Điện Biên từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu sớm thành tỉnh phát triển trung bình vùng trung du và miền núi phía Bắc
TCCS - Để vươn lên thành tỉnh phát triển trung bình vùng trung du và miền núi phía Bắc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên khóa XIII, nhiệm kỳ 2016 - 2020, xác định: Tập trung phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tiềm năng, lợi thế; thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến; chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và ngành, lĩnh vực có thế mạnh; tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; tạo sự chuyển biến rõ nét, toàn diện về văn hóa - xã hội; tập trung giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Mục tiêu đặt ra là GRDP tăng bình quân 6,9%/năm giai đoạn 2016 - 2020; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp.
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên cụ thể hóa chủ trương, nhiệm vụ nêu trên thành những cơ chế, chính sách, các chương trình, kế hoạch và các giải pháp cụ thể, đến nay, qua 3,5 năm thực hiện, đã đạt được những kết quả quan trọng, làm tiền đề để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.
Phát triển nông, lâm nghiệp, tạo sự ổn định xã hội
Từ điều kiện thực tế và từ vai trò của nông, lâm nghiệp trong ổn định đời sống nhân dân nên thời gian qua, nông, lâm nghiệp luôn được tỉnh quan tâm đầu tư, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, giữ tỷ lệ cân đối trong cơ cấu kinh tế. Tỉnh tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp; triển khai và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với các vùng đặc biệt khó khăn; phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng gắn với chế biến, tiêu thụ, sản xuất hàng hóa, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, nhất là ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, thông qua việc thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi và các hình thức tổ chức sản xuất mới như góp vốn quyền sử dụng đất vào các công ty nông, lâm nghiệp.
Một trong những trọng tâm phát triển nông, lâm nghiệp là xây dựng và thực hiện Đề án cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu các loại cây lương thực hiệu quả thấp trên đất dốc sang trồng cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao hơn, như cao-su, cà-phê, mắc ca... Rà soát, sắp xếp tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, chú trọng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác làm cơ sở liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị hàng hóa.
Đến nay, Điện Biên đã xây dựng và xác nhận 11 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên cơ sở liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh với các hộ dân. Tỉnh cũng phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện thành công 2 dự án cánh đồng lớn với quy mô 92ha; đang thực hiện “dồn điền, đổi thửa” để thực hiện mô hình cánh đồng lớn trồng lúa với diện tích 63ha. Ở những dự án này, sản phẩm gạo đã được chứng nhận theo chuỗi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời đăng ký quét mã truy xuất nguồn gốc (mã QR), giúp kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng thương hiệu gạo Điện Biên.
Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ được triển khai để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp của tỉnh trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản với một số dự án tiêu biểu, như Dự án trồng cây ăn quả bằng công nghệ cao, kết hợp trồng rừng sản xuất tại xã Búng Lao (huyện Mường Ảng); Dự án sản xuất lúa gạo Điện Biên theo chuỗi giá trị gia tăng; Dự án trang trại nuôi cá nước lạnh thương phẩm và trồng cây dược liệu, rau sạch; Dự án trại chăn nuôi lợn chất lượng cao Quang Lành; Dự án đầu tư xây dựng khu chế biến nông sản và trại chăn nuôi lợn siêu nạc của doanh nghiệp Huy Toan...
Trồng cây mắc ca là một hướng đi mới, rất triển vọng của Điện Biên với 2 dự án đang được triển khai là Dự án trồng mắc ca công nghệ cao và Dự án trồng mắc ca kết hợp trồng rừng, dược liệu và chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông (huyện Điện Biên) với tổng diện tích 13.508ha. Trong các dự án này đã thiết lập hình thức tổ chức sản xuất mới, trong đó người dân góp giá trị quyền sử dụng đất vào các công ty cổ phần nông, lâm nghiệp. Giá trị quyền sử dụng đất của người dân được các doanh nghiệp thanh toán bằng tiền theo hợp đồng qua từng năm của chu kỳ phát triển cây mắc ca. Ngoài ra, người dân được trả công lao động nếu tham gia trồng, chăm sóc cây mắc ca theo hướng dẫn của doanh nghiệp.
Hiện nay, các doanh nghiệp, như Tập đoàn TH Trumilk, Công ty TNHH Phú Thịnh, Công ty Mắc ca Tây Bắc đang đề xuất kế hoạch trồng 20.000ha mắc ca gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh phát triển các cây công nghiệp với các mô hình tổ chức sản xuất có sự tham gia của doanh nghiệp, cây lương thực tiếp tục được tỉnh quan tâm phát triển, bảo đảm an ninh lương thực cũng như sinh kế của người dân. Cùng với việc đầu tư xây dựng các hồ, đập thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, mở rộng diện tích trồng lúa ruộng, ổn định diện tích lúa nương, tỉnh còn tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ mới, các quy trình kỹ thuật tiến bộ, nâng cao trình độ sản xuất của người dân. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt năm 2018 đạt 264,6 ngàn tấn, tăng 14.472 tấn so với năm 2015.
Cùng với phát triển kinh tế, bộ mặt nông thôn, đời sống văn hóa và tinh thần của người dân nông thôn cũng có nhiều thay đổi, khởi sắc qua phong trào xây dựng nông thôn mới. Các nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân và cộng đồng dân cư. Kết quả đến nay toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn (18 xã đạt chuẩn, 12 xã cơ bản đạt chuẩn), đạt 85,7% so với mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016 - 2020, đã đề ra.
Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trở thành động lực cho tăng trưởng
Xác định đúng vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Điện Biên tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng tập trung, quy mô, nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm, cải thiện sức cạnh tranh, mở rộng tiêu thụ sản phẩm ra ngoài địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung; phát triển thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng. Mục tiêu để công nghiệp phát triển với tốc độ cao, trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đầu tư cho phát triển các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp, nhất là các làng nghề truyền thống, các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch và đời sống nhân dân.
Thương mại, dịch vụ phát triển từng bước theo hướng hiện đại, dựa trên cơ cấu ngành hợp lý với các ngành có giá trị gia tăng cao và có sự tham gia của các thành phần kinh tế để có đóng góp ngày càng lớn hơn vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Bên cạnh các ngành như thương mại, du lịch, tỉnh còn quan tâm phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ khác, như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin, bưu chính viễn thông và các dịch vụ xã hội để hình thành thị trường dịch vụ sôi động, hiệu quả, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đáp ứng yêu cầu về giao lưu kinh tế, văn hóa trong quá trình phát triển.
Chủ trương sát với thực tế và cơ chế, chính sách phù hợp đã góp phần thúc đẩy công nghiệp, xây dựng, dịch vụ phát triển với tốc độ khá. Giá trị sản xuất công nghiệp từ năm 2016 đến nửa đầu năm 2019 ước đạt 8.700 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 9,87%/năm. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 22% - 23% tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn. Nhịp độ tăng vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2016 - 2019 là 2,76%/năm. Tỷ trọng nhóm ngành khai thác khoáng sản không tái tạo có xu hướng giảm trong cơ cấu ngành công nghiệp, trong đó giảm mạnh nhất là nhóm ngành vật liệu xây dựng.
Các ngành, nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, như dệt thổ cẩm, mây tre đan được khuyến khích, tạo thuận lợi để phát triển thông qua các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng làng nghề từ ngân sách nhà nước và từ tài trợ của các tổ chức quốc tế, góp phần giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, cải thiện đời sống nhân dân và tạo nguồn hàng hóa cho phát triển du lịch.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016 đến nửa đầu năm 2019 là 35.817 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,73%/năm, trong đó thành phần kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn, nhất là ở thị trường bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ. Hoạt động du lịch có bước phát triển tích cực; kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch được quan tâm đầu tư phát triển, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Giai đoạn 2016 - 2019, Điện Biên đón hơn 400 nghìn lượt khách quốc tế và 1.434 nghìn lượt khách nội địa; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.815 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 13.500 lao động. Dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa phát triển ổn định, tăng trưởng trung bình 12%/năm (vận tải hành khách) và 10,5%/năm (vận tải hàng hóa). Lĩnh vực bưu chính - viễn thông tiếp tục phát triển, mở rộng, đáp ứng yêu cầu của sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân. Trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, các cửa khẩu được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, góp phần thúc đẩy thông thương hàng hóa. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2019 ước đạt gần 140 triệu USD, tăng trưởng bình quân 17,68%/năm với các mặt hàng chủ yếu là xi-măng, vật liệu xây dựng, nông sản, hàng tiêu dùng xuất sang Lào và nông sản xuất sang Trung Quốc. Tổng kim ngạch nhập khẩu cùng kỳ ước đạt trên 70 triệu USD, tăng trưởng bình quân 36,72%/năm.
Các giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ làm cho tăng trưởng của khối ngành này duy trì ở mức khá cao, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tiệm cận các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh đề ra. Đến hết năm 2018, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 19,96% (mục tiêu Nghị quyết đến năm 2020 là 20% - 22%), công nghiệp - xây dựng chiếm 22,82% (mục tiêu: 29% - 30%), dịch vụ chiếm 54,61% (mục tiêu: 48% - 50%), thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 2,62%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 27,31 triệu đồng.
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư
Để cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh theo pháp luật, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Điện Biên ban hành kế hoạch hành động hằng năm thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch Cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch hằng năm, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện của cơ quan nhà nước các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Tỉnh tổ chức đối thoại công khai, định kỳ ít nhất 2 lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thành lập và công khai “đường dây nóng”, thực hiện hỏi - đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh, hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tiến hành rà soát các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư nước ngoài. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xã hội thông qua cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh, như đào tạo, tư vấn, thông tin thị trường...
Kết quả thu hút đầu tư những năm qua tiến triển tích cực. Trong năm 2018, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 25 dự án với tổng mức đầu tư 4.900 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn Điện Biên có 150 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 26.000 tỷ đồng. Đến tháng 6-2019, toàn tỉnh có 1.268 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực, trong đó có 558 doanh nghiệp công nghiệp, xây dựng với tổng vốn đăng ký khoảng 9.500 tỷ đồng.
Để sớm trở thành tỉnh phát triển trung bình vùng trung du và miền núi phía Bắc
Tuy kết quả đạt được là tích cực, tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng chất lượng tăng trưởng kinh tế của Điện Biên còn thấp; quá trình cơ cấu lại nền kinh tế chuyển biến chậm; quy mô nền kinh tế nhỏ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh còn ở mức thấp. Thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế còn hạn chế, khả năng thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thấp, mới thu hút được các dự án có quy mô đầu tư nhỏ.
Các ngành công nghiệp, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá nhưng chưa ổn định. Quy mô ngành công nghiệp nhỏ, mức đóng góp vào nền kinh tế còn thấp; các sản phẩm công nghiệp còn nghèo nàn, sức cạnh tranh kém, chủ yếu chỉ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng tại địa phương. Khả năng khai thác, phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã có những bước cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Một số chỉ tiêu trong sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa phát huy được lợi thế ở địa phương. Tiềm năng về rừng và đất rừng chưa được khai thác có hiệu quả. Công tác khuyến nông, khuyến lâm, khai thác sử dụng các công trình thủy lợi hiệu quả chưa cao.
Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị Điện Biên cần nỗ lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó:
- Đối với sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn: Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên đến năm 2020 theo hướng tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh gắn với chế biến sâu và thị trường tiêu thụ, như lúa gạo chất lượng cao, cà-phê, chè, mắc ca và rau, quả an toàn. Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm; khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất; thường xuyên bổ sung các giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Đẩy mạnh sự tham gia của các cấp, các ngành trong việc vận động nhân dân hợp tác, góp đất, cho doanh nghiệp thuê đất thực hiện các dự án trồng cây công nghiệp, dự án sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Chú trọng công nghiệp chế biến nông sản; tập trung phát triển phong trào “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.
- Về sản xuất công nghiệp, xây dựng: Thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển các ngành công nghiệp, như phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; sản xuất chế biến hàng xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển thủy điện; tăng cường hỗ trợ để hình thành và phát triển các làng nghề, phát triển đồ thủ công mỹ nghệ làm hàng lưu niệm, quà tặng phục vụ khách du lịch. Gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với hoạt động dịch vụ du lịch và bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống. Tăng cường khai thác các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội các khu dân cư đô thị mới tại các đô thị, trọng tâm là thành phố Điện Biên Phủ.
- Đối với du lịch, dịch vụ: Thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử; quan tâm đầu tư cho công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, tôn tạo các điểm di tích đã được xếp hạng; huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khung các khu, điểm du lịch nhằm tạo động lực phát triển cho lĩnh vực du lịch của tỉnh.
- Về thu hút đầu tư: Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn. Thu hút đầu tư các dự án có định hướng và chọn lọc, chú trọng chất lượng dự án; ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực có tiềm năng, phù hợp với định hướng phát triển; thực hiện tốt công tác cập nhật thông tin về cơ chế, chính sách, tham quan học tập, quảng bá hình ảnh kêu gọi, thu hút đầu tư./.
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên