Xây dựng ngành dầu khí Việt Nam phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh - tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước
TCCS - Sau gần 60 năm xây dựng và phát triển, ngành dầu khí Việt Nam đã trở thành một tập đoàn kinh tế quan trọng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược đã đặt nền móng cho nền công nghiệp dầu khí Việt Nam. Và gần 30 năm trước, chúng ta bắt đầu khai thác công nghiệp những tấn dầu thô đầu tiên từ lòng đất Việt Nam.
Cách đây 60 năm, ngày 23-7-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm quan khu công nghiệp khai thác dầu ở Thủ đô Bacu của nước Cộng hòa A-déc-bai-gian (Azerbaijan thuộc Liên Xô cũ). Tại đây, khi trao đổi với các nhà lãnh đạo và các kỹ sư dầu khí, Bác nói: "Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được, tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, rồi thì giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu ngày nay".
Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cuộc kháng chiến giải phóng đất nước nhất định thắng lợi và trong câu nói của Bác, hàm ý 3 nội dung cơ bản về ngành dầu khí: 1- Bác khẳng định vùng biển Việt Nam rộng lớn chắc chắn sẽ có tài nguyên dầu khí; 2- Việt Nam sẽ xây dựng nền công nghiệp dầu khí phát triển đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, đóng góp quan trọng cho kinh tế đất nước sau chiến tranh; 3- Bác đặt niềm tin ở sự giúp đỡ của các bạn Liên Xô/A-déc-bai-gian.
Ý nguyện của Bác đã trở thành khát vọng, niềm tin và mục tiêu phấn đấu của bao thế hệ những “người đi tìm lửa”. Ý nguyện đó là kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo và lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, trong các nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam trong 60 năm qua.
Sự phát triển ngành dầu khí từ số “0”
Quyết sách đầu tiên của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là để phát triển ngành dầu khí Việt Nam cần nhanh chóng đào tạo đội ngũ cán bộ. Song song với việc cử học sinh sang các trường đại học dầu khí danh tiếng ở Liên Xô, Ru-ma-ni, công tác đào tạo còn được phát triển tại chỗ thông qua sự hợp tác với Liên Xô giúp tìm kiếm và khoan ở đồng bằng sông Hồng với phức hợp kỹ thuật, công nghệ và thiết bị khá tiên tiến thời bấy giờ…
Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 trực thuộc Tổng cục Địa chất được thành lập ngày 27-11-1961 theo Quyết định số 271-ĐC, với nhiệm vụ tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu hỏa và khí đốt trên phạm vi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự ra đời của Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 để triển khai tìm kiếm dầu khí trong thời gian khó khăn khi đất nước đang dốc toàn sức cho cuộc kháng chiến gian khổ và phải triển khai dưới bom đạn Mỹ thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ thực hiện ý nguyện của Bác.
Dù với bao khó khăn, thiếu thốn do chiến tranh ác liệt kéo dài, công tác tìm kiếm và khoan thăm dò dầu khí vẫn liên tục được duy trì ở đồng bằng Bắc Bộ. Phải 15 năm sau, ngày 18-3-1975, chúng ta mới phát hiện được dòng khí thiên nhiên và khí ngưng tụ (condensate) có giá trị thương mại tại giếng khoan 61 được đặt tại xã Đông Cơ thuộc huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình). Đến ngày 19-4-1981, những mét khối khí đầu tiên từ mỏ khí Tiền Hải được khai thác dẫn đến trạm tua-bin khí phát điện.
Ngay sau khi hòa bình lập lại, thực hiện ước nguyện của Bác, dựa trên đánh giá tiềm năng lớn về dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW, ngày 20-8-1975, thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt, với nhiệm vụ xây dựng nền công nghiệp dầu khí đồng bộ từ thăm dò, khai thác đến chế biến dầu khí, phát huy nội lực và mở rộng hợp tác quốc tế… Nhiều hợp đồng dầu khí được ký kết để tìm kiếm thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam với kỳ vọng nguồn dầu khai thác được sẽ là động lực vực nền kinh tế đất nước đi lên sau chiến tranh. Nhưng do cấm vận và đặc biệt cuộc chiến tranh biên giới đã làm gián đoạn, các công ty nước ngoài đã chấm dứt các hợp đồng thăm dò dầu khí năm 1979.
Với quyết tâm kiên trì xây dựng ngành dầu khí làm động lực để công nghiệp hóa và phát triển nền kinh tế, Bộ Chính trị quyết định ký Hiệp định Hợp tác chiến lược với Liên Xô, trong đó có việc xây dựng liên doanh hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí trên một số lô ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Quyết sách quan trọng này đã tạo bước ngoặt lịch sử, làm tiền đề để xây dựng nền công nghiệp dầu khí ngày nay.
Năm 1981, Hiệp định thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (nay là Liên doanh Việt Nga - Vietsovpetro) được ký kết tại thành phố Vũng Tàu theo Hiệp định Hợp tác tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô.
Ngay khi Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô được thành lập, hoạt động xây dựng căn cứ trên bờ được đẩy mạnh. Sau 3 năm chuẩn bị, ngày 25-12-1983, tàu Mikhain Mirchink đã khoan giếng thăm dò BH-5 đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ và 20 giờ ngày 30-4-1984, đúng 9 năm sau ngày giải phóng miền Nam, các chuyên gia Việt Nam và Liên Xô trên tàu khoan Mikhain Mirchink phát hiện thấy tầng dầu và 21 giờ ngày 26-5-1984, tầng dầu này được xác định là tầng dầu công nghiệp, ngọn lửa dầu đã rực sáng trên biển ngoài khơi Vũng Tàu.
Ngày 26-6-1986, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô khai thác tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ, ghi tên Việt Nam vào danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô trên thế giới. Việc phát hiện và tổ chức khai thác hiệu quả với sản lượng cao tầng dầu trữ lượng lớn trong đá móng nứt nẻ mỏ Bạch Hổ vào ngày 6-9-1988 đã đi vào lịch sử khai thác dầu khí thế giới. Đó là tiền đề thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 7-7-1988, của Bộ Chính trị, về phương hướng phát triển của ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2000, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng tiếp theo - định hướng chiến lược xây dựng và phát triển nền công nghiệp dầu khí Việt Nam đồng bộ, đa ngành, hiện đại với chuỗi hoàn chỉnh các khâu công nghệ, xây dựng nội lực và hội nhập quốc tế sâu rộng. Công nghiệp khí và chế biến dầu khí được hình thành với việc đưa khí vào bờ năm 1995, đưa vào hoạt động nhà máy đạm năm 2003, hình thành khu khí điện đạm Phú Mỹ, Cà Mau và các nhà máy lọc - hóa dầu Dung Quất và Nghi Sơn... Ngành dịch vụ kỹ thuật - công nghệ cao được phát triển với các công trình khai thác dầu khí biển tiêu chuẩn quốc tế, chế tạo dàn khoan tự nâng hiện đại, có khả năng khoan thăm dò ở độ sâu 100m nước.
Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tạo bước phát triển kỳ diệu cho ngành công nghiệp dầu khí để có những đóng góp quan trọng có tính lan tỏa cho kinh tế đất nước, vượt qua khủng hoảng về năng lượng, thiếu hụt ngân sách trong thập niên 90 của thế kỷ trước.
Đến năm 2006, sau khi thực hiện thành công Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngành dầu khí Việt Nam bước sang một thời kỳ lịch sử mới. Kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 386/QĐ-TTg, ngày 9-3-2006, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn năm 2006 - 2015, định hướng đến năm 2025”, tiếp tục định hướng và tạo thuận lợi để hình thành, phát triển mô hình tập đoàn kinh tế đa ngành, hoàn chỉnh chuỗi giá trị công nghiệp dầu khí, đầu tư ra nước ngoài, xây dựng thương hiệu quốc tế.
Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất, mạnh mẽ nhất, tạo nên một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, xây dựng đội ngũ kỹ thuật lành nghề, làm chủ được khoa học - công nghệ, quản lý, điều hành nhiều khâu trong chuỗi công nghệ dầu khí. Ngành dầu khí Việt Nam có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Đây chính là những sự kiện và thành quả quan trọng khẳng định tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm nền tảng để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dầu khí hiện đại của Việt Nam. Trên từng giai đoạn phát triển thời gian qua, ở các bước ngoặt lịch sử của sự trưởng thành đều ghi nhận dấu ấn và sự chỉ đạo thành công của Đảng, Bộ Chính trị, thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ.
Tạo động lực phát triển ngành dầu khí trong giai đoạn mới
Hiện nay, hoạt động khai thác dầu khí đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Nhiều mỏ dầu truyền thống chủ lực đóng góp sản lượng quan trọng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, như Bạch Hổ, Sư Tử, Rạng Đông, Lan Tây cung cấp gần 600 triệu tấn dầu khí quy đổi (TOE), sau 20 đến 30 năm đã qua giai đoạn khai thác đỉnh, sản lượng khai thác hiện nay suy giảm, đòi hỏi phải đầu tư thêm các giải pháp công nghệ để tận khai (tận thu hồi dầu), trong khi các mỏ mới được đưa vào khai thác chậm do thiếu vốn, vướng mắc các thủ tục đầu tư, gây khó khăn để duy trì và gia tăng sản lượng khai thác, mở rộng thăm dò.
Hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí hiện tập trung ở vùng biển nông đến 200m nước sâu, để gia tăng trữ lượng và duy trì sản lượng lâu dài, cần tiến ra vùng biển xa bờ, nước sâu đến trên 1.000m. Hoạt động này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, nhân lực có trình độ kỹ thuật và công nghệ cao - điều mà Petrovietnam hiện chưa thể có.
Các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật - công nghệ cao cũng lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Quy mô hoạt động dầu khí thu hẹp, giá dịch vụ giảm theo biến động của giá dầu.
Các cơ chế, chính sách cho ngành dầu khí chưa thay đổi kịp thời, có nhiều quy định trong các luật về hoạt động dầu khí chưa phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, biến động của kinh tế, chính trị, dầu khí trên thế giới và trong khu vực, hiện trạng tài nguyên dầu khí và vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, ít hỗ trợ để các doanh nghiệp dầu khí vượt qua sự cạnh tranh khốc liệt do biến động tiêu cực của giá dầu và quan trọng hơn là sự đòi hỏi đầu tư, đổi mới công nghệ, nhanh chóng ứng dụng và phát triển các thành quả của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0).
Câu hỏi đặt ra là: Trữ lượng dầu khí cạn kiệt thì tương lai phát triển dầu khí sẽ ra sao? Theo thống kê trong các bể trầm tích hiện đang khai thác dầu khí, chưa kể các bể Phú Khánh, Tư Chính - Vũng Mây, khu vực nam bể sông Hồng thì trữ lượng thu hồi còn lại trong các bể “truyền thống” này khoảng 700 triệu tấn (TOE) tuy đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, nhưng đòi hỏi phải có cách tiếp cận khác, giải pháp khoa học - công nghệ phù hợp, cơ chế, chính sách linh hoạt, Nhà nước - doanh nghiệp cùng phát triển, đặc biệt là khi tình hình địa - chính trị - kinh tế quốc tế, an ninh - chính trị trên Biển Đông có những biến động không thuận lợi để mở rộng địa bàn hoạt động dầu khí.
Dầu khí vẫn là tài nguyên chiến lược của tất cả các quốc gia và tiếp tục là năng lượng chiến lược trong thế kỷ XXI của thế giới, trong đó có Việt Nam. Trách nhiệm của ngành dầu khí là bảo đảm tỷ phần quan trọng trong cân đối năng lượng sơ cấp và là một động lực chủ lực có tính lan tỏa để phát triển kinh tế đất nước đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.
Để tiếp tục thực hiện ý nguyện của Bác phát triển ngành dầu khí trong giai đoạn mới đầy biến động và thách thức, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 23-7-2015, về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, với quan điểm là: Phát triển ngành dầu khí gắn liền với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược biển, an ninh năng lượng… gắn với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh - đối ngoại, phát triển với hiệu quả kinh tế cao, bền vững… nâng cao năng lực cạnh tranh… Nghị quyết có mục tiêu tổng quát là: Phát triển ngành dầu khí thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ… có tiềm lực mạnh về tài chính, khoa học - công nghệ, sức cạnh tranh cao, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Nghị quyết số 41-NQ/TW cũng đề ra các mục tiêu chi tiết và những giải pháp cụ thể cho các lĩnh vực cốt lõi và quan trọng, như tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; công nghiệp khí; công nghiệp lọc - hóa dầu; lĩnh vực tồn trữ và phân phối; lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật cao; công nghiệp điện khí…
Nhìn lại 60 năm quá trình thực hiện ý nguyện của Bác, những thành tựu đạt được của ngành dầu khí là thành quả của tầm nhìn vĩ đại, thiên tài của Bác; là trí tuệ và quyết tâm, sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Bộ Chính trị, Chính phủ; là kết quả của lao động sáng tạo, kiên trì, lòng kính yêu đối với Bác của nhiều thế hệ làm việc trong lĩnh vực dầu khí./.
Tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tình nguyện để xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp và văn minh  (05/11/2019)
9 tháng, doanh thu của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt hơn 73 nghìn tỷ đồng  (22/10/2019)
Hội thảo khoa học kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lễ trao giải cuộc thi viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019  (15/10/2019)
Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác dân vận hiện nay  (10/10/2019)
Không sao chép học thuyết phân quyền một cách rập khuôn, máy móc  (02/10/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam