TCCS - Ngày 14-1-2025, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Kỳ họp thứ mười nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của Hội đồng Lý luận Trung ương, dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIV của Đảng. GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chủ trì kỳ họp.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại kỳ họp_Ảnh: Minh Khôi

Phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương phát huy tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, trí tuệ tập thể, phát biểu, thảo luận những nội dung trọng tâm mới của dự thảo Báo cáo chính trị; đồng thời đề xuất, kiến nghị để tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và lề lối làm việc của Hội đồng; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, các tiểu ban, Ban Thư ký khoa học và từng thành viên Hội đồng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao ý thức trách nhiệm, tâm huyết của các đồng chí thành viên Hội đồng, thể hiện qua các ý kiến xác đáng, trí tuệ. Đồng thời khẳng định vị trí quan trọng của Hội đồng Lý luận Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ tư vấn về lý luận cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương. Năm 2025, Hội đồng cần tích cực xây dựng Chương trình nghiên cứu lý luận KX.04 nhiệm kỳ 2026 - 2030 dựa trên 2 nội dung lớn, đó là một số vấn đề lý luận thực tiễn 100 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam và 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước, bổ sung lý luận đường lối đổi mới và chuẩn bị cho việc cung cấp luận cứ xây dựng Cương lĩnh mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; cần củng cố, nâng cao chất lượng bản tin và trang thông tin điện tử của Hội đồng.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ mười Hội đồng Lý luận Trung ương_Ảnh: Minh Khôi

Trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo Tổng kết năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của Hội đồng Lý luận Trung ương, PGS, TS Nguyễn Văn Thành, Thượng tướng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, năm 2024, năm nước rút cho việc hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ chính trị của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026, đồng thời tham gia tích cực vào các tiểu ban xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, hoàn thành nhiệm vụ Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, vì vậy, khối lượng công việc là vô cùng lớn. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự vào cuộc quyết liệt, chủ động, kịp thời của Thường trực Hội đồng, sự tham gia đầy trách nhiệm của các đồng chí thành viên Hội đồng, các tiểu ban, Ban Thư ký khoa học và toàn thể cán bộ, công chức, người lao động cơ quan Hội đồng, Hội đồng Lý luận Trung ương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong đó nổi bật là: (1) Tăng cường nghiên cứu khảo sát thực tế, gắn nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn và định hướng chính sách, góp phần nâng cao chất lượng 3 báo cáo tư vấn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; (2) Tham gia tích cực và là nòng cốt của Tổ Biên tập Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV, của Ban chỉ đạo Tổng kết 40 năm đổi mới; (3) Chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ với Ban Đối ngoại Trung ương và các cơ quan liên quan chuẩn bị và tổ chức thành công các cuộc hội thảo lý luận, trao đổi lý luận thường niên với các đảng cộng sản, đảng bạn; (4) Đẩy mạnh hoạt động của Chương trình KX.04/21-25; (5) Tích cực triển khai nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới dưới nhiều hình thức...

Để đạt được những kết quả đó, trong quá trình hoạt động, Hội đồng lý luận Trung ương luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự giúp đỡ có hiệu quả của các cơ quan, ban, bộ, ngành hữu quan, đặc biệt là Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, Hội đồng đã có một số đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Ngoài các phiên họp chính thức của Hội đồng, nhiều đồng chí thành viên Hội đồng đã tham gia tích cực vào các hoạt động nghiên cứu, như tổng kết 40 năm đổi mới; các hội thảo, tọa đàm của Chương trình KX.04/21-25; các cuộc khảo sát nghiên cứu thực tế tại các địa phương trong nước. Hoạt động của các tiểu ban đã có nhiều đổi mới trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết, đã thực sự giữ vai trò trung tâm trong triển khai các nhiệm vụ chính trị của Hội đồng. Hội đồng đã đổi mới cách tiếp cận, kết cấu nội dung và thực hiện chặt chẽ quy trình xây dựng các báo cáo tư vấn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời gắn nghiên cứu, tổng kết lý luận với khảo sát thực tế và định hướng chính sách, chú trọng những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả; trong nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề mới đang còn nhận thức và quan điểm khác nhau; tăng cường kỷ cương, trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng. Song song đó, Hội đồng đã phát huy vai trò đầu mối tập hợp và kết tinh trí tuệ, sức sáng tạo của giới nghiên cứu khoa học lý luận chính trị trong cả nước; mở rộng quan hệ phối hợp với các cơ quan, các địa phương trong nước, các tổ chức, chuyên gia quốc tế, tăng cường trao đổi, tọa đàm sâu với các chuyên gia, các học giả trong, ngoài nước. Đặc biệt là chú trọng phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể của thường trực, các thành viên Hội đồng, các tiểu ban, cũng như tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tác phong làm việc chuyên nghiệp, mẫn cán của cán bộ, công chức, người lao động cơ quan Hội đồng trên cơ sở chương trình, kế hoạch công tác toàn nhiệm kỳ, từng năm, từng tháng, từng hoạt động được xây dựng và thực hiện nghiêm túc, khoa học.

Các đại biểu và thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương tham dự kỳ họp_Ảnh: Minh Khôi

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật kể trên, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị của Hội đồng Lý luận Trung ương thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập, chủ yếu về chất lượng của một số báo cáo chuyên đề và việc phối hợp giữa thường trực với các thành viên Hội đồng trong huy động đội ngũ các nhà khoa học ở các đơn vị, tổ chức khoa học tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, tổng kết, thực hiện các nghiên cứu tư vấn của Hội đồng. Đó là do bối cảnh tình hình quốc tế đang biến động nhanh, khó lường, đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn rất mới, chưa từng có tiền lệ; tình hình trong nước thuận lợi, khó khăn đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Khối lượng công việc được giao nhiều, thời gian cần hoàn thành ngắn; lực lượng thư ký khoa học mỏng và không đồng đều; nhiều công việc đột xuất phát sinh.

Tại kỳ họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu, nhấn mạnh, bổ sung một số nội dung về các vấn đề trọng tâm trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác năm 2024 và kế hoạch công tác năm 2025 của Hội đồng Lý luận Trung ương; kiến nghị các giải pháp về việc thực hiện chức năng tư vấn của Hội đồng và các nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao; về kế hoạch công tác năm 2025 của Hội đồng; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lề lối làm việc của Hội đồng. Theo đó, năm 2025, Hội đồng Lý luận Trung ương xác định một số nội dung công việc trọng tâm, bao gồm: tham mưu, tham gia xây dựng các báo cáo tư vấn phục vụ trực tiếp chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII trong năm 2025; chủ động, tích cực tham gia Ban Chỉ đạo Trung ương và Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội XIV của Đảng theo sự phân công; đôn đốc các đề tài trong Chương trinfhKX.04/21-25 hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu; tích cực triển khai Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tham gia nghiên cứu đề xuất những luận cứ mới về đấu tranh lý luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới…; tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thẩm định những vấn đề mà các ngành, các cấp trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương theo sự phân công.

PGS, TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu ý kiến đóng góp vào dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIV của Đảng tại kỳ họp_Ảnh: Minh Khôi

Với dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIV, các ý kiến tập trung nhấn mạnh vào các vấn đề: Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước qua 40 năm đổi mới; quan điểm, mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới; về cấu trúc và nội dung 13 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2026 - 2030. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ đạo tiếp thu ý kiến của các đại biểu, từ đó, hoàn thiện, nâng cao chất lượng báo cáo, sớm trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần hoàn thiện Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, Kỳ họp thứ mười Hội đồng Lý luận Trung ương đã hoàn thành chương trình đề ra./.