Nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (tỉnh Ninh Bình): Những bước phát triển vượt bậc
TCCS - Nhiều năm trở lại đây, làng đá Ninh Vân, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình được biết đến là một trong những làng nghề truyền thống có những bước phát triển vượt bậc. Kế thừa những giá trị tinh hoa của bậc tiền nhân, các nghệ nhân chạm khắc đá mỹ nghệ qua nhiều thế hệ không ngừng sáng tạo, để lại cho đời những tuyệt tác đặc sắc, đưa nghề đá Ninh Vân vươn xa, phát triển.
Phát triển mạnh mẽ
Căn cứ vào sử tích hiện còn lưu giữ tại đình làng Hệ, đình làng Xuân Vũ, đền Kẻ Hạ và truyền thuyết từ xa xưa để lại, nghề chạm khắc đá ở Ninh Vân có từ thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ thứ XVIII). Với bề dày lịch sử chế tác đá, làng nghề đá Ninh Vân cho ra đời hàng trăm nghìn sản phẩm khác nhau, nhiều sản phẩm đa dạng, độc đáo. Trước kia, các sản phẩm của làng nghề đá Ninh Vân chủ yếu tập trung vào nhóm sản phẩm phục vụ sản xuất các loại như cối giã gạo, giã cua, xay ngô, xay gạo, con lăn trục lúa... Tuy nhiên, do có sự thay đổi về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, những sản phẩm này không còn phổ biến như trước. Ngày nay, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều máy móc công nghệ hiện đại được các cơ sở sản xuất đưa vào ứng dụng trong nhiều khâu giúp các sản phẩm của làng đá Ninh Vân rất đa dạng về số lượng và chủng loại. Các sản phẩm có thể chia thành các nhóm như: (i) nhóm sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt gồm nhịp lan can, bậc cầu thang, bàn ghế, biển quảng cáo, bản bếp…; (ii) nhóm chạm khắc đá mỹ nghệ có tranh bằng đá được thể hiện với nhiều đề tài khác nhau như tứ quý, tứ bình, tứ linh, ngũ hạc, quần tùng, long vân, khánh hội và cảnh làng quê; đôn đỡ chậu cảnh, chậu cảnh, các con vật trang trí như rồng, hổ, cóc ngậm ngọc, tượng thiếu nữ...; (iii) nhóm phục vụ nhu cầu tâm linh bao gồm lăng mộ đá, tường bao, lư hương, cây đèn, bát hương, bia đá, thác đá, khảnh đá, cột trụ được tạo tác, mô phỏng theo mẫu mã từ thời xa xưa để lại; nhóm tượng đài, tượng thờ với nhiều kích thước, kiểu dáng khác nhau như tượng phật, tượng mẫu, tượng hộ pháp và các linh vật sư tử, nghê, lân, hạc, ngựa, voi… phục vụ nhu cầu tâm linh được chế tác với kỹ thuật cao.
Bất cứ nhóm sản phẩm nào, khi qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ chế tác đá Ninh Vân đều trở nên sống động. Dấu ấn đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Ninh Vân để lại trên những khối đá được chế tác tinh xảo lột tả được vẻ đẹp chân thực của mỗi sản phẩm. Vì vậy, dù là những sản phẩm phục vụ cho các nhu cầu khác nhau của con người, được tạo tác trên chất liệu đá thô cứng vẫn đem lại vẻ đẹp độc đáo khó lẫn so với các sản phẩm làm từ vật liệu khác. Bằng tay nghề của mình, những nghệ nhân, những người thợ giỏi điêu luyện trong chế tác đá của Ninh Vân đã đưa sản phẩm của làng mình đi khắp đất nước. Chỉ tính riêng nhóm sản phẩm khóm, cụm tượng đài, nhiều sản phẩm của làng đá mỹ nghệ Ninh Vân được thi công, lắp đặt xuất hiện trên khắp cả nước như Cụm đuốc Bác Hồ ở Cao Bằng, Tượng đài Võ Nguyên Giáp ở Điện Biên, Tượng đài Hoàng Quốc Việt ở Bắc Ninh, Tượng đài Bác Hồ ở Quảng trường Hồ Chí Minh Nghệ An, Tượng đài Nguyễn Đức Cảnh ở Hải Phòng, Cụm tượng 10 nữ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Tượng đài kéo pháo (Điện Biên), tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quân Bắc Hải ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)... Nhiều công trình trong số đó được thợ làng nghề Ninh Vân chế tác theo các kích thước và trọng lượng khác nhau bằng chất liệu đá xanh, đá cẩm thạch nguyên khối. Khi điêu khắc những công trình này, các doanh nghiệp, tổ hợp nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân đều phải vận chuyển máy móc, trang thiết bị, vật liệu và đưa thợ thủ công đến thi công trực tiếp tại địa điểm công trình. Một số sản phẩm được chế tác từ đá do người thợ Ninh Vân làm ra cũng đã vượt khỏi phạm vi quốc gia, như tượng cố Tổng Bí thư Caysonphomvyhan đặt tại Lào, Tượng đài chiến thắng ở Cam pu chia, tượng phật ở Đài Loan (Trung Quốc).
Qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề đá ở Ninh Vân vẫn đang phát triển mạnh mẽ trên quy mô toàn xã, mang lại thu nhập cao cho người lao động. Từ một làng nghề chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, đến nay làng đá Ninh Vân đã phát triển mạnh mẽ, là địa bàn của nhiều doanh nghiệp lớn chuyên chế tác đá mỹ nghệ, tổng doanh thu của làng nghề mỗi năm đạt hàng trăm tỷ đồng. Hiện nay, xã Ninh Vân có 10/12 thôn có nghề chạm khắc đá mỹ nghệ, trong đó có 3 làng nghề là Xuân Vũ, Dưỡng Thượng và Dưỡng Hạ được Nhà nước công nhận là làng nghề chế tác đá mỹ nghệ truyền thống. Ngày 20-12-2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4607/QĐ-BVHTTDL, ghi danh nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cần cơ chế vinh danh những người thợ giỏi
Góp phần đưa các sản phẩm được chế tác từ đá của Ninh Vân đi xa, cũng như ghi danh nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có công lớn của những nghệ nhân, thợ giỏi điêu luyện bao năm gắn bó gây dựng, giữ nghề và phát triển nghề. Trước đây, mọi công đoạn chế tác đá ở Ninh Vân đều được làm bằng tay rất vất vả; sau này, công nghệ máy móc phát triển, hiệu suất lao động của người thợ được cải thiện rõ rệt. Song, nghề chế tác đá ở Ninh Vân truyền nghề theo lối “cha truyền con nối”, dù có cơ chế mở đối với từng công đoạn, nhưng những bí quyết nghề mà các nghệ nhân, thợ giỏi có được không hề đơn giản. Bí quyết nghề đòi hỏi không chỉ sự kiên nhẫn, tìm tòi, học hỏi, mà còn đòi hỏi ở người thợ sự khéo léo, óc sáng tạo, tính cẩn trọng, tỉ mỉ, nhiều khi cần sự chính xác gần như tuyệt đối ở những khâu nhất định trong quá trình lao động. Máy móc công nghệ cao đã thay thế sức người ở nhiều công đoạn, song để một sản phẩm mỹ nghệ từ đá hoàn hảo, không thể thiếu vắng bàn tay con người ở những chi tiết độc đáo và tinh tế.
Với tinh thần lao động, sự yêu nghề và đầy sáng tạo, những năm trước đây, khi tỉnh Ninh Bình còn duy trì Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND, ngày 8-1-2013, về việc Quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình và Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND, ngày 6-7-2016, của Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình ban hành kèm theo Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND; nhiều thợ giỏi của làng đá Ninh Vân đã được vinh danh nghệ nhân cấp tỉnh. So với nhiều làng nghề khác của Ninh Bình, số lượng nghệ nhân cấp tỉnh của nghề đá Ninh Vân luôn ở mức cao. Từ sự vinh danh này, nhiều nghệ nhân cấp tỉnh đã tận tâm, tận lực truyền dạy nghề truyền thống cho lớp con cháu trong gia đình, họ tộc và xóm làng. Có những gia đình duy trì nghề qua 6 - 7 thế hệ. Nối nghiệp cha ông, một số thanh niên ở Ninh Vân vừa tiếp thu bí quyết nghề nghiệp, chịu khó rèn luyện tay nghề từ thế hệ đi trước, vừa phấn đấu học tập thi đỗ các khoa điêu khắc, kiến trúc ở các trường đại học. Có những em đã trở thành nhà điêu khắc tài năng, giàu kinh nghiệm, là chủ các cơ sở chế tác đá uy tín ở Ninh Vân, làm giàu bằng chính nghề truyền thống của cha ông.
Tuy nhiên, khi Nghị định số 123/2014/NĐ-CP, ngày 25-12-2014 của Chính phủ về Quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được ban hành, các văn bản trước đây trái với quy định tại Nghị định này đều bị bãi bỏ. Theo Nghị định này, tỉnh Ninh Bình không thể duy trì cơ chế tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nghề thủ công mỹ nghệ cấp tỉnh. Điều này gây ra những băn khoăn, trăn trở nhất định cho người làm nghề, trong đó có những thợ giỏi của nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân.
Hiện nay, Ninh Bình đang tích cực triển khai các hoạt động để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân. Theo đó, tỉnh có nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu về nghề và làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân. Qua đó, những sản phẩm của làng nghề chế tác đá mỹ nghệ được nhiều người biết đến, Ninh Vân mở rộng được thị trường tiêu thụ rộng lớn ở nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, để khích lệ, động viên những nghệ nhân, những người thợ chế tác đá Ninh Vân tiếp tục sáng tạo những sản phẩm độc đáo, gìn giữ, truyền nghề và phát triển nghề truyền thống trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tỉnh Ninh Bình cần tìm được cơ chế để vinh danh những người thợ giỏi, có nhiều cống hiến với nghề. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để bảo tồn làng nghề. Thực tế đã chứng minh, muốn bảo tồn, phát triển làng nghề nhất thiết phải phát huy vai trò của các nghệ nhân, thợ giỏi. Sản phẩm làng nghề muốn tồn tại và phát triển trong xã hội hiện đại không chỉ có chất lượng kỹ thuật mà còn phải có giá trị thẩm mỹ cao, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương và tâm hồn, trí tuệ của nghệ nhân. Những nghệ nhân lâu năm, giàu kinh nghiệm là linh hồn, “báu vật” sống nắm giữ tinh hoa của làng nghề truyền thống. Đây là chỗ dựa vững chắc cho làng nghề nói chung, làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân nói riêng tồn tại và phát triển, góp phần vào sự phát triển toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch: Hướng đi cho “du lịch xanh” tại tỉnh Ninh Bình  (20/11/2024)
Tỉnh Ninh Bình: Hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị  (19/11/2024)
Phát triển du lịch xanh gắn với xây dựng nông thôn mới  (19/11/2024)
Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Mô  (19/11/2024)
Tỉnh Ninh Bình: Làng thêu Văn Lâm giữ gìn tinh hoa truyền thống  (19/11/2024)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển