Phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững từ thực tế tỉnh Đắk Nông
TCCS - Phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững là tất yếu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhận thức được điều này, tỉnh Đắk Nông đã tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Những kết quả đạt được
Sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững là phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững nằm trong tổng thể chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đại hội XIII của Đảng xác định, “tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh… Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị”(1).
Đắk Nông là tỉnh nằm ở khu vực cửa ngõ phía tây nam của vùng Tây Nguyên, có vùng đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu nhiệt đới ôn hòa nên rất thuận lợi để trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, ứng dụng khoa học - công nghệ chất lượng cao, bền vững… Với thế mạnh sẵn có cùng với chiến lược phát triển phù hợp, hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương đã và đang có những đóng góp xứng đáng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 40% tỷ trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Sản phẩm nông nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú, sản lượng hàng hóa xuất khẩu ngày càng tăng. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đắk Nông hiện nay, như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, lúa, ngô, xoài, bơ, sầu riêng,… từng bước khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh Đắk Nông phát triển chủ yếu dựa trên nền tảng phát triển ngành nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có trên 270ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bước đầu định hướng hình thành được 5 vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao về cây lúa, hồ tiêu, cà phê và trên 69.500ha ứng dụng một phần công nghệ cao. Tổng nguồn vốn đầu tư vào khu vực nông thôn giai đoạn 2015 - 2020 là hơn 73 nghìn tỷ đồng, tạo sự thay đổi rõ rệt trong kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, giá trị sản xuất nông nghiệp từ 64,7 triệu đồng lên 71,5 triệu đồng/ha; quy mô và sản lượng nông nghiệp tăng đáng kể.
Hiện nay, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Đắk Nông được đầu tư thực hiện với quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cây cà phê, hồ tiêu được xác định là loại cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông. Toàn tỉnh hiện có khoảng 131.000ha trồng cây cà phê, đứng thứ 3 cả nước (sau tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng). Cùng với diện tích trồng cây cà phê lớn, tỉnh đã quy hoạch riêng vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận An (huyện Đắk Mil), với diện tích 335ha; vùng sản xuất lúa tại xã Buôn Choáh (huyện Krông Nô), với diện tích gần 1.000ha được tỉnh công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, mỗi xã đạt bình quân 15 tiêu chí trở lên. Diện mạo và kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống và thu nhập người dân từng bước được cải thiện.
Những kết quả đạt được của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đắk Nông có tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; xây dựng được nền tảng phát triển quan trọng, tạo đà cho những năm tiếp theo. Đạt được những kết quả trên là bởi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về vai trò, đóng góp của khoa học - công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp ngày càng nâng cao. Hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có nhiều chuyển biến tích cực. Các giống cây, con mới được đưa vào trồng thử nghiệm áp dụng nghiêm ngặt các quy định về chăm sóc, khoa học - kỹ thuật nên năng suất tăng cao, sản lượng, chất lượng sản phẩm được cải thiện tích cực. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ được áp dụng rộng rãi; các đề tài nghiên cứu được thực hiện bài bản, khoa học và đi vào chiều sâu, như: vấn đề ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống cây trồng ngày càng phổ biến, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ chế biến sâu sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản của địa phương, thực hiện công nghệ truy suất nguồn gốc và phát triển thương hiệu sản phẩm,…
Như vậy, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được xác định là hướng đi quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm không ngừng hiện đại hóa và phát triển bền vững lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông trong tương lai. Để tiếp tục gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm phát triển bền vững, tỉnh Đắk Nông đang khuyến khích nông dân, doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ, vật liệu mới vào sản xuất; xây dựng các mô hình liên kết hiệu quả giữa nông dân với doanh nghiệp; chú trọng kỹ thuật chọn, tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi; phát triển cơ sở nuôi cấy mô thực vật, sản xuất cây giống. Mặt khác, tỉnh Đắk Nông đặc biệt chú trọng công nghệ ghép giống, các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và áp dụng các biện pháp chế biến sản phẩm chất lượng cao. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong sản xuất và thị trường nông sản tỉnh Đắk Nông trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cung cấp kịp thời, tăng khả năng tiếp cận thông tin, hệ thống hóa các thông tin của ngành nông nghiệp…
Một số khó khăn, hạn chế
Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề thuận lợi đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, đặt trong tương quan phát triển của cả nước, quá trình phát triển của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững của tỉnh Đắk Nông còn bộc lộ một số hạn chế, thể hiện rõ nhất ở một số vấn đề sau:
Một là, sản xuất nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu tính bền vững, năng suất, giá trị các sản phẩm chủ lực chưa cao. Do áp lực dân số tăng nên nhu cầu về sản xuất nông nghiệp cũng như các sản phẩm nông nghiệp cũng gia tăng đáng kể. Trong khi đó, diện tích đất canh tác của tỉnh có xu hướng giảm mạnh do chuyển đổi sang các mục đích phi nông nghiệp; phương thức sản xuất của nông dân phần lớn theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún.
Hai là, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu tuy có tăng về số lượng và giá trị, nhưng thu nhập của nông dân ở các vùng sản xuất hàng hóa không tăng đáng kể; chất lượng nông sản, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao, sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ, một số nông sản thực phẩm chưa bảo đảm an toàn... Từ đó, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đối với sản xuất nông nghiệp, trong đó biện pháp tối ưu là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Ba là, việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp còn hạn chế. Công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp mặc dù có những chuyển biến tích cực song sức lan tỏa chưa lớn, một số kết quả nghiên cứu chậm áp dụng vào thực tiễn. Hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chủ yếu mang tính tự phát, thiếu tập trung, quy mô nhỏ, phân tán; nguồn lực đầu tư cho khoa học - công nghệ còn thấp, chủ yếu là từ ngân sách nhà nước.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do nhận thức của một số địa phương, cơ quan về ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất nông nghiệp chưa thật đầy đủ, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm; thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh; xuất phát điểm nền sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật canh tác của tỉnh còn nhiều hạn chế, người dân quen với phương thức canh tác cũ, ngại thay đổi phương thức sản xuất mới, đòi hỏi đầu tư tài chính khá lớn. Hiện nay, tỉnh Đắk Nông chưa có trường đại học, viện nghiên cứu nên hoạt động nghiên cứu sản xuất nông nghiệp chưa được thực hiện bài bản. Hệ thống doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ mới chưa nhiều, chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún; đầu tư nguồn lực cho khoa học - công nghệ còn ít…
Giải pháp phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới
Thời gian tới, để phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững, tỉnh Đắk Nông cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:
Một là, đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của tỉnh Đắk Nông, bám sát các nghị quyết của Trung ương về phát triển nông nghiệp, nhất là Nghị quyết số 19- NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ưu tiên phát triển lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong quá trình triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp, để việc triển khai được thuận lợi, rộng khắp và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến với Đắk Nông tham gia, đồng hành cùng với tỉnh, cùng với nhân dân để phát triển kinh tế.
Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo đảm các tiêu chí: giàu về kinh tế; mạnh về hệ thống chính trị; xanh, sạch về môi trường, trật tự, an ninh nông thôn; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tiêu thụ sản phẩm cũng như công nghiệp chế biến và những vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi và các hạ tầng khác để phục vụ các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần được bảo đảm.
Hai là, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp sát với những lợi thế địa phương để nhà đầu tư có cơ sở nghiên cứu, khảo sát và quyết định thực hiện đầu tư; cụ thể hóa những tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đa giá trị; đồng thời, tỉnh cần tập trung bố trí nguồn lực và đội ngũ cán bộ các cấp năng động, sáng tạo, quyết tâm đổi mới và phát triển, đưa tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để người dân nắm bắt kịp thời và áp dụng vào hoạt động sản xuất. Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Bởi, ứng dụng khoa học - công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp là yếu tố quan trọng, quyết định nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm,… do đó, cần khuyến khích việc xã hội hóa hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ mới, mang lại hiệu quả thiết thực.
Ba là, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất, chế biến, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đến tiêu thụ; hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, đặc biệt là các liên minh, liên kết trong sản xuất, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, hỗ trợ cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất; thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân; xây dựng thương hiệu nông sản mới, quảng bá các thương hiệu hiện có ra thị trường nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất nông nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn an toàn, chứng nhận chất lượng sản phẩm như GlobalGAP, VietGAP,… bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, chủ động hội nhập quốc tế.
Bốn là, mở rộng liên kết, hợp tác quốc tế để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm không ngừng tìm kiếm thị trường, mở rộng đầu ra cho sản phẩm; đồng thời, thông qua hoạt động xúc tiến, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đủ năng lực tài chính và quản trị làm nòng cốt cho việc hình thành liên kết phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Tạo điều kiện phát triển các tổ chức xã hội nghề nghiệp của người nông dân làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của người sản xuất, tiêu dùng.
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Xác định khoa học - công nghệ là khâu then chốt để tạo bước đột phá và là điểm nhấn trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút và triển khai các dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm gia tăng hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm, giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng giá trị nông sản, nâng cao lợi nhuận cho người nông dân. Nâng cao khả năng dự báo thị trường trên cơ sở đó hình thành, phát triển và mở rộng quy mô các trang trại, nhà máy chế biến tạo động lực thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ theo hướng dài hạn.
Trong thời gian tới, để khoa học - công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cần sự quan tâm của các ban, bộ, ngành trung ương và các ngành, địa phương trong tỉnh…; hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số; cùng với đó, cần sự chung tay của các tổ chức chính trị - xã hội để các chính sách được áp dụng vào thực tiễn hiệu quả, góp phần đưa kinh tế nông nghiệp ở Đắk Nông phát triển bền vững./.
----------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 124
Agribank đồng hành cùng sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2022  (08/12/2022)
Chương trình khuyến mại: “Mở tài khoản - Nhận quà lớn cùng Agribank”  (05/12/2022)
Agribank giảm tiếp 20% so với lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng  (28/11/2022)
Agribank tự hào là Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022  (02/11/2022)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên