Gia Lai sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững
TCCS - Điểm nổi bật trong thực hiện Chương trình Mục tiêu giảm nghèo bền vững và thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư khóa XI, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” ở tỉnh Gia Lai trong 5 năm qua là được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực, tạo sinh kế cho người dân giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở một tỉnh miền núi, biên giới.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc, chăm lo cho người nghèo
Gia Lai là tỉnh miền núi nằm ở phía bắc Tây Nguyên. Toàn tỉnh có 17 huyện, thị xã và thành phố Pleiku, với 220 xã, phường, thị trấn; dân số trên 1,5 triệu người với 34 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 46,23%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là trên 10%; trong đó hộ nghèo người DTTS chiếm trên 87% trong tổng số hộ nghèo. Sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW (gọi tắt là Chỉ thị) của Ban Bí thư Trung ương Đảng được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt đến cán bộ chủ chốt các cấp; Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 723/KH-UBND, ngày 12-3-2015, để triển khai thực hiện. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trong tỉnh căn cứ tình hình cụ thể của địa phương ban hành kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chỉ thị, đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến toàn bộ cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp.
Là tỉnh miền núi có số đông hộ nghèo là đồng bào các DTTS, tỉnh Gia Lai xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và vùng căn cứ cách mạng. Với sự vào cuộc đồng bộ và đầy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ cho người nghèo phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Cấp ủy, chính quyền các cấp ở Gia Lai thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Hằng năm, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để mở rộng đối tượng cho vay là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bổ sung chủ tịch UBND cấp xã tham gia ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện; thường xuyên rà soát, bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương, bảo đảm các hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu đều được vay vốn của NHCSXH; đề ra các giải pháp để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; quan tâm bố trí về địa điểm, thời gian, an ninh, an toàn cho hoạt động giao dịch tại điểm các xã của NHCSXH. Việc ủy thác vay vốn của NHCSXH cho các tổ chức chính trị - xã hội đã tạo điều kiện tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng phong trào hoạt động, tăng số lượng hội viên, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, giúp người nghèo có điều kiện được sinh hoạt tại các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó được tiếp cận với nhiều hoạt động lồng ghép, như hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí... Bên cạnh đó, gắn công tác khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân với hoạt động vay vốn tín dụng chính sách, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả.
Hiện nay, NHCSXH tỉnh Gia Lai có 220 điểm giao dịch đặt tại 100% trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội quản lý 3.443 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) hoạt động tại thôn, làng, góp phần công khai các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục vay của NHCSXH. Người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày cố định hằng tháng để vay vốn, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm, trước sự chứng kiến của cán bộ đại diện cho tổ chức chính trị - xã hội được phân công theo dõi. Qua đó, tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH. Hiện nay, các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn tỉnh đang phối hợp tốt với NHCSXH tham gia quản lý 139.123 hộ vay vốn với số tiền là 4.438 tỷ đồng, chiếm trên 99% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, dư nợ của Hội Nông dân là trên 1.417 tỷ đồng; Hội Phụ nữ là 1.642,7 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh là 755,6 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên là 622,4 tỷ đồng.
Là đơn vị chính của tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội để cung cấp thông tin chính xác, phản ánh kịp thời các hoạt động triển khai Chỉ thị; các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước; hướng dẫn tiêu chí bình xét đối tượng vay vốn, thủ tục vay vốn, phối hợp lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội khác nhằm nâng cao hiệu quả vốn vay, giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Từ đó đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Hiện nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh đạt trên 4.452 tỷ đồng, tăng 1.651 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã dành 148,4 tỷ đồng ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay, trong đó UBND tỉnh chuyển 104 tỷ đồng và 17/17 huyện, thị xã, thành phố chuyển 44,4 tỷ đồng. Đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH là 178,4 tỷ đồng, tăng 148,4 tỷ đồng so với cuối năm 2014, chiếm tỷ trọng 4% tổng số nguồn vốn của NHCSXH tỉnh, trong đó một số huyện, thành phố có nguồn vốn địa phương cao, như: Ia Pa, Krông Pa, An Khê, Chư Sê, Pleiku.
Hộ nghèo giảm nhanh, khoảng cách giàu - nghèo được thu hẹp
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, vốn của NHCSXH đã đầu tư đúng đối tượng, có hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn để người dân trong tỉnh đầu tư, phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn của NHCSXH đã giúp cho 111.786 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết tạo việc làm cho 28.019 lao động; giúp 17.123 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; giải quyết cho 118 đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động; xây dựng được 109.465 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp 1.512 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở, góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Gia Lai đã đạt nhiều kết quả khả quan. Nếu đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh là 19,71% (tương đương 64.087 hộ) thì đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,04%; bình quân mỗi năm giảm trên 3,1%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao và chỉ tiêu của của tỉnh đề ra, trong đó, hộ nghèo là đồng bào DTTS mỗi năm giảm bình quân 6,37%.
Chính sách vay vốn hỗ trợ giảm nghèo còn góp phần giúp người nghèo, đồng bào DTTS có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa…, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, hàng nghìn hộ nghèo ở Gia Lai đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, người nghèo được vay vốn ưu đãi để vươn lên thoát nghèo, hướng tới làm giàu, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đã thể hiện tính ưu việt, nhân văn của chế độ ta do Đảng lãnh đạo. Số hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm nhanh, khoảng cách giàu - nghèo dần được thu hẹp, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở một tỉnh miền núi, biên giới. Đặc biệt, Chỉ thị đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, khẳng định hoạt động tín dụng ưu đãi của NHCSXH là một công cụ hữu hiệu của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc giảm nghèo, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới. Các cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội. Các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH được triển khai kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, có hiệu quả, trở thành một trong những trụ cột tích cực, quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Giai đoạn 2014 – 2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Gia Lai giảm từ 13,96% còn 11,36%; giai đoạn 2016 - 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,71% xuống còn 10,04%; đến cuối năm 2019 xuống còn 7,04%, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Chỉ thị số 40/CT-TW là “cú huých” cho hệ thống tín dụng chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, nâng cao vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo. Thể hiện sự phù hợp giữa chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước với tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, được nhân dân đồng tình ủng hộ, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Những hạn chế cần sớm khắc phục
Thứ nhất, vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa quán triệt và nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội; công tác bố trí, cân đối ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn ở một số nơi còn hạn chế.
Thứ hai, việc phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân về mục đích, ý nghĩa của các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi gắn với công tác giảm nghèo chưa đồng bộ và thiếu chặt chẽ dẫn các đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách, nhất là hộ nghèo vùng đồng bào DTTS chưa nhận thức đúng về tín dụng chính sách, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa mạnh dạn vay vốn NHCSXH để sản xuất, tự vươn lên thoát nghèo.
Thứ ba, công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm với hoạt động tín dụng chính sách ở một số địa phương chưa được gắn kết, dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa vươn lên thoát nghèo bền vững. Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách giữa các địa bàn không đồng đều; thiên tai, dịch bệnh còn thường xuyên xảy ra, nợ vay còn tiềm ẩn rủi ro, gây khó khăn trong việc thu nợ của ngân hàng.
Giải pháp trọng tâm thời gian tới
Phát huy kết quả sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW cùng với kết quả hơn 15 năm hoạt động của NHCSXH, Tỉnh ủy Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ triển khai hoạt động tín dụng chính sách, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh với những giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục lãnh đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư; Quyết định số 401/QĐ-TTg, ngày 14-3-2016, của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 723/KH-UBND, ngày 12-3-2015, của UBND tỉnh Gia Lai, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”;“Về chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 852/QĐ-TTg, ngày 10-7-2012; tập trung thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU của Tỉnh ủy Gia Lai, “Về tăng cường các giải pháp mở rộng tín dụng, ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn tỉnh”.
Hai là, thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của ban đại diện hội đồng quản trị các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; chủ động thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động giao dịch tại xã, chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV; tăng cường tổ chức tập huấn, phổ biến quy trình nghiệp vụ theo các quy định của NHCSXH; bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, viên chức, người lao động.
Ba là, tập trung nâng cao năng lực hoạt động để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương. Hằng năm, chú trọng dành nguồn vốn ngân sách để ủy thác sang NHCSXH trên địa bàn tỉnh nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay; tiến hành rà soát các nguồn vốn cho vay ưu đãi có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước chuyển giao hoặc ủy thác tập trung vào một đầu mối thực hiện là NHCSXH tỉnh quản lý và cho vay để góp phần tạo lập nguồn vốn cho vay.
Bốn là, tăng cường phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, chủ động kiểm tra, kiểm soát nội bộ để kịp thời phát hiện những hạn chế, sai sót ở cơ sở; kiến nghị, chấn chỉnh và xử lý kịp thời, không để thất thoát vốn của Nhà nước. Tăng cường chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt các nội dung công việc ủy thác đã ký kết với NHCSXH. Phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động của cấp dưới, đặc biệt là nhiệm vụ của các tổ TK&VV, bình xét cho vay, quản lý và hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả.
Năm là, chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan rà soát, điều tra, xác định đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách, không để trường hợp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn không được vay vốn tín dụng chính sách. Tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là các chính sách tín dụng mới, để các tầng lớp nhân dân biết, mạnh dạn vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo; đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Sáu là, tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, đồng thời cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm và cho phép kéo dài thời hạn vay vốn tối đa đến 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất - kinh doanh của các loại cây trồng lâu năm, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài; kéo dài thời gian 3 năm cho các hộ thuộc các xã đạt chuẩn nông thôn mới, được tiếp tục tiếp cận nguồn vốn hộ sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn để có vốn tiếp tục sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững./.
Tỉnh Gia Lai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để phát triển bền vững, phấn đấu trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên  (13/12/2020)
Ngân hàng Chính sách xã hội - 10 năm và những bước tiến vượt bậc  (02/12/2020)
Phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số  (04/11/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển