Nâng tầm giá trị sản phẩm sữa bò Tam Đảo
TCCS - Với 6 sản phẩm được chứng nhận OCOP hạng 3 sao và là mô hình chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sữa bò đầu tiên trên địa bàn tỉnh, Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tam Đảo đang nỗ lực xây dựng nhãn hiệu tập thể sữa bò Tam Đảo, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm sữa bò Tam Đảo.
Được thành lập năm 2018, trên cơ sở Dự án chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2015 - 2019 triển khai tại 3 xã Bồ Lý, Đạo Trù, Yên Dương, huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tam Đảo đã có 17 hộ thành viên với 250 con bò sữa đang cho thu hoạch, mỗi ngày cung cấp 2,5 tấn sữa tươi nguyên liệu để chế biến các loại sữa chua, sữa chua nếp cẩm, sữa tươi đóng chai phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.
Giám đốc hợp tác xã Kim Thị Tân cho biết, ban đầu, hợp tác xã thành lập với nhiệm vụ chuyên thu mua và cung cấp sữa cho một số doanh nghiệp nhưng chỉ trong thời gian ngắn, các công ty dừng thu mua sữa thì hợp tác xã cũng phải tạm dừng hoạt động. Với mong muốn tìm hướng đi mới để tiêu thụ sữa cho bà con nông dân, chị Tân cùng một số người bạn đã quyết định đăng ký với địa phương tiếp nhận quản lý Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tam Đảo và tự tìm hướng tự sản xuất, chế biến thành các sản phẩm từ sữa bò.
Đầu năm 2019, những sản phẩm đầu tiên của hợp tác xã ra đời gồm: Sữa tươi thanh trùng, sữa chua nếp cẩm, bánh sữa đặc biệt, sữa chua uống. Luôn tâm niệm những người đầu tiên sử dụng sản phẩm chính là bản thân, gia đình mình, chị Tân và các thành viên hợp tác xã đặc biệt chú trọng tới chất lượng sản phẩm. Hợp tác xã đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại gồm máy thanh trùng, máy đồng hóa sữa, lò ủ sữa chua, máy đóng gói, phòng lạnh bảo quản sản phẩm.
Từ nguồn nguyên liệu sữa đầu vào, tất cả quy trình từ khâu trồng, chăm sóc cỏ đến chăm sóc đàn bò đều được các thành viên hợp tác xã tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, có sự giám sát, hướng dẫn của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh. Hợp tác xã đặc biệt ưu tiên lựa chọn nguồn nguyên liệu sữa với chất lượng tốt nhất, thực hiện chế biến và chuyển thành phẩm đi luôn trong ngày tới nơi tiêu thụ nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm luôn tươi ngon, giữ nguyên hương vị đặc trưng.
Giám đốc Kim Thị Tân chia sẻ tuy chất lượng đã được khẳng định nhưng việc tìm kiếm thị trường, chỗ đứng cho sản phẩm không hề dễ dàng, bởi hiện trên thị trường hiện có nhiều thương hiệu sữa nổi tiếng như sữa Mộc Châu, sữa Ba Vì.
Bằng những nỗ lực không mệt mỏi của Ban Quản trị hợp tác xã, từ việc đi chào hàng, tiếp thị giới thiệu sản phẩm, lúc đầu chỉ bán cho người dân quanh vùng, đến cuối năm 2019, các sản phẩm của Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tam Đảo dần dần được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến, đạt doanh thu trong năm trên 2 tỷ đồng. Cũng trong năm 2019, hợp tác xã đã có 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao.
Nhưng đến lúc bắt đầu thu hái thành quả thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát và kéo dài, các hoạt động du lịch bị đóng băng, hợp tác xã bước vào giai đoạn gần như khủng hoảng. Sản lượng tiêu thụ trong 2 năm 2020 - 2021 của Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tam Đảo giảm xuống hơn một nửa so với năm đầu tiên.
Quyết tâm đi đến cùng để tiêu thụ sữa cho bà con nông dân địa phương, hợp tác xã chuyển hướng kinh doanh, mở rộng mạng lưới cộng tác viên bán hàng online; chú trọng thay đổi mẫu mã, quy cách đóng gói sản phẩm, thúc đẩy việc đưa sản phẩm sữa chua uống vào các nhà trường.
Đến nay, hợp tác xã đã phân phối sản phẩm cho gần 20 trường học tại huyện Lập Thạch và thành phố Vĩnh Yên; bắt đầu liên kết, mở rộng thị trường cung ứng cho nhiều trường học tại tỉnh Nghệ An. Cuối năm 2021, Công ty cổ phần dinh dưỡng Nutricare đã ký hợp đồng thu mua sữa bò nguyên liệu của hợp tác xã.
Năm 2022, khi du lịch bắt đầu mở cửa, việc tiêu thụ sản phẩm tại các điểm bán hàng cố định trên địa bàn huyện Tam Đảo dần khởi sắc trở lại, hợp tác xã bắt đầu lên kế hoạch cho một giai đoạn kinh doanh mới.
Tạo ra những sản phẩm mang đặc trưng vùng miền đã khó, đưa sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng lại càng khó hơn. Nhưng để nâng tầm giá trị sản phẩm, xây dựng và quảng bá thương hiệu sữa bò Tam Đảo, Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tam Đảo đã quyết tâm khẳng định vị thế bằng việc nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã sản phẩm, hướng đến nhu cầu của người tiêu dùng.
Đến nay, hợp tác xã đã có 6 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao. Phấn khởi vì vừa hoàn thành hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể sữa bò Tam Đảo, Giám đốc Hợp tác xã Kim Thị Tân biết: Sau khi được công nhận nhãn hiệu tập thể sữa bò Tam Đảo, hợp tác xã sẽ kêu gọi nhiều doanh nghiệp đến đầu tư. Hiện Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tam Đảo cũng đang thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần dinh dưỡng Nutricare về việc cho ra một dòng sản phẩm mới mang thương hiệu riêng của Tam Đảo.
Để thực hiện điều này, trước mắt, Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tam Đảo sẽ mở rộng vùng nguyên liệu, dự kiến tăng số thành viên lên 50 -100 hộ. Cùng với đó, xây dựng trang trại mẫu chăn nuôi bò sữa vừa để chủ động nguồn nguyên liệu vừa kết hợp cho du khách tham quan trải nghiệm, góp phần quảng bá hình ảnh bò sữa Tam Đảo./.
Việt Nguyễn (tổng hợp)
Ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy sản xuất ở thành phố Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc  (14/06/2022)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì họp chuyên đề về đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc  (23/12/2021)
Tỉnh Vĩnh Phúc: Các khu công nghiệp thu hút gần 110.000 lao động  (11/12/2021)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 - biểu hiện sinh động về vấn đề “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”