Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 1/3 đất nông nghiệp của cả nước, là một vùng sinh thái đặc biệt, một vùng đất bảo đảm chiến lược về an ninh lương thực quốc gia và chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Trong những năm gần đây, vùng đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ tăng trưởng nhanh, cao hơn bình quân chung của cả nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân của vùng đạt 12,23% (riêng năm 2007 đạt 13,04%); GDP bình quân đầu người đạt 10,43 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp giảm còn 42%.

Bên cạnh những thành tựu khả quan về mặt kinh tế trong hai thập niên qua, do thiếu chiến lược và giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả, tình trạng ngập lụt và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng theo tỷ lệ thuận với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng.

Lũ lụt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long là một tác nhân vừa mang yếu tố tích cực như việc đem lại phù sa cho đất thêm màu mỡ, vừa mang yếu tố tiêu cực như nguy cơ thiệt hại về người và cơ sở vật chất, nguy cơ ô nhiễm môi trường lan rộng.
 
Qua một số kinh nghiệm quốc tế từ các thành phố thường bị lũ lụt trên thế giới, kết hợp với đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long, việc đưa ra các giải pháp nhằm quy hoạch cho phát triển bền vững là nhân tố góp phần bảo vệ môi trường trong chiến lược phát triển của vùng.

1. Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý quy hoạch kiến trúc

Ngày nay, áp dụng công nghệ tiên tiến (GIS, WaterRide, GeoWeb) trong công tác quản lý quy hoạch kiến trúc tại các tỉnh, thành phố cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long là việc làm thiết thực và cấp bách. Chi phí cho phần mềm và việc nhập các dữ liệu vào hệ thống thông tin không còn cao như mười năm trước đây. Hiện nay, hầu hết các thành phố tại các nước phát triển đều sử dụng công nghệ tiên tiến này trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quản lý quy hoạch kiến trúc. Công nghệ tiên tiến này cho phép các sở và ban, ngành chia sẻ thông tin về hiện trạng lẫn các dự án trong tương lai gần và xa của nhiều ngành khác nhau (địa lý, địa chất thủy văn, hiện trạng về xây dựng và công trình cần bảo tồn, thông tin về dân cư và đời sống kinh tế - xã hội, cơ cấu sử dụng đất, …). Cụ thể, nếu áp dụng tốt, tình trạng đào đắp nhiều lần trên một con đường để bảo trì hoặc 1ắp đặt mới hệ thống hạ tầng sẽ không còn, vì nếu kết hợp tốt, các cơ quan sẽ phối hợp để chỉ cần đào đắp một lần duy nhất.

Thông tin về mức nước lũ lụt được cung cấp theo nhiều cấp độ khác nhau sẽ là một cơ sở khoa học quan trọng trong công tác quy hoạch bền vững: thông tin về mức nước lũ lụt hằng năm hiện tại; thông tin về mức nước lũ lụt lịch sử (50, 100, hoặc 500 năm); dự báo về mức nước lũ lụt có tính đến các tác động trong tương lai (ví dụ, có tính đến việc nước biển sẽ dâng lên, việc Trung Quốc sẽ xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn...).

Nhờ các thông tin này, các cơ quan quản lý có thể dự trù được các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, và dự trù trước các giải pháp đối phó, ví dụ như: quy hoạch các chức năng quan yếu của một vùng trên vùng đất không bao giờ bị lũ lụt; tổ chức người dân trong các khu vực có nguy cơ lũ lụt cao đi sơ tán kịp thời trước khi có lũ lụt.

2. Ưu tiên phát triển các ngành kinh tế chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng nông ngư nghiệp, du lịch và công nghiệp nhẹ ít gây ô nhiễm

Hiện nay, nhiều địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đang khuyến khích phát triển công nghiệp. Đây là một xu hướng cần được cảnh báo để các nhà lãnh đạo phải thận trọng trong các quyết định của mình, vì không phải tất cả các vùng đất tại đây đều nhất thiết cùng phát triển công nghiệp.

Các vùng đã thường xuyên bị lũ lụt vẫn nên phát triển thế mạnh của mình về nông - ngư nghiệp và các ngành kinh tế không gây ô nhiễm. Bởi vì, tại đây nguy cơ ô nhiễm lan rộng đến mức không kiểm soát nổi khi có lũ lụt xảy ra là rất lớn, và chi phí cải tạo sau lũ lụt sẽ cao hơn rất nhiều lần lợi ích mà phát triển công nghiệp có thể đem lại.

3. Bảo đảm cho hệ thống giao thông bộ và thủy huyết mạch thuận tiện cả trong mùa khô và mùa lũ

Do đặc thù của mình, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phát triển một hệ thống giao thông huyết mạch có thể vận hành trong mọi tình huống, cả trong mùa lũ lẫn mùa khô. Hệ thống giao thông huyết mạch này bao gồm:

Tuyến giao thông Nam - Bắc nối liền trung tâm các tỉnh, thành phố trong vùng với các tỉnh, thành phố quan trọng phía Bắc, phục vụ nhu cầu kết nối giao thông quốc gia.

Tuyến giao thông Đông – Tây kết nối với tuyến đường xuyên Á và nối ra biển, phục vụ nhu cầu kết nối giao thông quốc tế.

Tuyến giao thông nối liền trung tâm các tỉnh, thành của vùng với nhau, giúp cho việc sơ tán dân cư và tương trợ lẫn nhau được mau chóng và hiệu quả.

4. Xây dựng các trung tâm vùng và khu vực với chức năng ưu tiên không chịu ảnh hưởng lũ

Ngày nay, việc dự đoán lũ lụt theo phương pháp khoa học để có giải pháp ứng phó kịp thời là điều hoàn toàn khả thi, nhưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn để tình trạng thiệt hại cao về tính mạng và tài sản. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục tìm tòi các giải pháp hiệu quả cho công trình chống lũ hoặc sống chung với lũ, các địa phương thường xuyên bị lũ cần định vị và thiết lập một mạng lưới các khu vực trung tâm mang chức năng ưu tiên không chịu ảnh hưởng lũ.

Khu vực trung tâm mang chức năng ưu tiên không chịu ảnh hưởng lũ có thể bao gồm các chức năng: trung tâm kinh tế, xã hội và hành chính; tuyến giao thông đường bộ huyết mạch; các hạt nhân phát triển tại vùng lũ, với một hoặc nhiều chức năng (như bệnh viện, trường học, dịch vụ và đời sống, trung tâm điều hành và phục vụ tạm cư trong mùa lũ, cơ quan chính quyền địa phương) để bảo đảm cho việc sinh hoạt thường ngày của người dân trong mùa lũ ít bị xáo trộn hơn, và ô nhiễm công nghiệp cũng như dân dụng được cách ly.

Khoảng cách giữa các trung tâm vùng và khu vực với chức năng ưu tiên không chịu ảnh hưởng lũ cần được cân nhắc sao cho việc sơ tán và trợ giúp người dân gần đó được hiệu quả.

Trong vùng mà mức nước lũ lịch sử có thể phủ gần hết diện tích, do đó không thể thành lập các khu vực mang chức năng ưu tiên không chịu ảnh hưởng lũ trên nền cao tự nhiên, thì chúng ta có thể áp dụng mô hình cụm trung tâm sống chung với lũ. Cụ thể, tầng trệt xây theo kiểu nhà sàn có hành lang mái che bê tông cốt thép nối liền với nhau sao cho cốt sàn mái bê tông này phải cao hơn cốt lụt lịch sử. Tầng trên là văn phòng và các công trình phúc lợi như trường học, trạm xá y tế... Trong mùa khô, phần không gian tầng trệt được sử dụng cho các chức năng thương mại, kho bãi có mái che. Trong mùa lũ, phần trệt sẽ bị ngập, phần mái bê tông cốt thép của tầng trệt được sử dụng như một sàn nổi có các mái che tạm bằng kết cấu nhẹ, cung cấp mặt bằng cho việc sơ tán người và cơ sở vật chất trong vùng, để họ có thể tạm cư cho đến khi lũ rút. Giao thông giữa các trạm sẽ là thuyền bè. Như vậy, sinh hoạt thường ngày của người dân được ổn định hơn.

Khi thực hiện những giải pháp trên, các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phối hợp với nhau để cùng đi đến những giải pháp chung cho toàn vùng, trong đó có tính đến các nhu cầu và điều kiện riêng biệt của từng địa phương. Các giải pháp chung phải có chuẩn mực chung mang tính quốc gia hoặc vùng để việc chia sẻ thông tin giữa các địa phương được thuận tiện. Nhờ đó, việc việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý quy hoạch kiến trúc theo xu hướng đa ngành mới có thể đạt hiệu quả cao; việc phân công, phân vùng phát triển các chức năng kinh tế giữa các địa phương trong toàn vùng bảo đảm phù hợp nhằm giúp đỡ nhau cùng phát triển./.