Khai thác tiềm năng, huy động nguồn lực, tạo chuyển biến thực chất, hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Đắk Nông
TCCS - Trong quá trình phát triển kinh tế, quan điểm nhất quán của Đảng bộ tỉnh Đắk Nông là tập trung lãnh đạo, ban hành cơ chế, chính sách của địa phương trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt và sát với thực tiễn; huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, nguồn lực, đầu tư trọng điểm các ngành, lĩnh vực có lợi thế; tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo chuyển biến thực chất giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xa hội, bảo vệ môi trường.
Kinh tế tăng trưởng khá, hoàn thành mục tiêu thoát khỏi tỉnh nghèo
Sau 17 năm thành lập, cơ cấu kinh tế của tỉnh Đắk Nông đã hình thành được nền tảng phát triển cơ bản theo ba hướng, đó là: ngành công nghiệp khai thác bô-xít, luyện alumin - nhôm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch dựa trên lợi thế về khí hậu, cảnh quan Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Giai đoạn 2015 - 2020, trong bối cảnh có những diễn biến đa chiều, đan xen giữa cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, với nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Đắk Nông thoát khỏi tình trạng một tỉnh nghèo, chưa phát triển.
Thành tựu nổi bật nhất là duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020, đạt 8,02%/năm; quy mô nền kinh tế tăng 1,34 lần so với đầu nhiệm kỳ. Đặc biệt, ngành công nghiệp có bước phát triển khá, từng bước trở thành ngành kinh tế động lực cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng 12,22%/năm. Với việc Nhà máy alumin Nhân Cơ đi vào vận hành thương mại từ cuối năm 2016 và triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy Điện phân nhôm Trần Hồng Quân, xây dựng Khu Công nghiệp Nhân Cơ, tỉnh Đắk Nông khởi động những nền móng đầu tiên cho việc hình thành chuỗi công nghiệp alumin - luyện nhôm và sau nhôm; đặt tiền đề cho việc xây dựng Đắk Nông trở thành khu công nghiệp luyện nhôm, sản xuất các sản phẩm sau nhôm hàng đầu của cả nước. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản từng bước tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Nhiệm vụ trọng tâm những năm qua của tỉnh Đắk Nông là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác, đổi mới phương thức sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, sản xuất theo hướng thị trường; thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tỉnh ủy lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 2 đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp toàn diện, gắn với triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Kết quả bước đầu có tác động tích cực, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp từ 64,7 triệu đồng lên 71,5 triệu đồng/ha; quy mô và sản lượng nông nghiệp tăng đáng kể. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có trên 270ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bước đầu định hướng hình thành được 5 vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và trên 69.500ha ứng dụng một phần công nghệ cao. Tổng nguồn vốn đầu tư vào khu vực nông thôn giai đoạn 2015 - 2020 là hơn 73.000 tỷ đồng, tạo sự thay đổi rõ rệt kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho người dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, mỗi xã đạt bình quân 15 tiêu chí trở lên; hiện có 27 xã, 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo và kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống và thu nhập người dân từng bước được cải thiện.
Kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị được ưu tiên đầu tư, bước đầu đạt được hiệu quả nhất định. Đầu tư nâng cấp 555km đường giao thông, nâng tỉ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh lên 65%, nhựa hóa đường huyện lên 76%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 28%. Cùng với đó, hoạt động thương mại và dịch vụ được mở rộng; xuất, nhập khẩu tăng trưởng khá; cung - cầu hàng hóa ổn định, mạng lưới cung ứng được mở rộng ở cả đô thị, nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Mối liên kết kinh tế, thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, tạo cơ hội đưa một số sản phẩm nông, lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, như: hồ tiêu, cà phê, sản phẩm từ gỗ ra thị trường thế giới.
Điểm sáng trong phát triển du lịch là tỉnh Đắk Nông xác định đúng hướng tiếp cận để khai thác lợi thế riêng có sau khi các nhà khoa học phát hiện hệ thống hang động núi lửa ở Đắk Nông. Cuối năm 2020, Công viên Địa chất Đắk Nông được UNSECO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu. Với khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động, với tổng chiều dài hơn 10km; các miệng núi lửa, thác nước của Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông là nơi lưu trữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên và dấu tích hoạt động của người tiền sử. Sự kiện này được bình chọn là một trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao tiêu biểu của Việt Nam trong năm 2020; tạo điểm nhấn mới, là tiềm năng cho ngành du lịch của tỉnh phát triển trong giai đoạn tới.
Cộng đồng doanh nghiệp có bước phát triển khá, tăng cả về số lượng và vốn đăng ký. Với điều kiện khởi nghiệp thuận lợi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông. Tỉnh xúc tiến, tiếp cận các nhà tài trợ ODA theo hướng chủ động hơn, số lượng các dự án được vận động chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, giảm nghèo, góp phần vào việc cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Có được những thành quả quan trọng nêu trên là nhờ sự quan tâm và lãnh đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự ủng hộ tích cực, hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương; sự kế thừa, phát triển hiệu quả các quan điểm, định hướng phát triển qua nhiều thế hệ; sự lãnh đạo quyết liệt, đồng bộ của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nỗ lực trong tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị; sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận của các doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Những trở lực cản bước phát triển
Những thành tựu đạt được trong giai đoạn 2015 - 2020 có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển của tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, đặt trong tương quan phát triển của cả nước và yêu cầu của nhân dân, quá trình phát triển của tỉnh Đắk Nông còn nhiều hạn chế, yếu kém, rõ nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thể hiện ở một số vấn đề sau: Một là, tốc độ tăng trưởng và một số chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu đề ra. Hai là, tổng vốn đầu tư toàn xã hội và nguồn vốn đầu tư công chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ba là, việc huy động, sử dụng nguồn lực tài nguyên, khoáng sản, đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả thấp. Bốn là, tiến độ xây dựng một số công trình kiến trúc, văn hóa mang tính biểu tượng còn chậm. Năm là, năng lực cạnh tranh, năng suất, chất lượng sản xuất công nghiệp và nông nghiệp phát triển chưa theo chiều sâu, thiếu bền vững. Sáu là, tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp thấp; hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp chưa cao. Bảy là, chất lượng công tác quy hoạch chưa bảo đảm định hướng phát triển; công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, khoáng sản chưa chặt chẽ, tình trạng phát triển không theo quy hoạch; khai thác khoáng sản trái phép; phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra phức tạp.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp còn hạn chế. Các tiềm năng, lợi thế về kinh tế rừng chưa được phát huy. Chưa thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn vào các ngành, lĩnh vực lợi thế, như: chế biến sâu nông, lâm sản, hạ tầng thương mại, trung tâm lô-gi-stíc. Kinh tế cửa khẩu chưa phát triển, hạ tầng du lịch thiếu đồng bộ, quy mô hoạt động nhỏ, sản phẩm thiếu đặc sắc. Năng lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn yếu, quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất chưa hiện đại. Việc triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều vướng mắc; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong nhóm cuối bảng xếp hạng.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém có yếu tố khách quan từ những xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật nhưng chậm được điều chỉnh, khắc phục. Sự thay đổi cơ chế, chính sách đầu tư công, cơ cấu lại nền kinh tế từ Trung ương; những yếu tố nội tại của kinh tế địa phương; tác động tiêu cực từ việc sụt giảm giá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực... Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do nhân tố chủ quan, như: Hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước; xây dựng, vận dụng cơ chế, chính sách; năng lực và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ còn hạn chế.
Hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế, dự báo các yếu tố tác động trong tương lai, đồng thời tiếp thu chỉ đạo, định hướng của Trung ương, Đại hội đại biểu lần thứ XII Đảng bộ tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2020 -2025 xác định mục tiêu tổng quát là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng vươn lên của các dân tộc; khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên”.
Trong điều kiện vừa thoát ra khỏi tình trạng một tỉnh nghèo, chưa phát triển; lợi thế không có sự khác biệt quá lớn so với các tỉnh trong khu vực, tiềm lực cho sự phát triển còn hạn chế, để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra, đòi hỏi phải huy động tối đa mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở tham vấn ý kiến của các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế trong nước; đặt trong xu hướng phát triển của vùng Tây Nguyên và đất nước trong tầm nhìn dài hạn đến năm 2045, Đảng bộ tỉnh xác định các yếu tố lợi thế để Đắk Nông phát triển là dựa vào trữ lượng khoáng sản bô-xít; đặc trưng khí hậu ôn hòa; tiềm năng đất đai nông nghiệp và quỹ đất phát triển đô thị; tiềm năng về rừng; tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và vị trí địa lý chiến lược.
Đảng bộ tỉnh Đắk Nông nhận thấy, để nền kinh tế địa phương phát triển bền vững, cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển, phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng trong nhân dân để trở thành động lực nội tại cho quá trình xây dựng, phát triển. Chú trọng phát huy nguồn lực từ bên trong, tích cực thu hút các nguồn lực bên ngoài; tập trung đầu tư có trọng điểm các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế phát triển.
Tỉnh Đắk Nông tập trung vào ba trụ cột của nền kinh tế địa phương được khẳng định, đó là: 1- Phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia; 2- Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; 3- Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa, đặc trưng sinh thái địa phương, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tỉnh Đắk Nông xác định thực hiện ba khâu đột phá chiến lược trong những năm tới, tạo đà, tạo nền tảng để phát triển kinh tế bền vững, đó là: 1- Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, trước hết là đẩy mạnh cải cách hành chính; 2- Xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông; 3- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống chính trị và trong các ngành, lĩnh vực là trụ cột phát triển kinh tế; đồng thời, thực hiện năm nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao trên nền tảng đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.
Duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân của cả nước (từ 1 đến 2%). Huy động, sử dụng hiệu quả tất cả mọi nguồn lực theo phương châm “nội lực làm nền tảng” và “ngoại lực để đột phá”. Tập trung thu hút, mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực, doanh nghiệp quy mô lớn đầu tư vào các lĩnh vực được chọn là khâu đột phá, thực hiện dự án có vốn lớn, đi đầu, dẫn dắt, tạo động lực lan tỏa.
Thứ hai, tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi và bình đẳng để doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo. Khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn, phát triển mạnh kinh tế tập thể, các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới; ưu tiên phát triển mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp hiện đại.
Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện các ngành kinh tế.
Tập trung phát triển công nghiệp khai khoáng và luyện nhôm, với mục tiêu đưa Đắk Nông sớm trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia. Hình thành chuỗi sản xuất công nghiệp: khai thác bô-xít, luyện alumin, luyện nhôm, chế biến các sản phẩm sau nhôm; chế tạo, mở rộng dịch vụ hỗ trợ ngành công nghiệp nhôm ngay trên địa bàn. Đây là mục tiêu có thể sớm định hình, tạo cơ chế đưa Nhà máy điện phân nhôm Trần Hồng Quân vào hoạt động; hoàn thành hạ tầng Khu Công nghiệp Nhân Cơ 2. Phát triển công nghiệp chế biến hỗ trợ cho ngành nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Phát triển hệ thống năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng điện gió, điện mặt trời. Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, chất lượng, tạo mũi đột phá về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị. Thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Thứ tư, định hình chiến lược xây dựng hạ tầng kỹ thuật phát triển du lịch.
Trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên của địa phương, biến tiềm năng, dư địa du lịch của tỉnh trở thành hiện thực. Tập trung đầu tư, tạo sự bứt phá trong phát triển du lịch; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, hình ảnh thương hiệu gắn với xây dựng và phát triển Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Thứ năm, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.
Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông trong tỉnh và kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, khu vực duyên hải miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kiến nghị Trung ương cho cơ chế hoặc nguồn vốn để đầu tư dự án đường cao tốc Tây Nguyên - Thành phố Hồ Chí Minh; đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành (Bình Phước).
Để có được bước phát triển vững chắc, thực hiện thành công những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp ủy các cấp và cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông cần nâng cao năng lực hoạch định chủ trương, chính sách và lãnh đạo tổ chức thực hiện. Với tinh thần chủ động, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, tiếp thu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông với 25 chương trình hành động cụ thể, trong đó, có 7 chương trình hành động phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng.
Trong những năm tới, tỉnh Đắk Nông rất cần sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương để những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sớm trở thành hiện thực./.
Hà Nội: Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh  (18/10/2021)
Huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng - kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương  (23/03/2021)
Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Hà Nội trong bối cảnh mới  (28/11/2020)
Xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của dịch bệnh COVID-19 và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam  (13/11/2020)
Đồng chí Trần Quốc Vượng thăm cụm công nghiệp Khí Điện Đạm Cà Mau  (10/08/2020)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên