Nam Bộ kháng chiến - ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử
TCCS - Ngày 21-11-2020, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nam Bộ kháng chiến - ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử” do Bộ quốc phòng phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức.
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tham dự Hội thảo còn có đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến, là dịp để toàn Đảng, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, đặc biệt là của “Nam bộ thành đồng Tổ quốc”. Kết quả của hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí bảo vệ nền độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời, giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc, toàn diện, đầy đủ hơn về tầm vóc, giá trị lịch sử và hiện thực của 15 tháng kháng chiến ở Nam Bộ; qua đó đúc rút những kinh nghiệm và bài học quý để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sự kiện Ngày Nam Bộ kháng chiến đã làm nức lòng nhân dân cả nước; là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí bảo vệ độc lập, tự do; dấu son lịch sử thể hiện tinh thần quật cường, hào khí của quân và dân Nam Bộ; xứng đáng với danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ Quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng.
Tiếp nối truyền thống yêu nước, phát huy hào khí vẻ vang đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực, phấn đấu, xứng đáng với những gì mà thế hệ cha anh đã làm được, chung sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh, cùng cả nước làm nên những thắng lợi to lớn, trong các cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước. Đảng bộ và nhân dân Thành phố nguyện tiếp tục phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát huy ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh, 75 năm trôi qua, trang sử Nam Bộ kháng chiến đã hòa chung với chiến công hiển hách của quân và dân ta, đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước vào mùa xuân lịch sử năm 1975. Để nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, sâu sắc vai trò, vị trí, tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện Nam Bộ kháng chiến đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, đồng thời đúc rút những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Ban tổ chức Hội thảo nhận được gần 90 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong cả nước. Các tham luận đã nghiên cứu, phân tích, luận giải từng nội dung cụ thể, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong hơn một năm đầu kháng chiến ở Nam Bộ, tập trung trên một số nội dung chủ yếu:
Một là, tập trung phân tích, làm rõ bối cảnh lịch sử và nguyên nhân chiến tranh, đặt biệt luận giải sâu sắc âm mưu của thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam và Đông Dương, khởi đầu từ Sài Gòn - Chợ Lớn và các địa phương ở Nam Bộ.
Hai là, Nam Bộ kháng chiến thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết đoán của Xứ ủy Nam Bộ; đường lối lãnh đạo kháng chiến đúng đắn của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nội dung được nhiều tham luận đề cập và có sự phân tích, luận giải sâu sắc. Các bài tham luận đều thống nhất khẳng định, việc kịp thời phát động kháng chiến là quyết định táo bạo, thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo của Xứ ủy Nam Bộ. Căn cứ diễn biến cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, Trung ương Đảng luôn có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời củng cố tổ chức đảng, xây dựng lực lượng vũ trang, phát động quần chúng đứng lên kháng chiến.
Ba là, Nam Bộ kháng chiến khẳng định ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân ta. Nhiều tham luận đã đi sâu trình bày diễn biến chiến sự và làm rõ việc hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, quân và dân Nam Bộ, trước hết là quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã anh dũng chiến đấu với tinh thần và ý chí sôi sục. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chỉ thị của Chính phủ Trung ương đối với Nam Bộ đã tiếp thêm nghị lực, quyết tâm cho quân và dân Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Bốn là, Nam Bộ kháng chiến biểu hiện tinh thần dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Nhiều bài tham luận đã đi sâu phân tích, làm rõ tinh thần của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã đoàn kết dân tộc bằng những hành động thiết thực. Đó là nét tiêu biểu của Nam Bộ kháng chiến và cũng là cội nguồn của sức mạnh dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu với thực dân Pháp.
Năm là, Nam Bộ kháng chiến có ý nghĩa lịch sử và giá trị tinh thần to lớn, để lại nhiều bài học quý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Cùng với khẳng định ý nghĩa lịch sử to lớn, quan trọng, một số tham luận đã đi sâu phân tích và rút ra những bài học lịch sử, kinh nghiệm sâu sắc. Đó là bài học về tin thần chủ động, sáng tạo của Xứ ủy Nam Bộ, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ đối với kháng chiến ở Nam Bộ; về công tác huy động sức người, sức của chi viện chiến trường; về chỉ đạo tác chiến, tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc… Những bài học từ Nam Bộ kháng chiến không chỉ có giá trị lịch sử mà còn giá trị hiện thực sâu sắc, góp phần vận dụng hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Kết luận Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, quân và dân Nam Bộ với sự ủng hộ và chi viện của đồng bào cả nước thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, anh dũng chiến đấu. Hội thảo khoa học đã góp phần phản ánh, phân tích và đánh giá nhiều nội dung sâu sắc về Nam Bộ kháng chiến, qua đó rút ra những bài học lịch sử và kinh nghiệm quý về sự chỉ đạo chiến lược của Đảng, về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, về sức mạnh của nhân tố chính trị, tinh thần, đồng thời gợi mở những vấn đề tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trung tướng Nguyễn Tân Cương đề nghị, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền rộng rãi về Nam Bộ kháng chiến, qua đó góp phần khơi dậy lòng tự hào và tinh thần yêu nước của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, trong giai đoạn hiện nay./.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của châu Á  (15/10/2020)
Hội nghị gặp gỡ lãnh đạo cơ quan báo chí trước Đại hội đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025  (03/10/2020)
Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử  (03/10/2020)
Giao thông đô thị Việt Nam - những gam màu sáng - tối  (18/09/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên