Đổi mới công tác đánh giá nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị
TCCS - Đội ngũ giảng viên lý luận chính trị đang giảng dạy tại các nhà trường, học viện, trường chính trị cấp tỉnh, trung tâm giáo dục chính trị cấp huyện đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức lý luận chính trị, bản lĩnh, ý chí cách mạng cho học viên. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị hiện nay còn không ít bất cập trước yêu cầu của tình hình mới, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ này, trong đó có đổi mới công tác đánh giá giảng viên.
Tầm quan trọng của công tác đánh giá với việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị
Đánh giá giảng viên là hoạt động có tổ chức, có mục đích của các cơ sở giáo dục nhằm đo lường mức độ thực hiện nhiệm vụ của giảng viên, giúp cho người quản lý đưa ra các quyết định điều chỉnh để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của giảng viên. Kết quả đánh giá ảnh hưởng trực tiếp đến việc phân công nhiệm vụ cho giảng viên của người quản lý và việc ra các quyết định có liên quan đến công tác cán bộ, như: quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và các chính sách cán bộ khác.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nói chung và chất lượng đội ngũ nhà giáo nói riêng. Chỉ thị số 40/2004/CT-TW, ngày 15-6-2004, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” chỉ rõ: “Mục tiêu là xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, bảo đảm chất lượng, đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo; thông qua việc quản lý, phát triển đúng định hướng và có hiệu quả sự nghiệp giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Hội nghị Trung ương 8 khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 14-11-2013, “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, đề ra nhiệm vụ, giải pháp đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá hoạt động giáo dục, đào tạo, trong đó có đội ngũ giáo viên và cán bộ giáo dục. Nghị quyết nêu rõ: “Đổi mới cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin trong quản lý giáo dục, đào tạo. Thực hiện cơ chế người học tham gia đánh giá hoạt động giáo dục, đào tạo; nhà giáo tham gia đánh giá cán bộ quản lý; cơ sở giáo dục, đào tạo tham gia đánh giá cơ quan quản lý nhà nước”. Đây là một trong những điểm mới trong đánh giá hoạt động giáo dục, đào tạo nói chung và đánh giá đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục, đào tạo nói riêng.
Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra chủ trương gắn liền việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo với việc kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó có chất lượng hoạt động giảng dạy, quản lý của đội ngũ giáo viên: “Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tăng cường công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục” (1).
Trong những năm qua, chất lượng đội ngũ giảng viên nói chung và giảng viên lý luận chính trị nói riêng không ngừng được cải thiện. Trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ… của giảng viên lý luận chính trị không ngừng được nâng cao. Tính đến cuối năm 2021, có 11,2% giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh có trình độ từ tiến sĩ trở lên, 74,3% có trình độ từ thạc sĩ. Bên cạnh đó, có 31,4% có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 52,6% có trình độ trung cấp lý luận chính trị (2). Hằng năm, có tỷ lệ lớn các giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lê-nin, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, ngoại ngữ, tin học…
Công tác đánh giá giảng viên lý luận chính trị được tiến hành định kỳ hằng năm, với nhiều đặc điểm mang tính đặc thù so với giảng viên ở các chuyên ngành khác. Ngoài đánh giá chủ yếu dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ, còn có nội dung đánh giá về bản lĩnh, ý thức chính trị - một trong những tiêu chí bắt buộc trong tiêu chuẩn của giảng viên lý luận chính trị. Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo cũng có những hình thức đánh giá dựa trên các hoạt động chuyên sâu, như tổ chức các cuộc thi, hội thi giảng viên giảng dạy giỏi để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho giảng viên lý luận chính trị.
Điển hình là Hội thi “Giảng viên dạy giỏi” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức dành cho giảng viên của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảng viên tham gia giảng dạy chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính của các trường thuộc các bộ, ngành. Đến nay, đã có 7 hội thi, thu hút 874 giảng viên tham gia và trở thành hoạt động thường kỳ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường bộ, ngành, Trung ương (3). Hội thi có ý nghĩa thiết thực nhằm thực hiện phương châm “Học viên là trung tâm, giảng viên là động lực, nhà trường là nền tảng” và “muốn có học viên giỏi phải có giảng viên giỏi” (4); đồng thời cũng là diễn đàn quan trọng để các giảng viên lý luận chính trị, nhất là những giảng viên trẻ trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động giảng dạy, cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy, trau dồi kỹ năng sư phạm. Do đó, có thể khẳng định, đây là cách làm sáng tạo trong đánh giá giảng viên, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng giảng viên lý luận chính trị ở nước ta hiện nay.
Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở Việt Nam thông qua đổi mới công tác đánh giá giảng viên
Mặc dù đã có những thay đổi tích cực, sáng tạo trong cách thức đánh giá để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, nhưng việc đánh giá vẫn còn một số hạn chế. Ở một số cơ sở giáo dục, việc đánh giá giảng viên chưa thực sự được coi trọng, chưa xây dựng được các tiêu chí đánh giá rõ ràng, còn tình trạng nể nang, cào bằng khi đánh giá. Một số giảng viên chưa thực sự nghiêm túc trong tự đánh giá, kiểm điểm bản thân; chưa phát huy được vai trò của học viên trong đánh giá giảng viên. “Trong những năm qua, việc đánh giá giảng viên ở nhiều cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn mang tính hình thức, làm chiếu lệ, có tình trạng nể nang, nhưng cũng có tình trạng định kiến cá nhân. Mặc dù đặt ra tiêu chí “học viên là trung tâm” nhưng hầu như người học không được tham gia vào quá trình đánh giá giảng viên và cơ sở đào tạo” (5). Từ những hạn chế này dẫn đến kết quả đánh giá chưa phản ánh đúng và thực chất chất lượng giảng viên, dẫn đến tình trạng một số giảng viên ngộ nhận vào kết quả đánh giá tốt, không chịu khó phấn đấu, nghiêm túc khắc phục những sai lầm, khuyết điểm còn tồn tại, thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, xuất phát từ công tác đánh giá giảng viên, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác đánh giá giảng viên lý luận chính trị.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, trước hết phải nâng cao nhận thức cho các chủ thể về vị trí, vai trò của công tác đánh giá giảng viên lý luận chính trị. Theo đó, các cơ sở đào tạo cần xác định rõ việc đánh giá giảng viên là nhiệm vụ bắt buộc, phải được đưa vào nhiệm vụ định kỳ hằng tháng, hằng năm của nhà trường. Từ đó, xây dựng kế hoạch đánh giá giảng viên cho phù hợp, có nhiều hình thức đổi mới, sáng tạo trong đánh giá, kết hợp đánh giá định kỳ với đánh giá đột xuất đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ giảng viên.
Các đơn vị chuyên môn trực tiếp quản lý giảng viên lý luận chính trị cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác đánh giá giảng viên. Theo đó, việc tổ chức đánh giá cần được tiến hành nghiêm túc, có quy trình chặt chẽ, với tiêu chí rõ ràng, minh bạch, coi đây là thước đo để kiểm định mức độ thực hiện nhiệm vụ của giảng viên và lấy kết quả đánh giá là tiêu chí cơ bản để bình xét thi đua, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, cách thức đánh giá giảng viên lý luận chính trị.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã đưa ra những định hướng trong đánh giá cán bộ nói chung: “Coi trọng đánh giá chất lượng, hiệu quả, sản phẩm thực tế theo chức trách, nhiệm vụ được giao và đề cao trách nhiệm người đứng đầu” (6). Theo đó, để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, công tác đánh giá cán bộ cần tiếp tục đổi mới cả về nội dung và hình thức.
Về nội dung đánh giá, cần đánh giá toàn diện, cả về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Về năng lực chuyên môn, trong nội dung đánh giá phải cân đối giữa việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy với nghiên cứu khoa học nhằm phát triển năng lực chuyên môn tổng hợp của giảng viên, khắc phục triệt để tình trạng giảng viên lý luận chính trị chỉ chú tâm đến giảng dạy mà không tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Trong nội dung đánh giá, cần lượng hóa tiêu chuẩn tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của giảng viên bám sát, cập nhật theo những quy định của Đảng, Nhà nước; khắc phục nhanh chóng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận giảng viên lý luận chính trị.
Về cách thức đánh giá, ngoài cách thức đánh giá định kỳ là chủ yếu theo học kỳ, năm học, cần đa dạng hóa các cách thức đánh giá như thông qua quá trình hoạt động thực tiễn hằng ngày để nắm bắt ưu điểm, hạn chế của giảng viên; thông qua sự tín nhiệm của tập thể, sự hài lòng của học viên; thông qua những đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng, lắng nghe ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và quần chúng để đánh giá uy tín của giảng viên. Ngoài ra, cần mở rộng các hình thức đánh giá chuyên sâu như thông qua các cuộc thi, hội thi giảng viên giảng dạy giỏi, tổ chức các đợt phát động giảng viên nghiên cứu khoa học giỏi để tạo động lực cho giảng viên lý luận chính trị nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp…
Ba là, phát huy vai trò chủ động, tích cực của giảng viên trong tự đánh giá bản thân và đánh giá đồng nghiệp.
Tự đánh giá là hoạt động đầu tiên trong quy trình đánh giá giảng viên lý luận chính trị ở nhiều cơ sở giáo dục. Đó là việc giảng viên tự đánh giá, kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ thông qua các tiêu chí, thang điểm do cơ sở giáo dục quy định hoặc tự nhận xét, đánh giá trong các cuộc họp. Để công tác đánh giá phản ánh đúng thực chất, mỗi giảng viên phải có thái độ trung thực, nghiêm túc trong tự đánh giá, cả những ưu điểm và khuyết điểm của bản thân, có phương hướng cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Khi đánh giá bản thân phải thực sự có tinh thần cầu thị, tránh thái độ quanh co, né tránh khuyết điểm.
Ngoài ra, mỗi giảng viên lý luận chính trị cũng cần có thái độ khách quan, công tâm khi đánh giá đồng nghiệp, tránh tâm lý chủ quan theo hướng hoặc thổi phồng thành tích, nhất là với lãnh đạo, quản lý hoặc định kiến, hạ thấp thiếu khách quan với đồng nghiệp. Giảng viên lý luận chính trị cần phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, dám nói, dám nêu ý kiến với những biểu hiện tiêu cực của đồng nghiệp trên tinh thần xây dựng, vì mục tiêu phát triển chung của đơn vị và sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
Bốn là, phát huy vai trò của người học trong tham gia đánh giá giảng viên lý luận chính trị.
Ở các cơ sở đào tạo lý luận chính trị của nước ta, người học là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, từ cơ sở, cấp tỉnh, cấp huyện đến trung ương. Do đó, học viên không chỉ có trình độ chuyên môn, năng lực quản lý mà còn có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nên để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cần phát huy vai trò đánh giá của học viên.
Các cơ sở đào tạo lý luận chính trị cần xây dựng cơ chế huy động học viên tham gia đánh giá giảng viên, đồng thời có những cách thức phù hợp, như đánh giá qua phiếu thăm dò ý kiến sau mỗi buổi học, môn học; tham gia ý kiến thông qua các buổi họp lớp, họp chi bộ của học viên hoặc đánh giá qua các hộp thư điện tử có bảo mật thông tin… Dựa trên ý kiến đánh giá của học viên, các cơ sở đào tạo chắt lọc, tham khảo thông tin để có đánh giá toàn diện với giảng viên.
Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc đánh giá giảng viên lý luận chính trị.
Việc kiểm tra, giám sát đánh giá giảng viên cần được tiến hành thường xuyên, với nhiều hình thức phù hợp với từng cơ sở đào tạo. Chú trọng ứng dụng những ưu điểm của công nghệ thông tin trong hỗ trợ kiểm tra, đánh giá giảng viên, như tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ của giảng viên, so sánh, đối chiếu kết quả của các giảng viên…
Việc đổi mới công tác đánh giá giảng viên chính là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng của giảng viên lý luận chính trị một cách thực chất, toàn diện, là yêu cầu bắt buộc nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở nước ta hiện nay. Trên cơ sở những nguyên tắc chung, việc đổi mới công tác đánh giá cần sự vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng cơ sở giáo dục./.
-----------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 129
(2) Xem: Phạm Đức Kiên (Chủ nhiệm đề tài): “Nâng cao năng lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho đội ngũ giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay”, Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2021, tr. 39
(3) Tổng hợp từ các báo cáo của Vụ các trường chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Báo cáo tổng kết công tác tổ chức Hội thi “Giảng viên giảng dạy giỏi” lần thứ VII khu vực phía Bắc” và “Báo cáo tổng kết công tác tổ chức Hội thi “Giảng viên giảng dạy giỏi” lần thứ VII khu vực phía Nam”, tháng 4-2021
(4) Xem: Vụ Các trường chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, “Dấu ấn từ Hội thi “Giảng viên giảng dạy giỏi lần thứ VII”, Bản tin Các trường chính trị, tháng 6-2021
(5) Lê Văn Cường: “Đổi mới hoạt động đánh giá cán bộ ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - Những vấn đề đặt ra và giải pháp tháo gỡ”, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 9-2021, tr. 19 - 20
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 242
Những điểm mới nổi bật trong các quy định của Trung ương về công tác cán bộ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII  (15/12/2022)
Tỉnh Quảng Ninh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả  (24/11/2022)
Hà Nội: Đột phá vào những khâu mới, việc khó trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh  (03/11/2022)
Bệnh quá lời  (29/10/2022)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển