Tỉnh Quảng Ngãi đồng hành cùng BSR vượt bão kép COVID-19 và giá dầu giảm
TCCS - Ngày 20-4-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn để bàn các biện pháp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn của Công ty trong cơn bão kép đại dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu.
Chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Lê Viết Chữ; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Ngọc Căng; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Về phía Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), có đồng chí Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị BSR cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Tổng Giám đốc, ban quản lý dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất và trưởng các ban chuyên môn.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng quản trị BSR Nguyễn Văn Hội nêu bật những khó khăn của BSR trong "cơn bão kép". Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong nước giảm khoảng 30% - 40% so với cùng kỳ các năm trước đó. Trong quý I-2020, tổng sản lượng xăng, dầu của hai NMLD Dung Quất và Nghi Sơn vào khoảng 3 triệu tấn cộng thêm khoảng hơn 1,63 triệu tấn nhập khẩu nên dư cung khoảng 35%. Điều này gây áp lực rất lớn đến tồn kho xăng, dầu và có nguy cơ dừng nhà máy. Có những thời điểm, tồn kho của NMLD Dung Quất trên mức 90%, buộc BSR phải gửi hàng tại các kho chứa nhằm duy trì nhà máy vận hành an toàn, liên tục.
Bên cạnh tác động của dịch bệnh COVID-19, các NMLD trên thế giới nói chung và BSR nói riêng còn chịu sự tác động của giá dầu lao dốc khi Nga và OPEC không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng. Dầu thô được mua từ trước với giá cao, sản phẩm chế biến ra không bán được do nhu cầu tiêu thụ giảm dẫn đến tồn kho sản phẩm tăng nên khi giá dầu lao dốc, BSR đã bị tổn thất giảm giá hàng tồn kho lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, khoảng chênh lệch giá giữa sản phẩm và dầu thô (crack margin) bị thu hẹp rất nhiều, thậm chí nhiều thời điểm giá các sản phẩm xăng dầu thấp hơn giá dầu thô nguyên liệu, đặc biệt giai đoạn từ nửa cuối tháng 2-2020 đến nay, làm cho hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Công ty càng giảm mạnh. Với tất cả nguyên nhân trên, kết quả sản xuất, kinh doanh của BSR quý I không đạt như kỳ vọng. BSR đã sản xuất 1,7 triệu tấn, doanh thu đạt 18.091 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 1.732 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế -2.332 tỷ đồng.
Để đối phó với tác động kép này, BSR đã thành lập ban chỉ đạo cấp công ty nhằm đưa ra các gói giải pháp để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, cũng giống như hàng trăm nghìn doanh nghiệp khác trên cả nước, nội lực doanh nghiệp không thể tự vực dậy nếu không có sự trợ giúp, hỗ trợ từ các cấp có thẩm quyền.
Đại dịch COVID-19 còn ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch triển khai công tác bảo dưỡng tổng thể lần 4 NMLD Dung Quất. Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cho biết, BSR phải lùi thời gian bảo dưỡng tổng thể lần 4, ngày dự kiến triển khai mới là 27-7-2020 đến 16-9-2020. Để thực hiện công việc này, BSR cần huy động huy động lượng nhân sự lớn (khoảng hơn 350 chuyên gia nước ngoài và khoảng 3.000 - 4.500 nhân công/ngày) làm việc tại công trường và trong không gian hẹp. Trong đó, nhiều chuyên gia sẽ bắt đầu làm việc từ giữa tháng 5-2020 để thực hiện công tác chuẩn bị. Tuy nhiên, chính sách hạn chế đi lại, cấp thị thực cho người nước ngoài đang là thách thức lớn đối với BSR.
BSR đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành một số giải pháp, như tạm ngưng nhập khẩu các sản phẩm xăng, dầu trong giai đoạn chưa kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 để hỗ trợ sản xuất trong nước và ổn định thị trường. Hỗ trợ các khoản vay ưu đãi không tính lãi suất, miễn, giảm, giãn các loại thuế. Kiến nghị xem xét loại bỏ các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu. Miễn tiền thuế bảo vệ môi trường do đốt FO phục vụ quá trình vận hành sản xuất.
BSR kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi có thêm ý kiến với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ cấp visa cho các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam thực hiện công tác bảo dưỡng tổng thể, bắt đầu từ ngày 15-5-2020. Ở phạm vi tỉnh Quảng Ngãi, BSR mong muốn tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành hỗ trợ BSR trong công tác phòng, chống dịch khi các chuyên gia nước ngoài sang làm việc, như cơ sở cách ly, công tác hậu cần, xét nghiệm y tế,…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Ngọc Căng cho biết, NMLD Dung Quất có ý nghĩa quan trọng với kinh tế - xã hội của tỉnh. Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam đang có tiến triển tốt, cộng thêm OPEC+ đã thống nhất cắt giảm sản lượng dầu nên kinh tế có dấu hiệu trở lại bình thường. Vậy nên, NMLD Dung Quất phải hoạt động liên tục, ổn định, không được nghĩ đến phương án dừng nhà máy; tính toán lại các giải pháp để có hiệu quả chung cho cả năm 2020. Ủy ban nhân dân tỉnh cam kết sẽ đồng hành cùng BSR tháo gỡ các khó khăn.
Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh, sau cuộc họp này, tỉnh sẽ có văn bản nêu bật các khó khăn của BSR để kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn. Trong thời gian tới, tỉnh đồng hành cùng BSR tháo gỡ 2 nhóm vấn đề chính là bảo dưỡng tổng thể và mặt bằng cho dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, trong 10 năm qua và thời gian tới, kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi vẫn phụ thuộc rất nhiều vào kết quả sản xuất, kinh doanh của BSR. “Trong bối cảnh thuận lợi hay khó khăn, lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành cùng BSR. Công ty BSR khó thì tỉnh cũng khó”. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị BSR triển khai mạnh mẽ các giải pháp, tận dụng các cơ hội để từng bước giảm lỗ và đạt được mức lợi nhuận tốt hơn trong thời gian còn lại của năm 2020. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ngãi tích cực nghiên cứu và hỗ trợ BSR trong điều kiện có thể.
BSR cần có kế hoạch cụ thể về nhu cầu chuyên gia và nhân sự lao động cho bảo dưỡng tổng thể lần 4; trên cơ sở đó, các sở, ngành Quảng Ngãi sẽ trợ giúp các công việc khác, như kiến nghị cấp visa, hỗ trợ nơi cách ly tập trung, thực hiện các biện pháp y tế,…Về hoạt động sản xuất, kinh doanh, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các sở, ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi có văn bản chính thức kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết sớm các khó khăn của BSR./.
Hiểu cho đúng về thị trường xăng, dầu  (22/04/2020)
Thế giới tìm cách cứu ngành công nghiệp dầu khí  (21/04/2020)
Petrovietnam: Chung sức cùng cộng đồng chống dịch  (20/04/2020)
Petrovietnam: Văn hóa ứng xử trong thử thách  (17/04/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển