Hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ
TCCS - Ninh Bình là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa - với tài nguyên di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, đa dạng, có giá trị nổi bật, mang đậm bản sắc văn hóa đặc sắc riêng có, hội tụ đầy đủ tiềm năng, thế mạnh để trở thành “Đô thị di sản thiên niên kỷ”.
1. Vùng đô thị cố đô - di sản Hoa Lư là một miền đất cổ, nơi có con người sinh sống từ cách nay hơn 3 vạn năm, với các di tích khảo cổ học tiền sử trong các mái đá, hang động vùng di sản Tràng An. Nơi đây ghi dấu ấn đậm đặc các giá trị lịch sử - văn hóa. Những phát hiện khảo cổ học gần đây cho thấy, vào thời Bắc thuộc, tại khu vực cố đô Hoa Lư từng tồn tại một châu trị lớn, đã là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa.
Hiện nay, dấu tích của cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) là 1 trong 4 vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An với hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Đây cũng là Di sản thế giới “kép” đầu tiên và duy nhất tại khu vực Đông Nam Á. Đồng thời đã được Tổng Giám đốc UNESCO đánh giá là một trong những mô hình mẫu mực, điển hình thế giới về kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.
Cố đô Hoa Lư là di tích cấp quốc gia đặc biệt, một trong những di tích quan trọng bậc nhất của Việt Nam, được Bộ Văn hóa xếp hạng cấp quốc gia đợt đầu tiên của cả nước năm 1962. Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên, nơi phát tích sự nghiệp 3 triều đại: Đinh - Tiền Lê và khởi đầu triều Lý ở thế kỷ X. Cùng với Thăng Long - Hà Nội, Huế, Hoa Lư là 1 trong 3 kinh đô ổn định lâu dài của nước Đại Việt - Việt Nam thống nhất, tự chủ với các giá trị đặc biệt quan trọng về vai trò, vị thế của kinh đô - triều đại, di sản khảo cổ học, kiến trúc nghệ thuật, lễ hội, tập quán tín ngưỡng và lối sống,... bảo lưu và trao truyền đến hiện tại. Tỉnh Ninh Bình cũng có di tích cấp quốc gia đặc biệt núi Non Nước, nơi duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được các văn bia ma nhai với số lượng lớn (48 văn bia), ghi dấu bút tích các bậc tao nhân mặc khách, công hầu khanh tướng, danh nhân văn hóa các triều đại từ thời Lý - Trần đến đầu thế kỷ XX.
Với tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đặc biệt chú trọng khai thác các tiềm năng, thế mạnh, phát huy giá trị bản sắc riêng của những di sản để tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, mang tính đặc thù, đáp ứng nhu cầu của du khách, như: hệ thống sản phẩm du lịch gắn với Quần thể danh thắng Tràng An, hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, hệ thống sản phẩm du lịch sinh thái, sản phẩm du lịch làng nghề, sản phẩm du lịch lễ hội truyền thống, sản phẩm du lịch đô thị...
Quần thể danh thắng Tràng An là dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử, cảnh quan, thiên nhiên và con người, đã tạo nên sự kết nối, giao thoa hài hòa trong không gian văn hóa cộng sinh. Hiện nay, khu vực di sản Quần thể danh thắng Tràng An có 429 di tích (trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 36 di tích cấp tỉnh) được phân bố đều khắp 18 xã, phường. Đây là kho tàng chứa đựng các đặc điểm vàng son của lịch sử và truyền thống dân tộc, được cha ông ta từ ngàn đời truyền lại, nơi được chọn là kinh đô đầu tiên của Nhà nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ X - trụ sở của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, là hành cung của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII. Do đó, nơi đây chứa đựng nhiều di tích lịch sử, tôn giáo nổi tiếng, các giá trị thiên nhiên và văn hóa độc đáo, riêng có, cùng nhau hòa quyện, làm nổi bật giá trị toàn cầu của Di sản Quần thể danh thắng Tràng An.
Từ những yếu tố tự nhiên, lịch sử, văn hóa trên có thể nhận thấy những giá trị riêng biệt tạo nên bản sắc tỉnh Ninh Bình đó là tính chuyển tiếp của địa hình tự nhiên và lịch sử; tính kết nối linh hoạt của tự nhiên, văn hóa; tính đa dạng, hòa hợp của cộng đồng dân cư. Đây là những yếu tố quyết định bản sắc, phản ánh tiến trình lịch sử - văn hóa của một vùng đất, một cộng đồng; là điều kiện cơ bản, cơ sở lịch sử - xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đồng thời giảm thiểu và tránh được những nguy cơ làm tổn hại và phá hủy di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Tiêu biểu là Quần thể Danh thắng hỗn hợp Tràng An - là một địa danh du lịch tổng hợp gồm các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận.
Nhiều di tích danh thắng nơi đây đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng như Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư... Đây là khu vực điển hình cho tính chất đa dạng nhưng hòa hợp của điều kiện tự nhiên ở tỉnh Ninh Bình, điển hình cho cảnh quan nhân văn bằng việc đưa những công trình mới vào cảnh quan tự nhiên và cảnh quan lịch sử. Tại đây cộng đồng dân cư đã sống cùng di sản, bảo vệ và phát triển di sản… từ đó phát triển sinh kế là nông nghiệp và dịch vụ du lịch; tạo nên những nét độc đáo đối với du khách khi đến tham quan, trải nghiệm.
2. Trên cơ sở giá trị riêng có và hội tụ các yếu tố cần thiết để trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ:
Thứ nhất, đổi mới tư duy về bảo tồn và phát triển di sản địa phương. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh gắn với định vị mới về tỉnh Ninh Bình. Việc quảng bá hình ảnh và định vị thương hiệu là đòn bẩy để thu hút đầu tư một cách hiệu quả.
Thứ ba, xây dựng đô thị di sản gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ. Trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các quốc gia và địa phương cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách hình thành các đô thị hiện đại theo hướng tích hợp. Vì vậy, để định vị tương lai phát triển của tỉnh Ninh Bình, cần có định hướng chiến lược trong việc hình thành đô thị di sản gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ.
Thứ tư, xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Trong các ngành kinh tế, công nghiệp văn hóa là một ngành kinh tế trẻ. Trong đó, các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa được kỳ vọng sẽ trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Hiện nay, trong quá trình xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa, tỉnh Ninh Bình cần có hướng đi đúng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của địa phương, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phố biến, tiêu dùng. Đồng thời, phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn liền với việc quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Ninh Bình, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Thứ năm, đổi mới phương thức huy động và phân bổ nguồn lực. Trên quan điểm về huy động tổng thể các nguồn lực, không chỉ ở góc độ nguồn lực về tài chính, tỉnh Ninh Bình cần có giải pháp, cơ chế, chính sách để có thể huy động tổng thế các nguồn lực (ngân sách nhà nước, người dân và doanh nghiệp) gắn với sử dụng hiệu quả các nguồn lực./.
Huyện Kim Sơn phát huy vai trò của đồng bào các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới  (16/11/2024)
Mô hình phát triển du lịch xanh tỉnh Ninh Bình  (15/11/2024)
Du lịch trải nghiệm gắn với di sản và làng nghề Hà Nội  (15/11/2024)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển