TCCS - Xác định cải cách hành chính là một khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, thời gian qua, tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, chính sách, xây dựng và thực hiện nhiều mô hình hiệu quả trong công tác cải cách hành chính. Những nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp, hướng đến mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang (bên phải) kiểm tra công tác phục hồi sản xuất tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang_Ảnh: TTXVN

Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả

Quán triệt những nghị quyết, chủ trương của Trung ương về cải cách hành chính (CCHC), thời gian qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước trong công tác CCHC. Cùng với việc triển khai thực hiện Chương trình cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiếp tục xác định một trong những khâu đột phá của nhiệm kỳ là “Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn”(1). Trong đó, tỉnh ưu tiên tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện và nâng cao thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, nâng cao tính minh bạch của chính quyền và khả năng tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp(2). Điểm nhấn trong các chủ trương này là nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Qua đó, nhiều cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở và các địa phương đã tích cực nghiên cứu, học hỏi, ứng dụng các giải pháp, mô hình hay trong CCHC hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ.

Mô hình “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn” được thực hiện vào ngày thứ tư hằng tuần trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã trên toàn tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính. Để nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân, Sở Tư pháp tỉnh An Giang thực hiện mô hình tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật qua tin nhắn điện thoại. Ngành y tế vận hành “Ki-ốt thông minh” tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang để rút ngắn quy trình nhận, khám và điều trị cho bệnh nhân. Sở Giao thông vận tải tỉnh An Giang đã chuyển giao thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cho 11 ủy ban nhân dân cấp huyện và 156 ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp tiếp nhận, giải quyết, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại của người dân, doanh nghiệp. Công an tỉnh An Giang thực hiện công trình “Viết hộ tờ khai chứng minh nhân dân cho người dân”. Công an thành phố Long Xuyên thực hiện “Ngày thứ sáu giúp dân”, hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực cư trú chỉ 1 ngày (trước đây người dân phải đợi 2-3 ngày),...

Nhiều địa phương thông qua dịch vụ bưu chính công ích đã triển khai việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính không thu phí tại nhà người dân đối với một số thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: đăng ký kinh doanh, xây dựng, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, hộ tịch, cấp đổi giấy chứng minh nhân dân (thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc); hỗ trợ người dân lập tài khoản giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến qua ứng dụng Zalo, tiếp nhận và trả kết quả “đăng ký thành lập hộ kinh doanh” sau 4 giờ làm việc (thị xã Tân Châu); ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện mô hình “Phòng họp không giấy” phục vụ các cuộc họp của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân huyện (huyện Tịnh Biên),…

Với những nỗ lực đó, qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình cải cách hành chính và qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, công tác CCHC của tỉnh đã được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nỗ lực thực hiện và cơ bản hoàn thành tốt 81/82 nhiệm vụ (đạt tỷ lệ 98,78%), 25/25 đề án, dự án CCHC (đạt tỷ lệ 100%), 23/27 mục tiêu (đạt tỷ lệ 85,19%) mà Chương trình cải cách hành chính của tỉnh đề ra; mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt gần 90%(3). Đến nay, ở hầu hết các địa phương, đơn vị, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã được nâng cao, giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Nhiều cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở tích cực nghiên cứu, học hỏi, ứng dụng các giải pháp, mô hình hay trong CCHC hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng đề cao trách nhiệm công vụ, chủ động, tự giác học tập để nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Các hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC ở tỉnh An Giang thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục. Đó là:

Một số mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Chương trình CCHC của tỉnh chưa đạt; tiến độ thực hiện một số đề án, dự án CCHC còn chậm, do đơn vị được giao chủ trì các nhiệm vụ, đề án, dự án thiếu chủ động, tích cực thực hiện hoặc gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai. Một số nơi chưa chú trọng, tích cực trong việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác CCHC.

Lãnh đạo một số cơ quan, địa phương chưa thường xuyên kiểm tra tiến độ, chất lượng công việc do cơ quan, địa phương mình hoặc cấp dưới phụ trách; một số cơ quan, địa phương không thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo công tác CCHC, gây khó khăn cho các cấp thẩm quyền trong khâu theo dõi, nắm tình hình để đề ra giải pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” thiếu đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị, một số nơi vẫn còn tình trạng hồ sơ trễ hẹn, nhất là lĩnh vực xây dựng, nhà đất. Một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan nhưng chưa được các cơ quan chủ động phối hợp quy về một đầu mối để thực hiện, khiến người dân, doanh nghiệp phải tốn thời gian, công sức, chi phí đi đến nhiều cơ quan để hoàn thành thủ tục hành chính(4).

Từ những kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém trong công tác CCHC ở tỉnh An Giang thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, công tác CCHC phải được tiến hành trên cơ sở nhận thức, quán triệt, thực hiện đúng và đầy đủ những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CCHC và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Đây cũng là điểm xuất phát để xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản hành chính đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

Thứ hai, CCHC phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phải xuất phát từ ý chí, nguyện vọng và lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo để đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp và đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, hiệu quả đạt được trong công tác CCHC.

Thứ ba, công tác CCHC phải gắn với việc tạo môi trường, điều kiện để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỷ cương công vụ của cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, mạnh dạn đề xuất những sáng kiến, giải pháp mới có tính đột phá với quyết tâm đổi mới sáng tạo; đồng thời, phải chú trọng ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học - công nghệ, nhất là chuyển đổi số trong công tác CCHC.

Thứ tư, phải có chương trình, kế hoạch, lộ trình, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện CCHC, tránh những biểu hiện chủ quan, nóng vội, thiếu tự tin, thụ động. Cùng với việc kế thừa, phát huy những thành tựu trong công tác CCHC đạt được trong giai đoạn trước, cần chú trọng học tập, tiếp thu những kinh nghiệm, sáng kiến, cách làm hay của các địa phương trong cả nước để áp dụng vào thực tiễn CCHC của tỉnh cho phù hợp, hiệu quả.

Cán bộ, công chức Trung tâm hành chính công tỉnh An Giang hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp_Nguồn: angiang.gov.vn

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn

Xác định công tác CCHC, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị là một khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh ủy An Giang đề ra trong công tác CCHC là “xây dựng chính quyền thân thiện, năng động trong điều hành và trách nhiệm với nhân dân...; nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng phong cách trọng dân, gần dân, thái độ tận tụy phục vụ nhân dân”(5); tạo môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; tạo động lực phát triển mới để đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước. Yêu cầu đặt ra đối với các cấp ủy, chính quyền của tỉnh là phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC để mỗi chủ trương, chính sách khi ban hành phải phù hợp với các nghị quyết, chương trình, định hướng của Trung ương, của Chính phủ; bảo đảm vừa đúng quy định của pháp luật vừa có tính khả thi cao. Trong giai đoạn hiện nay, công tác CCHC của tỉnh phải gắn với xu thế phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hướng đến xây dựng chính quyền có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Để đạt mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CCHC. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CCHC. Xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ công tác; các cấp ủy, chính quyền phải xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể hằng năm; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình CCHC của tỉnh. Có cơ chế phân công, phối hợp trách nhiệm, thẩm quyền cụ thể giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan để bảo đảm Chương trình CCHC được triển khai đồng bộ, thống nhất theo lộ trình, mục tiêu đã đề ra. Gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC hằng năm với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp nhận thức đúng đắn, chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CCHC. Tăng cường sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp trong việc giám sát, phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực thi chủ trương, chính sách của cơ quan hành chính các cấp và đối với thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong thực thi công vụ. Thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của bộ máy hành chính, thường xuyên thu nhận ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của các cấp chính quyền; trong đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Ba là, nâng cao năng lực nghiên cứu và chỉ đạo của các cơ quan có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham mưu thực hiện nhiệm vụ CCHC của các sở, ngành, địa phương; huy động, bố trí đủ nguồn lực cán bộ, công chức, viên chức có năng lực xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Bố trí đủ nguồn lực tài chính cần thiết từ ngân sách nhà nước để xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án CCHC đã đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bốn là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức và trách nhiệm công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với việc thực hiện tốt chính sách lương, thưởng, đãi ngộ những cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên hoàn thành tốt trách nhiệm công vụ. Đồng thời, có cơ chế kịp thời bãi, miễn chức vụ, chuyển đổi vị trí công tác đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, mất uy tín với người dân, doanh nghiệp. Tạo động lực CCHC từ bên trong thông qua việc đổi mới phương thức đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả công việc; phát huy dân chủ trong CCHC và tạo cơ hội thăng tiến, phát triển cho những cán bộ, công chức, viên chức luôn nêu cao trách nhiệm công vụ, đổi mới sáng tạo, có nhiều sáng kiến tốt, cách làm hay trong thực hiện công tác CCHC.

Năm là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện bộ chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả CCHC hằng năm của cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh theo hướng toàn diện, đa chiều, công khai, minh bạch, tạo điều kiện đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác CCHC để thường xuyên khảo sát, nắm bắt sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp thông qua các nội dung quản lý nhà nước, như: Tính khả thi của các cơ chế, chính sách đã ban hành; khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực thi các chủ trương, chính sách; hiệu quả cung cấp dịch vụ công... Qua đó, giúp cơ quan hành chính các cấp kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách để phục vụ ngày càng tốt hơn những nhu cầu thiết thực, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang nhanh và bền vững./.

----------------------------

(1), (5) Tỉnh ủy An Giang: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, An Giang, tháng 10-2020, tr. 57, 69 - 70
(2) Công văn số 733/UBND-TH, ngày 21-7-2021, của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, “Về việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2021”; Công văn số 1108/UBND-TH ngày 7-10-2021,  của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, “Về việc thực hiện chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin năm 2021 và những năm tiếp theo”
(3), (4) Báo cáo số 411/BC-UBND, ngày 7-7-2020, của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, “Tổng kết công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang”