Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Phú Thọ
TCCS - Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, miền đất thiêng liêng cội nguồn dân tộc - Đất Tổ - Phú Thọ lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa. Đây là mạch nguồn mang sức mạnh lan tỏa, là nguồn lực quan trọng để tỉnh Phú Thọ phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh Phú Thọ - nơi lưu giữ mạch nguồn văn hóa dân tộc
Là vùng Đất Tổ cội nguồn của dân tộc Việt Nam, tỉnh Phú Thọ là trung tâm văn hóa thời đại Hùng Vương. Trầm tích văn hóa được bồi tụ và thấm sâu vào đời sống qua hàng nghìn năm lịch sử tạo nên hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú về loại hình, giàu có về giá trị, đặc sắc về nội dung, hiện hữu sinh động qua những huyền tích, đền miếu, văn bia, nghi lễ, lễ hội, phong tục, tập quán của cộng đồng.
Hiện nay, địa bàn tỉnh Phú Thọ có 967 di tích lịch sử - văn hóa; trong đó, có trên 300 di tích đền, đình, miếu đã được Nhà nước xếp hạng. Một số di tích tiêu biểu, như Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa), Đền Lăng Sương (huyện Thanh Thủy), Hùng Vương Tổ Miếu, Đền Tiên, Đình Hùng Lô, Miếu Lãi Lèn (thành phố Việt Trì),... cùng nhiều di tích khảo cổ thời sơ sử và tiền sử, như Sơn Vi, Phùng Nguyên, Gò Mun, Gò De, Làng Cả, xóm Ren,... chứa đựng nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ, tích hợp tầng sâu của văn hóa Việt Nam.
Kết nối chặt chẽ với các di sản văn hóa vật thể là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, trong đó có 12 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát xoan Phú Thọ”.
Các loại hình trình diễn nghệ thuật dân ca (hát Xoan, hát Ghẹo, hát Trống quân, múa Tùng dí,...), hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian, thực hành tín ngưỡng... mang đậm sắc thái cội nguồn được lưu giữ và bảo tồn trong không gian của 311 lễ hội truyền thống, 4 lễ hội văn hóa, như Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Đình Hùng Lô, Hội bơi chải Bạch Hạc, Hội ném chài Đền Vân Luông, Hội thi giã bánh giày Đình Mộ Chu Hạ (thành phố Việt Trì), Lễ hội Trò Trám (huyện Lâm Thao), Lễ hội Đình Đào Xá (huyện Thanh Thủy), Hội phết Hiền Quan (huyện Tam Nông), Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa)...
Các lễ hội truyền thống có nguồn gốc lịch sử từ xa xưa, xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng, phản ánh đặc điểm sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, như thờ cúng Tổ tiên, thờ Mẫu, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng vạn vật hữu linh... Hệ thống lễ hội được bảo tồn, lưu giữ cả phần lễ - hội - trò diễn tại các địa phương, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân vùng Đất Tổ, trong đó nổi bật là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Bên cạnh đó, không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là vùng văn hóa phi vật thể với nhiều sắc thái đặc sắc, riêng có của mỗi dân tộc, phản ánh văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng phong phú, đa dạng, nhưng thống nhất trong không gian chung của văn hóa vùng Đất Tổ; một số nghi lễ, tín ngưỡng đã được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, như Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt, Nghi lễ cấp sắc của người Dao Tiền, Lễ Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt.
Cùng với hệ thống di sản văn hóa, tỉnh Phú Thọ có nhiều cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh độc đáo, như Vườn quốc gia Xuân Sơn (huyện Tân Sơn), đồi chè Long Cốc (huyện Tân Sơn), Đầm Ao Châu (huyện Hạ Hòa), mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy)...; nhiều làng nghề thủ công truyền thống: Làng nghề sản xuất nón lá Sai Nga (huyện Cẩm Khê), làng nghề sản xuất nón lá Gia Thanh (huyện Phù Ninh), làng nghề Mỳ gạo Hùng Lô (thành phố Việt Trì), làng nghề mây tre đan Đỗ Xuyên (thị xã Phú Thọ), làng nghề Mộc Minh Đức (huyện Tam Nông)...; cùng ẩm thực đặc sắc với những món ăn nức tiếng, như bánh chưng, bánh giầy, bánh tai, trám om cá, canh rau sắn, thịt chua... mang đậm nét văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của cộng đồng các dân tộc tại tỉnh.
Tất cả là nguồn tài nguyên giàu giá trị, là lợi thế để tỉnh Phú Thọ phát triển nhiều loại hình sản phẩm du lịch, như du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch trải nghiệm..., góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa vùng Đất Tổ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại tỉnh Phú Thọ
Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa; giữ vai trò là nguồn lực đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Đồng thời, di sản văn hóa là nền tảng tinh thần, yếu tố nội sinh làm nên cốt cách, bản lĩnh của con người Việt Nam, là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Ngày 24-11-2021 tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kếp hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại”(1). Quán triệt chủ trương ấy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội là chủ trương lớn, xuyên suốt của tỉnh Phú Thọ. Trên cơ sở xác định rõ lợi thế so sánh, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch vùng Đất Tổ, bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa bảo tồn di tích lịch sử văn hóa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tạo động lực, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quyết định số 99/2008/QĐ-TTg, ngày 14-7-2008, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020” đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh Phú Thọ trở thành trung tâm kinh tế vùng; là một trong những trung tâm khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; là đầu mối giao thông quan trọng nội vùng và xây dựng thành phố Việt Trì là “Thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam”. Nghị quyết số 179/2009/NQ-HĐND, ngày 20-4-2009, của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XVI, về quy hoạch phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, khẳng định quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ đậm đà bản sắc vùng Đất Tổ, trở thành trung tâm văn hóa về cội nguồn của cả nước; bảo tồn, phát triển di sản văn hóa đi đôi với xây dựng các thiết chế văn hóa đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân.
Chương trình hành động số 24-CTr/TU, ngày 4-4-2017, của Tỉnh ủy Phú Thọ(2) xác định phát triển du lịch là một trong 4 khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020 theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, bền vững dựa trên nền tảng giá trị các tài nguyên nhân văn kết hợp với tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là đối với hai di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh. Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 gắn việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc với phát triển du lịch, trong đó lấy du lịch văn hóa làm trọng tâm, nền tảng để phát triển các loại hình du lịch khác, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là giá trị bản sắc văn hóa truyền thống vùng Đất Tổ.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục khẳng định xây dựng và phát huy giá trị văn hóa vùng Đất Tổ là một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phục vụ giáo dục truyền thống và gắn với phát triển du lịch bền vững, phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành trung tâm du lịch của vùng trung du và miền núi phía Bắc, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế(3).
Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ tập trung thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong xã hội để đầu tư tôn tạo, tu bổ hệ thống các di tích gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh; bảo đảm không làm biến đổi hiện vật, di tích gốc, không thay đổi cảnh quan, xây dựng các hạng mục nhận diện, đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở. Các di tích khảo cổ được quan tâm quy hoạch, xây dựng hồ sơ công nhận xếp hạng quốc gia, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và đầu tư, như di tích khảo cổ Làng Cả, Xóm Rền, Gò Mun, Phùng Nguyên.
Song song với bảo tồn di tích, tỉnh Phú Thọ có nhiều nỗ lực trong xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát triển dịch vụ du lịch để phát huy hiệu quả các danh lam, thắng cảnh của địa phương. Đến nay, nhiều di tích lịch sử, các khu du lịch đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa tiêu biểu, như Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Đền Hùng Lô (thành phố Việt Trì), Đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa), Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy, Đồi chè Long Cốc, Vườn Quốc gia Xuân Sơn... góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế du lịch của tỉnh.
Nhiều chương trình, dự án có liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã và đang được tỉnh Phú Thọ thực hiện, đặc biệt là các đề tài khoa học, dự án kiểm kê, bảo tồn, sưu tầm nghiên cứu liên quan đến thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ. Tỉnh Phú Thọ chú trọng hoạt động trao truyền, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng xã hội được tham gia vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, bảo tồn các tập quán, tín ngưỡng, tri thức văn hóa dân gian trong không gian văn hóa đương đại.
Lĩnh vực văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số cũng được quan tâm bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị. Các lễ hội truyền thống, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được tích cực nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, gìn giữ. Nhiều công trình, đề tài khoa học đã được đầu tư nghiên cứu, tạo thuận lợi cho công tác phục dựng và phát huy giá trị nhiều lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường, Dao, Cao Lan, H’Mông. Lễ tết nhảy của dân tộc Dao Quần Chẹt (xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập), lễ hội thổi khèn lá của người H’Mông (xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập), lễ hội múa Mỡi dân tộc Mường (xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn), lễ hội của dân tộc Cao Lan (xã Ngọc Tân, huyện Đoan Hùng)... đã góp phần vào việc bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
Với nguồn tài nguyên nhân văn phong phú, tỉnh Phú Thọ đã triển khai các quy hoạch phát triển du lịch; kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức các tour, tuyến du lịch văn hóa gắn với các di tích, di sản gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống, không gian văn hóa, sinh sống của cộng đồng các dân tộc... kết hợp quảng bá sản phẩm du lịch. Các dự án kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch được đầu tư đã tạo chuyển biến tích cực theo hướng đa dạng hóa, hiện đại hóa các loại hình dịch vụ. Sản phẩm dịch vụ, du lịch được đầu tư phát triển theo chiều sâu, đổi mới và nâng cao chất lượng. Các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá và liên kết hợp tác phát triển du lịch được đổi mới.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Phú Thọ thu hút bình quân 6,5 - 7,5 triệu lượt khách/năm đến tham quan du lịch và thực hành tín ngưỡng; phục vụ 2,1 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 26 nghìn khách quốc tế; doanh thu du lịch, dịch vụ tăng bình quân 12%/năm. Tổng lượng khách du lịch lưu trú đạt khoảng 2,79 triệu lượt, tăng 71% so với giai đoạn 2011 - 2015; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 15,35 nghìn tỷ đồng, tăng 82% so với giai đoạn 2011 - 2015(4).
