Nghệ An thực hiện đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực nhằm hiện thực hóa “Khát vọng sông Lam”
TCCS - Tiếp tục đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao được Đảng bộ tỉnh Nghệ An xác định là một trong ba đột phá phát triển, tạo nền tảng vững chắc, bảo đảm cho Nghệ An trong việc chuẩn bị tốt và thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 16.490km2, dân số hơn 3,3 triệu người, đứng thứ tư toàn quốc. Qua thăng trầm của lịch sử và biến đổi đầy khắc nghiệt của tự nhiên đã hun đúc nên con người xứ Nghệ những đức tính cần cù, hiếu học, yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Với khí chất ấy, Nghệ An nổi tiếng là cái nôi sinh ra nhiều nhà khoa bảng hiền tài trong lịch sử và nhiều nhà khoa học nổi tiếng trong nước và thế giới, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, với phương châm “vì con người”, vì mục tiêu phát triển và “khát vọng vươn lên”, Đảng bộ tỉnh Nghệ An luôn coi trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, lấy mục tiêu phát triển con người làm trung tâm và là nền tảng vững chắc, bảo đảm cho Nghệ An trong việc chuẩn bị tốt và thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Theo đó, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm… luôn được đặt ở vị trí quan trọng.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 13-3-2012, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020” và các chương trình, đề án liên quan đến phát triển nguồn nhân lực đã đạt được những kết quả quan trọng. Chủ trương và các biện pháp chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu phát triển của thực tiễn. Theo đó, có trên 1.503 lượt nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, trong đó có 106 lượt nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tại các nước phát triển, góp phần nâng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn về trình độ kỹ năng dạy nghề lên 93,8%. Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế của tỉnh liên tục ở tốp dẫn đầu của cả nước. Giai đoạn 2016 - 2021, có 909 em đoạt giải Học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 7 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 2 bằng khen các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.
Cùng với hệ thống giáo dục và đào tạo phát triển mạnh, đúng hướng, Nghệ An có hệ thống trường đào tạo nghề rất đa dạng, với 65 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 3 trường chất lượng cao, 16 trường nghề trọng điểm với 13 nghề cấp độ quốc tế, 9 nghề cấp độ khu vực ASEAN và 36 nghề cấp độ quốc gia. Giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp 189.018 tỷ đồng và được quản lý, đầu tư theo hướng tập trung, đồng bộ cho các trường nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia, trường chuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cũng trong giai đoạn này, các trường đã tổ chức đào tạo 292.535 lượt học sinh với nhiều ngành, nghề khác nhau. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Nghệ An đạt 65%; trên 90% học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định; xuất khẩu lao động đạt 10.718 người/năm, đứng tốp đầu cả nước. Lao động nông thôn được đào tạo nghề ngày càng cơ bản, chất lượng được cải thiện rõ rệt, đáp ứng yêu cầu về sự phát triển nhanh các ngành, nghề và nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh ở nông thôn.
Nhằm thu hút học sinh học nghề và giảm bớt lãng phí trong đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ các trường phổ thông trong việc phân luồng, hướng nghiệp phù hợp với yêu cầu thực tiễn và năng lực, nguyện vọng của học sinh; chỉ đạo kết nối giữa các doanh nghiệp với nhà trường, giữa nhà trường với các doanh nghiệp nhằm xây dựng các chương trình tuyển sinh, đào tạo thích hợp, “đúng địa chỉ”, nhất là đối với các khu công nghiệp, dự án lớn, như: VSIP, Hemaraj...; các tập đoàn lớn như: Vingroup, Masan, T&T, BRG, FLC, TH, The Vissai, Hoa Sen... là những nơi đòi hỏi số lượng lớn lao động kỹ thuật có tay nghề cao.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhà trường và doanh nghiệp, các chương trình, đề án xây dựng, phát triển nguồn nhân lực được phát huy mạnh mẽ, có hiệu quả, thể hiện rõ vai trò quan trọng trong từng bước phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2015 - 2020, kinh tế Nghệ An tăng trưởng bình quân 7,2%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 44,1 triệu đồng/năm, tăng 1,5 lần so với đầu nhiệm kỳ. Thu ngân sách bình quân đạt 14.500 tỷ đồng/năm, gấp 1,7 lần so với nhiệm kỳ trước, vượt dự toán được giao. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 1,2 tỷ USD. Đặc biệt, Nghệ An là một trong những điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của cả nước, với 282 xã, 6 đơn vị cấp huyện đạt trên chuẩn nông thôn mới. Thu hút đầu tư ngày càng sôi động với nhiều dự án lớn, số vốn hàng trăm triệu USD. Năm 2020, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí 18, đứng thứ 3 trong khu vực vùng duyên hải miền Trung và đứng đầu vùng Bắc Trung Bộ.
Các lĩnh vực khoa học và công nghệ, văn hóa và xã hội có nhiều khởi sắc, tiến bộ, đời sống của nhân dân được nâng lên. Năm 2020, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 73,34%; xã, phường đạt bộ tiêu chí về y tế với 34,9 giường bệnh và 8,5 bác sĩ trên 1 vạn dân đạt 92,4%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%; các chế độ, chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm tiếp tục thực hiện hiệu quả. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại triển khai sâu rộng, có kết quả tốt. Cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo... Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng; sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng lên.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện nay của tỉnh Nghệ An vẫn còn những hạn chế, bất cập. Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 chỉ rõ: “Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển”. Trên thực tế, lực lượng lao động đào tạo chủ yếu vẫn là lao động trình độ thấp (chiếm khoảng 80%), lao động có trình độ cao chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và đòi hỏi từ sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Mặc dù lực lượng lao động bước đầu đã có sự chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhưng còn chậm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm ít, khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng chậm. Bên cạnh đó, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong cơ sở đào tạo chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp và của các vùng kinh tế. Cơ sở vật chất và công nghệ đào tạo nguồn nhân lực vẫn còn thiếu, thậm chí là lạc hậu, chưa theo kịp với sự phát triển; hệ thống thông tin chưa phản ánh kịp thời, khách quan sự biến động của thị trường lao động, do đó tính hiệu quả của hoạt động dịch vụ việc làm chưa cao, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu, chưa thu hút mạnh các dự án lớn tác động mạnh mẽ đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu ngân sách. Thiếu lao động chất lượng cao là rào cản sự phát triển của nhiều lĩnh vực, nhất là việc gia nhập thị trường lao động trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Để khắc phục tình trạng trên, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX xác định: “Tiếp tục coi trọng đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao” là một trong ba mũi đột phá chiến lược để phát triển, theo đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Một là, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng bộ về vai trò, ý nghĩa của việc phát triển chất lượng nguồn nhân lực, trên cơ sở tiếp tục ban hành và triển khai đồng bộ nghị quyết về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề giai đoạn 2021 - 2025 nằm trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh. Đổi mới chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa các ngành, nghề, trình độ đào tạo; gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động cho các khu công nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động trên mọi lĩnh vực.
Hai là, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Phát triển các trường đại học, cao đẳng và cơ sở đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, hội nhập quốc tế, trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực vùng Bắc Trung Bộ. Thông qua đào tạo, hình thành nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có kỹ năng nghề, kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin, các kỹ năng làm việc nhóm và khả năng tham gia vào thị trường lao động quốc tế. Quan tâm đặc biệt đối với việc đào tạo lao động cho vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng xã hội học tập, giúp cho mọi người dân đều có cơ hội học tập và học tập suốt đời.
Ba là, đa dạng hóa các hình thức hợp tác, liên kết đào tạo trong và ngoài nước; liên kết với các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp để đào tạo lao động có kỹ năng nghề cao, chuyên môn giỏi. Qua đó, hình thành mạng lưới kết nối nhân tài trong và ngoài nước, tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện tốt khâu đột phá ứng dụng khoa học - công nghệ, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ, thu hút ngày càng đông đảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở đào tạo nghề. Giáo dục, bồi đắp và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp; hỗ trợ các cơ sở giáo dục tiên phong, chủ động xây dựng chương trình hợp tác giáo dục và đào tạo theo hướng song song hoặc lồng ghép chương trình giáo dục địa phương, bảo đảm đạt chuẩn chất lượng khu vực, quốc tế, tạo cơ hội hội nhập cho học sinh, sinh viên.
Bốn là, bảo đảm nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách tài chính; khuyến khích các cơ sở giáo dục xây dựng phương án tự chủ tài chính; đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo và dạy nghề nhằm thu hút các nguồn lực của xã hội cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Năm là, hình thành trung tâm nghiên cứu và dự báo thị trường lao động, xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động có tính cập nhật cao, có thể dự báo chính xác nhu cầu sử dụng lao động theo ngành nghề, trình độ đào tạo, vị trí việc làm của các doanh nghiệp, khu vực kinh tế và khả năng đáp ứng về đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề, giúp cho doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động chủ động hơn trên “thị trường đào tạo” cũng như thị trường lao động.
Sáu là, quan tâm xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường thực hiện các giải pháp có hiệu quả nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực của đơn vị mình, góp phần đáp ứng nhu cầu lao động cho các dự án thu hút đầu tư, cũng như lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn gắn với quy hoạch, gắn kết chặt chẽ với công tác dự báo và nhu cầu lao động của doanh nghiệp.
Bảy là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, hiện đại, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, tăng cường các giải pháp thu hút, huy động nguồn lực người Nghệ An xa quê đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, ý chí tự cường, xây dựng nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cao, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An tự tin, vững bước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, từng bước hiện thực hóa “Khát vọng Sông Lam” trở thành “Kỳ tích Sông Lam”, phấn đấu đến năm 2025, Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước./.
Hà Nội áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến  (22/09/2021)
Đổi mới quản trị giáo dục - đào tạo bậc đại học ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (21/09/2021)
Hà Nội tập trung nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia  (05/09/2021)
Hà Nội đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao  (29/08/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển