Chương trình “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội"
TCCS - Ngày 19-10-2021, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020: “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội", mã số KX.01/16-20 (viết tắt là Chương trình KX.01/16-20). Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với các điểm cầu tại một số viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước.
Tham dự hội nghị có PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Chủ nhiệm Chương trình KX.01/16-20; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Nguyễn Hoàng Giang, Trần Văn Tùng; GS, TS. Trần Thọ Đạt, Chủ nhiệm chương trình KX.01/16-20; PGS, TS. Trần Đỗ Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài Chính, các đồng chí ủy viên ban chủ nhiệm Chương trình KX.01/16-20.
Báo cáo tổng kết Chương trình KX.01/16-20, GS, TS. Trần Thọ Đạt cho biết, chương trình KX.01/16-20 gồm 52 đề tài bao trùm các lĩnh vực kinh tế và phát triển kinh tế, lĩnh vực xã hội và quản lý xã hội, lĩnh vực con người, văn hóa và phát triển nguồn nhân lực, chính trị. Một số đề tài nghiên cứu mang tính chất giao thoa giữa kinh tế - xã hội - văn hoá - con người, có sự tương tác giữa các lĩnh vực này. Đây là chương trình tích hợp 4 trụ cột nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn về kinh tế, xã hội, văn hóa và con người. Qua 5 năm thực hiện, kết quả các đề tài thuộc chương trình đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và thuyết minh đề cương trên cơ sở ý kiến của hội đồng tư vấn, thẩm định; thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, sự nỗ lực cao của các nhà khoa học. Các nội dung chính của chương trình được thực hiện bảo đảm mục tiêu cung cấp luận cứ khoa học về những vấn đề trọng yếu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhằm đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ đó, đề xuất chính sách và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ công tác hoạch định và thực thi chính sách vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Thông qua việc triển khai 52 đề tài, chương trình đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận về các sản phẩm ứng dụng, phục vụ việc xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chương trình đã xuất bản 53 cuốn sách chuyên khảo, 3 cuốn giáo trình, gần 400 bài báo trong nước và quốc tế từ kết quả nghiên cứu của các đề tài đã được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, trong đó tỷ lệ bài báo công bố quốc tế đạt trên 10%. Số đề tài có công bố quốc tế đạt trên 30%. Số bài báo được công bố trên các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng thuộc danh mục ISI, Scopus chiếm tỷ lệ 60% trên tổng số các công bố quốc tế. Chỉ tiêu này đã vượt mức kế hoạch đề ra.
Trong quá trình triển khai thực hiện, chương trình đã tổ chức gần 100 hội thảo khoa học quốc gia, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, có 161 bài tham gia hội thảo khoa học quốc gia, 26 bài tham gia hội thảo khoa học quốc tế, góp phần đào tạo 95 tiến sĩ và 144 thạc sĩ theo các hướng nghiên cứu, với sự tham gia của 33 tổ chức và gần 1.000 nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu trên cả nước. 15/52 đề tài đạt kết quả xuất sắc, nhiều kết quả nghiên cứu được chắt lọc, tổng hợp chuyển tới tổ xây dựng các văn kiện của Đại hội Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Toàn bộ các đề tài trong chương trình đã và đang chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các ban, bộ, ngành trung ương. Nhiều kết quả nghiên cứu còn được chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp... Điển hình là các đề xuất nhằm giải quyết vấn đề an ninh việc làm cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được chuyển giao cho các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, sở lao động - thương bình và xã hội các tỉnh Cần Thơ, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nam và Đà Nẵng; các vấn đề về phát triển du lịch nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long được chuyển giao cho các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long; vấn đề thu hút khách du lịch Nga được chuyển giao cho Khánh Hòa...
Các kết quả nghiên cứu của các đề tài thuộc Chương trình KX.01/16-20 đã được các hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, với 40% số đề tài nghiên cứu có kết quả cụ thể (các kiến nghị, giải pháp, mô hình và sản phẩm khoa học khác) đóng góp trực tiếp, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước (vượt mức so với chỉ tiêu đề ra); 80% số đề tài có kết quả (các kiến nghị, giải pháp, mô hình và sản phẩm khoa học khác) góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách ở bộ, ngành, địa phương (đạt 100% so với chỉ tiêu đề ra); 90% số đề tài có kết quả cung cấp những luận giải cho việc nâng cao nhận thức lý luận và thực tiễn, góp phần phát triển khoa học xã hội và nhân văn (vượt mức so với chỉ tiêu đề ra). Đặc biệt, những vấn đề nghiên cứu của Chương trình KX.01/16-20 không có sự “chồng lấn” về nội dung với các chương trình khác.
Theo PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Phó Chủ nhiệm Chương trình KX.01/16-20, chương trình đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện từ năm 2016 đến 2020, tập trung nghiên cứu các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa, con người... Nội dung chương trình tập trung đánh giá toàn diện về kết quả, hạn chế, nguyên nhân của quá trình đổi mới kinh tế, xã hội, văn hóa trong 30 năm qua, đặc biệt trong 10 năm gần đây. Các nghiên cứu cũng nhận diện các rào cản về thể chế, chính sách, quản lý, từ đó đề xuất các phương thức vượt qua để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chương trình cũng nghiên cứu đề xuất các thiết chế, mô hình chính sách gắn khoa học - công nghệ gắn với sản xuất, kinh doanh. Nhiều đề tài tập trung nghiên cứu ảnh hưởng các biến động trong khu vực và quốc tế đối với sự phát triển của Việt Nam. Gợi ý một số vấn đề nghiên cứu đặt ra cho chương trình nghiên cứu giai đoạn 2021 - 2022 đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và con người Việt Nam từ sau Đại hội XIII của Đảng, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn cho rằng, giai đoạn 2021 - 2025, chương trình được tái cấu trúc theo hướng tích hợp các lĩnh vực chuyên sâu giải quyết vấn đề trong 10 năm tới (chuyển đổi mô hình kinh tế, nghiên cứu hoàn thiện thể chế, nhận diện phát huy giá trị nguồn lực nhân văn, nghiên cứu vấn đề quốc tế). Một số định hướng nghiên cứu tích hợp các chương trình do bộ, ngành quản lý, các chương trình nghiên cứu theo vùng vào chương trình lớn về khoa học xã hội - nhân văn. Theo đó, sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phục vụ hoạch định và thực thi các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, đồng thời cung cấp những mô hình ứng dụng cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá cao chương trình với nhiều kết quả nghiên cứu được sử dụng trong xây dựng và hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Thông qua các nhiệm vụ, có nhiều tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo, góp phần xây dựng nhân lực trình độ cao cho các lĩnh vực. Trong giai đoạn tới, với việc chương trình được tái cấu trúc, các đề tài cần xây dựng được hệ tiêu chí đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế, xã hội đạt được từ kết quả các nghiên cứu mang lại, dựa trên cơ sở khoa học và lượng hóa được hiệu quả.../.
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển