Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
TCCS - Ngày 12-9-2022, tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam, Chương trình Định cư con người của Liên hợp quốc (UN-Habitat), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: “Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016 - 2021”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại một số điểm cầu.
Tham dự và chỉ đạo hội thảo có đồng chí Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam; đại diện UN-Habitat; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số địa phương; các nhà khoa học trong nước và quốc tế…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Chiến lược) ra đời năm 2016 nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong chính sách phát triển văn hóa quốc gia. Với tư duy và cách tiếp cận tổng thể, việc ban hành và triển khai Chiến lược đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy các ngành văn hóa phát triển sâu rộng hơn.
Trong 5 năm qua, thông qua việc triển khai Chiến lược, các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đang dần được coi là một động lực, góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội. Năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP, thì sau 3 năm triển khai Chiến lược, năm 2018, các ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp 3,61% GDP với doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD và mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước. Với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa là hướng đi mới, góp phần tạo nên hướng đột phá trong thúc đẩy kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế văn hóa.
Các ngành công nghiệp văn hóa góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, tạo việc làm, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống tinh thần người dân, giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng và khu vực trong cả nước. Những chủ trương, chính sách tích cực thời gian qua đã thúc đẩy hình thành nhiều chương trình, sáng kiến đột phá, trong đó có sự thành công của thành phố Hà Nội khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) với lĩnh vực thiết kế; góp phần chuyển hóa các di sản văn hóa thành nguồn sức mạnh cố kết xã hội, trao đổi nguồn lực trong cộng đồng, hình thành lợi thế cạnh tranh lớn cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, tăng cường khả năng cạnh tranh của các thương hiệu địa phương, quốc gia và trên thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sáng tạo toàn cầu.
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Chiến lược, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi cần có những đánh giá để xem xét đầy đủ và khách quan những tác động của Chiến lược, tạo cơ sở xác định những yêu cầu chuyển đổi cần thiết cũng như những nhân tố mới và động lực mới nhằm bảo đảm các mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa.
“Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016 - 2021” là hội thảo quốc gia có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, không chỉ đánh dấu một bước chuyển mới trong tư duy, nhận thức mà cả thực tiễn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Đây là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trao đổi, đánh giá từ các góc nhìn khác nhau về kết quả thực hiện Chiến lược; đồng thời là diễn đàn thảo luận và đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến năm 2030.
Hội thảo diễn ra với 2 phiên (phiên 1 có chủ đề “Bức tranh toàn cảnh”; phiên 2 có chủ đề “Tiêu điểm sáng tạo”) với gần 50 tham luận và 10 ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Các nội dung được tập trung thảo luận là: 1- Nghiên cứu, đánh giá cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam; 2- Hiệu quả phát huy các nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam và thực trạng phát triển của 12 ngành công nghiệp văn hóa gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa (cấp độ quốc gia hoặc địa phương). 3- Nghiên cứu đánh giá các mô hình và xu hướng phát triển công nghiệp văn hóa trên thế giới và những gợi mở đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (những xu hướng về phát triển hệ sinh thái văn hóa, lập bản đồ các ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với phát triển bền vững, các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,...); 4- Nghiên cứu đánh giá các mô hình và xu hướng phát triển các không gian văn hóa - sáng tạo, các trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo tại Việt Nam và đề xuất những giải pháp phát triển phù hợp tới năm 2030; 5- Đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến năm 2030 (các giải pháp về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, phát triển thị trường, kết cấu hạ tầng, ứng dụng khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế,...).
Phát biểu tại hội thảo, ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định, Chiến lược là một nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước 2005 của UNESCO về “Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa”, gắn kết nối sự phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa, tập trung vào các giá trị kinh tế của sáng tạo văn hóa, nghệ thuật và chú trọng đến sự đa dạng trong sáng tạo của các cá nhân, nhóm và cộng đồng. Phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những yếu tố then chốt để tăng trưởng kinh tế, góp phần tăng GDP thông qua tạo việc làm và mở rộng các thị trường mới. Điều này sẽ thành công khi huy động đúng mức các nguồn lực văn hóa, vốn tri thức, công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, hấp dẫn. Do đó, việc xem xét, đánh giá kết quả việc thực hiện Chiến lược trong 5 năm qua, phân tích thành tựu, chỉ ra thách thức và thảo luận giải pháp để tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam trong thời gian tới là vô cùng cần thiết.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thưởng thức một phần biểu diễn của dự án “Âm - thanh sắc - màu” do các nghệ sĩ trẻ trình diễn với thông điệp: “Chúng ta - người Việt Nam thế hệ mới mở lòng đón nhận văn hóa toàn cầu nhưng sẽ ra thế giới với bản sắc của mình”. Các yếu tố nghệ thuật phương Tây, như kèn trumpet, hip-hop, kỹ thuật scratching của DJ... được hòa quyện với chất liệu văn hóa truyền thống, lấy cảm hứng từ văn học, nghệ thuật dân gian Việt Nam, như chèo, trống cơm, đàn tranh... mang đến những ấn tượng khó phai trong lòng người xem, là một minh chứng tiêu biểu cho sức sáng tạo của tuổi trẻ và sức mạnh của công nghiệp văn hóa, qua đó vừa quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới, vừa góp phần gia tăng "sức mạnh mềm" văn hóa của quốc gia - dân tộc./.
Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh  (11/09/2022)
Đồng chí Lê Hồng Phong - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam  (06/09/2022)
Bàn giải pháp phát triển kinh tế sông ở đồng bằng sông Cửu Long  (02/08/2022)
Tạo động lực phát triển vùng kinh tế biển Nam Định  (15/07/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển