Thành phố Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính
TCCS - Ứng dụng công nghệ thông tin luôn được coi là nền tảng quan trọng, giải pháp mang tính đột phá để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, góp phần thực hiện chuyển đổi số trong cải cách hành chính hiện nay. Thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp, là nền tảng quan trọng để phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Hiện nay, công nghệ thông tin đã và đang tạo ra một bước thay đổi đột phá trong quy trình giải quyết các thủ tục hành chính. Với sự hỗ trợ hiệu quả của phần mềm hoạt động trên mạng internet, công nghệ thông tin góp phần tích cực trong việc thực hiện cải cách hành chính. Các phần mềm công nghệ hỗ trợ người sử dụng thao tác trên máy tính đối với quá trình tiếp nhận - thụ lý - trình ký - trả kết quả trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, đồng thời cung cấp thông tin để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo đơn vị. Phần mềm công nghệ đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch, công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính, loại bỏ những rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để gây khó khăn, nhũng nhiễu cho cá nhân, doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin chính là giải pháp hàng đầu nhằm đạt mục tiêu của cải cách hành chính, chuyển từ hành chính “xin - cho” sang hành chính “phục vụ”, các thủ tục hành chính trở nên đơn giản, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp đến giao dịch.
Trong cải cách hành chính, công nghệ thông tin góp phần tự động hóa, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính, tạo ra phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc mới, cải tiến hình thức cung cấp dịch vụ công theo hướng trực tuyến. Thông qua hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, bộ máy hành chính dễ dàng liên kết với nhau hơn trong thực hiện nhiệm vụ, chính quyền cũng thông qua đó để điều hành bộ máy nhà nước một cách nhanh chóng, hiệu quả và chính xác; kiểm soát tốt hơn mọi hoạt động quản lý của cơ quan.
Xác định ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính không chỉ đem tới sự hài lòng cho người dân mà còn góp phần hiện đại hóa nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số. Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 -2025, trọng tâm là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của chính quyền và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã thành lập Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của thành phố.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đơn giản hóa 26 thủ tục hành chính, công bố công khai 3 thủ tục hành chính, danh mục 500 thủ tục hành chính, thay thế 33 thủ tục hành chính, bãi bỏ 476 thủ tục hành chính, ban hành 10 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính, tích cực, chủ động trong việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm việc hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin “một cửa” điện tử cấp bộ, hệ thống thông tin “một cửa” điện tử của thành phố. Qua đó, phục vụ xác thực, định danh, cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa”.
Thành phố Hà Nội đưa ra những mục tiêu yêu cầu cần đẩy mạnh để hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 30%, 20% và 15% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp trên địa bàn, để bảo đảm việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; giao các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp tục mở rộng việc sử dụng văn bản điện tử (trừ văn bản mật), chữ ký số, xử lý công việc trên môi trường điện tử, bảo đảm đồng bộ trong triển khai thực hiện ở các cấp chính quyền. Khi đó sẽ không gửi kèm bản giấy, thực hiện lưu trữ điện tử; rà soát, chuẩn hóa dữ liệu tại các hệ thống thông tin “một cửa” điện tử dùng chung của thành phố; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định… Đến nay, 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính. Hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn trên toàn thành phố là 1.030.963 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,78%; đã có 156/175 phường (đạt 89,14%) thực hiện ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch đủ điều kiện tiêu chuẩn. Việc ủy quyền giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, được người dân ghi nhận, đánh giá cao; đã sắp xếp giảm 280 đơn vị sự nghiệp so với năm 2015, giảm 10,1%; hoàn thành chỉ tiêu tinh giản 10% biên chế công chức, viên chức so với năm 2015 (giảm 1.473 biên chế công chức, 15.204 biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước).
Thành phố Hà Nội đã triển khai các nền tảng cho phát triển chính quyền số, như nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu địa phương (LGSP) kết nối liên thông nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) (dự kiến hoàn thành trong quý IV-2022); Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ gắn với số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính,… theo tinh thần tôn trọng, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và Kế hoạch năm 2022 triển khai nhiệm vụ chính quyền số trong Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến 2030. Đến nay, đã kết nối, duy trì, bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và thực hiện làm giàu thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; khai thác thành công dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến; phê duyệt 928 thủ tục hành chính được lựa chọn tái cấu trúc, xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2022; chỉ đạo, triển khai và tích hợp hoàn thành đúng và trước thời hạn đối với 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 (đạt 84%).
Thành phố Hà Nội chủ động ban hành quy chế phối hợp thực hiện liên thông các thủ tục hành chính khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; tài nguyên và môi trường, tư pháp và thuế; ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai rà soát, thống kê, xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ của các cơ quan hành chính thuộc thành phố Hà Nội. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị phối hợp liên thông, giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính thông suốt, hiệu quả, rút ngắn thời gian, giảm thời gian đi lại của người dân, tổ chức; chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc, thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình cải cách thủ tục hành chính, áp dụng cơ chế một cửa liên thông trong một số lĩnh vực đang gặp khó khăn do vướng về quy trình, thủ tục từ các cơ quan cấp trên. Để góp phần cải cách hành chính hiệu quả, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tập trung triển khai một số giải pháp sau:
Một là, phát huy hiệu quả hoạt động Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số PARINDEX, SIPAS giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa ứng xử. Cụ thể, thành phố Hà Nội ban hành Đề án “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính hiện đại các cấp của thành phố” trên cơ sở tích hợp một số nội dung của Đề án 06; ban hành Quy chế về việc tiếp nhận, xử lý các góp ý, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, hành vi hành chính tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố; chủ động triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong giải quyết thủ tục hành chính để cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp...
Hai là, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào công tác ủy quyền, nhất là đối với những nhiệm vụ, thủ tục hành chính do các sở, ngành đang thực hiện, trên tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để, phù hợp với việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi. Việc xây dựng quy định phân cấp, ủy quyền theo tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để theo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và cần phải được thực hiện quyết liệt theo phương châm “từ trên xuống” trên cơ sở đề xuất “từ dưới lên”; vấn đề công vụ phải gắn với xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, tạo sự khác biệt ấn tượng trong công tác tiếp dân.
Ba là, rà soát, cập nhật, công khai minh bạch đầy đủ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng văn hóa, văn minh công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đặc biệt, thành phố cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tạo bước đột phá hiện đại hóa nền hành chính, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới cơ quan nhà nước “không giấy tờ”, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân tại những địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi sang xây dựng chính quyền số trong thời gian tới.
Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, công bố công khai danh mục thủ tục hành chính đang thực hiện trên hệ thống loa truyền thanh, dán tại bộ phận một cửa của các cấp chính quyền. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân và tổ chức, bảo đảm thủ tục hành chính của người dân được giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Hệ thống camera được lắp đặt và hoạt động ổn định ở những nơi có giao dịch, giải quyết hồ sơ của công dân, tổ chức nhằm tạo cơ chế để người dân giám sát hoạt động công vụ của cán bộ công chức, viên chức.
Năm là, tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp và người dân nhận thức, hiểu biết và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tạo điều kiện cho công chức phụ trách công nghệ thông tin tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao trình độ, kỹ năng quản trị mạng, an ninh thông tin và an toàn hệ thống mạng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa quy trình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện để người dân tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện. Qua đó, không chỉ tạo dựng được niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết các thủ tục hành chính, mà còn tạo nền tảng quan trọng cho việc hướng đến xây dựng chính quyền số tại địa phương./.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Hướng tới thực hiện các dịch vụ công theo phương thức “3 không”  (15/09/2022)
Thành phố Hà Nội: Chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng kinh tế số  (15/09/2022)
Thành phố Hà Nội: Thị trường lao động, việc làm sôi động trở lại sau dịch COVID-19  (12/09/2022)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên