Hưng Yên phấn đấu thành tỉnh công nghiệp hiện đại, sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững
TCCS - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhận thức sâu sắc trách nhiệm đối với nhân dân, phát huy truyền thống của quê hương văn hiến trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng bộ tỉnh đoàn kết, thống nhất, quyết tâm khắc phục những hạn chế, khó khăn, thách thức, phát huy tiềm năng, lợi thế, sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XIX đề ra, xây dựng tỉnh Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững.
Hưng Yên - một vùng quê trù phú và yên bình, với bề dày lịch sử lâu đời và là mảnh đất địa linh, nhân kiệt. Nằm trong trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, Hưng Yên luôn coi trọng phát triển nông nghiệp với những vùng chuyên canh lúa cao sản và lúa chất lượng cao; vùng chuyên canh cây đặc sản, nhất là nhãn lồng ở thành phố Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, Phù Cừ, Khoái Châu…, cùng những trang trại chăn nuôi lợn, bò thịt, bò sữa, thả cá, nuôi ong lấy mật. Những vườn trại, những cánh đồng chuyên canh trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh ở huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ cho giá trị cao.
Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng phát huy truyền thống lịch sử và văn hiến lâu đời của vùng đất cổ, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên nỗ lực phấn đấu, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt được những kết quả quan trọng.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hưng Yên tập trung lãnh đạo phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Kinh tế duy trì phát triển nhanh với chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện. Quy mô và tiềm lực nền kinh tế không ngừng tăng lên, năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 100.981 tỷ đồng, bằng 1,71 lần so với năm 2015 (năm 2015 đạt 59.006 tỷ đồng). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa, gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng. Cơ cấu kinh tế năm 2020: Công nghiệp, xây dựng 61,5% - dịch vụ 28,85% - nông nghiệp 9,65%. Toàn tỉnh đạt và vượt 15/16 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, 1/16 chỉ tiêu cơ bản hoàn thành.
Công tác thu hút, tiếp nhận có chọn lựa các dự án đầu tư đã hướng mạnh vào sản xuất tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; cơ bản dừng tiếp nhận dự án sản xuất rời lẻ ở ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh thu hút 816 dự án đầu tư, tăng 34,4% so với giai đoạn 2011 - 2015 (trong đó 625 dự án trong nước với vốn đăng ký trên 61,7 nghìn tỷ đồng, tăng 38,5% so với giai đoạn 2011 - 2015; 191 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký trên 2,24 tỷ USD, tăng 34,9% so với giai đoạn 2011 - 2015), nâng tổng số dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 1.985 dự án (trong đó: 1.487 dự án trong nước, vốn đăng ký trên 140,7 nghìn tỷ đồng; 498 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký trên 5 tỷ USD), với tổng số vốn đăng ký tương đương trên 11 tỷ USD (mục tiêu đạt 10 tỷ USD). Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 13 khu công nghiệp được quy hoạch với quy mô 3.048ha. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 7 khu công nghiệp đi vào hoạt động, với 1.779ha đất khu công nghiệp được triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; tổng diện tích đất trong các khu công nghiệp đã cho thuê đạt gần 70%. Thành lập 13 cụm công nghiệp với tổng diện tích 660ha.
Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng (mục tiêu 150 nghìn tỷ đồng), gấp gần 2 lần giai đoạn 2011 - 2015. Kết quả đầu tư hoàn thành hơn 1.000km đường giao thông, cải tạo, xây dựng 27 trạm bơm, nâng cấp, sửa chữa trên 400km kênh mương; hạ tầng lưới điện được quan tâm đầu tư phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp và đời sống nhân dân. Hạ tầng công nghệ thông tin phát triển nhanh. Hạ tầng đô thị phát triển về chiều sâu, cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hạ tầng dịch vụ của các đô thị, thị trấn trung tâm; có thêm 13 xã được công nhận đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 41%. Tỉnh thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và đạt nhiều kết quả nổi bật, vượt trước kế hoạch đề ra. Năm 2019, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2020 có 10/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 28 xã hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn khởi sắc, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống được khơi dậy và phát huy. Đời sống người nông dân ngày càng khá giả, cuộc sống yên bình, không có vụ việc phức tạp lớn trong các khu dân cư.
Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức được quan tâm và có nhiều kết quả. Đảng bộ thống nhất cao về nhận thức và hành động, là hạt nhân đoàn kết và là cơ sở cho sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Đảng bộ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác cán bộ được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy trình, có bước đột phá. Chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng lên; cơ cấu độ tuổi, giới tính, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn; nguồn cán bộ quy hoạch khá dồi dào, chất lượng, bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp cử đi đào tạo trên 7.000 lượt học viên về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và gần 67.000 lượt học viên bồi dưỡng theo chức danh, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng và cập nhật kiến thức mới, 100% số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có trình độ chuyên môn đại học trở lên, tỷ lệ trên đại học đạt hơn 33%; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân đạt trên 91%. Công tác kiểm tra, giám sát, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ trong tỉnh được tiến hành hằng năm, góp phần chuẩn bị tốt nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Mặc dù còn một số tồn tại, hạn chế, như phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động còn hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn; việc xử lý các vi phạm về đất đai, tài nguyên, giao thông, thủy lợi ở một số nơi kết quả chưa cao…, song qua thực tiễn thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh được rèn luyện, ngày càng trưởng thành, thêm dày dạn bản lĩnh và kinh nghiệm, thắt chặt khối đoàn kết, thống nhất. Nhân dân ngày càng ủng hộ và thêm lòng tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh và công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương Hưng Yên văn minh, hiện đại. Đây là nền tảng vững chắc để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và văn hiến lâu đời, tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, xây dựng Hưng Yên ngày càng phát triển xứng danh với câu ca: “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
Theo tinh thần đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra từ ngày 24 đến ngày 26-10-2020 với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, xác định mục tiêu tổng quát là: Tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông; thu hút đầu tư phát triển mạnh công nghiệp. Phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững, nông dân khá giả, nông thôn văn minh. Phát triển đồng bộ thương mại, dịch vụ và du lịch thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Quản lý chặt chẽ công tác thu, chỉ ngân sách, bảo đảm tài chính bền vững. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, chăm lo sức khỏe cộng đồng, giáo dục và đào tạo, đời sống văn hóa tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giữ ổn định xã hội…
Đại hội thống nhất cao về chủ đề Đại hội: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững”, trong đó tập trung vào thực hiện ba khâu đột phá là: Thực hiện quy hoạch tỉnh, tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch, ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và ngân sách nhà nước; tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại dịch vụ và đô thị, phát triển hạ tầng số, ưu tiên hạ tầng giao thông và các địa bàn trọng điểm để tạo động lực phát triển; trên cơ sở quy hoạch cán bộ, tăng cường công tác đào tạo, đánh giá, sử dụng, đẩy mạnh luân chuyển giữa các cấp, các ngành, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ có uy tín, năng lực nổi trội.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tập trung thực hiện các nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu sau:
Tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông, thu hút đầu tư phát triển mạnh công nghiệp. Nâng cấp, cải tạo, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh (giao thông, thủy lợi, điện, thông tin, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch…) theo quy hoạch, kế hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị thông minh, hiện đại.
Chuyển trọng tâm thu hút đầu tư từ số lượng sang chất lượng, thân thiện môi trường và hiệu quả sử dụng đất đai. Ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân tăng 10-12%/năm.
Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững, nông dân khá giả, nông thôn văn minh, tăng cường thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu giá trị sản xuất nội bộ ngành: Trồng trọt 40%; chăn nuôi 57%; dịch vụ nông nghiệp 3% (cơ cấu theo nhóm cây trồng, vật nuôi: Lương thực 14%; rau quả, cây công nghiệp 26%; chăn nuôi, thủy sản 60%). Giá trị bình quân thu được trên lha canh tác đạt trên 250 triệu đồng.
Phát triển đồng bộ thương mại, dịch vụ và du lịch thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đẩy mạnh phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo các phương thức tổ chức và giao dịch văn minh, hiện đại. Thu hút đầu tư phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ tiện lợi; chú trọng phát triển kinh tế số, thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, nhất là hàng hóa nông sản; chú trọng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, tài chính, ngân hàng, y tế, lao động, logistics... Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 10%/năm.
Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; quản lý chặt chẽ đất công, đất đã được quy hoạch, có kế hoạch và mục đích sử dụng được phê duyệt. Phấn đấu sớm hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Hưng Yên và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân. Tăng cường kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên; đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường, nhất là vi phạm trong khai thác cát và sử dụng tài nguyên nước.
Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, chăm lo sức khỏe cộng đồng, giáo dục và đào tạo, đời sống văn hóa tinh thần, an sinh xã hội được bảo đảm, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giữ ổn định xã hội. Tập trung phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, tận dụng hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và nâng cao chất lượng giáo dục, ứng dụng nền tảng số.
Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; chú trọng giáo dục toàn diện về đạo đức, tri thức, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng sống, ý thức tôn trọng pháp luật, trách nhiệm công dân... Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nhân lực trình độ kỹ thuật, công nghệ hiện đại, gắn kết hơn nữa đào tạo nghề với nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp và xuất khẩu lao động.
Tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, đa dạng hóa các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật…
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Niềm tin của nhân dân vào những thành tựu quan trọng và toàn diện mà tỉnh đã đạt được là minh chứng rõ nét, khẳng định quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã nỗ lực vượt qua khó khăn cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Phát huy truyền thống của quê hương văn hiến trong công cuộc đổi mới đất nước, toàn Đảng bộ tỉnh tiếp tục đoàn kết, thống nhất quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XIX đề ra, xây dựng tỉnh Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững./.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025  (23/10/2020)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Tiến tới xây dựng tỉnh Đồng Nai phát triển toàn diện  (16/10/2020)
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII: Phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước  (16/10/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển