Khẳng định quan hệ đồng minh lâu đời
Một tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn tới thăm Tô-ky-ô, Thủ tướng Nhật Bản Ta-rô A-xô đã tới Oa-sinh-tơn và trở thành vị khách nước ngoài đầu tiên của Mỹ kể từ khi ông Ba-rắc Ô-ba-ma nhậm chức Tổng thống. Ông A-xô đã tới Oa-sinh-tơn ngày 24-2-2009. Với hai chuyến thăm này, quan hệ Nhật - Mỹ được thắt chặt hơn lúc nào hết, để bảo đảm lợi ích của hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Cùng với sự thay đổi chính quyền ở Mỹ và cuộc khủng hoảng tài chính làm giảm sút nghiêm trọng cán cân thương mại của cả hai nước, chuyến thăm của ông I.A-xô diễn ra vào thời điểm có nhiều lo ngại chính quyền của ông Ô-ba-ma sẽ nghiêng nhiều hơn sang quan hệ với Trung Quốc. Sự lo lắng này không phải là không có cơ sở khi người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ hiện nay là bà Hi-la-ry, khi còn là ứng cử viên Tổng thống, đã tuyên bố rằng: Oa-sinh-tơn và Bắc Kinh sẽ có "mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới trong thế kỷ này". Tuy nhiên, những gì đang diễn ra chứng tỏ chính quyền Ô-ba-ma vẫn xem Nhật Bản là đồng minh chủ chốt tại châu Á.
Khác với chuyến công du mang nhiều tính thủ tục của Ngoại trưởng Mỹ Clin-tơn trước đó, nội dung kinh tế là phần trọng tâm trong chuyến thăm Mỹ của ông A-xô, trong đó lãnh đạo của nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới đều đề cập đến cách thức đối phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu, trầm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái kinh tế những năm 30 của thế kỷ trước.
Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Nhật Bản gánh trên vai nỗi lo nặng trĩu. Chưa bao giờ nền kinh tế Nhật bị khốn đốn như vậy kể từ 35 năm qua và tình trạng đó đang khiến uy tín của ông A-xô bị giảm sút nghiêm trọng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết: Thủ tướng Ta-rô A-xô sẽ giải thích với Tổng thống Ô-ba-ma về kế hoạch chấn hưng kinh tế của Tô-ky-ô. Theo giới chuyên gia, đây cũng là dịp để lãnh đạo Nhật Bản bày tỏ những quan ngại của các đồng minh về nguy cơ bảo hộ mậu dịch tại Mỹ.
Hợp tác kinh tế thương mại Nhật - Mỹ không phải không có những khúc mắc. Thời gian qua, Nhật Bản, Ca-na-đa và EU - những đối tác thương mại chính của Mỹ - đã phàn nàn về điều khoản “mua hàng Mỹ” trong kế hoạch kích thích kinh tế gần 800 tỉ USD được Nghị viện Hoa Kỳ thông qua. Điều khoản này quy định các dự án kết cấu hạ tầng được kế hoạch nói trên tài trợ sẽ phải mua sắt và thép của Mỹ. Trước sự phản đối của các đối tác và đích thân Tổng thống Ô-ba-ma, điều khoản nói trên được bổ sung thêm việc mua hàng Mỹ phải phù hợp với những cam kết quốc tế của Hoa Kỳ.
Bình luận về chuyến thăm, báo chí Nhật Bản đưa tin Oa-sinh-tơn có thể yêu cầu Tô-ky-ô tăng cường mua công trái Mỹ - nguồn tài chính quan trọng trong kế hoạch kích thích kinh tế của Tổng thống Ô-ba-ma. Nhật Bản không chỉ là nền kinh tế đứng thứ 2 mà còn là nước 2 thế giới, sau Trung Quốc, nắm giữ nhiều nhất cổ phiếu chính phủ của Mỹ. Và vì thế, Nhật Bản có khả năng giúp Mỹ về tài chính trong giai đoạn thâm hụt ngân sách tăng cao kỷ lục hiện nay. Chính bản thân Tổng thống Ô-ba-ma cũng khẳng định trong cuộc hội đàm với Thủ tướng A-xô rằng: Nhật Bản là một đồng minh kinh tế quan trọng của Mỹ và là cầu nối của Mỹ với nền kinh tế thế giới.
Sự đón tiếp nồng hậu của Nhà Trắng dành cho người đứng đầu chính phủ Nhật Bản thể hiện sự coi trọng của Oa-sinh-tơn với Tô-ky-ô. Thời gian qua, sự nồng ấm trong quan hệ Nhật - Mỹ trong suốt hai nhiệm kỳ của Tổng thống G.Bu-sơ đã có biểu hiện lạnh nhạt trong năm cuối cùng nắm quyền của ông Bu-sơ, khi Oa-sinh-tơn đưa Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố, trong khi Nhật Bản phản đối việc này vì Bình Nhưỡng vẫn chưa làm rõ số phận của các công dân Nhật Bản bị bắt cóc vào những năm 1970 và 1980. Nay trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, việc coi trọng và củng cố mối quan hệ đồng minh lâu đời với Tô-ky-ô rõ ràng có nhiều cái lợi đối với Oa-sinh-tơn.
Sau chuyến thăm ngắn chưa đầy 24 giờ và 60 phút hội đàm ở cấp cao nhất giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản, quan hệ Mỹ - Nhật đã được “xốc” lại vào thời điểm rất quan trọng đối với quan hệ hai bên. Với tuyên bố “Tình hữu nghị giữa Mỹ và Nhật Bản đặc biệt quan trọng đối với đất nước chúng tôi. Đó là mối quan hệ mà chính quyền của tôi muốn tăng cường" của ông B.Ô-ba-ma cho thấy, chính sách ngoại giao mới của Nhà Trắng với châu Á không làm mếch lòng một người bạn lâu đời quan trọng ở khu vực như Nhật Bản./.
2 tháng đầu năm 2009: Vốn FDI đăng ký đạt hơn 5,3 tỉ USD  (02/03/2009)
Sản lượng thủy sản cả nước tăng 16%  (02/03/2009)
Giá trị sản xuất công nghiệp cả nước tăng 21,6%  (02/03/2009)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 23-2-2009 đến 1-3-2009)  (02/03/2009)
Quảng Trị hướng về biên giới  (02/03/2009)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên