Hà Nội lần đầu tiên có mặt trong danh sách 10 tỉnh, thành có điểm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao nhất
TCCSĐT - Theo Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, Hà Nội lần đầu tiên có mặt trong danh sách 10 tỉnh, thành có điểm PCI cao nhất, đứng vị trí thứ 9, với 65,4 điểm, tăng 4 bậc so với năm 2017. Để có được những kết quả trên, một trong những giải pháp mà Thành phố thực hiện là quyết liệt chỉ đạo khắc phục những chỉ số thành phần còn xếp hạng thấp.
Từ sự quyết liệt khắc phục các chỉ số có xếp hạng thấp…
Theo kết quả Chỉ số PCI năm 2017, một số chỉ số thành phần của Hà Nội còn xếp hạng thấp như: Chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”, Chỉ số “Môi trường cạnh tranh bình đẳng”, Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”, Chỉ số “Thiết chế pháp lý”.
Để cải thiện Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Lắp đặt trang bị hệ thống thiết bị máy tính hỗ trợ công dân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp ngay tại bộ phận một cửa. Lắp đặt ki-ốt điện tử tại chỗ giúp công dân chủ động, thuận tiện tra cứu thông tin hướng dẫn thủ tục hành chính và tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ một cửa…
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4 đối với lĩnh vực đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh, hợp tác xã; triển khai công tác chuẩn hóa dữ liệu, số hóa tài liệu, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định. Xây dựng kế hoạch khắc phục bộ chỉ số đánh giá công tác đăng ký doanh nghiệp của Thành phố với mục tiêu: Tiếp tục nâng cao các chỉ số tỷ lệ hồ sơ được số hóa dữ liệu, tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử và tỷ lệ hồ sơ xử lý đúng hạn; phấn đấu cải thiện các chỉ số thời gian xử lý hồ sơ thành lập mới và hồ sơ thay đổi trung bình, tỷ lệ hồ sơ đúng hạn, tỷ lệ hồ sơ yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Xây dựng đề án quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Thành phố. Phối hợp với Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để chạy thử ứng dụng cảnh báo, vi phạm, thu hồi trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đặc biệt, triển khai hiệu quả mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”, hướng đến nền hành chính phục vụ, đem lại sự hài lòng, thuận tiện cho tổ chức, doanh nghiệp.
Đối với Chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, đến nay, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận và đăng ký kê khai đất đai lần đầu đạt 99,4%; Cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở đạt 99,35%. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai rút ngắn còn 12 ngày; thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày; lĩnh vực đo đạc bản đồ giảm từ 15 ngày xuống còn 7 ngày.
Thành phố đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi nhiệm vụ, tăng tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính qua mạng, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 tất cả thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường. Tiếp tục rà soát, cải tiến và tinh giản một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực tài nguyên. Công khai và tổ chức cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giúp cho tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận các thông tin; công khai, minh bạch trong tiếp cận đất đai…
Về Chỉ số “Thiết chế pháp lý”, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các ngành trong khối nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm soát các hoạt động tư pháp, chất lượng hoạt động xét xử các loại vụ án, đẩy nhanh tiến độ thi hành án dân sự để doanh nghiệp tin tưởng vào sự bảo vệ của pháp luật. Rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án. Công khai thông tin đầy đủ, kịp thời về đội ngũ luật sư, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn. Đồng thời, tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp…
Đối với Chỉ số “Môi trường cạnh tranh bình đẳng”, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đã phát huy vai trò là đại diện cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, là cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp. Tích cực tham gia trong quá trình xây dựng chính sách, kế hoạch của Thành phố; định kỳ hàng quý tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp để báo cáo Thành phố tìm phương án tháo gỡ.
… đến những thành công bước đầu
Từ các giải pháp đồng bộ như trên, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Năm 2018 là năm thứ 3 Thành phố tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”. Tại Hội nghị, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng (tương đương hơn 17 tỷ USD), trong đó có 11 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư 5,428 tỷ USD (tương đương 130.061 tỷ đồng), 60 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư là 267.274 tỷ đồng. Thu hút nguồn vốn đầu tư, phát triển doanh nghiệp tiếp tục đạt kết quả tích cực.
Năm 2018, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 340,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD, lần đầu tiên, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút FDI. Riêng từ ngày 01-01 đến 14-3-2019, đạt 4,04 tỷ USD (gấp 21,9 lần so với cùng kỳ năm 2018).
Năm 2018, Hà Nội có 25.187 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 260,3 nghìn tỷ đồng; từ ngày 01-01 đến 14-3-2019 có 4.694 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 17% về so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn là 258.873 doanh nghiệp. Đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh doanh của Thủ đô Hà Nội trong năm 2018 và các năm tiếp theo./.
Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho nhà đầu tư Đức  (08/04/2019)
Hoạt động bên lề IPU-140 ngày 08-4-2019 của Chủ tịch Quốc hội  (08/04/2019)
Tạo thuận lợi cho thanh niên phát triển năng lực  (08/04/2019)
Tiếp tục các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội bên lề IPU-140  (08/04/2019)
Định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt  (08/04/2019)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên