Hà Nội phát triển du lịch văn hóa làng nghề nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa
TCCS - Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 318 làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Thời gian qua, thành phố đã rất chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa làng nghề, biến đây thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp văn.
Nhiều chủ trương, chính sách phát triển du lịch văn hóa làng nghề
Thành phố Hà Nội có lịch sử nghìn năm văn hiến với kho tàng di sản văn hóa giàu giá trị. Với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, thành phố cũng là nơi tập trung số lượng làng nghề và số lượng nghệ nhân nhiều nhất cả nước. Tính đến hết năm 2021, Hà Nội có 318 làng nghề truyền thống tiêu biểu được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã, trong đó có 48 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống, 270 làng được công nhận danh hiệu làng nghề. Trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, Hà Nội sở hữu tới 47 nghề, hội tụ đủ các nhóm nghề.
Các làng nghề truyền thống của Hà Nội có tính sáng tạo cao với các sản phẩm thủ công đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc văn hóa, như đúc đồng Ngũ Xã, kim hoàn Định Công, mây tre đan Phú Vinh, chuồn chuồn tre Thạch Xá, nón Chuông, sơn mài Hạ Thái, quạt Chàng Sơn, rối nước Đào Thục, hoa Tây Tựu, thêu Quất Động, tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ,… đã nổi tiếng khắp cả nước. Nhiều sản phẩm được công nhận là thương hiệu quốc gia. Sản phẩm của các làng nghề truyền thống Hà Nội là sự kết hợp giữa văn hóa và trình độ kỹ thuật của người làm nghề, kết tinh giá trị thẩm mỹ, bàn tay và khối óc tài hoa của các nghệ nhân qua nhiều thế hệ; không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế cho người dân, mà còn phản ánh sinh động lối sống, phong tục, tập quán và khát vọng của người Thăng Long từ xưa đến nay.
Với những sản phẩm văn hóa độc đáo, du lịch văn hóa làng nghề đã trở thành một thế mạnh của Hà Nội. Đặc biệt hơn nữa khi Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, không gian văn hóa làng nghề, các sản phẩm thủ công độc đáo tại các làng nghề của Thủ đô càng cuốn hút du khách quốc tế và trong nước. Du khách khi trải nghiệm du lịch văn hóa làng nghề ở Hà Nội được tham quan nơi sản xuất, tiếp xúc với thợ thủ công, trực tiếp tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất và mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, phong phú, giàu bản sắc dân tộc. Do đó, phát triển du lịch văn hóa làng nghề truyền thống Hà Nội có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc và thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Quán triệt, vận dụng đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương, trong thời gia qua, Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển du lịch văn hóa làng nghề, thúc đẩy công nghiệp văn hóa, xem đây là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tiêu biểu có Đề án Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Hà Nội giai đoạn từ 2010 đến năm 2020, ban hành theo Quyết định số 554/QĐ-UBND, ngày 27-1-2010, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Quy hoạch tổng thể, phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 14/QĐ-UBND, ngày 2-1-2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2016, của Thành ủy Hà Nội về Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 112/KH-UBND, ngày 29-5-2017, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 55/KH-UBND, ngày 18-2-2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025; Kế hoạch số 102/KH-UBND, ngày 01-4-2022, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về Thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025; Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022, của Thành ủy Hà Nội Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Những kết quả quan trọng
Thông qua các nghị quyết, văn bản được ban hành, Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước có nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa; thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiên phong phát triển công nghiệp văn hóa; là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh; nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, vừa đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong đó khẳng định thủ công mỹ nghệ là một trong những thành tố quan trọng của văn hóa và là nền tảng cho sự đổi mới, phát triển các ngành thiết kế sáng tạo và du lịch văn hóa. Với 17 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch, phát triển du lịch văn hóa làng nghề, bảo tồn nghề thủ công truyền thống và di sản văn hóa, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững là nội dung trọng tâm của phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
Nhờ chủ trương đúng đắn, giải pháp quyết liệt, Hà Nội đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển du lịch văn hóa làng nghề, qua đó, thúc đẩy công nghiệp văn hóa. Tận dụng lợi thế làng nghề nằm dọc các trục giao thông và gắn liền với những di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, chính quyền thành phố triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các ngành, địa phương trên địa bàn đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề. Sở Công Thương thành phố Hà Nội tổ chức phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội; hỗ trợ nhiều cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ làng nghề, tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm với hàng trăm mẫu mới được tạo ra, trong đó có các mẫu sản phẩm phục vụ du lịch; tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội, tạo ra trên 200 mẫu sản phẩm mới trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ mỗi năm. Sở Du lịch thành phố Hà Nội cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hà Nội hiện có 15 nhóm ngành hàng dịch vụ du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các chương trình, tour giới thiệu, quảng bá sản phẩm, về tiềm năng, thế mạnh của du lịch văn hóa làng nghề truyền thống Hà Nội.
Du lịch văn hóa làng nghề góp phần quan trọng vào thu hút lượng khách du lịch đến với Thủ đô. Theo số liệu của Sở Du lịch thành phố, tính đến tháng 8-2024 ngành du lịch đã đón 18,95 triệu lượt khách, tăng 12,3% so với cùng kỳ đầu năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 3,94 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa đạt 2 triệu lượt, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 9.530 tỷ đồng, tăng 19,7% so với năm 2023. Khách du lịch nước ngoài và trong nước khi trải nghiệm du lịch văn hóa làng nghề đã được tìm hiểu về những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ lành nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng. Du khách có cơ hội tham quan, tìm hiểu nghề, mua sắm đồ dùng, hàng lưu niệm, tìm hiểu lối sống tại các làng nghề thủ công truyền thống, được tận mắt chứng kiến, khám phá phong tục, tập quán, những tinh hoa về văn hóa của con người Việt Nam ở mỗi một vùng quê.
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển du lịch văn hóa làng nghề nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô còn đối mặt với nhiều khó khăn, chưa khai thác hết tiềm năng. Công tác bảo tồn các làng nghề gặp nhiều khó khăn, nhiều giá trị văn hóa làng nghề truyền thống đã mai một; công tác quy hoạch, phát triển tổng thể làng nghề phục vụ du lịch còn hạn chế; sản phẩm du lịch chưa đa dạng, kết nối thiếu tính hệ thống; nguồn lực, nhất là nhân lực, còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng các làng nghề, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin, đường giao thông xuống cấp, không đồng bộ, môi trường làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng…
Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Để phát huy những kết quả đạt được, tận dụng lợi thế, khắc phục những hạn chế, tồn tại, phát triển du lịch văn hóa làng nghề nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa, thời gian tới thành phố Hà Nội cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành, nhất là người dân ở các làng nghề về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề phục vụ phát triển du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu, phát triển kinh tế bền vững, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. Phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ cán bộ ở cơ sở trong vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của thành phố vào điều kiện cụ thể của địa phương nhằm phát triển sản phẩm du lịch văn hóa làng nghề. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của những nghệ nhân, bồi đắp tình cảm qua các thế hệ người dân làng nghề, góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề Thủ đô trong bối cảnh mới.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, trong đó chú trọng công tác nghiên cứu tổng thể, quy hoạch làng nghề, sản phẩm văn hóa làng nghề phục vụ phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa. Xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu giá trị văn hóa làng nghề trên địa bàn Thủ đô; có chính sách hợp lý nhằm thu hút các doanh nghiệp, huy động tối đa nguồn lực đầu tư, phát triển du lịch văn hóa làng nghề, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án khôi phục, bảo tồn, xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch làng nghề, chương trình OCOP. Có chính sách hỗ trợ các làng nghề, hỗ trợ nghệ nhân có thể duy trì nghề, đam mê, sống được bằng nghề, sống với nghề, truyền nghề.
Ba là, chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực liên quan đến du lịch văn hóa làng nghề. Từ đội ngũ nghệ nhân, thợ thủ công, những người tham gia trình diễn, sản xuất, hướng dẫn khách du lịch; những người tham gia xây dựng, triển khai các chương trình du lịch; đội ngũ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ marketing, truyền thông…
Bốn là, tăng cường kết nối, tích hợp sản phẩm văn hóa làng nghề với sản phẩm du lịch; xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch văn hóa làng nghề; xây dựng các tour du lịch trải nghiệm kết nối toàn vùng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá sản phẩm, xây dựng cơ sở dữ liệu trên không gian mạng, trong tổ chức hoạt động du lịch văn hóa làng nghề giúp du khách quốc tế và trong nước dễ dàng tiếp cận các sản phẩm du lịch văn hóa làng nghề, thuận lợi trong việc tra cứu thông tin, lựa chọn, khám phá và trải nghiệm.
Với những tiềm năng sẵn có, thành phố Hà Nội có nhiều chủ trương, chính sách phát triển du lịch văn hóa làng nghề nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sự nỗ lực của chính quyền và người dân các làng nghề trong thời gian qua góp phần giúp du lịch văn hóa làng nghề ở Hà Nội có nhiều khởi sắc, qua đó thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển. Du lịch văn hóa làng nghề đã góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá, xây dựng nông thôn mới bền vững, làng nghề truyền thống, thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện du lịch Thủ đô, tạo ra thương hiệu du lịch Hà Nội./.
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay