Phú Xuyên (Hà Nội): Hồi sinh làng nghề giấy dó cổ truyền An Cốc góp phần phát triển du lịch bền vững
TCCS - Là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời ở Việt Nam, cách đây hàng nghìn năm, người Việt đã sản xuất được nhiều loại giấy dó có chất lượng cao, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Sự phát triển của nghề giấy dó, các làng nghề giấy dó cổ truyền có ý nghĩa quan trọng định hình nền văn hóa, văn minh dân tộc. Việc hồi sinh làng nghề giấy dó An Cốc (xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội) được xem là chốn tổ nghề có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Mỗi công đoạn làm giấy dó đều hàm chứa nhiều giá trị văn hóa
Làng An Cốc xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 35km về phía nam, gồm hai xóm An Cốc Thượng và An Cốc Hạ. Đây là một làng Việt cổ, nằm ở trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, có mối quan hệ mật thiết với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Người Việt cổ đã chọn dải đất cao ráo so với vùng trũng Phú Xuyên để lập nên làng An Cốc. Trong lịch sử dân tộc, An Cốc là một trong những địa phương sớm nhất tiếp thu kỹ thuật làm giấy từ Trung Hoa, tương truyền một người Việt quê ở làng An Cốc, trong một lần đi sứ ở Trung Quốc đã học được nghề làm giấy và đem về truyền dạy cho người dân trong làng. Sau đó, nghề giấy dó được người dân làng An Cốc (còn được gọi là Yên Cốc) mang ra kinh thành Thăng Long, góp phần lập nên làng nghề giấy Yên Hòa (Cầu Giấy), Yên Thái (vùng Bưởi)…
Cũng như cư dân nhiều làng nghề khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, xa xưa, nhân dân An Cốc vừa duy trì sản xuất nông nghiệp, vừa làm nghề giấy. Việc lựa chọn nguyên liệu là kết quả của quá trình tích lũy kinh nghiệm lâu dài. Ban đầu, cư dân làng An Cốc chủ yếu sử dụng các loại lau sậy, vốn mọc phổ biến ở vùng sình lầy châu thổ sông Hồng để làm giấy. Sau dân làng sử dụng nguyên liệu chính là cây dó mua từ vùng Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên. Việc làm giấy hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Cây dó sau khi nhập về, được phân loại, cắt thành từng phần để sản xuất ra các loại giấy khác nhau (thường phần ngọn được dùng để làm giấy tốt). Sau khi cắt, dó được bó lại, ngâm dưới ao, hồ khoảng 2 - 3 ngày, vớt lên để ráo nước, rồi đem nhúng với nước vôi hòa muối. Khi dó nhũn đem đập rồi cho vào vạc nấu chín trong vài ngày đêm cho đến lúc có mùi thơm của dó bốc lên, người thợ đổ “men” vào, tắt lửa để thêm vài hôm, sau đó, dó được dỡ ra, rửa sạch. Người thợ An Cốc lấy dao bóc lớp vỏ đen bên ngoài đi, lấy chân vò như vò lúa để bong hết vảy đen, đem phơi nắng một ngày, đến chiều thu lại, rũ một lần nữa cho sạch vảy đen. Hôm sau, dó được mang ra sông rũ, đãi sạch bằng rổ, rồi đem về ngâm trong bể nước mưa khoảng một tháng, khi thấy có mùi thum thủm thì đem ra giã, kết thúc công đoạn sơ chế dó.
Công đoạn giã dó là vất vả nhất, cần sự phối hợp ăn ý giữa những người thợ. Dó sau công đoạn sơ chế được cho vào cối đá đáy phẳng để giã. Khi giã, cần 3-4 người dậm chày và một người cho dó vào cối. Khi dó nhuyễn thành bột, quánh, mịn như bánh dày thì cho ra rá lớn đem đãi để phân loại bột và xơ. Sau đó bột được đem ngâm trong tàu xeo (bể nước).
Xeo giấy là công đoạn khó nhất đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ, phản ảnh trình độ và tâm huyết của người thợ. Trước khi xeo, người dân cho vào tàu xeo nước nhớt (men) chế từ cây mò để giúp bột dó kết lại với nhau thành giấy. Khuôn xeo có kích thước bằng tờ giấy cần làm, được trải tấm mành bằng tăm cây trúc ken dày (được gọi là liềm xeo). Người thợ dùng liềm xeo chao đi, chao lại trong tàu xeo để bột dó tráng đều một lớp mỏng trên liềm xeo. Khi nhấc khuôn xeo lên, nước thoát đi, để lại một lớp bột mỏng kết thành giấy trên liềm xeo. Làm loại giấy nào sẽ tùy thuộc vào cách xeo; giấy dày hay mỏng, phụ thuộc vào cả “ngữ chỉnh” ở khuôn xeo.
Giấy trên liềm xeo ráo nước được bóc ra xếp chồng lên nhau, mang ép cho kiệt nước trên bàn gỗ. Chồng giấy sau khi ép kiệt nước được bóc cẩn thận từng tờ, dán lên một cái phên, thành từng hàng. Sau đó đến công đoạn can giấy. Người thợ lấy chổi thông (thết), nhúng vào nước, phết lên mặt tờ giấy, làm cho tờ giấy thật phẳng. Sau khi can, giấy được đem phơi khô, lột từng tờ, để nạo mép và góc tờ giấy cho vuông vắn xếp lên nhau, đóng gói trước khi được đưa ra thị trường.
Nhờ phương thức sản xuất thủ công, cầu kỳ, công cụ lao động chủ yếu là tre, gỗ và dùng ánh sáng tự nhiên để làm khô giấy, đặc tính của nguyên liệu xốp nhẹ, không có độ axít, nên giấy dó An Cốc đẹp, dai, không bị nhòe khi viết, không bị mối mọt, nhẹ và có độ bền cao, tuổi thọ hàng trăm năm. Giấy An Cốc phong phú về chủng loại, đẹp về hình thức, lại bền dai, nên khách hàng trong vùng rất ưa chuộng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, từ năm 1994 đến nay, hoạt động sản xuất giấy dó giấy dó ở An Cốc bị mai một dần và dừng hẳn việc sản xuất.
Trải qua hàng nghìn năm phát triển nghề giấy, văn hóa làng quê hòa quện với văn hóa nghề giấy dó tạo nên những nét đặc trưng của văn hóa làng nghề giấy dó An Cốc. Mặc dù nghề làm giấy không còn được duy trì, nhưng dấu ấn văn hóa của làng nghề làm giấy ở An Cốc vẫn còn đậm nét. Làng An Cốc hiện nay vẫn còn hàng chục người thợ có tay nghề, còn đau đáu với nghề làm giấy. Nếp sống, thói quen sinh hoạt, thức khuya, dậy sớm, chăm chỉ, kỷ luật của người dân nơi đây phản ánh sâu sắc phương thức tổ chức sản xuất của nghề giấy. Tại hai ngôi đình xóm Thượng, xón Hạ và trong nhiều gia đình, dân làng An Cốc còn lưu giữ, nâng niu những công cụ, phương tiện sản xuất liên quan đến nghề làm giấy: cỗi giã, tàu xeo, liềm xeo...; lễ hội Tổ nghề luôn là hoạt động văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với dân làng. Một dải bờ đê sông Nhuệ, không gian làng xóm rộng mở với những ao, hồ, giếng nước, nơi cư dân trước đây ngâm dó, dã dó, phơi giấy... vẫn còn nguyên trạng, vẫn gắn bó với đời sống người dân làng An Cốc.
Khôi phục và phát huy các giá trị làng nghề giấy dó An Cốc để phát triển du lịch bền vững
Nhận thức được tầm quan trọng của các làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề giấy dó, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách, đề án khôi phục, phát triển nghề, các làng nghề truyền thống nhằm thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa làng nghề, công nghiệp văn hóa, như đề án Khôi phục, phát huy giá trị văn hóa nghề giấy dó cổ truyền ở Hà Nội phục vụ phát triển du lịch (qua trường hợp làng An Cốc, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt triển khai, bước đầu cụ thể hóa những chủ trương, chính sách trong thực tiễn. Đây chính là tiền đề để Đảng bộ, Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên nghiên cứu ban hành chủ trương, chính sách nhằm đánh thức, phục dựng và phát huy tiềm năng của nghề giấy dó truyền thống trên địa bàn; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Để hồi sinh các giá trị văn hóa làng nghề giấy dó An Cốc phục vụ phát triển du lịch văn hóa làng nghề, thời gian tới cần có nhiều giải pháp mang tính tổng thể, khả thi, trong đó, cần tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, cần có nghiên cứu tổng thể nhằm đánh giá đúng thực trạng, giá trị văn hóa làng nghề giấy dó An Cốc, tiềm năng khôi phục và phát huy giá trị văn hóa làng nghề phục vụ phát triển du lịch văn hóa. Qua đó, cung cấp những luận chứng, luận cứ để chính quyền thành phố, các sở, ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên có chủ trương, giải pháp đầu tư đúng đắn, hiệu quả. Điều này mặc dù đã và đang được triển khai nhưng cần tập trung nguồn lực, sớm mang lại kết quả.
Hai là, xây dựng đề án cụ thể nhằm khôi phục, phá huy giá trị văn hóa làng nghề giấy dó An Cốc phục vụ phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng hỗ trợ chính quyền và nhân dân địa phương về vốn, xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực về du lịch, đào tạo đội ngũ thợ lành nghề để bảo lưu kỹ thuật, trình diễn, hướng dẫn sản xuất phục vụ khách du lịch.
Ba là, Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên, Ủy ban nhân dân xã Hồng Minh và chính quyền thôn An Cốc cần cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa, khôi phục và phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống phục vụ du lịch. Ban hành chủ trương, chính sách cụ thể để tạo khuôn khổ pháp lý, kêu gọi đầu tư nguồn lực, triển khai hiệu quả đề án khôi phục và phát huy giá trị văn hóa làng nghề giấy dó An Cốc phục vụ phát triển du lịch.
Bốn là, chính quyền các cấp, các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng bộ dữ liệu văn hóa làng nghề giấy dó An Cốc; xây dựng các tuyến du lịch văn hóa làng nghề kết nối làng nghề An Cốc với những làng nghề của nhiều địa phương trên địa bàn huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thường Tín, Chương Mỹ,... nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch văn hóa làng nghề hấp dẫn, làm cơ sở xây dựng và triển khai các tour du lịch văn hóa làng nghề các huyện phía nam Hà Nội./.
Thành phố Hà Nội nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân  (10/11/2024)
Lý luận và thực tiễn về thực hiện quy hoạch trong xác định vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội  (10/11/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển