Chính sách phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội
TCCS - Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022, của Thành ủy Hà Nội, về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô phải trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách về lĩnh vực văn hóa, trong đó chú trọng phát huy giá trị di sản văn hóa cho phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội còn gặp nhiều thách thức, rào cản, cần nhiều giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Mối quan hệ giữa di sản văn hóa và công nghiệp văn hóa
Di sản văn hóa là tài sản vô giá mà các thế hệ đi trước đã sáng tạo và trao truyền lại cho thế hệ hôm nay. Di sản văn hóa là vấn đề được thế giới quan tâm đến từ lâu. Công ước 1972 về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) quan niệm: “Di sản văn hóa vật thể là các di tích, công trình kiến trúc, điêu khắc hoặc hội họa, các yếu tố hay kết cấu có tính chất khảo cổ, các văn bản, các hang động và các nhóm yếu tố có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học”(1). Điều 1 của Công ước xác định những loại hình được coi là “di sản văn hóa”, gồm: Di tích kiến trúc (monuments): các công trình kiến trúc, các công trình điêu khắc và hội hoạ kiến trúc, các bộ phận hoặc kết cấu có tính chất khảo cổ học, các bi ký, các hang động cư trú và những bộ phận kết hợp, mà xét theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật hoặc khoa học là có giá trị nổi tiếng toàn cầu; nhóm công trình xây dựng (groups of buildings): các nhóm công trình riêng lẻ hoặc liên kết mà, do tính chất kiến trúc, tính chất đồng nhất hoặc vị thế của chúng trong cảnh quan, xét theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật hoặc khoa học là có giá trị nổi tiếng toàn cầu; các di chỉ (sites): các công trình của con người hoặc công trình kết hợp giữa con người và thiên nhiên, cũng như các khu vực có các di chỉ khảo cổ học mà xét theo quan điểm lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hoặc nhân học là có giá trị nổi tiếng toàn cầu.
Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO quan niệm: ““Di sản văn hóa phi vật thể” được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt tri thức, kỹ năng - cũng như những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan - mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường, với mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người”(2). Ở Việt Nam, theo Luật Di sản văn hóa 2013, di sản văn hóa bao gồm “di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác”(3).
Các giá trị di sản văn hóa trở thành một phần quan trọng của nguồn lực nội sinh thúc đẩy phát triển bền vững đất nước. Trong phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH), giá trị di sản văn hóa là một phần tất yếu của nguồn lực văn hóa, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển CNVH.
Công nghiệp văn hóa đã và đang trở thành ngành kinh tế trọng điểm của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có sự thống nhất về khái niệm và cơ cấu của công nghiệp văn hóa. Thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” xuất hiện đầu tiên ở Mỹ, sau đó lan nhanh sang châu Âu và các nước trên thế giới. Những thập niên cuối thế kỷ XX, khi nền văn hóa đại chúng xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, công nghiệp văn hóa được nhận thức ngày càng đầy đủ hơn từ lý thuyết đến thực tiễn. Ngoài ra còn có các thuật ngữ khác như công nghiệp sáng tạo, kinh tế sáng tạo, công nghiệp bản quyền, công nghiệp giải trí..., gần đây có xu hướng sử dụng thuật ngữ CNVH và giải trí.
Theo UNESCO, CNVH là “các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và khai thác các nội dung có bản chất phi vật thể và văn hóa. Các nội dung này thường được bảo vệ bởi luật bản quyền và thể hiện dưới dạng các sản phẩm hay dịch vụ”(4). Hay nói cách khác, “công nghiệp văn hóa là thuật ngữ sử dụng cho các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các nội dung sáng tạo. Những nội dung này về bản chất mang tính phi vật thể và văn hóa, được bảo vệ bởi luật bản quyền và thể hiện dưới hình thức sản phẩm hay dịch vụ. Các ngành công nghiệp văn hóa thể hiện rõ xu thế kinh tế và văn hóa thấm sâu vào nhau, là kết hợp của các yếu tố chính: sáng tạo, kết cấu hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, từ đó có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa đem lại lợi ích kinh tế”(5). Theo đó, CNVH gồm 4 đặc trưng nổi bật là: 1) Sản xuất, hình thành nên các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trên cơ sở sự sáng tạo của cá nhân hay nhóm với việc ứng dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại; 2) Gắn với quyền sở hữu trí tuệ; 3) Các sản phẩm và dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa phải hướng tới phục vụ số đông; 4) Ngành công nghiệp văn hóa gắn bó mật thiết với thị trường, chịu sự chi phối của quy luật thị trường.
Giữa di sản văn hóa và CNVH có mối liên hệ qua lại, bổ sung, tương hỗ lẫn nhau. “Di sản văn hóa là nền tảng hình thành một xã hội sáng tạo và có trách nhiệm, hình thành các không gian sáng tạo có khả năng cố kết xã hội, kết nối mạng lưới, trao đổi thông tin và nguồn lực trong các cộng đồng. Bên cạnh đó, di sản văn hóa hiện còn là nguồn cung cấp nhiên liệu đầu vào phong phú và đa dạng cho nhiều ngành công nghiệp văn hóa, như du lịch văn hóa, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, trò chơi điện tử, điện ảnh...”(6). Ngược lại, “chính sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trong những năm qua đã góp phần giữ gìn, bảo vệ, phục hồi và khai thác có hiệu quả các giá trị của di sản văn hóa gắn với các cộng đồng, dân tộc, quốc gia”(7). Đồng thời, “công nghiệp văn hóa góp phần chuyển hóa các di sản văn hóa thành nguồn sức mạnh cố kết xã hội, mở rộng mạng lưới, trao đổi thông tin và nguồn lực trong các cộng đồng”(8).
Ở Việt Nam, CNVH vẫn là thuật ngữ khá mới mẻ. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, CNVH mới được bàn đến trong một vài công trình nghiên cứu. Cùng với quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước được khẳng định ngày càng rõ nét. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) của Đảng đề ra chính sách kinh tế trong văn hóa với những nội dung phát triển các sản phẩm văn hóa, mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, chế độ cho các doanh nghiệp ngành văn hóa, cho phép các thành phần kinh tế tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, các hoạt động văn hóa. Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) của Đảng trực tiếp đề cập đến nhiệm vụ “phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”(9).
Đại hội XIII của Đảng chủ trương đẩy mạnh phát triển CNVH và khẳng định: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”(10).
Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước từng bước hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy phát triển các ngành CNVH, đồng thời ban hành nhiều văn bản pháp luật để điều chỉnh, khuyến khích phát triển CNVH. Năm 2016, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành, khẳng định quan điểm phát triển ngành CNVH, trong đó chỉ rõ: (1) Các ngành CNVH là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành CNVH. (2) Phát triển các ngành CNVH dựa trên sự sáng tạo, khoa học - công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa. (3) Phát triển các ngành CNVH có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của Việt Nam, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường; được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng. (4) Phát triển CNVH gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Ngoài ra, quan điểm của Đảng về phát triển CNVH trên cơ sở phát huy giá trị di sản văn hóa đã được thể chế hóa trong nhiều quy định của pháp luật.
Tiềm năng, thế mạnh về di sản văn hóa và định hướng, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội
Hà Nội có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là bởi có hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc. Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng các di sản văn hóa với 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm tất cả các loại hình với sự phong phú, đa dạng. Nhờ đó, Hà Nội thực sự là trung tâm, là cái nôi của di sản văn hóa cả nước. Đến nay, Hà Nội đã tiến hành tổng kiểm kê các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn, xây dựng kế hoạch bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại(11). Hà Nội còn thực hiện thành công Dự án bảo tồn chèo truyền thống; xây dựng Đề án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã được tổ chức UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, như: Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp hát ca trù (năm 2009), Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (năm 2010), Nghi lễ và trò chơi kéo co (năm 2015), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt (năm 2016).
Theo kết quả kiểm kê năm 2016, thành phố có 5.922 di tích, trong đó có 1 di sản thế giới, 20 di tích quốc gia đặc biệt, 1.163 di tích cấp quốc gia, 1.500 di tích cấp thành phố và 3.238 di tích (đưa vào danh mục kiểm kê phục vụ cho công tác xếp hạng di tích)(12). Công tác tu bổ di tích được quan tâm, chỉ đạo hằng năm. Năm 2022, thành phố ban hành nghị quyết về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, phân bổ vốn kế hoạch năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo cùng một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố.
Thành phố đã ban hành quy định về phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn. Hằng năm thành lập các đoàn công tác kiểm tra công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích; tổ chức các lớp tập huấn công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố; xây dựng các cơ chế hỗ trợ công tác quản lý di tích tại cơ sở, chế độ đãi ngộ cho người trông coi di tích, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích tại cơ sở. Số lượng khách đến tham quan di tích, bảo tàng do thành phố quản lý tăng dần qua các năm. Nguồn thu từ hoạt động tham quan di tích tăng gấp 10 lần so với năm 2008. Thành phố đã xây dựng được những sản phẩm văn hóa tiêu biểu, đặc sắc như: Chương trình Đêm thiêng liêng tại Di tích nhà tù Hỏa Lò, Chương trình “Trải nhiệm Văn Miếu về đêm”, “Ngọc Sơn huyền bí”, “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long”. Hà Nội có quan hệ hợp tác với hơn 100 thành phố các nước và vùng lãnh thổ, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới. Các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, các phái đoàn ngoại giao, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế đều đặt trụ sở tại Hà Nội, tạo mạng lưới liên lạc tốt nhất để các nhà đầu tư chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển, tạo ra thị trường rộng mở để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ ngành CNVH.
Triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8-9-2016, của Thủ tướng Chính phủ, về việc “Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch số 112/KH-UBND, ngày 29-5-2017, về “Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Ngày 22-2-2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 12-8-2022, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 217/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, 22-2-2022, của Thành ủy Hà Nội, về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 09-NQ/TU và Kế hoạch số 217/KH-UBND, các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành đã xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành và địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, của Bộ Chính trị, về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045", trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là phát triển văn hóa, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô, nhiều cơ chế, chính sách đã được thành phố ban hành và chỉ đạo xây dựng ban hành(13). Các ban, ngành đã tham mưu Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố ban hành nghị quyết quan trọng phục vụ phát triển CNVH(14). Thành phố tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung nội dung phát triển các ngành CNVH vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tập trung đầu tư các công trình thiết chế văn hóa, di tích lịch sử (nhất là Hoàng thành Thăng Long, Điện Kính Thiên, Cổ Loa, Đền thờ Ngô Quyền...); đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao mới, tiêu biểu của Thủ đô; xây dựng trung tâm biểu diễn nghệ thuật quốc gia với định hướng giới thiệu đặc sắc văn hóa vùng, miền, địa phương với các chương trình đa dạng thể loại, phong phú nội dung, đặc biệt là các chương trình liên kết các vùng văn hóa. Tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, công trình kiến trúc giá trị, trọng tâm là các di sản thế giới, di tích quốc gia; xây dựng các điểm đến di tích gắn với phát triển du lịch; xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu sản phẩm làng nghề ở khu vực phía nam Hà Nội, Đề án Không gian sáng tạo - Trung tâm công nghiệp văn hóa hai bên bờ sông Hồng; chuyển đổi công năng các di sản công nghiệp, di sản đô thị, di sản kiến trúc cũ được xây dựng trước năm 1954, các thiết chế văn hóa; hình thành các không gian sáng tạo, xây dựng và hỗ trợ các không gian sáng tạo tại Hà Nội; hình thành, mở rộng các tuyến phố đi bộ, xây dựng các không gian sáng tạo điểm đến trên cơ sở các thiết chế ngành văn hóa, xây dựng các không gian sáng tạo tại các làng nghề, khuyến khích hình thành không gian sáng tạo của các tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được, Hà Nội cũng đứng trước nhiều thách thức, rào cản trong phát huy giá trị di sản văn hóa cho phát triển CNVH. Hiện nay, quan điểm chung vẫn coi di sản văn hóa như một loại “nguồn vốn”, một “sản phẩm” trong hoạt động kinh tế thông thường để sản sinh lợi nhuận. Chính vì vậy, các di sản văn hóa đã bị khai thác triệt để khía cạnh kinh tế để đem lại doanh thu, lợi nhuận mà chưa chú ý đúng mức đến bảo tồn, giữ gìn các giá trị di sản văn hóa. Điều này đòi hỏi cần nhận thức đúng về phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển CNVH, tránh những hành động ứng xử “thiếu văn hóa” đối với những giá trị văn hóa được khai thác trong phát triển CNVH.
Nhận thức của một số cấp, ngành, đơn vị về công nghiệp văn hóa còn hạn chế. Hà Nội chưa tạo được cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong phát triển CNVH, trong đó thiếu sự liên kết, liên ngành giữa các lĩnh vực có liên quan. Việc triển khai thực hiện các cam kết với UNESCO về di sản văn hóa thế giới và “Thành phố sáng tạo” chưa được tập trung đẩy mạnh. Tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra; sản phẩm, dịch vụ và thị trường văn hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; các nguồn lực dành cho phát triển các ngành CNVH còn nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp văn hóa phần lớn có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng môi trường sáng tạo, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều khó khăn; chưa xây dựng được cơ chế, chính sách để thu hút, khuyến khích đầu tư vào phát triển CNVH Thủ đô.
Một số giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội
Trên thế giới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang phát triển mạnh mẽ, đánh dấu bước ngoặt trong sự phát triển khoa học - công nghệ của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Công nghiệp văn hóa và sáng tạo trên nền tảng số tăng trưởng mạnh, đóng góp đáng kể đối với nền kinh tế của đất nước nói chung, Thủ đô nói riêng. Do đó, để phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển CNVH của Thủ đô Hà Nội, cần chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, cần tập trung nghiên cứu, dự báo về những thách thức tác động đến việc phát huy các giá trị văn hóa của Thủ đô trong quá trình phát triển nói chung, phát triển CNVH nói riêng. Đề xuất các giải pháp làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian, văn nghệ sĩ…; khuyến khích trao truyền, sáng tạo các giá trị văn hóa mới phục vụ các ngành CNVH. Tăng cường quản lý nhà nước, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn thành phố, ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử cách mạng có giá trị tiêu biểu. Triển khai số hóa tư liệu, xây dựng chương trình hành động nhằm quảng bá, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có nguy cơ mai một.
Hai là, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp CNVH, tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển CNVH. Hoàn thiện cơ cấu ngành CNVH, bảo đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; bổ sung, điều chỉnh các nội dung liên quan phát triển CNVH, tích hợp đồng bộ các mục tiêu đầu tư, dự án thuộc lĩnh vực phát triển CNVH trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề xuất các giải pháp đầu tư mới nhằm cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất theo Quy hoạch phân khu hai bên bờ sông Hồng và các khu vực phát triển đô thị, các đô thị vệ tinh để xây dựng các công trình văn hóa, du lịch...; đồng thời bổ sung Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội vào từng địa phương, bảo đảm thống nhất trong quan điểm, mục tiêu phát triển CNVH Thủ đô và của cả nước với tầm nhìn đến năm 2045.
Ba là, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực CNVH cho phát triển bền vững. Chuyển đổi di sản công nghiệp, nhà, biệt thự cũ, di sản đô thị, di sản ký ức thành di sản văn hóa mới; phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống... Giải pháp thực hiện cần gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô, gắn với Luật Thủ đô 2024. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, xúc tiến đầu tư quảng bá các loại hình CNVH. Phát huy hiệu lực, hiệu quả việc thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ theo đúng quy định pháp luật. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê, các chỉ báo, chỉ số, tiêu chí và cơ sở dữ liệu về các ngành CNVH Thủ đô gắn với tiêu chí trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng tiêu chuẩn, quy trình quản lý, đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa mới tiệm cận với các tiêu chí, tiêu chuẩn của UNESCO và thế giới.
Bốn là, đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong việc quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành, nghề và khu vực, xây dựng thương hiệu quốc gia, quốc tế cho các ngành CNVH của Thủ đô. Đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường văn hóa trong nước và quốc tế. Tăng cường hợp tác, hội nhập với các thành phố của các quốc gia trên thế giới có nền CNVH phát triển mạnh. Triển khai số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu với đầy đủ các nội dung về di sản văn hóa, “Thành phố sáng tạo”, phục vụ quản lý, kết nối chia sẻ, quảng bá thông tin với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước.
Năm là, quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và ngoài nhà nước cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết nối phố - không gian đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa dành cho cộng đồng. Triển khai quyết liệt một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, đồng thời với việc xây dựng một số công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho Thủ đô.
Sáu là, xây dựng cơ chế hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích, hợp tác công - tư trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Khuyến khích xây dựng, hình thành, phát triển các loại quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ, quỹ giải thưởng theo hình thức hợp tác công - tư để phát triển văn hóa. Triển khai thực hiện các quy định về lĩnh vực văn hóa trong Luật Thủ đô 2024(15). Xây dựng cơ chế hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng kết quả từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ; cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo trong phát triển CNVH. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế bảo đảm phát huy hiệu lực, hiệu quả việc thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường văn hóa. Nghiên cứu, xác định một số sản phẩm, dịch vụ chủ lực, liên kết vùng trong phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô./.
-----------------------------
(1 ) Xem: Công ước 1972 về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO, https://whc.unesco.org/en/conventiontext/
(2) Xem: Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003 của UNESCO, https://ich.unesco.org/doc/src/00009-VI-PDF.pdf
(3) Xem: Luật Di sản văn hóa 2013, Luật số 10/VBHN-VPQH, https://congbao.chinhphu.vn/noi-dung-van-ban-so-10-vbhn-vpqh-7112?cbid=3774
(4) Phạm Bích Huyền, Đặng Hoài Thu: Các ngành công nghiệp văn hóa, Nxb. Lao động, Hà Nội 2014, tr. 9
(5) Bùi Hoài Sơn: Tháo gỡ “nút thắt” để công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, ngày 26-11-2023, https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXIII/Pages/danh-sach-ky-hop.aspx?ItemID=82554&CategoryId=0
(6), (7) Nguyễn Thị Thu Phương, Nguyễn Thu Hà: Nhận diện các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển bền vững ở Việt Nam, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016-2021, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội, 2022, tr. 18
(8) Nguyễn Văn Hùng: Phát biểu khai mạc, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016 - 2021, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội, 2022, tr. 8
(9) Xem: Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xi/nghi-quyet-so-33-nqtw-ngay-962014-hoi-nghi-lan-thu-9-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-ve-xay-dung-va-phat-trien-590
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 145
(11) Như: xây dựng và hoàn thiện Đề án bảo tồn làng cổ Đông Ngạc, Đề án Không gian lễ hội Gióng, Đề án bảo tồn và phát huy giá trị của 82 bia đá tiến sỹ trong khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Xây dựng kế hoạch bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp như ca trù, hát tuồng, điệu múa cổ, nghệ thuật hát chèo, hát ca trù, hát dô, trống quân, múa hát ải Lao, múa bài bông, nghệ thuật trình diễn rối nước, tri thức trồng thuốc Nam của người Dao…
(12) Báo cáo số 65-BC/BCSĐ, ngày 15-4-2024, của Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI), về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triền bền vững đất nước”trên địa bàn thành phố Hà Nội
(13) Một số quy định khác nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý cho phát triển các ngành CNVH, như: Quy định mức hỗ trợ chi nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; Điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử công trình văn hóa; ban hành quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan Bảo tàng Hà Nội; ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với huấn luyện viên, vận động viên của thành phố Hà Nội đạt thành tích cao; nội dung, định mức chi để phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội; Kế hoạch hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ địa bàn thành phố Hà Nội; định mức lập dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước của thành phố Hà Nội; cơ chế bảo tồn chỉnh trang biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội…
(14) Gồm: Nghị quyết số 02/NQ-HĐND, ngày 8-4-2022, về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025; Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND, ngày 8-12-2022, của HĐND thành phố, về việc quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ “nghệ sĩ nhân dân”, “nghệ sĩ ưu tú”; nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội; Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND, ngày 6-7-2022, của HĐND thành phố, về việc quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố Hà Nội, trong đó quy định mức chi giải thưởng các cuộc thi, hội thi, hội diễn, liên hoan trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và các giải thể thao quần chúng do thành phố đăng cai, tổ chức và tham gia các giải thể thao quần chúng khu vực và toàn quốc; Nghị quyết số 26/2022/NQ-HĐND, ngày 8-12-2022, của HĐND thành phố, thay thế Nghị quyết số 08/2014/NQ-HĐND, ngày 11-7-2014, của HĐND thành phố, về việc quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa…
(15) Xem: Luật Thủ đô 2024, https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2024/9/39-2024-qh15_1.pdf
Phát triển kinh tế số tại Hà Nội: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra  (20/11/2024)
Thủ đô Hà Nội trong dòng chảy hiện đại hóa của đất nước: Yêu cầu đồng bộ cơ chế, chính sách  (18/11/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển