Đừng lạm dụng phê bình để hạ bệ nhau!

Mai Mộng Tưởng
16:57, ngày 29-10-2020

Đánh giá cán bộ là một công việc khó. Chính vì vậy, Đảng ta thông qua các đợt sinh hoạt chính trị để tổ chức kiểm điểm, phê bình, đánh giá cán bộ một cách nghiêm túc, khách quan. Nhưng nếu cách làm này không quán triệt tốt các mục đích, yêu cầu do cấp trên đặt ra thì dễ xảy ra tình trạng kiểm điểm qua loa, làm cho có lệ theo kiểu tập thể thì “thanh toán chương trình”, cá nhân thì “nín thở qua cầu”, bởi chẳng ai “dài hơi” mà đi phê bình người khác rồi có khi phải “chuốc oán” vào thân! Có khi thấy việc sai trái của người khác rõ như ban ngày nhưng cố tình làm thinh hoặc có góp ý thì cũng góp ý cho có chứ chẳng có tác dụng gì. Coi như là góp phần “ghi điểm” cho người có sai phạm!

Thực tế có người lúc trước có thể có sai lầm nhưng không phải vì thế mà họ sai lầm mãi. Cũng có những người từ trước đến nay chưa bị sai lầm nhưng chắc gì sau này bản thân họ không mắc sai phạm? Bởi vậy mới nói, quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau. Nếu muốn xem xét, đánh giá một cán bộ, phải đặt và xem xét người đó trong toàn bộ quá trình công tác, cả lúc khó khăn và khi thuận lợi, không chỉ xem xét mặt ngoài mà còn phải xem bản chất bên trong của con người họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem xét họ trong cả quá trình công tác lâu dài. Việc xem xét, đánh giá này phải linh hoạt, không được bảo thủ, định kiến mà cần lấy kết quả công việc làm thước đo chủ yếu, dựa trên nhiều mối quan hệ, cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan, đa chiều để đánh giá đúng.

Việc ai đó cố tình đánh giá sai cán bộ hay lợi dụng phê bình để hạ bệ nhau là nhằm trục lợi kinh tế, vụ lợi chính trị hoặc “trả đũa” do thù ghét cá nhân, hay nói cách khác, những thái độ, hành vi tiêu cực trong ngụy phê bình trên chính là sản phẩm tất yếu của những người mang nặng bệnh cá nhân chủ nghĩa, đầu óc mang tư tưởng hẹp hòi… Họ tranh thủ lợi dụng “chiêu bài phê bình” này nhằm làm nhiễu loạn thông tin, đánh lừa được không ít người nhẹ dạ cả tin.

Hiện nay, các địa phương đang tiến hành tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, thì vấn đề kiểm điểm từng cá nhân và tập thể trước đại hội là việc hết sức quan trọng, “nhìn thẳng, nói thật” để làm sao lựa chọn được những cán bộ xứng đáng, trung thực, thực đức, thực tài. Công tác chuẩn bị nhân sự cơ cấu vào cấp ủy khóa mới phải gắn với việc thực hiện nghiêm túc Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Đồng thời, phải kiên quyết đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động lợi dụng đại hội đảng để tố cáo sai sự thật, làm nhiễu loạn thông tin, gây hại cho Đảng ta trước thềm Đại hội XIII sắp đến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về tự phê bình và phê bình, sửa chữa khuyết điểm đã chỉ rõ: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên trên mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ, càng đồng tâm nhất trí, càng tiến bộ không ngừng, càng chắn chắn thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh”(1). Phê bình cốt là để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, làm việc cho tốt hơn, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất nội bộ. Tự phê bình mình cũng như phê bình người khác không phải là dịp để công kích lẫn nhau, nói xấu và bôi nhọ danh dự của nhau. Bản thân người đi phê bình người khác phải xác định đối tượng cần phê bình là công việc chứ không phải là “soi mói”, “bới lông tìm viết” của đồng chí mình để tìm cơ hội “hạ bệ” lẫn nhau. Những việc làm sai trái, những suy nghĩ lệch lạc, sai lầm, khuyết điểm dù đó là của cá nhân hay của tổ chức, dù đó là đảng viên bình thường hay là cán bộ cấp cao đều phải được phê bình một cách kiên quyết và “phải lập tức sửa chữa”.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta dù là bất cứ ai khi có điều kiện nên thẳng thắn đóng góp với nhau một cách chân tình và cởi mở trên tinh thần chân thành và xây dựng để làm cho các mối quan hệ xã hội này càng được trong sáng, tiến bộ, văn minh. Làm sao để mọi người phải thật thà, bằng lòng tử tế đối xử với nhau, đừng lạm dụng sự phê bình để hại nhau, cũng là hại ngay với chính mình./.

---------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr. 387.