Công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa tỉnh Phú Thọ đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức về giá trị di sản văn hóa chưa thật sâu sắc và toàn diện, nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là việc phát huy giá trị các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế; việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; việc khai thác tài nguyên du lịch nhân văn chưa tương xứng với tiềm năng, sản phẩm du lịch văn hóa chưa được khai thác thực sự hiệu quả. Nguồn kinh phí, phương tiện, nhân lực cần được đầu tư, bố trí cho hoạt động bảo tồn, khai thác giá trị di sản còn gặp không ít khó khăn. Ở nhiều nơi, cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của di sản văn hóa trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Mặt khác, việc khai thác tài nguyên du lịch nhân văn chưa tương xứng với tiềm năng, sản phẩm du lịch văn hóa chưa được khai thác thực sự hiệu quả…
Một số giải pháp tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Đất Tổ
Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tập trung một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền để mọi người dân nhận thức được đầy đủ nội dung, giá trị của di sản văn hóa; về ý nghĩa, lợi ích của di sản văn hóa đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phát triển văn hóa, du lịch; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong hoạt động quản lý bảo tồn di sản, phát triển du lịch.
Thứ hai, hoàn thiện chính sách về công tác trùng tu, tôn tạo di tích, bảo tồn di sản linh hoạt, hiệu quả. Triển khai chi tiết quy hoạch bảo tồn không gian di tích, hài hòa giữa không gian văn hóa, bản sắc kiến trúc, cảnh quan môi trường, tạo nên giá trị tổng hòa và đặc trưng của di tích. Tăng cường đầu tư từ các nguồn vốn, trong đó chú trọng xã hội hóa nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích; chủ động phân cấp quản lý di tích cho chính quyền và cộng đồng dân cư phù hợp với thực tiễn.
Thứ ba, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đưa những di sản văn hóa này trở lại với cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng phát huy vai trò vừa là chủ thể sáng tạo, tham gia bảo vệ di sản, vừa là chủ thể thụ hưởng những giá trị của di sản văn hóa. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể; tổ chức tốt các lễ hội quy mô lớn (Lễ hội Đền Hùng, hội Đền Mẫu,...), đặc biệt là Lễ hội Đền Hùng, thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại tỉnh Phú Thọ. Thực hiện tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, ghi chép lại các dạng thức văn hóa phi vật thể, tổng kiểm kê, phân loại để xác định giá trị, sức sống của di sản, lập hồ sơ bảo tồn; nghiên cứu phục dựng các lễ hội truyền thống, hoạt động sinh hoạt văn hóa có giá trị. Có cơ chế khuyến khích hoạt động trao truyền di sản phi vật thể, nhất là Hát Xoan Phú Thọ và các hình thức diễn xướng dân gian, tri thức dân gian, trang phục, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số...; phát huy vai trò của nhà trường trong việc trao truyền, phổ biến; đặc biệt, quan tâm đến các chính sách phong tặng danh hiệu, vinh danh các nghệ nhân.
Thứ tư, hoàn thiện quy hoạch các điểm du lịch di sản, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, ẩm thực... để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế của từng địa phương trong tỉnh. Tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật thương mại, du lịch, dịch vụ, cảnh quan môi trường theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm tại 4 trung tâm du lịch là thành phố Việt Trì, các huyện Thanh Thủy, Tân Sơn, Hạ Hòa và các khu vực tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh: xây dựng Việt Trì trở thành “Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam” theo Quyết định số 817/QĐ-TTg, ngày 12-6-2020, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Thứ năm, xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh gắn với các loại hình du lịch làng nghề, du lịch di sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực... bảo đảm nguyên tắc sản phẩm du lịch phải có yếu tố đặc sắc, mang được văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa giữa tính đa dạng của nhiều loại hình và tính chuyên đề của một gói sản phẩm du lịch văn hóa; khai thác sự độc đáo, lợi thế về văn hóa của từng địa phương, cộng đồng. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành hoạt động theo chuỗi sản phẩm ở trong và ngoài nước. Nghiên cứu mở rộng thị trường, xây dựng chiến lược xúc tiến riêng cho từng sản phẩm, từng điểm đến. Khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng dân cư làm du lịch; đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án trọng điểm về du lịch, văn hóa.
Trải qua thời gian, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa là nguồn lực sức mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ nói riêng cũng như cộng đồng, quốc gia, dân tộc nói chung; trên cơ sở chính sách, định hướng phát triển, tỉnh Phú Thọ đã và đang đưa di sản văn hóa trở thành động lực cho sự phát triển bền vững của địa phương./.
-----------------------
(1) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 979 (tháng 12-2021)
(2) Chương trình hành động số 24-CTr/TU, ngày 4-4-2017, của Tỉnh ủy Phú Thọ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017, của Bộ Chính trị, về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
(3) Xem: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025
(4) Xem: Báo cáo số 49/BC-UBND, ngày 7-4-2021, của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, về tổng kết hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021
Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững  (27/09/2023)
Quyết tâm xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX  (15/09/2023)
Quyết tâm xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX  (15/09/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển