Nâng cao chất lượng hệ thống báo chí - góp phần phát triển văn hóa, con người Thủ đô
TCCS - Báo chí là lĩnh vực công tác tư tưởng đặc biệt quan trọng, có tác động trực tiếp, sâu sắc đến đời sống xã hội, có ảnh hưởng lớn đến quá trình hoàn thiện nhân cách con người. Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học, giáo dục của cả nước, nơi tập trung nhiều cơ quan báo chí, truyền thông, do đó, nâng cao chất lượng hệ thống báo chí là góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
1- Nhận thức được vị trí, vai trò của báo chí trong giữ ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của Thủ đô, thời gian qua, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội luôn chú trọng nâng cao chất lượng hệ thống báo chí. Công tác quản lý báo chí được thực hiện tích cực, đặc biệt là quy hoạch phát triển báo chí, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về báo chí... Nhiều văn bản đã được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, như Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 15-11-1997 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc “Nâng cao chất lượng, tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác báo chí - xuất bản Hà Nội”; Thông báo số 167-TB/TU, ngày 19-5-2000 về Kết luận của đồng chí Bí thư Thành ủy về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả của báo chí Hà Nội vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô”; Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 24-10-2007, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”; Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 21-01-2014 về “Việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí”; Quyết định số 18/QĐ-UBND, ngày 2-1-2020, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt “Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố Hà Nội đến năm 2025”… Bên cạnh đó, thành phố rất chú trọng đào tạo bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên phù hợp cho từng cơ quan báo chí; đầu tư cơ sở vật chất và tạo điều kiện cho báo chí thực hiện chức năng của mình. Hà Nội cũng tập trung tổ chức các hội nghị phổ biến, triển khai Luật Báo chí và nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng Quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của thành phố Hà Nội, thực hiện chấn chỉnh kỷ luật phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; triển khai các hoạt động tuyên truyền về Đề án số hóa truyền hình mặt đất. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, kịp thời chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích ở một số cơ quan báo chí của Thủ đô, phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm trong hoạt động báo chí… được tiến hành thường xuyên. Công tác tham mưu, thông tin truyền thông, xử lý các vấn đề còn tồn tại của báo chí được tăng cường.
Trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông thành lập Tổ An ninh mạng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông trên mạng internet theo Luật Báo chí, Luật Viễn thông và Luật An ninh mạng; đấu tranh, phản bác lại những thông tin sai trái, thù địch của các thế lực phản động; triển khai phối hợp với các đơn vị liên quan tập hợp tài liệu, xác minh, xử lý các đối tượng có hoạt động phát tán các xuất bản phẩm có nội dung xấu, độc. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội ban hành Tài liệu hướng dẫn kỹ năng khai thác thông tin và ứng xử khi tham gia môi trường mạng; phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương, các cơ quan báo chí Hà Nội xây dựng phóng sự tuyên truyền trên các đài truyền hình, báo in, báo điện tử, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi tham gia môi trường mạng…; qua đó giúp cho nhân dân Thủ đô, nhất là thanh, thiếu niên hiểu rõ hơn cách sử dụng mạng xã hội một cách hữu ích, góp phần hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, xây dựng môi trường văn hóa Thủ đô lành mạnh.
Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao và sự quản lý ngày càng hiệu quả của thành phố, hệ thống báo chí trên địa bàn Thủ đô có sự phát triển nhanh, tương đối toàn diện về số lượng và loại hình. Đến nay, Hà Nội có 20 cơ quan báo chí, gồm: 1 Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, 12 báo in, 7 tạp chí. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phát sóng 2 kênh truyền hình quảng bá, 2 kênh phát thanh FM 96MHz và 90MHZ; 1 kênh phát thanh Joy FM chuyên biệt về sức khỏe; 15 kênh phát thanh và truyền hình trả tiền; 1 kênh truyền hình cáp (HCaTV). Năm 2016, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cũng thực hiện thành công chuyển đổi công nghệ từ Analog sang số hóa, từ tín hiệu SD sang chuẩn Full HD; tăng thời lượng 24/24 tiếng/ngày cả hai kênh truyền hình, mạng truyền dẫn được mở rộng, chất lượng chương trình ngày một nâng cao, lượng khán giả theo dõi các kênh sóng của Đài được tăng lên. Cùng với xu hướng phát triển chung của báo chí, truyền thông cả nước, báo chí Hà Nội cũng có sự phát triển về số lượng và chất lượng. Hệ thống báo chí đã phát huy vai trò cung cấp thông tin, định hướng dư luận, phản ánh sinh động thực tiễn đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của Thủ đô. Thực tế diễn biến tình hình đại dịch COVID-19 cũng cho thấy, hệ thống báo chí Thủ đô đã vào cuộc rất nhạy bén, năng động, kịp thời, làm chủ được thông tin, tuyên truyền hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, báo chí còn biểu dương những thành tích, các nhân tố mới, các gương “người tốt, việc tốt”, gương điển hình tiên tiến trong lao động, học tập, sản xuất của mọi tầng lớp nhân dân; làm tốt vai trò phản biện, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tham gia có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội, giúp các cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội có những điều chỉnh kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Thông tin trên báo chí ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều chiều; hình thức có nhiều tiến bộ; đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thủ đô và đất nước.
Cùng với báo in, hệ thống các báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp của Hà Nội trong giai đoạn vừa qua cũng đã phát huy được lợi thế để phát triển. Từ chỗ chỉ là sản phẩm phụ của các cơ quan báo, báo điện tử dần trở thành một sản phẩm chính, có số lượng bạn đọc ngày càng tăng, thông tin nhanh, nội dung thông tin đa dạng, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng thông tin của người dân và góp phần lớn vào việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo nhân dân Thủ đô.
Đặc biệt, thời gian qua, các cơ quan báo chí Thủ đô cũng phối hợp với Ban chỉ đạo chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa (Ban Chỉ đạo 94) của thành phố để đưa tin, bài xã luận, bình luận, phóng sự điều tra… nhằm đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh chống những quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu hơn, công tác quản lý hệ thống báo chí, truyền thông của Thủ đô ngày càng đi vào nền nếp và có những đổi mới phù hợp với xu thế phát triển khoa học - công nghệ, thông tin, truyền thông thế giới, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Hệ thống báo chí Thủ đô ngày càng có sự kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí, đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Một số cơ quan báo chí đã tập trung xây dựng báo điện tử phiên bản tiếng nước ngoài nhằm chuyển tải những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam ra nước ngoài và giới thiệu những tinh hoa văn hóa thế giới, khu vực đến công chúng.
2- Thời gian tới, để Hà Nội tiếp tục xứng tầm với vị trí trung tâm văn hóa, thông tin của cả nước, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hoạt động báo chí trên địa bàn Thành phố.
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò của báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như trong việc định hướng dư luận xã hội, góp phần quan trọng trong giáo dục nhân cách con người, nhất là đối với thế hệ trẻ; đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tinh thần đổi mới, sáng tạo ở các cấp (nhất là người đứng đầu), các ngành và cộng đồng dân cư trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển báo chí Thủ đô.
Thứ hai, tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, bảo đảm đúng quy định pháp luật, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của hệ thống báo chí Thủ đô. Đổi mới tư duy chỉ đạo, quản lý báo chí theo phương châm chủ động, kịp thời, thuyết phục, hiệu quả; khắc phục cơ bản tình trạng thiếu thống nhất trong chỉ đạo, định hướng thông tin. Rà soát, đánh giá toàn diện hoạt động của các cơ quan báo chí Thủ đô về cơ sở vật chất, tài chính, tổ chức bộ máy để xây dựng đề án, cơ chế hỗ trợ phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa tính tự chủ của mỗi đơn vị. Đề xuất cơ chế đặt hàng báo chí tuyên truyền nhiệm vụ chính trị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động các cơ quan báo chí Hà Nội, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Đẩy mạnh xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện trên địa bàn Thủ đô, xây dựng trung tâm báo chí của Thành phố, tạo môi trường báo chí hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay. Thông qua các tác phẩm có chất lượng, báo chí Thủ đô cần phản ánh chân thực và kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra; kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt, tạo sự lan tỏa trong xã hội; xử lý, ngăn chặn hiệu quả những hiện tượng, hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống; đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội; qua đó góp phần bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, khát vọng đổi mới sáng tạo, ý chí vươn lên của mỗi người dân Thủ đô, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Thứ tư, tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng, ứng dụng khoa học - công nghệ, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong việc quản lý báo chí và thông tin, nhất là thông tin trên internet. Đẩy mạnh rà soát hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử tổng hợp. Đấu tranh hiệu quả với các quan điểm sai trái và các sản phẩm thông tin độc hại. Thực hiện nghiêm các chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương và thành phố về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Thứ năm, có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Đội ngũ nhà báo, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo báo chí, cần rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, nâng cao trách nhiệm xã hội, không ngừng trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ và khả năng tác nghiệp trong bối cảnh mới. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ những người làm báo Thủ đô. Tăng cường tổ chức các hoạt động học tập, trao đổi kinh nghiệm quản lý và phát triển báo chí Thủ đô với các địa phương trong nước và nước ngoài./.
Hà Nội: Đô thị thông minh để hội nhập quốc tế hiệu quả  (08/09/2021)
Hà Nội tập trung nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia  (05/09/2021)
Hà Nội phân vùng giãn cánh, dập dịch triệt để ở “vùng đỏ” và “vùng cam”  (03/09/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên