Tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường cho khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh
TCCS - Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong giai đoạn 2015 - 2020
“Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh” là một trong bốn khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Triển khai Nghị quyết Đại hội, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể là: Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp tăng lên (tỷ lệ trả kết quả đúng hạn đạt từ 98% trở lên, tỷ lệ hài lòng đạt từ 85% trở lên); tỷ lệ cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính tối thiểu hằng năm từ 20 - 25%; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 10 - 50% (nhất là các thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép kinh doanh); môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020; thu hút đầu tư trực tiếp tăng cao (theo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVIII tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, giai đoạn 2016 - 2020 thu hút được 1.072 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 76 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 114.522 tỷ đồng và 3.655 triệu USD); có khoảng 14.000 doanh nghiệp được thành lập mới; tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước được rà soát, sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (sắp xếp giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 103 đơn vị sự nghiệp công lập); thu ngân sách nhà nước hằng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành trong các cơ quan nhà nước có bước đột phá quan trọng (tỷ lệ văn bản ký số cá nhân đạt trên 99%; đã kết nối liên thông với hệ thống điều hành, tác nghiệp của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp được nhanh chóng, tiết kiệm; 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã điều hành, xử lý công việc trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc); ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn (Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được cập nhật, niêm yết đầy đủ 100% thủ tục hành chính và kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của 3 cấp chính quyền); tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 tăng từ 30 - 40% năm 2019 lên 70 - 80% năm 2020...
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ. Đây cũng được xem là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy thu hút đầu tư, nhất là các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, sản xuất sạch, bền vững. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 22-KH/TU, ngày 23-7-2021, về “Thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó nhấn mạnh: Đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của tổ chức, người dân và doanh nghiệp, là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết mà các ngành, các cấp phải tập trung thực hiện nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện chủ trương đó, ngay trong năm đầu giai đoạn 2021 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 10-11-2021, về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 176/QĐ-UBND, ngày 10-1-2022, về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU...
Đến nay, việc cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số của tỉnh bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực: Hệ thống phòng họp không giấy tờ đã được triển khai tại 19 đơn vị, tổ chức hệ thống truyền hình trực tuyến đến 27 điểm cầu cấp huyện, 559 điểm cầu cấp xã, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, tạo môi trường hội họp hiện đại, nhanh chóng, tiết kiệm. Nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu của tỉnh là một trong 8 bộ, ngành, địa phương đầu tiên kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia; đã tích hợp 1.443 đơn vị của tỉnh (cấp tỉnh, huyện, xã và các đơn vị sự nghiệp) phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã và kết nối, chia sẻ các dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.
Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 đạt từ 85 - 90%. Đến ngày 30-4-2022, có 60,5% số tổ chức, doanh nghiệp, 61% số hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định. Ngành bảo hiểm xã hội tạo đột phá trong cải cách hành chính bằng việc triển khai hướng dẫn, cài đặt sử dụng “bảo hiểm xã hội số” (VssID). Việc công khai thông tin chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh luôn thu hút được sự quan tâm của người dân. Theo Báo cáo của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa có số lượt người truy cập là 2.301.371, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố; đã ứng dụng nhiều phần mềm chuyên ngành phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và cải cách hành chính; việc thanh toán không dùng tiền mặt đang được triển khai tích cực trong các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp và người dân (70% các siêu thị, trung tâm mua sắm, 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, 20% cơ sở kinh doanh vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán phí dịch vụ không dùng tiền mặt). 100% các bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện; chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở y tế với hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội để chi trả chế độ theo quy định; 27/27 bệnh viện tuyến huyện đã kết nối hệ thống khám, chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trên; 65% các bệnh viện công lập triển khai thanh toán phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; 100% số bệnh viện công lập đã triển khai hóa đơn điện tử. Đã đưa thông tin của 28 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử như “voso.vn”; 38 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử “postmart.vn”. Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý, cung cấp dịch vụ công của các ngành, lĩnh vực được quan tâm, đẩy mạnh…
Một số khó khăn, thách thức và kỳ vọng
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số của tỉnh còn những khó khăn, thách thức, như: Năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp chưa theo kịp sự thay đổi của yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số (việc chuyển đổi nền hành chính từ “quản lý” sang “quản trị”; ứng dụng các dịch vụ thông minh; giải quyết thủ tục hành chính thông qua môi trường mạng; doanh nghiệp, người dân chưa thật sự quan tâm, chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ số); việc kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn rời rạc (như kết nối giữa phần mềm điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ (đặc biệt là cấp xã), dẫn đến khó khăn trong chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu của tỉnh…
Những hạn chế, khó khăn nêu trên đặt ra thách thức lớn cho tỉnh trong việc đề ra các giải pháp, định hướng trong thời gian tới. Bên cạnh các giải pháp từ phía cơ quan nhà nước, đòi hỏi phải có sự thay đổi cả về tư duy, nhận thức của doanh nghiệp và người dân, cụ thể như: Đổi mới phương thức làm việc, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo hiệu quả công việc của các cấp chính quyền; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin, xem đây là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính; tập trung triển khai chuyển đổi số trong khối chính quyền, nhất là trong việc cung cấp các dịch vụ công; khuyến khích tổ chức, công dân tham gia nộp hồ sơ trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và hiện đại hóa nền hành chính…; phấn đấu đến năm 2025, thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của Thanh Hóa trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước theo mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Bằng sự quyết tâm và nỗ lực trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng sẽ tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh phát triển, là điểm đến tin cậy đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước./.
Tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tới chuyển đổi số ở Việt Nam và một số hàm ý chính sách  (26/06/2022)
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản chuyển đổi số toàn diện  (16/06/2022)
Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Nam Định năm 2021 tăng 7 bậc  (15/06/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam