư khiếu nại, tố cáo; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức các hoạt động thiết thực nhân ngày truyền thống của ngành kiểm tra đảng…
Tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của Thành ủy Hà Nội - Một số nội dung cần lưu ý
Theo Quy chế làm việc số 05-QC/TU, ngày 15-6-2022, của Thành ủy Hà Nội, trường hợp một dự án đầu tư ngoài ngân sách (như: dự án khu nhà ở, khu đô thị mới...) có quy mô diện tích trên 10ha khi phải thực hiện điều chỉnh dự án có thể sẽ phải trình Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy 4 lần. Nhưng với những nội dung sửa đổi, bổ sung được thông qua tại Hội nghị lần thứ mười hai Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Thành ủy Hà Nội ban hành Quy chế làm việc số 09-QC/TU thay thế Quy chế làm việc số 05-QC/TU quy định Thành ủy ủy quyền cho Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo xem xét, quyết định.
Quy chế làm việc số 09-QC/TU còn một số nội dung cụ thể hóa các văn bản của Trung ương và thành phố mới ban hành, đặc biệt là việc quy định phân cấp, ủy quyền, đổi mới lề lối làm việc, đẩy mạnh cải cách hành chính, theo dõi, đôn đốc giải quyết công việc... Đáng chú ý, Quy chế làm việc mới xác định rõ vai trò, trách nhiệm của đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy khi làm việc với cơ sở là với tư cách cá nhân, không thay mặt Thường trực Thành ủy hay Ban Thường vụ Thành ủy, trừ khi được ủy quyền. Quy chế làm việc mới định vị chính xác hơn vai trò, vị trí của đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, đồng thời nâng cao trách nhiệm của tập thể Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy trong mối quan hệ với cấp dưới.
Nội dung này chính là “quy chế hóa” thực tiễn đổi mới phương thức làm việc của Thành ủy Hà Nội thời gian gần đây. Đó là khi làm việc với sở, ngành, quận, huyện, thị xã, là tập thể Thường trực Thành ủy làm việc, chứ không chỉ có đồng chí Bí thư Thành ủy như trước đây. Sau mỗi buổi làm việc, Thường trực Thành ủy ban hành kết luận, phân công giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị làm căn cứ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, qua đó nâng cao hiệu lực của kết luận.
Cùng với Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đều đi trước, gương mẫu trong xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc của mình, theo hướng bảo đảm rõ người, rõ việc, cá thể hóa trách nhiệm, phát huy vai trò người đứng đầu. Nhờ đó, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố ngày càng được nâng lên. Đây là nguyên nhân hàng đầu giúp Hà Nội duy trì tăng trưởng kinh tế cao ngay trong bối cảnh khó khăn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong 4 tháng đầu năm 2023, GRDP thành phố tăng 5,8%, cao hơn bình quân cả nước (3,32%); thu ngân sách nhà nước toàn thành phố đã đạt 185.000 tỷ đồng, bằng hơn 57% dự toán năm.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, các cấp, ngành đã tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện quy chế làm việc. Thực tế, nơi nào làm tốt điều này thì hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo có chuyển biến rõ rệt và ngược lại.
Tại huyện Đông Anh, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đã được khẳng định qua những bước tiến vượt bậc trong thực hiện Đề án thành lập quận Đông Anh. Giải pháp mấu chốt của huyện là xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm quy chế làm việc, phân công rõ trách nhiệm các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách Cụm chỉ đạo toàn diện, Huyện ủy viên phụ trách các xã, thị trấn chỉ đạo trực tiếp.
Quận ủy Ba Đình đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị tập trung hoàn thiện nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị bảo đảm sự thông suốt, nhanh, hiệu quả, giảm bớt đầu mối trung gian. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính tại quận được giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt 100%.
Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân đã chỉ đạo đảng ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành 160 cuộc kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng theo đúng quy chế làm việc... Nhờ làm tốt cách này, Chỉ số cải cách hành chính của quận Thanh Xuân tăng từ vị trí thứ 9 toàn thành phố năm 2020 lên thứ 6 năm 2022.
Tuy nhiên, còn không ít cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương chưa thực sự chú trọng xây dựng và hoàn thiện quy chế làm việc; chưa kịp thời rà soát, bổ sung quy trình công tác, quy chế phối hợp. Qua kiểm tra, có tình trạng cán bộ cơ sở chậm chuyển biến, không theo kịp tình hình, chưa có tác phong phục vụ; chưa thực sự mong muốn, khát khao đưa địa phương, quê hương mình phát triển đột phá, còn có tâm lý trông chờ ỷ lại. Điều này có một phần nguyên nhân là việc phân công, giao nhiệm vụ, kiểm tra, giám sát theo quy chế làm việc còn chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ.
Do đó, một trong những nội dung quan trọng trong quá trình thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thời gian tới của Thành ủy Hà Nội là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện quy chế làm việc, quy trình công tác.
Với ý thức tự giác của các cấp ủy, kết hợp việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên của Thành ủy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên toàn thành phố về chất lượng xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, lan tỏa tới tận cấp cơ sở, tạo sức bật mới cho Thủ đô phát triển./.
Khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong xây dựng, phát triển Thủ đô  (20/10/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam