Phong trào thi đua “Sống tốt đời đẹp đạo” trong đồng bào Công giáo đa dạng và đạt hiệu quả
Tiếp nối truyền thống yêu nước, những năm qua, người Công giáo Việt Nam tích cực hưởng ứng các cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào “Xây dựng nông thôn mới”…, góp phần làm sống động đường hướng Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.
Giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, thi đua làm giàu cho gia đình và xã hội
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có phần đóng góp không nhỏ của đồng bào Công giáo. Điều này thể hiện rõ tại những địa phương có đông đồng bào Công giáo như huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Xuân Trường (tỉnh Nam Định),… Thời gian gần đây, mặc dù kinh tế thế giới suy thoái và ảnh hưởng không ít đến kinh tế Việt Nam, nhưng người Công giáo đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất giỏi”; mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đầu tư vốn, công sức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khắc phục khó khăn về thời tiết, thiên tai, dịch bệnh,… để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và đã mang lại kết quả cao.
Tại huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) có gần 30 doanh nghiệp chế biến cói, với trên 4.000 lao động có việc làm thường xuyên. Trong đó, tiêu biểu là doanh nghiệp của gia đình ông Phạm Đăng Khuyến, doanh thu hằng năm ước tính đạt hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động và 5.000 đến 7.000 lao động thời vụ.
Tại tỉnh Nam Định, đồng bào Công giáo không chỉ phát huy thế mạnh đặc sản lúa có thương hiệu (đưa năng suất từ 120 tạ đến 145 tạ thóc/ha/năm), mà còn phát huy thế mạnh của vùng biển. Điển hình như bà con giáo dân các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã đầu tư thuyền đánh bắt xa bờ, cải tạo ao, đầm nuôi tôm sú, tôm càng xanh,…, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tại thành phố Hà Nội, trong phong trào thi đua sản xuất, nhiều làng nghề truyền thống đã được phục hồi, như nghề trồng hoa ở xã Tây Tựu (huyện Từ Liêm); làm bánh kẹo ở xã Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm); làm gốm sứ ở làng Kim Lan (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm); làm mây, tre đan ở các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa;… Đồng thời, nhiều khu công nghiệp mới được mở ra tại các huyện Thạch Thất, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, trong đó có nhiều lao động là giáo dân. Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế mà số hộ nghèo giảm đi và số hộ giàu tăng lên rõ rệt. Huyện Đông Anh có 200 hộ Công giáo thì có 77 hộ giàu, 120 hộ có kinh tế khá, chỉ có 3 hộ nghèo. Tại quận Tây Hồ, 70% số hộ Công giáo có nhà cửa khang trang, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, hiện đại. Huyện Từ Liêm có hơn 2.000 hộ Công giáo thì nay chỉ còn 9 hộ nghèo và 50 hộ cận nghèo.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình giáo dân đã thành lập công ty, xí nghiệp,… về tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, như ở huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng) có Công ty Taxi 776 của gia đình ông Nguyễn Đức Huân; Xưởng Chế biến rau câu của gia đình ông Lên Văn Minh; Xưởng Gò hàn của gia đình ông Lê Văn Vát; Xưởng mộc của gia đình ông Lê Hữu Thịnh; Đội thợ xây dựng của gia đình ông Nguyễn Đức Dũng. Tại huyện Tiên Lãng (thành phố Hải Phòng), nhiều hộ giáo dân kinh doanh có mức thu nhập khá cao, từ 70 đến 80 triệu đồng/tháng, như hộ ông Lê Văn Toàn, ông Vũ Văn Tuấn,…
Công tác từ thiện, bác ái được tăng cường
Công tác từ thiện, bác ái vẫn luôn là điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo. Trong những năm gần đây, rất nhiều linh mục đã đứng ra vận động giáo dân tại các giáo xứ, họ đạo đóng góp hàng tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện, bác ái, nhất là trong việc xây tặng “Nhà đạo đoàn kết”, xây dựng Quỹ Khuyến học. Các nữ tu cũng đóng góp rất lớn công sức vào công tác từ thiện, bác ái, thông qua việc trực tiếp phục vụ tại các bệnh viện, các trung tâm chăm sóc người bị nhiễm HIV/AIDS, các nhà hưu dưỡng, với nhiều hình thức, như “Nồi cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo”, “Bếp ăn tình thương”, “Tủ thuốc miễn phí”,…
Những hoạt động từ thiện, bác ái không chỉ được các linh mục, tu sĩ tích cực tham gia, mà cả các giáo dân cũng thi đua thực hiện, vì đó chính là hành động sống “Tin mừng” một cách thiết thực nhất.
Tại tỉnh Đồng Nai, bà con giáo dân huyện Tân Phú đã đóng góp để xây dựng và sửa chữa gần 100 Nhà tình thương, trị giá 182 triệu đồng; mua 80 xe lăn tặng người khuyết tật, trị giá 112 triệu đồng; mua nhu yếu phẩm cho người nghèo, trị giá 229 triệu đồng;…
Trong 5 năm (2008 - 2013), các họ đạo, dòng tu và bà con giáo dân trong tỉnh Vĩnh Long đã cùng với các nhà hảo tâm tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 47.000 lượt người; cấp 30 xe lăn cho người tàn tật; nấu súp cho trên 50.000 lượt bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long; cung cấp nước sạch - nước sinh hoạt cho hơn 20.000 lượt hộ nghèo; hỗ trợ mổ mắt miễn phí cho 75 bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể với số tiền 390 triệu đồng và 6 người nghèo mổ tim với số tiền 380 triệu đồng; tặng 3.639 phần quà và tiền cho các gia đình chính sách, người già neo đơn, các bệnh nhân phong và bệnh nhân bị nhiễm chất độc màu da cam;… Theo thống kê của tỉnh Vĩnh Long, 5 năm qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã đóng góp hơn 16 tỷ đồng cho công tác từ thiện, bác ái.
Thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương dẫn đầu trong công tác từ thiện, bác ái. Theo số liệu thống kê, trong năm 2012, giới Công giáo Thành phố đã đóng góp được 68 tỷ 923 triệu đồng cho công tác từ thiện, bác ái và 6.288 lượt người hiến máu nhân đạo. Riêng quận Bình Thạnh, trong năm 2012 đồng bào Công giáo đã đóng góp được 5 tỷ 435 triệu đồng cho công tác từ thiện, bác ái và 373 lượt người hiến máu nhân đạo. Trong công tác này, xuất hiện một số tấm gương sáng rất đáng trân trọng như ông Lê Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo quận Gò Vấp, đã âm thầm giúp người với 30 lần hiến máu và còn tích cực vận động người khác tham gia hiến máu tự nguyện.
Đời sống văn hóa - xã hội ngày càng được nâng cao
Phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” cũng như phong trào “Xây dựng nông thôn mới” là những phong trào thi đua cơ bản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã cụ thể hóa những phong trào đó thành phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” trong đồng bào Công giáo, với các nội dung cụ thể, như “Bảy tốt đời”, “Ba đẹp đạo”. Trong những năm qua, phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” đã được đồng bào Công giáo cả nước tích cực tham gia và đạt hiệu quả cao.
Tại thành phố Cần Thơ, 100% gia đình Công giáo trong các khu dân cư đã đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Qua bình xét của các khu dân cư, cuối năm 2012, có 98% số gia đình Công giáo được công nhận là gia đình văn hóa. Tại tỉnh Nghệ An, nếu như năm 2007 toàn tỉnh có 30.000 gia đình giáo dân văn hóa, thì đến năm 2012 đã tăng lên 35.037 gia đình giáo dân văn hóa.
Tại tỉnh Vĩnh Long, thấm nhuần giáo huấn của Giáo hội Công giáo về công tác xã hội, các linh mục, tu sĩ và bà con giáo dân đã tích cực tham gia học tập mỗi khi các ban, ngành, đoàn thể nhân dân tổ chức. Qua báo cáo chưa đầy đủ của Ban Đoàn kết Công giáo các huyện, thành phố trong tỉnh, 5 năm qua đã có hơn 50.000 lượt giáo dân tham gia học tập, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; và đặc biệt là tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Qua học tập, nhận thức của đồng bào Công giáo được nâng lên, bởi vậy, việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đồng bào ngày càng nghiêm chỉnh và tốt hơn. Phong trào tham gia xây dựng hệ thống chính trị và các tổ chức đoàn thể nhân dân trong đồng bào Công giáo cũng được thực hiện tốt. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 500 vị là linh mục, tu sĩ, giáo dân tham gia công tác tại các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nhân dân các cấp trong tỉnh; có trên 100 đảng viên là giáo dân, phần lớn đều phát huy được vai trò, trách nhiệm và hoạt động đạt hiệu quả. Trong đợt bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, toàn tỉnh có 1 linh mục và 21 giáo dân tham gia ứng cử, trong đó có 9 giáo dân trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã.
Vừa qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Trà Vinh kỷ niệm 10 năm thành lập với con số thống kê cũng rất ấn tượng. Trong 10 năm qua, các linh mục, tu sĩ tại các họ đạo, dòng tu đã vận động bà con giáo dân giúp đỡ, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học 50.600 cuốn vở và 2.000 bút viết, với số tiền là 238 triệu đồng; tặng 300 suất học bổng và rất nhiều phần quà cho học sinh, sinh viên nghèo nhân dịp khai giảng và kết thúc năm học, đóng góp Quỹ Khuyến học, tổ chức Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu,… với tổng số tiền là 8 tỷ 233 triệu đồng.
Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình trong đồng bào Công giáo đã và đang có những chuyển biến tích cực, bởi vậy, những năm gần đây tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ngày càng giảm. Nhiều giáo xứ, họ đạo nhiều năm liền không có người sinh con thứ ba; phấn đấu hạ tỷ lệ phát triển dân số xuống gần mặt bằng chung của địa phương.
Phong trào xây dựng nông thôn mới được đồng bào Công giáo cả nước hưởng ứng và tham gia tích cực. Tiêu biểu là đồng bào Công giáo ở các tỉnh Nam Định, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Đồng Nai, thành phố Cần Thơ,... Tại thành phố Cần Thơ, cùng với việc chăm lo sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, giáo dân trong các giáo xứ, họ đạo cùng với chính quyền và nhân dân địa phương ra sức xây dựng nông thôn mới. Trong năm qua, đã xây dựng được 28 cầu xi măng, nâng cấp 12 km đường; đặc biệt là phong trào sửa chữa đường giao thông nông thôn được các giáo xứ thi đua thực hiện, với kinh phí lên đến nhiều tỷ đồng.
Tích cực tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống các tệ nạn xã hội
Đồng bào Công giáo luôn tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, coi việc phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội là nhiệm vụ quan trọng. Trước hết, đồng bào cùng nhau chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có Luật Nghĩa vụ quân sự; Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định, quy định của Nhà nước về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị quyết liên tịch số 01/2001/QNLT của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới”; Nghị quyết liên tịch số 02/2000/NQLT của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc phối hợp vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”. Đồng thời, cùng nhau xây dựng và thực hiện tốt các nội quy, quy ước, hương ước nhằm thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân với xã hội, làm trọn bổn phận của người giáo dân với Giáo hội Công giáo Việt nam.
Nhiều giáo xứ, họ đạo, khu dân cư giáo dân đã phát động phong trào xây dựng giáo xứ, họ đạo, khu dân cư giáo dân an toàn, làm chủ, không có tội phạm và các tệ nạn xã hội. Tại đây, các tổ hòa giải, tổ tự quản đã phát huy tốt trách nhiệm của mình với cộng đồng dân cư; một số đối tượng lầm lỗi được cộng đồng dân cư và các cơ quan, ban, ngành địa phương giáo dục, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng. Ở nhiều tỉnh, như Lâm Đồng, Bắc Giang, Bình Định, Yên Bái,… Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và Sở Nội vụ tỉnh mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về an ninh - quốc phòng; tìm hiểu về Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, thu hút được sự tham gia của đông đảo các linh mục, tu sĩ và nhiều giáo dân. Ở nhiều nơi, trong các buổi rao giảng tại nhà thờ, nhiều linh mục đã vận động bà con giáo dân tích cực ngăn ngừa, phòng, chống các tệ nạn xã hội, thậm chí một số linh mục còn đến tận nhà gia đình có người mắc tệ nạn xã hội để chia sẻ, khuyên giải. Vì vậy, các biểu hiện của tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, ma túy ở các giáo xứ, họ đạo thường rất ít, nhiều nơi hầu như không có. Tại thành phố Hải Phòng, có 124/137 giáo xứ, họ đạo không có tệ nạn xã hội.
Trong số những giáo dân gương mẫu, tích cực tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, có thể kể đến ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Bảo vệ dân phố, phường 5, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, đã cùng lực lượng công an địa phương truy bắt trên 10 vụ cướp giật, 18 vụ trộm cắp tài sản, trên 30 vụ mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy và nhiều vụ việc khác, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phường, được Ủy ban nhân dân quận, Thành phố và Bộ Công an tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Theo báo cáo của các cấp và các cơ quan hữu quan, ở những vùng có đông đồng bào Công giáo sinh sống, tỷ lệ tệ nạn xã hội thấp, trật tự, an toàn xã hội bảo đảm, ít xảy ra những vụ việc trọng án.
Có thể nói, có được những kết quả trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo thời gian qua trước hết là nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các cơ quan hữu quan; sự nỗ lực, quyết tâm của Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp; sự động viên, chia sẻ của các đấng bậc trong Giáo hội Công giáo Việt Nam; và sự vươn lên của mỗi người công dân Công giáo. Để phát huy những thành tích đã đạt được, Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp và các tổ chức có liên quan tiếp tục vận động đồng bào Công giáo theo hướng chủ yếu sau:
- Nâng cao lòng yêu nước bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất, công tác và học tập; tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động do Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức hữu quan khởi xướng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Tăng cường đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; huy động được nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, bảo đảm đồng bào Công giáo ngày càng có nhiều gia đình giàu có.
- Phát huy truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo, “đền ơn đáp nghĩa”; trong đó, đặc biệt chú ý giúp đỡ những gia đình có công với nước, những người cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, khuyết tật,…
- Chú trọng thực hành dân chủ, giữ vững kỷ cương, sống và làm việc theo Hiến pháp và phát luật; bảo đảm trong giáo xứ, họ đạo không có tệ nạn xã hội, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, mâu thuẫn nội bộ được giải quyết ổn thỏa, cảm hóa những lỗi lầm, không có những biểu hiện vi phạm quyền công dân. Tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh./.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII là kỳ họp đặc biệt quan trọng  (29/11/2013)
Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII thành công tốt đẹp  (29/11/2013)
Bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII  (29/11/2013)
Thông cáo số 31 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII  (29/11/2013)
Kỷ niệm 38 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào  (29/11/2013)
- Quản lý văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí tại khu vực miền Trung hiện nay
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay