Xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện, phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giữ vai trò nòng cốt thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam
TCCS - Trong ngày 3 và 4-8-2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025, diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của 297 đại biểu chính thức được bầu từ đại hội các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc và đại biểu là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đương nhiệm, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của gần 6 vạn cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động dầu khí.
Đến dự và chỉ đạo Đại hội có các đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; đồng chí Đặng Hoàng An, Ủy viên Ban cán sự, Thứ trưởng Bộ Công Thương và lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.
Đại hội diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nỗ lực vượt bậc, tập trung vừa chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, vừa phát triển kinh tế. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội diễn ra rất khẩn trương, thiết thực, bảo đảm trang trọng, đúng quy định, với đầy đủ 4 nhiệm vụ: Thứ nhất, tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2015 - 2020 và xác định phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp của nhiệm kỳ 2020 - 2025; thứ hai, thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025; thứ ba, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Khóa III, nhiệm kỳ 2020 - 2025; thứ tư, bầu Đoàn đại biểu của Đảng bộ Tập đoàn dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Báo cáo chính trị của Đại hội nhận định, giai đoạn 2015 - 2020 là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của ngành dầu khí Việt Nam. Trong công tác lãnh đạo, Đảng bộ Tập đoàn phải đối diện với thách thức rất lớn, giá dầu thô liên tiếp giảm sâu và giữ ở mức thấp, tình hình Biển Đông phức tạp, cạnh tranh thương mại, biến đổi khí hậu, đặc biệt là “khủng hoảng kép” do giá dầu giảm sâu và dịch COVID-19 tác động trực tiếp đến mọi mặt hoạt động. Mặc dù vậy, Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã nỗ lực lãnh đạo thực hiện thành công 8 nhóm chỉ tiêu lớn của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ II.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đánh giá cao tinh thần tự phê bình, thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua của Đảng bộ Tập đoàn. Đồng thời, đề nghị các đại biểu tham dự Đại hội phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, phân tích, nhận thức rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để từ đó đề ra những giải pháp thiết thực, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm nhằm xây dựng Đảng bộ ngày một trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm thống nhất cao với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội, nhấn mạnh một số vấn đề cần tập trung thảo luận, gồm:
Một là, tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ. Đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng theo hướng cụ thể, sát thực, phù hợp với từng loại hình tổ chức Đảng, gắn hoạt động của các đảng bộ, chi bộ với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và trách nhiệm đối với nhiệm vụ chung của Đảng bộ. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Tăng cường đoàn kết nội bộ, mở rộng dân chủ đi đôi với nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật. Chăm lo công tác phát triển Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng và đảng viên. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đồng thời tích cực thực hiện Đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn; tập trung thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 3-6-2017 của Ban Chấp hành Trung ương “Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”. Không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả kinh doanh, gắn với sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy. Lấy khoa học, công nghệ và nguồn lao động chất lượng cao làm động lực phát triển, gắn với làm tốt công tác tổ chức, cán bộ, nhất là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ quản trị cấp cao, vai trò trách nhiệm người đứng đầu.
Ba là, tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị “về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035”, đồng thời cập nhật các quan điểm chiến lược của Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng “về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020, của Bộ Chính trị “về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Xây dựng định hướng chiến lược sản phẩm mới của Tập đoàn phù hợp sự phát triển khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, quản trị số, xu hướng tiết kiệm năng lượng trong đời sống xã hội, đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức, nhân sự phù hợp, cụ thể hóa các nhóm giải pháp được nêu trong Báo cáo chính trị.
Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, coi trọng công tác kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các biểu hiện vi phạm. Cụ thể hóa sự lãnh đạo thông qua các nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện những chủ trương lớn, quan trọng về kinh doanh, về cơ cấu lại bộ máy và công tác cán bộ. Mỗi đảng viên phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống; gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; thường xuyên tự học tập, bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức chuyên ngành để tham gia có hiệu quả, góp phần vào sự lãnh đạo của tổ chức đảng đối với nhiệm vụ kinh doanh của Tập đoàn.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn khóa III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 39 đồng chí, Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí. Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn tiếp tục được bầu giữ chức danh Bí thư Đảng ủy Tập đoàn. Đại hội đã bầu được 24 đại biểu chính thức, 3 đại biểu dự khuyết tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.
Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: Sẵn sàng cho ngày hội lớn  (03/08/2020)
Lọc dầu Dung Quất kỳ vọng ở nửa cuối năm 2020  (01/08/2020)
Người lao động Công ty Lọc dầu Dung Quất vững tâm trong dịch COVID-19  (01/08/2020)
Mục tiêu lớn cần giải pháp đúng  (31/07/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên