Vĩnh Phúc chú trọng đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng, tạo nguồn đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước
TCCS - Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều cách làm chủ động, sáng tạo, hiệu quả, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc từng bước xây dựng và phát triển các tổ chức đảng, tạo nguồn đảng viên trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng và tạo nguồn đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Chủ trương, chính sách đúng đắn
Trong những năm qua, công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên ở các đơn vị doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một chủ trương lớn được Đảng ta quan tâm, thể hiện thông qua các chỉ thị như Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23-11-1996, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”; Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư, “Về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”... Cùng với đó là những quy định, hướng dẫn như Quy định số 15-QĐ/TW, ngày 28-8-2006, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, “Về đảng viên làm kinh tế tư nhân”; Quy định số 170-QĐ/TW, ngày 7-3-2013, của Ban Bí thư, “Về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân”; các hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương như: Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 30-1-2013, “Về việc thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”; Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 05-6-2017, “Về hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên”; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 6-7-2018, “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”,...
Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực Bắc Bộ, có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực, là cầu nối quan trọng giữa các tỉnh phía Bắc với đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tính đến ngày 31-3-2021, toàn tỉnh có hơn 12.150 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 142 nghìn tỷ đồng, tăng gần 9.000 doanh nghiệp so với tháng 6-2011. Với số lượng lớn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phát triển tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp.
Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc ban hành nhiều nghị quyết, quy định, kế hoạch nhằm củng cố và nâng cao chất lượng công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, như: Quyết định số 1611-QĐ/TU, ngày 26-7-2010, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh với các cơ quan trong xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức cơ sở đảng và tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp; Quy định số 01-QĐ/TU, ngày 21-3-2011, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 14-6-2013, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên giai đoạn 2013 - 2020; Kế hoạch số 137-KH/TU, ngày 24-5-2019, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân…
Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đẩy mạnh việc vận động, tuyên truyền và hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội tại địa bàn doanh nghiệp hoạt động để thành lập các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội của người lao động trong doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tỉnh ủy chỉ đạo các ban, ngành chức năng tập trung nghiên cứu, tìm hiểu tình hình thực tế để từ đó đưa ra những chủ trương, chính sách sát hợp, giúp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về việc thành lập tổ chức đảng và phát triển đảng viên. Thông qua đó, cộng đồng doanh nghiệp nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò quan trọng của tổ chức cơ sở đảng, vừa giúp doanh nghiệp hoạt động đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vừa là cầu nối phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động tới chủ doanh nghiệp, tổ chức đảng cấp trên, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động trong các khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trên cơ sở thực hiện tốt công tác khảo sát, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc kịp thời chỉ đạo các cấp vận động doanh nghiệp có đủ điều kiện thành lập tổ chức đảng. Rà soát, nắm chắc tình hình hoạt động, nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh đặc thù của từng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp. Việc sắp xếp, kiện toàn, chuyển giao các tổ chức đảng theo từng mô hình tổ chức cơ sở đảng cũng được tiến hành từng bước, thận trọng, có sự nghiên cứu và rút kinh nghiệm, bảo đảm thuận lợi theo hướng đổi mới, cải cách hành chính...
Những điểm sáng
Bám sát sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng cấp trên, các tổ chức đảng mới thành lập trong doanh nghiệp nhanh chóng xây dựng được quy chế hoạt động của cấp ủy, chi bộ, vừa bảo đảm nguyên tắc của Điều lệ Đảng, vừa phù hợp với đặc điểm, tình hình của doanh nghiệp. Sự lãnh đạo của tổ chức đảng với các tổ chức chính trị - xã hội và sự phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp như hội đồng quản trị, ban giám đốc,… được quy định rõ ràng và duy trì tốt; cấp ủy, chi bộ lãnh đạo đảng viên thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, cùng người lao động đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển nguồn vốn doanh nghiệp; các chủ doanh nghiệp tôn trọng và tạo điều kiện để tổ chức đảng hoạt động. Nhờ đó, hoạt động của tổ chức đảng ngày càng hiệu quả và góp phần tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp. Tính đến ngày 31-3-2021, toàn tỉnh có 129 tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp, trong đó trực thuộc Đảng bộ Khối doanh nghiệp 76 chi, đảng bộ cơ sở, với 3.566 đảng viên; trực thuộc đảng bộ huyện, thành thị (gọi chung là cấp huyện) 31 chi, đảng bộ cơ sở, với 685 đảng viên; trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) 22 chi bộ, với 161 đảng viên. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 7 tổ chức đảng trực thuộc tổ chức đảng ngành dọc, có trên 168 đảng viên.
Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức là một điển hình trong công tác phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên bài bản, có chất lượng. Được thành lập từ năm 2002, sau hơn 18 năm hoạt động, công ty ngày càng khẳng định vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường thép trong và ngoài nước. Các sản phẩm của công ty luôn đạt chất lượng cao, bảo đảm yêu cầu theo tiêu chuẩn của Anh, Nhật Bản, Mỹ… Để có được thành công, Đảng ủy Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức luôn chủ động bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của công ty, tích cực cùng ban lãnh đạo bàn thảo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo, đồng hành cùng toàn thể cán bộ, công nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Đảng ủy công ty chủ động ban hành các nghị quyết, xây dựng quy chế làm việc của Đảng ủy, trong đó quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của mỗi cấp ủy viên; quy chế phối hợp giữa cấp ủy với Ban Giám đốc trong công tác xây dựng Đảng và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đảng ủy công ty duy trì sinh hoạt đều đặn, nghiêm túc theo đúng quy định, thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức, ngăn ngừa, đấu tranh kịp thời với những biểu hiện chưa đúng về tư tưởng.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy công ty kết nạp được 47 quần chúng ưu tú vào Đảng, xét chuyển chính thức cho 58 đảng viên dự bị. Đa số đảng viên đều đang nắm giữ những chức vụ chủ chốt trong công ty… Nhiều quần chúng ý thức được vai trò quan trọng của tổ chức đảng nên có mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đồng chí Khuất Duy Trọng - Bí thư Chi bộ Khối sản xuất VGS - cho biết: “Đại đa số công nhân của công ty đều nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, thực hiện lý tưởng của Đảng, nỗ lực đóng góp sức mình trong sự nghiệp phát triển công ty ngày càng vững mạnh”. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức đạt được nhiều kết quả nổi bật, lãnh đạo thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và phát triển sản xuất, kinh doanh. Công ty được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2020.
Một điểm sáng khác trên địa bàn tỉnh là Đảng ủy Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên. Tổ chức đảng được thành lập ngay sau khi công ty đi vào hoạt động. Nhiều năm liền được đảng bộ cấp trên công nhận là đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Đảng ủy công ty chủ động thông tin, xây dựng các chương trình hành động, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; triển khai kịp thời các đợt học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, với tỷ lệ đảng viên tham gia bình quân đạt trên 98%, qua đó tạo được lòng tin, sự gắn bó, đoàn kết trong Đảng bộ. Đến nay, Đảng bộ Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên có tổng số 78 đảng viên và 4 chi bộ trực thuộc. Người lao động trong công ty đoàn kết, thống nhất, giúp đỡ nhau trong mọi công việc; các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động đều tay; đội ngũ đảng viên thường xuyên được học tập nâng cao nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Tuy làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu, số lượng đảng viên mỏng (hiện có 11 đảng viên), nhưng ngay từ khi thành lập, Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định công tác phát triển đảng viên và xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm. Chi bộ duy trì đều đặn lịch sinh hoạt hằng tháng gắn với việc học tập các chuyên đề; nội dung các buổi sinh hoạt chuyên đề thường xuyên đổi mới theo đúng tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc lãnh đạo nâng cao chất lượng chuyên môn. Chi bộ luôn sâu sát trong việc nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, tạo điều kiện thuận lợi để mọi đảng viên được học tập, nghiên cứu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác xây dựng Đảng và hoạt động công đoàn đã đạt, vượt các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra. Nhiều năm liền, đơn vị được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, chi bộ được xếp loại “Trong sạch, vững mạnh”, “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên. Vai trò, vị trí của Công đoàn các khu công nghiệp được khẳng định vững chắc.
Khó khăn và những giải pháp
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn một số khó khăn, hạn chế nhất định.
Thứ nhất, một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp chưa quán triệt sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp, chưa thực sự quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức đảng đồng bộ, phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự chủ động vào cuộc, phối hợp giữa các huyện, thành, thị uỷ, Đảng uỷ Khối các doanh nghiệp tỉnh chưa thực sự đồng bộ, chặt chẽ. Nhiều chương trình, kế hoạch của các cấp ủy, chính quyền các cấp về xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân còn nặng về phong trào, hình thức, thiếu khả thi. Việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước kết quả còn hạn chế.
Thứ hai, công tác vận động, hướng dẫn chủ doanh nghiệp trong việc xây dựng các tổ chức đảng và phát triển đảng viên chưa thực sự thường xuyên, bền bỉ. Một số mô hình tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp chưa thực sự phù hợp. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa chú trọng công tác đổi mới phương thức lãnh đạo trong tình hình mới. Vai trò của các tổ chức đảng trong một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn mờ nhạt; nội dung và phương thức hoạt động còn nhiều lúng túng, chưa phát huy được vai trò là hạt nhân chính trị, quy tụ sự đồng thuận của đảng viên; sự phối hợp của cấp ủy và ban lãnh đạo doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả, nhất là trong các doanh nghiệp mà lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp không tham gia cấp ủy.
Thứ ba, các doanh nghiệp tư nhân trên địa bản tỉnh đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của tổ chức đảng nên chưa ủng hộ, thậm chí còn gây khó khăn trong việc thành lập tổ chức đảng và phát triển đảng viên. Đảng viên, tổ chức đảng trong một số doanh nghiệp chưa thực sự tiêu biểu, tiên phong; một số đảng viên chưa phát huy vai trò gương mẫu trong doanh nghiệp về đạo đức, lối sống, lao động, đạt kết quả thấp trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, công nhân, người lao động trong doanh nghiệp thường xuyên biến động, dịch chuyển, phần nhiều là lao động phổ thông, nhận thức chính trị còn hạn chế, thiếu mục tiêu học tập, rèn luyện, phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên và đẩy mạnh việc xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:
Một là, cấp ủy các cấp tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đặc biệt là Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư, “Về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”; Quy định số 01-QĐ/TU, ngày 21-3-2011, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về “Mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp”; cũng như các chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đẩy mạnh công tác tiếp xúc, đối thoại, tuyên truyền đối với các chủ doanh nghiệp để vừa lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, vừa thuyết phục, tạo sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tầm quan trọng của các tổ chức đảng và tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh đẩy mạnh việc nghiên cứu, hướng dẫn, biên soạn và phát hành tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Hai là, cấp ủy các cấp cần thường xuyên quan tâm, đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đẩy mạnh việc thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Đối với các doanh nghiệp đã có tổ chức đảng, cần phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức chính trị - xã hội, cùng hướng đích thúc đẩy sự phát triển, nâng cao doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên, cấp ủy các cấp cần tăng cường chỉ đạo cấp ủy cơ sở nơi có doanh nghiệp đóng trụ sở phân công đảng viên có kinh nghiệm, bám sát, phối hợp với ban lãnh đạo, các đoàn thể trong doanh nghiệp phát hiện và bồi dưỡng những quần chúng ưu tú, tạo nguồn kết nạp đảng viên mới.
Ba là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống bằng những nội dung, hình thức phù hợp đối với đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhất là đảng viên là chủ các doanh nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Cấp ủy các cấp quan tâm công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên để vừa chủ động phát hiện, động viên, nhân rộng những mô hình tốt, vừa kịp thời nắm bắt, uốn nắn những hạn chế, thiếu sót, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh./.
Nâng cao chất lượng các tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân hiện nay  (18/11/2021)
Huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc: Để người lao động thêm yên tâm, gắn bó với công việc  (05/10/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển