Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận hiện nay
TCCS - Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với các tỉnh nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; là tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển, làm giàu từ biển. Trước yêu cầu phát triển trong tình hình mới, việc khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế biển của tỉnh Ninh Thuận là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay.
Một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận
Ninh Thuận là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước, với bờ biển dài hơn 105km và vùng lãnh hải rộng trên 18.000km2; là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước, có nhiều vịnh, bãi biển đẹp, điều kiện khí hậu đặc thù nắng ấm quanh năm,… là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển và công nghiệp ven biển. Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, kinh tế biển ở tỉnh Ninh Thuận có những chuyển biến quan trọng, tốc độ tăng trưởng khá, 5 năm gần đây đạt 18,6%/năm; tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của tỉnh tăng từ 27% năm 2015 lên 38,8% năm 2020; kết cấu hạ tầng vùng biển và ven biển cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển; một số công trình, dự án quy mô lớn, mang tính động lực được xúc tiến triển khai, đặc biệt là đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường ven biển dài 105,8km, góp phần khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế của biển và vùng ven biển. Tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển được nhận diện đúng mức, nhất là tiềm năng về năng lượng tái tạo và du lịch biển được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Sự phát triển của các ngành kinh tế biển đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo diện mạo mới, giải quyết việc làm và từng bước nâng cao đời sống nhân dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Về phát triển năng lượng
Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 31-8-2018, của Chính phủ, “Về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023”, có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, trung tâm điện khí LNG Cà Ná, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển. Tỉnh đã chủ động xây dựng, trình phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035; quy hoạch phát triển điện mặt trời giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tạo làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực này.
Chủ trương xây dựng tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước từng bước được hình thành, đạt kết quả tích cực, góp phần biến những khó khăn, thách thức thành lợi thế cạnh tranh, thu hút được nhiều doanh nghiệp(1) đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh. Đến cuối năm 2021, trên địa bàn các huyện ven biển có 38 dự án năng lượng tái tạo, với tổng công suất khoảng 2.585,6 MW, vận hành thương mại phát điện trên 5,6 tỷ kWh, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế biển. Trước đó, năm 2020, tỉnh đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 220/500kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn”, giải phóng công suất cho các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh; đồng thời, phê duyệt bổ sung Trung tâm điện lực LNG Cà Ná vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giai đoạn 1 (1.500MW) và đang xúc tiến các thủ tục để triển khai. Việc hình thành Trung tâm điện lực LNG Cà Ná góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và an toàn hệ thống điện, ổn định, cân bằng nguồn điện cho các dự án điện gió, điện mặt trời, thay thế nguồn điện hạt nhân (đã dừng triển khai) và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương; đồng thời, tỉnh Ninh Thuận đang phối hợp với các bộ, ngành đưa vào quy hoạch quốc gia các lĩnh vực có lợi thế mới, như điện gió ven biển, điện gió ngoài khơi, cảng cạn và trung tâm logistics, tổng kho xăng dầu, công nghiệp chế biến hóa chất từ muối,... để kêu gọi đầu tư.
Về phát triển đồng bộ khai thác và nuôi trồng thủy sản
Từng bước tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản đạt kết quả tích cực, chuyển dịch theo hướng phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, năng lực tàu thuyền được nâng lên, trang thiết bị hiện đại. Ngư trường đánh bắt được mở rộng, sản lượng hải sản tăng nhanh, tăng trưởng bình quân 9,4%/năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho công nghiệp chế biến.
Chủ trương xây dựng tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước đạt kết quả tích cực, hằng năm cung cấp trên 30% tổng nhu cầu tôm giống cả nước, đã xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận”. Đến năm 2021, tỉnh Ninh Thuận có gần 500 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản đang hoạt động với tổng công suất bể ương hơn 144.000m3, sản lượng tôm giống đạt 39.371 triệu con.
Hệ thống kết cấu hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và phát triển khu nuôi trồng thủy sản được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ; đến nay, các bến cá trên địa bàn tỉnh có khả năng tiếp nhận khoảng 3.200 tàu cá các loại, đáp ứng tốt nhu cầu neo đậu, tránh trú bão và tiêu thụ sản phẩm của tàu thuyền trong và ngoài tỉnh; bảo đảm hơn 21 nghìn lượt tàu thuyền cập cảng và trên 21 nghìn tấn hàng hóa qua cảng.
Về phát triển du lịch và dịch vụ biển
Phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, du lịch biển đã có bước phát triển rõ nét; lượng du khách đến tỉnh Ninh Thuận hằng năm trung bình khoảng 1,7 triệu đến 2,1 triệu lượt người. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch từng bước được đầu tư, hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng; các khu vui chơi giải trí được quan tâm, đầu tư phát triển, phong phú. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 183 cơ sở lưu trú, với 4.121 phòng kinh doanh phục vụ du lịch.
Công tác quy hoạch xây dựng các khu du lịch trọng điểm, các điểm đến được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tỉnh đang xây dựng quy hoạch khu du lịch quốc gia Ninh Chữ nhằm khai thác và phát huy các giá trị, tiềm năng cho phát triển du lịch, bám sát Quyết định số 266/QĐ-TTg, ngày 23-02-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2045”; ban hành cơ chế thu hút phát triển du lịch trọng điểm có đẳng cấp cao trên địa bàn gắn với đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các khu quy hoạch du lịch. Đến cuối năm 2021, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 58 dự án du lịch với tổng số vốn là 51.804 tỷ đồng, có 24 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng số vốn là 4.610 tỷ đồng, chiếm 41,4% tổng số dự án, trong đó có nhiều dự án du lịch chất lượng đi vào hoạt động hiệu quả, như: khu du lịch Sài Gòn - Ninh Chữ, khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa (Amanoi), TTC Resort - Ninh Thuận... với điểm nhấn độc đáo là khu nghỉ dưỡng Amanoi - Ninh Thuận đẳng cấp cao, được Tạp chí Condé Nast Traveller của Mỹ bình chọn là 1 trong 33 khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẹp nhất thế giới năm 2014. Cùng với đó, một số dự án du lịch biển quy mô lớn đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ, như: dự án tổ hợp nghỉ dưỡng - giải trí thể thao biển Ecopark, khu du lịch Bình Tiên, Sunbay Park Hotel & Resort,... sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận trong những năm tới.
Về phát triển công nghiệp biển, các khu, cụm công nghiệp và các khu đô thị sinh thái ven biển
Xác định công nghiệp ven biển là một trong những ưu tiên để phát triển các ngành kinh tế biển, tỉnh Ninh Thuận tập trung chỉ đạo, thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, để tạo đột phá phát triển các ngành công nghiệp biển và ven biển; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp khai thác, chế biến muối và hóa chất từ muối, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuyền phục vụ đánh bắt hải sản; phát triển các sản phẩm làng nghề chế biến cá hấp, nước mắm... Tính đến cuối năm 2021, tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 55 dự án công nghiệp biển với tổng vốn đăng ký 8.218,3 tỷ đồng; đến nay, có 35 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 3.629 tỷ đồng, trong đó có một số dự án quy mô lớn, góp phần tăng năng lực sản xuất cho ngành công nghiệp, như nhà máy chế biến tôm xuất khẩu công suất 8.000 tấn/năm; dự án sản xuất và xuất khẩu muối Quán Thẻ có quy mô 2.510ha, sản lượng 500 nghìn tấn/năm; dự án sản xuất chế biến muối cao cấp và muối i-ốt có quy mô 200 nghìn tấn/năm; nhà máy chế biến rong sụn công suất 3.000 tấn/năm; nhà máy chế biến nước mắm CaNa năng suất 3 triệu lít/năm; nhà máy chế biến các sản phẩm măng tây, nha đam, chế biến muối tinh...
Chủ trương đầu tư kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp ven biển được quan tâm triển khai, tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh, nhất là phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xúc tiến thủ tục đầu tư khu công nghiệp Cà Ná, cảng tổng hợp Cà Ná gắn với các dự án trọng điểm của tỉnh, như nhà máy điện khí LNG; cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics; nhà máy chế biến hóa chất từ muối; tổng kho xăng dầu; công nghiệp hỗ trợ năng lượng tái tạo...
Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị được tăng cường, kịp thời rà soát, điều chỉnh phù hợp. Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 7 dự án khu đô thị, khu dân cư với diện tích 168,4 ha/13.675 tỷ đồng; chấp thuận nhà đầu tư cho 4 dự án(2), các nhà đầu tư đang thực hiện các bước triển khai dự án; còn lại 3 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư(3). Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng cấp, thoát nước các khu dân cư ven biển; hạ tầng khu đô thị thành phố Phan Rang - Tháp Chàm từng bước được đầu tư, mở rộng và hoàn thiện theo hướng hiện đại hóa.
Về phát triển kinh tế hàng hải
Chủ trương phát triển kinh tế hàng hải gắn với cảng biển nước sâu Cà Ná luôn được quan tâm chỉ đạo triển khai đầu tư; trong đó, tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án cảng tổng hợp Cà Ná - dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế biển, khai thác hiệu quả cảng biển nước sâu, phục vụ lưu thông hàng hóa qua cảng, thúc đẩy thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, cảng biển Cà Ná đã hoàn thành 1 bến tiếp nhận tàu 100.000 tấn, đưa vào khai thác trong quý III-2022; đồng thời, tỉnh Ninh Thuận triển khai các thủ tục để đầu tư tuyến đường giao thông kết nối từ cao tốc Bắc - Nam với quốc lộ 1 và cảng biển Cà Ná(4), tạo kết nối thông suốt, góp phần khai thác có hiệu quả cảng tổng hợp và khu công nghiệp Cà Ná, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; triển khai lập đề án phát triển trung tâm cảng cạn và dịch vụ logistics phục vụ hàng hóa qua cảng biển Cà Ná.
Một số khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đạt được, hiện nay phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, như: 1- Phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; hệ thống kết cấu hạ tầng ven biển một số vùng còn khó khăn, chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng khu dân cư ven biển; 2- Lĩnh vực thủy sản phát triển chưa bền vững, hiệu quả nghề khai thác hải sản còn thấp. Công nghiệp biển và ven biển phát triển còn chậm; năng lực sản xuất mới tăng chậm; tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp còn thấp; 3- Phát triển du lịch biển chưa tương xứng, các sản phẩm du lịch đặc thù chưa rõ nét, chất lượng các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, kết cấu hạ tầng du lịch chưa đồng bộ; 4- Nguồn lực đầu tư cho kinh tế biển chưa nhiều, nhất là nguồn lực đầu tư của Nhà nước chưa phát huy vai trò dẫn dắt hiệu quả vốn đầu tư của các thành phần kinh tế. Việc thu hút các dự án đầu tư tuy có chuyển biến, nhưng một số ngành, lĩnh vực hiệu quả chưa cao; một số dự án về khu đô thị, khu công nghiệp, du lịch triển khai còn chậm; 5- Lối sống, văn hóa - xã hội vùng biển còn nhiều vấn đề bức xúc, nhất là vệ sinh, môi trường vùng biển, tình trạng ô nhiễm ven bờ biển ở một số nơi chưa được kiểm soát tốt; đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa của một bộ phận dân cư ven biển còn khó khăn...
Phương hướng, giải pháp phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận
Định hướng phát triển kinh tế biển và vùng ven biển được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của tỉnh Ninh Thuận thời gian tới. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khẳng định, “kinh tế biển là động lực” và “tiếp tục phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; xây dựng Ninh Thuận là một trong những địa phương mạnh về biển. Phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trọng tâm phát triển các lĩnh vực: năng lượng và các ngành kinh tế biển mới; đô thị, du lịch và dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; kinh tế hàng hải; khai thác tài nguyên, khoáng sản biển khác. Từng bước nghiên cứu, quy hoạch nuôi hải sản tầng biển sâu và phát triển điện gió ngoài khơi”.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển tỉnh Ninh Thuận trở thành tỉnh mạnh về biển trong khu vực và kinh tế biển trở thành động lực phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 17-01-2022, về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định mục tiêu “phát triển Ninh Thuận trở thành tỉnh mạnh về biển trong khu vực, tập trung huy động mọi nguồn lực để kinh tế biển trở thành động lực phát triển; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện nhanh việc chuyển đổi số vào các ngành kinh tế biển, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo đảm vệ sinh môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng biển, bảo đảm quốc phòng - an ninh”, cùng với một số mục tiêu cụ thể(5).
Để thực hiện thành công những mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tỉnh tập trung phát triển các nhóm ngành kinh tế biển giai đoạn 2021 - 2025, theo thứ tự ưu tiên: 1- Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; 2- Phát triển đô thị, du lịch biển và các loại hình dịch vụ biển; 3- Phát triển công nghiệp ven biển; 4- Phát triển đồng bộ khai thác và nuôi trồng thủy sản; 5- Kinh tế hàng hải; 6- Khai thác các tài nguyên, khoáng sản biển khác. Đây là những ngành kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực có lợi thế mới như điện gió ven biển, điện gió ngoài khơi; kinh tế hàng hải, cảng cạn và dịch vụ logistics, nuôi trồng thủy sản trên biển.
Hai là, phát triển kinh tế biển theo khu vực phù hợp tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, trong đó khu vực ven biển phía Bắc phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái gắn với khai thác hiệu quả khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa; khu vực ven biển trung tâm lấy thành phố Phan Rang - Tháp Chàm làm trung tâm phát triển đô thị du lịch dịch vụ biển; khu vực ven biển phía Nam với động lực phát triển cảng biển tổng hợp Cà Ná.
Ba là, xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị địa phương ven biển; hoàn thiện các quy hoạch, chính sách, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ven biển.
Phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu công nghiệp, khu đô thị ven biển, trọng tâm là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hướng đến hình thành khu kinh tế ven biển của cả nước; xây dựng hệ thống đô thị ven biển đồng bộ, hiện đại theo tiêu chí tăng trưởng xanh.
Bốn là, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần người dân vùng ven biển, xây dựng văn hóa biển gắn với bảo vệ môi trường ven biển. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, sắp xếp bố trí lại khu dân cư ven biển; bảo đảm quyền tiếp cận, tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với biển một cách công bằng, bình đẳng. Tăng cường nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường biển và ven biển.
Năm là, tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế biển, nhất là các thành phần kinh tế, các tập đoàn kinh tế biển mạnh. Phát triển khoa học - công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số; quản lý tài nguyên, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai.
Sáu là, đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển. Phát triển nhanh nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu lao động các ngành kinh tế biển.
Bảo đảm quốc phòng - an ninh; tăng cường hợp tác, đối ngoại. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng vũ trang trong bảo vệ chủ quyền trên biển. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động thu hút các doanh nghiệp về đầu tư kết cấu hạ tầng, ứng dụng khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường./.
--------------------
(1) Tập đoàn: BIM, Trung Nam, Xuân Thiện, T&T, Hà Đô...
(2) Khu đô thị mới Phủ Hà, Khu đô thị Đầm Cà Ná, Khu đô thị mới bờ sông Dinh, Khu đô thị Mỹ Phước
(3) Khu đô thị Khánh Hải, Khu đô thị mới Bắc sông Ông, Khu đô thị mới Khánh Hải - Khu đất sân vận động Khánh Hải (cũ)
(4) Tuyến đường có tổng chiều dài 22,6km, trong đó đoạn từ đường cao tốc Bắc - Nam đến quốc lộ 1 dài khoảng 9,8km; đoạn từ quốc lộ 1 đến ranh giới khu công nghiệp Cà Ná dài 4,7km, còn lại 8,1km chung với quy hoạch tuyến đường nội bộ trong khu công nghiệp Cà Ná và khu tổ hợp điện khí LNG
(5) Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đạt 15% - 16%/năm giai đoạn 2021 - 2025; đến năm 2025, kinh tế biển chiếm 41% - 42% tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP); thu nhập bình quân đầu người khu vực ven biển gấp 1,2 lần trở lên so với bình quân toàn tỉnh; lao động làm việc trong các ngành kinh tế biển khoảng 60 - 65 nghìn người; đến năm 2030, kinh tế biển chiếm 45% - 46% tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP)
Phát triển bền vững kinh tế biển ở tỉnh Quảng Bình: Kết quả và giải pháp trong thời gian tới  (30/09/2022)
Tạo động lực phát triển vùng kinh tế biển Nam Định  (15/07/2022)
Phát triển kinh tế biển xanh - Định hướng cần thiết để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam  (26/05/2022)
Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng  (23/02/2022)
Quảng Ninh mở cửa đón khách quốc tế trong tuần đầu tiên của năm 2022  (30/11/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên