Một số kinh nghiệm của tỉnh Quảng Nam trong thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh
TCCS - Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện đồng bộ ba nhiệm vụ đột phá: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đồng thời, tiến hành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm xây dựng tỉnh Quảng Nam trở thành địa phương có sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư.
Những kết quả nổi bật
Sau 25 năm tái lập tỉnh (1997 - 2022), hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Nam đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt 137.767 tỷ đồng, gấp gần 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng bình quân hơn 9,5%/năm; trong đó, nguồn vốn đầu tư thuộc khu vực ngoài nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm hơn 70%. Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 912 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư khoảng 238.412,20 tỷ đồng và 193 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư khoảng 5,787 tỷ USD. Trong giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh thu hút 523 dự án đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có 415 dự án đầu tư trong nước (với tổng vốn đầu tư hơn 118.712,36 tỷ đồng) và 108 dự án FDI (với tổng vốn đầu tư hơn 766,82 triệu USD).
Hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch, dịch vụ,... Các dự án đầu tư FDI đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc, với 55 dự án (tổng vốn đăng ký là 594,5 triệu USD); đứng thứ hai là Trung Quốc (kể cả Đài Loan, Hồng Công), với 41 dự án (tổng vốn đăng ký là 363,3 triệu USD); đứng thứ ba là Nhật Bản, với 18 dự án (tổng vốn đăng ký là 139,3 triệu USD). Phần lớn các dự án đầu tư vào tỉnh Quảng Nam đều thành công, góp phần tích cực làm chuyển biến diện mạo kinh tế của tỉnh. Nhiều thương hiệu quốc gia và quốc tế lớn đã hình thành và khẳng định được uy tín của mình, như ô-tô Trường Hải, Hoiana, Vingroup,... Các tập đoàn lớn như Sun Group, BRG, T&T, FLC, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cũng sẵn sàng nghiên cứu đầu tư các dự án mang tính chiến lược trên các lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, khu phi thuế quan, trung tâm thương mại, phát triển đô thị, công nghiệp hàng không, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao,...
Kết quả thu hút đầu tư đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân khoảng 9,53%/năm. Năm 2021, mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19, GRDP của tỉnh vẫn tăng 5,04%, đứng thứ 31/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỉnh Quảng Nam đứng thứ hai về tốc độ tăng trưởng (sau tỉnh Quảng Ngãi) tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vị trí thứ 18/63 tỉnh, thành phố về quy mô GRDP. Quy mô nền kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực. Năm 2021, quy mô nền kinh tế đạt trên 102.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 67,6 triệu đồng. Tổng thu ngân sách của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt 110.000 tỷ đồng. Năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Nam đạt 23.772 tỷ đồng, là một trong số ít tỉnh, thành phố của khu vực cân đối được ngân sách và nộp ngân sách về Trung ương.
Một số kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh
Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam gần đây đều xác định, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong ba nhiệm vụ đột phá nhằm thúc đẩy thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Quảng Nam xác định: lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Do đó, tỉnh đã triển khai đánh giá chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp thông qua chất lượng phục vụ hành chính; tiến hành rà soát, bổ sung quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Để thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, tỉnh đã hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử, đẩy mạnh cắt giảm chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính; triển khai đồng bộ, hiệu quả mục tiêu “4 tăng” (tăng tính công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ; tăng cường phương thức giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường mạng; tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp), “2 giảm” (giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính), “2 không” (không gây phiền hà, sách nhiễu; không trễ hẹn); nhờ đó, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức tiếp tục có sự cải thiện đáng kể, đạt 88,84% cấp tỉnh và 84,45% cấp huyện. Ngày 1-10-2020, tỉnh đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh, nơi tổng hợp, chỉ huy, điều hành toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua việc thu thập, chuẩn hóa dữ liệu, phân tích, xử lý, đưa ra các báo cáo nhằm phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, điều hành của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực. Tiếp đó, tỉnh triển khai ứng dụng “Smart Quảng Nam”, cung cấp cho người dân, du khách và nhà đầu tư nhiều tính năng thông minh, tiện ích khi đến với Quảng Nam.
Mặt khác, tỉnh tập trung hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền để dễ hiểu, dễ thực hiện. Ngày 30-7-2021, tỉnh ban hành quy định hướng dẫn trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, quản lý hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh; nhờ vậy, trình tự thực hiện một dự án được hệ thống hóa, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật, quy định cụ thể các cơ quan làm đầu mối hướng dẫn và hỗ trợ đầu tư. Nhà đầu tư đến với tỉnh Quảng Nam sẽ được lựa chọn và quyết định thực hiện dự án theo hình thức đầu tư phù hợp. Thông qua việc thực thi các quy định này, tỉnh có cơ sở và điều kiện để sàng lọc nhà đầu tư, lựa chọn những nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, quyết tâm thực hiện dự án, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, bình đẳng cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Quảng Nam được cải thiện rõ rệt, thể hiện qua kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Giai đoạn 2015 - 2019, chỉ số PCI của tỉnh Quảng Nam nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước, riêng năm 2019 đạt mức điểm cao nhất với điểm tổng hợp là 69,42, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, năm 2020, với nhiều lý do khác nhau, chỉ số PCI của tỉnh chỉ đạt 65,72 điểm, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, chỉ số PCI của tỉnh sẽ thuộc tốp 5 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước, góp phần tạo niềm tin, động lực cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Quảng Nam.
Thứ hai, chú trọng công tác quy hoạch tổng thể để thu hút đầu tư.
Tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, quyết tâm đột phá phát triển nhanh vùng Đông, đồng thời tạo lập các yếu tố cần thiết để làm tiền đề phát triển mạnh mẽ vùng Tây. Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng dịch vụ, tăng cường công nghiệp và quan tâm nông nghiệp; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó nguồn lực nhà nước là cần thiết, nguồn lực của tư nhân là quan trọng; phân bổ hợp lý các lực lượng sản xuất, tăng nhanh tỷ trọng các ngành dịch vụ, nâng cao chất lượng nhưng giảm mạnh tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế.
Cụ thể, công nghiệp phải quy hoạch, định hướng đầu tư sản xuất theo cụm ngành với công nghệ hiện đại, ít sử dụng lao động; phát triển mạnh ngành công nghiệp ô-tô, công nghiệp điện khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, công nghiệp thực phẩm, đồ uống, công nghiệp hàng không,... để sớm hình thành trung tâm cơ khí đa dụng quy mô lớn tại Khu Kinh tế mở Chu Lai. Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp phải là những ngành, nghề tiên tiến, đóng góp ngân sách nhiều, hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích sử dụng đất. Các ngành khai thác, chế biến khoáng sản phải đổi mới công nghệ, chế biến sâu, không làm tổn hại môi trường.
Trong lĩnh vực dịch vụ, tỉnh tập trung phát triển các ngành dịch vụ du lịch, y tế, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, logistics; từng bước hình thành các khu phi thuế quan, các sàn giao dịch quy mô quốc tế; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao của khu vực miền Trung. Ngành du lịch được ưu tiên cơ cấu toàn diện cả về lữ hành, lưu trú, ẩm thực; đa dạng hóa sản phẩm, không gian du lịch, loại hình du lịch và thị trường khách để bảo đảm sự phát triển bền vững và liên kết với các địa phương trong vùng để xây dựng các sản phẩm phù hợp cho khách nội địa. Đặc biệt, với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, tỉnh Quảng Nam có cơ hội rất lớn để phát triển mạnh dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông và đường hàng không. Với đặc điểm hội tụ riêng có của mình, Khu kinh tế mở Chu Lai có thể hình thành một trung tâm vận tải đa phương thức trọng điểm của quốc gia.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh chủ trương phát triển theo chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu; có chính sách thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp để làm nòng cốt tổ chức lại sản xuất trên cơ sở tạo mối liên kết bền chặt, hiệu quả với các hợp tác xã và hộ nông dân, hình thành các vùng chuyên canh lớn, các trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp, bán công nghiệp; chuyển đổi mạnh rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, cây ăn trái và một số loại cây dược liệu chủ lực, gắn với chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng lớn; giảm tỷ trọng nuôi trồng thủy sản, tăng tỷ trọng đánh bắt xa bờ gắn với chế biến sâu và hạ tầng nghề cá đồng bộ. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển vượt bậc về hoạt động khởi nghiệp gắn với đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt chất lượng cao, quy mô lớn để cung cấp cho các thị trường trọng điểm trong nước.
Trong phát triển đô thị, nông thôn, tỉnh yêu cầu rà soát, điều chỉnh các quy hoạch để bảo đảm tính khoa học và có giá trị gia tăng cao trên nguyên tắc tôn trọng các giá trị tự nhiên, lịch sử và văn hóa của từng vùng đất, lấy quan điểm phát triển xanh, bền vững làm chủ đạo, không bị chia cắt bởi ranh giới hành chính các địa phương; các trục hạ tầng động lực phải mang tính liên kết vùng, trong đó đặc biệt lưu ý đến các trục sông theo các hướng Bắc - Nam, Đông - Tây. Thực hiện tốt quy hoạch đô thị theo hướng có bản sắc riêng và phù hợp với từng vùng, miền, chức năng của từng cấp, loại đô thị. Khu vực nông thôn mới chú trọng xây dựng thành những miền quê đáng sống, đồng thời tính đến các yếu tố tạo tiền đề hình thành đô thị trong tương lai, nhưng đó phải là đô thị của nông thôn, miền núi, không gây xung đột với các giá trị cốt lõi, đặc trưng riêng, gắn liền với định hướng quy hoạch, tỉnh luôn yêu cầu đánh giá sự tác động của môi trường để có những ứng xử hợp lý với môi trường, lấy sự bền vững của môi trường làm nền tảng cho sự phát triển chiến lược nền kinh tế. Toàn bộ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên nhiều lĩnh vực, nhóm ngành và địa phương đều được công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Để góp phần thu hút đầu tư vào tỉnh, trong những năm qua, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được đầu tư khá đồng bộ theo hướng hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp. Tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ tư duy phân bổ vốn đầu tư theo hướng tập trung nguồn lực kết nối hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, thông suốt, ưu tiên các dự án kết nối từ đồng bằng ven biển lên miền núi, các tỉnh lân cận, Tây Nguyên, qua các nước Lào và Thái Lan; các dự án giao thông có khả năng tạo động lực cho phát triển kinh tế của khu vực, kích thích, thu hút đầu tư của tư nhân cần được ưu tiên trước. Cụ thể, sân bay Chu Lai được quy hoạch theo tiêu chuẩn 4F (là mức cao nhất theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO)), là một trong những sân bay lớn nhất của cả nước; cảng Kỳ Hà có khả năng tiếp nhận tàu đến 5 vạn tấn được quy hoạch là cảng biển loại I và tiếp tục được đầu tư, bảo đảm tiếp nhận các tàu vận tải có trọng tải lớn; tuyến đường bộ ven biển được hình thành kết nối thông suốt từ Đà Nẵng đến Chu Lai là điều kiện thuận lợi để phát triển vùng Đông trong giai đoạn tiếp theo; có mạng lưới giao thông đến từ trung tâm tỉnh lỵ đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố và trung tâm các xã,...
Thứ ba, đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Cùng với việc chú trọng triển khai các hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh, chính quyền tỉnh luôn đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án tại tỉnh Quảng Nam, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án. Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; Ủy ban nhân dân tỉnh cũng thành lập Tổ Công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện các chỉ đạo của Thường trực Ủy ban tỉnh. Tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh phải chủ động sắp xếp thời gian đến làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để ghi nhận và giải quyết nhanh những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh cũng thành lập các tổ công tác cùng với người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, định kỳ xuống từng địa bàn để giải quyết tại chỗ các vướng mắc, hạn chế ngồi ở văn phòng chờ báo cáo, chuyển đi chuyển lại, mất thời gian, không thực tế. Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về một năm tổ chức ít nhất hai lần đối thoại doanh nghiệp, tỉnh Quảng Nam triển khai tổ chức đối thoại hằng tháng với doanh nghiệp để lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ ngay các khó khăn của doanh nghiệp và bảo đảm mỗi doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra không quá 1 lần/năm. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 tác động mạnh đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về giảm, gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ; thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất, kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Đồng thời, tỉnh cũng tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả tiếp tục nghiên cứu, tái đầu tư và mở rộng đầu tư trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng lực đầu mối xúc tiến đầu tư ở cấp tỉnh và cấp huyện. Phương pháp tiếp cận các nhà đầu tư được đổi mới theo hướng chủ động tiếp cận trực tiếp và trực tuyến với các nhà đầu tư lớn trên cả nước chứ không bị động đợi nhà đầu tư đến với tỉnh Quảng Nam. Thành lập các nhóm, tổ công tác chuyên trách nhằm hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư. Chủ động phối hợp với các báo, tạp chí, đài truyền hình biên soạn và phát hành các tài liệu phục vụ công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chú trọng và đẩy mạnh quan hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam để hợp tác, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư; đồng thời, tỉnh đã xây dựng “Ứng dụng công nghệ GIS trong hoạt động xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam”(1) để giúp các nhà đầu tư có cái nhìn trực quan về các điểm mời gọi đầu tư tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư tin tưởng, mạnh dạn hơn khi quyết định đầu tư vào Quảng Nam.
Tỉnh Quảng Nam xác định, hoạt động thu hút đầu tư trong thời gian tới được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp - thiết thực - hiệu quả. Do đó, tỉnh Quảng Nam tiếp tục tập trung thu hút, xúc tiến đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm của địa phương và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh; hoàn chỉnh quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng nhằm kêu gọi đầu tư,... tạo nền tảng quan trọng nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
---------------
(1) Công nghệ GIS (Geographic Information System) là công cụ dùng để thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu từ không gian địa lý để thực hiện biên tập bản đồ, lưu trữ dữ liệu bản đồ, thao tác trên bản đồ sao cho tương hợp sự vật, hiện tượng ngoài không gian thực
Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực của tỉnh Quảng Ninh - Thành công, hạn chế và những vấn đề đặt ra  (27/05/2022)
Vai trò của trường đại học trong hệ thống đổi mới sáng tạo: Thực tiễn trên thế giới và liên hệ với Việt Nam  (29/11/2021)
Quan điểm của Đảng về đổi mới sáng tạo qua các kỳ đại hội  (28/11/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển