Hà Nội quy hoạch phát triển hài hòa, đồng bộ giữa đô thị và nông thôn
TCCS - Cùng với sự phát triển đô thị theo mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và các thành phố trong Thủ đô, thành phố Hà Nội đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí tiếp cận đô thị hiện đại, thông minh, bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo động lực phát triển, hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước.
Đổi mới mạnh mẽ và đi trước một bước trong quy hoạch
Phát triển đô thị đòi hỏi sự đồng bộ ở các lĩnh vực, các ngành và rất cần quy hoạch đi trước một bước cùng với hoàn thiện thể chế phát triển, quản lý đô thị. Đây không chỉ là đổi mới trong quy hoạch mà còn là điều kiện để phát huy kinh tế đô thị, xác định những ngành, lĩnh vực mũi nhọn của thành phố.
Với vị trí là một trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, sự phát triển của Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước. Trong hệ thống đô thị trung tâm quốc gia, gồm đô thị loại đặc biệt và loại I, Thủ đô Hà Nội được định hướng phát triển là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", có vị thế nổi trội về văn hóa, lịch sử khu vực Đông Nam Á.
Việc lập Quy hoạch Thủ đô luôn nhận được sự quan tâm của nhân dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các sở, ban, ngành thành phố đã tích cực, khẩn trương triển khai nhiều nội dung công việc, như: Lập Quy hoạch Thủ đô theo Quyết định số 313/QĐ-TTg, ngày 7-3-2022, của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1138/QĐ-UBND, ngày 4-4-2022 của Ủy ban nhân dân thành phố; tổ chức không gian, lập hệ thống bản đồ, bản vẽ, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội khớp nối, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô... Ngày 8-12-2023, Hội đồng nhân dân thành phố khóa XVI, kỳ họp thứ 14 đã thông qua Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Quan điểm lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được quán triệt nhất quán, xuyên suốt, đó là: tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ đã có và đang nghiên cứu đầu tư; tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin.
Việc lập Quy hoạch Thủ đô là cơ sở cho việc đề xuất phương án tổ chức, phát triển hoạt động kinh tế - xã hội có hiệu quả, cụ thể là: phương án tổ chức không gian chung, hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng có vai trò động lực; phương án tổ chức phát triển mạng lưới và không gian cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu; giải pháp bố trí không gian phát triển hợp lý nhằm giải quyết các xung đột về không gian trên địa bàn Thủ đô cho các nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực bên trong và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, làm căn cứ và định hướng để lập quy hoạch đô thị, nông thôn nhằm bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch; xây dựng được phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện đáp ứng cao nhất nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của từng khu vực và khả năng kết nối đồng bộ, tổng thể trong vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng, cũng như vị thế là trung tâm đầu não chính trị - hành chính của cả nước.
Quy hoạch Thủ đô được lập theo nguyên tắc có tính “động” tương đối, tính “mở” và tính “thông minh” để kịp thời điều chỉnh, cập nhật các nội dung liên quan phù hợp với từng thời điểm triển khai quy hoạch trong điều kiện thực tiễn biến đổi không ngừng, đặc biệt là thời kỳ đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; bảo đảm sự tuân thủ, bám sát các quy trình, nội dung, nguyên tắc theo Luật Quy hoạch, các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch; bảo đảm tính thống nhất, tổng thể, đồng bộ và hệ thống giữa quy hoạch Thủ đô với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, bảo đảm tính khả thi trong triển khai, phù hợp với khả năng thực tế và nguồn lực thực hiện của Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030 và khả năng huy động nguồn lực trong tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng các phương án, định hướng phát triển phù hợp với xu thế phát triển và vận động của bối cảnh trong và ngoài nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn
Quyết định số 700/QĐ-TTg, ngày 16-6-2023, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” định hướng rõ, quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị. Đây có thể coi là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh nhiều khu vực nông thôn Hà Nội đã và đang bị tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa.
Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội tới năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 xác định rõ việc đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, bám sát quy hoạch chuyên ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phát triển gắn với hình thành hành lang xanh bảo vệ môi trường và tạo hành lang kinh tế xanh. Các cụm đổi mới, trung tâm sản xuất, cụm trang trại nông nghiệp công nghệ cao… được xây dựng, hình thành trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa cao, diện tích đất nông nghiệp thu hẹp. Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chương trình nông thôn mới; xây dựng mô hình thị trấn, làng sinh thái có mật độ thấp, nông nghiệp công nghệ cao và triển khai công tác phòng, chống thiên tai bảo đảm kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, giảm thiểu thiệt hại; xây dựng các mô hình điểm dân cư bao gồm sản xuất lúa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rau an toàn, trồng cây ăn quả, trồng hoa và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.
Định hướng trên nhằm chú trọng khai thác nguồn lực khoa học, công nghệ, tri thức và nhân lực chất lượng cao cũng như tiếp tục cụ thể hóa chiến lược hành lang xanh để chuyển đổi, bảo vệ và phát triển vùng nông thôn. Việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh về quỹ đất, sinh thái, văn hóa sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Ngoài ra, việc kiểm soát và bảo vệ môi trường sinh thái vùng nông thôn còn góp phần bổ trợ cho phát triển khu vực đô thị.
Từ yêu cầu đặt ra, định hướng quy hoạch không chỉ tập trung cho các đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh mà còn hình thành mạng lưới trung tâm cụm xã tại các huyện ngoại thành. Đó là các trung tâm dịch vụ tiêu dùng, trung tâm thu gom và chế biến sản phẩm nông nghiệp, trung tâm du lịch, hỗ trợ các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Khu vực ngoại thành cần khai thác nông nghiệp đa mục tiêu; bên cạnh trồng trọt và chế biến, cần tích hợp với tiềm năng riêng có của từng vùng như phát triển du lịch nông nghiệp dựa trên khai thác bổ sung các giá trị văn hóa, di sản. Một số huyện có thể mở rộng khu công nghiệp như Thạch Thất, Phú Xuyên; trong đó, huyện Phú Xuyên cần ưu tiên mở rộng quy mô công nghiệp sạch để thúc đẩy cực phát triển kinh tế khu vực phía Nam.
Cùng với việc Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thành phố đang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và lập 14 quy hoạch xây dựng vùng huyện. Trong đó, chú trọng cân nhắc kỹ lưỡng các chỉ tiêu để không tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cấu trúc không gian cảnh quan hành lang xanh, nông nghiệp - nông dân - nông thôn tại nhiều huyện. Để đáp ứng nhu cầu phát triển tại các huyện, định hướng quy hoạch chỉ nên tập trung tối đa cho phát triển các thị xã, thị trấn, thị tứ, cụm động lực hiện có tại các huyện và thị xã của thành phố và bố trí các khu chức năng phù hợp mang tính kết nối hạ tầng vùng mà không nên phát triển đô thị ra bên ngoài Vành đai 4.
Các khu vực đô thị hóa cần bảo vệ và kiểm soát các công trình, không gian, hạ tầng có giá trị; phát triển hài hòa giữa làng xóm và khu vực đô thị hóa lân cận; kiểm soát chặt về chuyển đổi chức năng, mật độ xây dựng, chiều cao công trình. Tại khu vực thuần nông, nhiệm vụ đặt ra là xây dựng khung kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn kết với mạng lưới hạ tầng của vùng. Đây cũng là khu vực cần giải quyết các vấn đề môi trường đô thị, nông thôn, tự nhiên và văn hóa - xã hội. Các khu vực làng nghề, làng cổ cần đặt ra tiêu chí, tiêu chuẩn cùng cơ chế, chính sách thực hiện các mô hình bảo tồn thích ứng với từng khu vực.
Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, việc tìm ra phương án quy hoạch và giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, gắn với không gian xanh, sinh thái và hiện đại là yêu cầu hết sức cần thiết. Các định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái và nông thôn hiện đại được chú trọng trong đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được xem là cơ sở để đô thị - nông thôn của Hà Nội cùng phát triển hài hòa.
Một số khó khăn cần tháo gỡ
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và mạnh khiến cho khu vực nông thôn Hà Nội có nhiều biến đổi nhanh chóng. Vấn đề này đặt ra những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, kiến trúc cảnh quan khu vực nông thôn ngoại thành.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, kể từ năm 2011 cho đến nay, đối với khu vực nông thôn, thành phố Hà Nội có khoảng 104 quy hoạch liên quan do Chính phủ và các bộ, ngành phê duyệt; 25 quy hoạch liên quan do thành phố phê duyệt. Việc lập và phê duyệt các quy hoạch khu vực nông thôn thành phố bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và địa phương, góp phần cụ thể hóa, xác định rõ các định hướng phát triển đối với các ngành, lĩnh vực có liên quan ở khu vực nông thôn. Song bên cạnh kết quả đạt được trong quá trình triển khai công tác quản lý quy hoạch, xây dựng khu vực nông thôn vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, hệ thống văn bản quy định về quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng còn thiếu; chất lượng các đồ án quy hoạch chưa cao; công tác tổ chức thực hiện quy hoạch còn chậm; tình trạng xây dựng tự phát, lộn xộn, xây dựng trên đất nông nghiệp diễn biến phức tạp, kiến trúc công trình phát triển lai tạp, mất dần bản sắc địa phương, vùng miền, phá vỡ cấu trúc không gian truyền thống, phá hủy nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể…
Vì vậy, việc lập quy hoạch và quản lý các thị trấn và làng nông thôn cần đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, đặc điểm của thị trấn hoặc làng cũng như các hoạt động nông thôn. Các khu vực nông thôn ven đô cần được nhìn nhận hữu cơ hơn với đô thị, không tách rời sự phát triển của đô thị trên cả khía cạnh kinh tế, môi trường sinh thái, hạ tầng và đời sống xã hội; kiểm soát, quy định các vấn đề nông thôn cần được nhìn nhận song hành với các vấn đề đô thị. Ngoài ra, thành phố cần quan tâm, phát huy vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong việc triển khai và quản lý quy hoạch. Việc huy động sự tham gia tự nguyện của cộng đồng vào việc thực hiện các nội dung khác nhau quyết định đến việc thực hiện, quản lý thành công và khả năng triển khai trên diện rộng của quy hoạch nông thôn. Ngược lại, để có thể triển khai trên diện rộng, cần thực hiện phân cấp và phải giao được quyền làm chủ cho cộng đồng. Cùng với đó, Hà Nội cần sử dụng có hiệu quả công cụ vành đai xanh nhằm kiểm soát phát triển theo ranh giới giữa khu vực ven đô và trung tâm, tránh hiện tượng phát triển tràn lan, phân tán./.
Để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực phát triển của Thủ đô Hà Nội  (27/11/2024)
Hà Nội quyết tâm xây dựng đô thị thông minh, thành phố thông minh  (26/11/2024)
Hà Nội đẩy mạnh quản trị đô thị, hướng tới một chính quyền đô thị tự chủ, hiệu quả  (25/11/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển