Thành phố Pleiku xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phấn đấu trở thành đô thị thông minh, cao nguyên xanh vì sức khỏe
TCCS - Thành phố Pleiku là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Gia Lai, nằm ở trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và “Tam giác phát triển” Việt Nam - Lào - Campuchia. Trong hành trình phát triển, chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng bộ và nhân dân thành phố là hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Pleiku phát triển toàn diện, bền vững, hiện đại, mang bản sắc văn hóa đặc trưng, phấn đấu trở thành đô thị thông minh, cao nguyên xanh vì sức khỏe.
Chủ động, sáng tạo thực hiện chương trình trọng tâm, đột phá
Trải qua hơn 90 năm xây dựng và phát triển, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần anh dũng kiên cường trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm và sự năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Pleiku đoàn kết một lòng, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Năm 1999, thị xã Pleiku được nâng cấp lên thành phố, là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Gia Lai. Đây được xem là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển của đô thị Pleiku. Và sau đó hơn 20 năm, ngày 22-1-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg, công nhận thành phố Pleiku là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Gia Lai. Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, thành phố Pleiku có sự vươn mình mạnh mẽ, trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực Tây Nguyên.
Pleiku được biết đến là thành phố của các dấu tích miệng núi lửa âm và miệng núi lửa dương đã tắt cách đây hàng triệu năm, trong đó, nổi tiếng là Biển Hồ, còn gọi là Hồ Tơ Rưng (miệng núi lửa âm) và núi Hàm Rồng (miệng núi lửa dương). Đây còn là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của cả nước khi nằm trên trục giao thông huyết mạch, kết nối giữa các quốc lộ 14, 19, đường Hồ Chí Minh thông suốt cả nước, dẫn đến ngã ba Đông Dương, tiếp giáp với Lào và Campuchia. Thành phố Pleiku còn là trung tâm của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố đạt trên 31.720 tỷ đồng, trong đó, năm 2020 đạt trên 8.030 tỷ đồng, tăng bình quân 12,72%/năm. Cơ cấu đầu tư được phân bổ hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực; chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đường giao thông, điện, trường học, y tế, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 11-8-2011, của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Pleiku về đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị đến năm 2020 và Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND, ngày 20-12-2016, của Hội đồng nhân dân thành phố về đầu tư, chỉnh trang vỉa hè theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, trong nhiều năm qua, thành phố huy động các nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng, chỉnh trang hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị với 100% đường chính có tên được nhựa hóa, bê tông hóa; 61,19% đường hẻm nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường chính có tên đã hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng công cộng; trên 62% ngõ, hẻm trong nội thành được chiếu sáng; hệ thống cây xanh đường phố, công viên, hoa viên được đầu tư hệ thống, bài bản, bảo đảm cảnh quan đô thị, như các công viên Diên Hồng, Đồng Xanh Kpă Klơng, Văn hóa các dân tộc; Quảng trường Đại đoàn kết; Hoa viên Quang Trung, Trần Hưng Đạo - Lê Lợi; Lâm viên Biển Hồ… Bên cạnh đó, thành phố chú trọng đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các cao ốc, các khu đô thị mới, như: Hoa Lư - Phù Đổng, Cầu Sắt, Trà Đa, Diên Phú… Thành phố đầu tư xây dựng các công trình trường học, bến xe, bệnh viện, nâng cấp sân bay, hệ thống điểm đỗ xe ô-tô tạm thời trên lòng đường, hè phố; quy hoạch chi tiết phát triển các khu thương mại, siêu thị, chợ tại các khu vực, phố đi bộ mua sắm, phố ẩm thực, chợ phiên nông sản an toàn.
Tiếp nối những thành quả phát triển giai đoạn 2015 - 2020, ngay trong năm 2021, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Pleiku lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Đảng bộ và nhân dân thành phố đề ra các giải pháp đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu xây dựng, phát triển đô thị hợp lý, hài hòa, đồng bộ, gắn với kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, giàu bản sắc, hướng đến mục tiêu sớm trở thành đô thị thông minh, cao nguyên xanh vì sức khỏe.
Trong thời gian tới, Đảng bộ thành phố Pleiku tập trung tổ chức triển khai thực hiện bốn chương trình trọng tâm: Một là, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Hai là, chuyển đổi cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững. Ba là, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị. Bốn là, tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, nhất là ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, Đảng bộ thành phố Pleiku đề ra mục tiêu phấn đấu đi trước, trở thành hạt nhân, tạo động lực thúc đẩy các địa phương khác trong tỉnh phát triển. Song song với triển khai thực hiện bốn chương trình trọng tâm, Đảng bộ thành phố Pleiku thực hiện đồng bộ ba giải pháp đột phá: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thứ hai, phát triển nhanh, hợp lý các ngành, lĩnh vực có thế mạnh. Thứ ba, chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao nhằm xây dựng thành phố thành đầu mối trung chuyển, quá cảnh và giao lưu hàng hóa - dịch vụ không chỉ riêng tỉnh Gia Lai mà còn tới một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Bắc Tây Nguyên; các tỉnh Đông Bắc Campuchia và Nam Lào.
Đồng thời với các chương trình trọng tâm, đột phá trên, Đảng bộ thành phố Pleiku chỉ đạo tập trung triển khai các giải pháp cụ thể nhằm liên kết, phát huy có hiệu quả tiềm năng du lịch của thành phố, kết nối với các địa phương trong tỉnh, khu vực Tây Nguyên và cả nước để hình thành các tour du lịch có chất lượng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị mới; tập trung thu hút đầu tư vào các điểm du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa địa phương; phát triển các ngành, nghề truyền thống, xây dựng thành phố là điểm đến du lịch trọng tâm của tỉnh, bảo đảm các điều kiện tốt nhất về môi trường “xanh - sạch - đẹp”; an ninh, an toàn và thân thiện để thu hút du khách; đầu tư xây dựng và bảo tồn một số làng đồng bào dân tộc Gia-rai và Ba-na theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đẩy nhanh phát triển đô thị thông minh
Cùng với xu thế toàn cầu hóa, xây dựng đô thị thông minh là mục tiêu để phát triển một nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin bền vững, đồng nhất, bảo đảm tích hợp, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Ngày 20-1-2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 26/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án về “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”, Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku cụ thể hóa Quyết định số 26/QĐ-UBND bằng Kế hoạch số 826/KH-UBND, ngày 25-3-2020, về “Triển khai thực hiện đề án xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Với tinh thần khẩn trương, tổ chức thực hiện theo lộ trình bằng những bước đi cụ thể, đồng bộ và vững chắc, Ủy ban nhân dân thành phố đã và đang xúc tiến triển khai nhiều chương trình, đề án với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và kêu gọi sự hưởng ứng, tham gia của người dân, doanh nghiệp. Cuối tháng 4-2021, thành phố đã khai trương, đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát - Điều hành đô thị thông minh thành phố Pleiku. Đồng thời, tiếp tục phát triển, hoàn thiện hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh; hệ thống phản ánh hiện trường; hệ thống giám sát, quản lý giao thông thông minh; nâng cấp, mở rộng mạng diện rộng trong phạm vi thành phố Pleiku; xây dựng hệ thống Wifi công cộng trên địa bàn thành phố; ứng dụng công nghệ thông tin trong quy hoạch phát triển hạ tầng; triển khai hệ thống bốc số tự động qua mạng; thực hiện số hóa tài liệu giấy; hệ thống thu gom rác thải thông minh…
Hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố Pleiku cơ bản đáp ứng cho công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Tỷ lệ máy tính đạt 1 máy/cán bộ, công chức, viên chức. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đang được thành phố Pleiku khai thác có hiệu quả, bảo đảm phục vụ việc tổ chức các cuộc họp trực tuyến đến 22/22 xã, phường. Hệ thống hành chính một cửa điện tử được đầu tư xây dựng đồng bộ, góp phần giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm thời gian xử lý công việc theo quy định, tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Qua các năm, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn của bộ phận giải quyết thủ tục hành chính một cửa điện tử của thành phố từng bước được nâng lên.
Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, góp phần giảm thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp đến cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của thành phố và các xã, phường sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và điều hành; đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin bảo đảm phục vụ tốt cho giải quyết công việc chuyên môn và công tác cải cách thủ tục hành chính. Hệ thống camera an ninh, giám sát giao thông, phần mềm phản ánh hiện trường được vận hành thông suốt, hiệu quả.
Trên cơ sở quy hoạch xây dựng thành phố Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đã và đang cùng với các sở, ngành của tỉnh triển khai các nội dung quy hoạch đã phê duyệt; xúc tiến, kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, bảo vệ môi trường bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị. Xây dựng đô thị thông minh làm cho Pleiku trở thành thành phố an toàn, môi trường được quản lý tốt và các dịch vụ được hoàn thiện. Đồng thời, lãnh đạo các cấp được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành hiệu quả, tiết kiệm. Đặc biệt, công tác quản lý đô thị được thay đổi căn bản, phục vụ cho phát triển bền vững, đồng bộ, hiệu quả.
Việc xây dựng đô thị thông minh phải bảo đảm nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm, phải dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, làm cho tất cả người dân được thụ hưởng thành quả. Cùng với đó, người dân cần nhận thức đầy đủ lợi ích của đề án xây dựng đô thị thông minh và được đào tạo, hướng dẫn để tiếp cận các dịch vụ được thuận tiện. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền thành phố Pleiku chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ kinh doanh; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực và vùng kinh tế trọng điểm Tây Nguyên. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành thấy được sự cần thiết, quan trọng của công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đô thị, nhằm huy động mọi thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, giám sát hoạt động xây dựng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về quản lý phát triển đô thị. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan đến công tác quản lý quy hoạch và xây dựng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đô thị, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân.
Huy động nguồn lực, xây dựng thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe
Thành phố Pleiku là đô thị nắm giữ một kho báu quý giá với khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, nguồn nước tươi mát từ Biển Hồ, nền sản xuất nông nghiệp xanh và sạch, tài nguyên rừng phong phú, cảnh quan thiên nhiên vô cùng tươi đẹp. Từ cơ sở lý luận và minh chứng từ thực tiễn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Pleiku huy động các nguồn lực, khai thác lợi thế thiên nhiên và tập trung vào ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe, kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, phát triển theo hướng cao nguyên xanh vì sức khỏe, vừa phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc của vùng Tây Nguyên, vừa có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và phúc lợi theo hướng hiện đại. Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 với những giải pháp cơ bản sau:
Một là, tập trung đầu tư phát triển hệ thống cây xanh đường phố, cây phân tán, hoa viên, công viên, không gian công cộng, tăng trưởng “lá phổi xanh” cho đô thị. Triển khai đồng bộ các chương trình, đề án, phong trào bảo vệ môi trường, phát triển môi trường bền vững; chống rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn, toàn dân tham gia bảo vệ cây xanh, "ngày chủ nhật xanh", ngày môi trường thế giới…
Hai là, triển khai đồng bộ quy hoạch phát triển du lịch kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái. Tập trung đầu tư phát triển các khu vực có chức năng chuyên biệt về du lịch sinh thái, như: Phát triển khu Biển Hồ là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng gắn với không gian mặt nước. Duy trì và cải tạo vùng bảo vệ cách ly xung quanh Biển Hồ tự nhiên. Hình thành các không gian ngắm cảnh, đường dạo vành đai bảo vệ và các điểm cung cấp dịch vụ phục vụ du lịch. Tu bổ, nâng cấp cảnh quan ven suối Hội Phú và suối Ia Linh. Tổ chức các dịch vụ mới phục vụ du lịch và nghệ thuật, khai thác tối đa không gian hướng ra suối Hội Phú, tạo ra các không gian mở trong khu công viên nghệ thuật cồng chiêng hai bên suối.
Ba là, đẩy mạnh thu hút, kêu gọi xã hội hóa đầu tư, khai thác hiệu quả các vùng “Miệng núi lửa dương”, tập trung ở khu vực núi Hàm Rồng. Đây là những di sản đặc hữu mà thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố Pleiku. Các khu vực này được xây dựng theo dạng hỗn hợp nhà ở, kinh doanh, dịch vụ nghỉ dưỡng, xen lẫn các công trình tiện ích đô thị, hạ tầng xã hội, khách sạn, nhà nghỉ.
Bốn là, tiến tới hình thành các thung lũng hoa, thung lũng nông nghiệp, các khu ươm trồng dược liệu. Tại đây, người dân và du khách có thể tham quan, chụp ảnh, tổ chức cắm trại dã ngoại cùng gia đình, bạn bè. Những hoạt động này sẽ tạo nên một nét văn hóa riêng biệt, tươi đẹp cho thành phố Pleiku.
Với truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Pleiku tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành phố Pleiku trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, sáng, đẹp; thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe, xứng đáng với vị trí trung tâm khu vực “Tam giác phát triển” của vùng Tây Nguyên./.
Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh  (21/08/2021)
Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh  (21/08/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đắk Nông phát huy nội lực cùng khát vọng phát triển  (01/07/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển