Những vấn đề mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045
TCCS - Ngày 17-3-2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Đây là hội thảo quốc gia lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo, tiếp sau hai hội thảo đã được tổ chức tại Hà Nội và Đà Nẵng vừa qua.
Dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành và các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học pháp lý của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Phan Đình Trạc nêu rõ, tư tưởng về nhà nước pháp quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ rất sớm và thể hiện ngày càng rõ hơn trong Hiến pháp năm 1946, Cương lĩnh 1991; đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Đại hội VII chính thức xác định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân”. Cương lĩnh 2011 khẳng định: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo” là một trong tám đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đến Đại hội XIII, Đảng ta lần đầu tiên đề ra nhiệm vụ “nghiên cứu ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam...”.
Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được hơn gần 40 bài tham luận công phu đến từ các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý am hiểu sâu sắc về lý luận, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú và đã có những đóng góp quan trọng cho Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này. Nội dung các bài tham luận rất phong phú, đề cập nhiều vấn đề mới, đột phá cho Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nước ta đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận, trao đổi thẳng thắn trên tinh thần thực tiễn và khoa học về các chủ đề liên quan đến những vấn đề cốt lõi, đột phá chiến lược và những vấn đề mới, nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến 2030, định hướng đến 2045 như: Cách tiếp cận, đổi mới nhận thức; nhiệm vụ trọng tâm; hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước; đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; tư duy về quyền tư pháp; đổi mới tư duy cải cách hành chính… Các đại biểu cũng đánh giá cao quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước; đề cao đến tính khả thi trong các ý kiến đề xuất trên cơ sở bám sát đặc trưng cốt lõi của mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ tịch nước nhận xét, kết quả ba cuộc hội thảo quốc gia về lĩnh vực này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định cho sự thành công khi triển khai trên thực tế với một khối lượng thông tin rất lớn, rất có giá trị để chọn lọc, đưa vào nội dung của đề án và dự thảo nghị quyết trình Trung ương.
Khái quát nội dung của cuộc hội thảo lần này, Chủ tịch nước nêu rõ, về nhận thức, các đại biểu đã có được sự thống nhất cao về một vấn đề chính trị - pháp lý rất quan trọng, đó là nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước, mà là một phương thức tổ chức quyền lực nhà nước trên cơ sở thượng tôn hiến pháp và pháp luật để bảo đảm bản chất dân chủ của nhà nước.
Theo đó, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quá trình Nhà nước ta thiết lập và vận hành những nguyên lý, đặc trưng phổ quát, tiến bộ của Nhà nước pháp quyền hiện đại, mang định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam, là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, do Đảng lãnh đạo, nhằm mục tiêu phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Do đó, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Đại hội XIII của Đảng đề ra là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân.
Chủ tịch nước nhấn mạnh đến mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2045, hoàn thiện cơ bản mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo; lấy phát triển con người làm trung tâm; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm chủ quyền nhân dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; có hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có hiệu lực cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Cùng với đó là bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; có nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính; có bộ máy nhà nước tinh gọn, thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có nền quản trị quốc gia hiện đại, kiến tạo phát triển; văn hoá pháp luật, ý thức pháp luật của xã hội được nâng cao…
Về các đột phá chiến lược, Chủ tịch nước cho rằng, để chủ quyền nhân dân, quyền con người, quyền công dân, công bằng, công lý được thực thi, Hiến pháp và pháp luật được thượng tôn thì phải tạo được các đột phá trong ba khâu: Xây dựng và hoàn thiện thể chế; tổ chức quyền lực nhà nước và cải cách tư pháp.
Nhận xét sâu về kết quả của hội thảo lần này, Chủ tịch nước cho rằng, những ý kiến nêu ra tại hội thảo về những nhiệm vụ, giải pháp mới, đột phá cụ thể rất phong phú, đa diện, bao quát nhiều vấn đề, lĩnh vực liên quan đến đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam như: Đổi mới lập pháp, chế định nguyên thủ quốc gia, Hiến pháp, kiểm soát quyền lực nhà nước, cải cách tư pháp, cải cách hành pháp và cải cách hành chính và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng; bảo đảm quyền con người, báo chí, truyền thông và nhân dân…
Chủ tịch nước đề nghị Tổ Biên tập xây dựng Đề án cần tổng hợp tiếp thu đầy đủ ý kiến đề xuất, kiến nghị giải pháp được nêu ra tại hội thảo, nhất là những đề xuất mới, đột phá và bày tỏ mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục đóng góp thêm nhiều ý kiến sâu sắc hơn, cụ thể, chi tiết hơn trong các buổi tọa đàm, giúp Ban Chỉ đạo hoàn thành Đề án để trình Trung ương vào tháng 10 năm 2022.
Kết thúc hội thảo quan trọng này, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” có tầm quan trọng đặc biệt. Nhiều ý kiến khẳng định rằng đây là thời cơ rất thuận lợi, với những điều kiện chín muồi để tạo được bước tiến mới, đột phá trong đổi mới hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định quyết tâm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hướng tới một nền dân chủ, công bằng, công lý, hiện đại, nhân văn, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước, sớm đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Đẩy nhanh tiến độ đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa  (15/03/2022)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp các đại sứ trình quốc thư  (09/03/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển