“Của nhà trồng được”!
“Của nhà trồng được” là cách nói mộc mạc, chất phác, ý nhị của người dân quê khi muốn “cho đi” hoặc “giúp đỡ” người khác những hiện vật được làm ra bằng mồ hôi, công sức lao động của chính mình, với tấm lòng thơm thảo. Đó là nét văn hóa đẹp của ông cha ta. Trong cuộc sống hiện đại, vẫn câu chuyện “của nhà trồng được” ấy, nhưng đôi khi thấy khác đi nhiều quá!
Ngày thường, có hiện tượng một số quan chức “xếp loại” kha khá ở một số cơ quan nhà nước có “thói quen” sử dụng “hóa đơn đỏ” trong những buổi đi chơi, nghỉ ngơi với gia đình, bạn bè “chỗ này, chỗ kia”, thậm chí còn “vô tư” kênh lên số tiền “lớn hơn” so với số tiền thực chi để đưa về cơ quan thanh toán. Của công, nhưng tiêu tư, song họ vẫn “hồn nhiên” xem những lần đi ăn, đi uống đó là “của nhà trồng được”! Nhiều nơi, khéo chiều lòng “sếp”, lại có cách dùng kinh phí cơ quan để chuyển thành “hiện vật” hay “tiền” để đi “tài trợ” cho những nơi “sếp” chỉ đạo, để “sếp” xây dựng hình ảnh, rồi ngay cả những việc nho nhỏ như tiếp khách trong những buổi họp lớp, họp đồng hương,... của “sếp” cũng mặc nhiên được thanh toán theo kiểu “của nhà trồng được”, thật là trăm cái tiện!
Chưa hết, một số nơi còn thường xuyên tổ chức những buổi đi thăm, chúc mừng cấp trên dịp lễ, tết, đi kèm với đó là những món quà hay phong bì giá trị. Để tạo không khí “thân mật”, người ta phải nói khéo: “Mấy món quà này là của nhà trồng được, chủ yếu là tấm lòng, anh nhận cho chúng em vui”. Nhưng thực sự những món đồ đó từ đâu ra, có phải “của nhà” thật không, hay được “biến báo” từ tài sản của cơ quan, từ quà cáp của doanh nghiệp... thì thật khó có câu trả lời!
Rõ ràng, một nét văn hóa đẹp đã bị biến tướng, méo mó, nhằm mục đích che đậy cho những hành vi không minh bạch của một số người. Bởi, của công không phải là thứ trên trời rơi xuống, không phải là “tiền chùa” để bòn rút vô tội vạ, mà nó là mồ hôi, xương máu, công sức, tiền thuế của nhân dân. Dù có biện hộ thế nào thì lấy một đồng của công cũng là tham nhũng, cũng là có tội. Những hiện tượng tiêu cực đó tạo ra những tiền lệ xấu, khiến nhiều người hùa theo, ảnh hưởng đến sự trong sạch, danh dự, uy tín, tính liêm khiết của không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Hôm nay lấy được một đồng của công, thì rất có thể ngày sau sẽ đục khoét cả ngân khố quốc gia.
Kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước rất nghiêm minh, không trừ một ai. Dù “ăn vụng biết chùi mép” khéo thế nào chăng nữa thì “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Nhiều bài học xương máu, nhiều gương tày liếp trong quá khứ hay mới đây của không ít cán bộ đã phải trả giá rất đắt khi thấy lợi mà ham, bòn rút của công để vinh thân phì gia, rồi bị pháp luật nghiêm trị, để lại tiếng xấu... vẫn mãi còn đó như một lời cảnh tỉnh sâu sắc nhất đối với cán bộ, công chức ngày nay.
Pháp luật là tối thượng, nhân văn là quan trọng; pháp trị, đồng thời phải có đức trị, đấy chính là truyền thống văn hóa tốt đẹp, nghĩa tình của người Á Đông chúng ta. Do đó, để có thể giải quyết tận gốc rễ tình trạng nhập nhèm, “mập mờ đánh lận con đen”, coi của công lại là “của nhà trồng được”, chỉ dựa vào pháp luật e chưa đủ, mà cần coi trọng yếu tố văn hóa, giáo dục đối với mỗi cá nhân có chức trách, nhiệm vụ; mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để trau dồi, bồi dưỡng đạo đức hằng ngày. Tất nhiên, khi mà những ý tứ tốt đẹp trong văn hóa bị sử dụng để bao biện cho những việc làm không minh bạch, thì pháp luật phải kiên quyết ra tay (?!)./.
Danh không chính, ngôn có thuận?  (12/01/2023)
Sống khỏe nhờ... "ngậm miệng"!  (12/12/2022)
Đoàn kết “diễn”  (29/11/2022)
Bệnh quá lời  (29/10/2022)
Biết rồi vẫn... “khám”  (01/10/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay