Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu: Thành công và hạn chế
TCCS - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực năm 2020. Sau gần bốn năm thực hiện, trao đổi thương mại và đầu tư của EU vào Việt Nam đã tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, việc thực hiện EVFTA cũng đặt ra nhiều thách thức và cơ hội mới, như tuân thủ các quy định, nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng những lợi ích mà EVFTA mang lại. Chính vì vậy, đánh giá EVFTA sau gần bốn năm thực hiện là một bước quan trọng trong việc định hình chiến lược phát triển kinh tế của cả Việt Nam và EU trong thời gian tới.
Những thành tựu nổi bật
Về xuất khẩu. Sau một năm triển khai Hiệp định, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 6,2%; năm 2022, đạt 46,83 tỷ USD, tăng 16,7%. Đặc biệt, tuy gạo không phải là mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang EU nhưng năm 2022 đã đạt 94.510 tấn(1), góp phần vào thặng dư thương mại của Việt Nam với EU (đạt 31,4 tỷ USD, tăng 35,1%)(2). Năm 2023, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam bị giảm sút, song nhờ tận dụng cơ hội của EVFTA nên mức giảm được thu hẹp đáng kể, từ 10,1% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn khoảng 5,9% trong cả năm 2023. Không những vậy, ở các khu vực Tây Âu, Bắc Âu, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước này tăng 7,5%. Trong quý I-2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt 12,2 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023, mức kỷ lục trong các quý I từ trước đến nay(3). Đây là thị trường có đóng góp lớn thứ hai vào tăng trưởng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, vượt cả Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong những thành tựu trên, cơ cấu xuất khẩu cũng có những chuyển dịch tích cực. Năm 2021, nhờ có EVFTA, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU đa dạng hơn. Ngoài những sản phẩm truyền thống, mặt hàng nông sản đều tăng, như cà phê (chiếm 42,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản vào EU), hạt điều (33%), cao su (7,9%), rau quả (7,8%), hạt tiêu (7,4%) và gạo (1,7%)(4). Năm 2023, xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử tiếp tục tăng. Tuy nhiên, nông sản và hàng tiêu dùng vẫn gặp khó khăn. Cụ thể, thủy sản giảm 30,6%, hạt tiêu giảm 28%, cao su giảm 25%, dệt may (13,8%), giày dép (18,7%)(5). Bước sang quý I-2024, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam sang EU đã phục hồi mạnh mẽ sau sự suy giảm trong năm 2023, với sự gia tăng đáng kể của các mặt hàng sắt thép, cà phê, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, hạt tiêu và các sản phẩm từ cao su so với cả quý trước và cùng kỳ năm 2023.
Nhìn chung, trong gần bốn năm qua, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chủ yếu là nông sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép, hải sản, sắt thép, máy tính, linh kiện và sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị. Nhờ tận dụng những lợi thế của các mặt hàng này, Việt Nam khai thác được các ưu đãi trong EVFTA, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Về cơ cấu thị trường. Năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn giữ được quan hệ tốt với thị trường EU. Trong quý I-2024, Hà Lan trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, chiếm 19,4% thị phần, với xuất siêu gần 2,8 tỷ USD, tăng hơn 577 triệu USD so với cùng kỳ năm 2023(6).
Như vậy, có thể thấy, EVFTA đã có những tác động tích cực đối với kinh tế Việt Nam, đó là: Thứ nhất, tăng kim ngạch xuất khẩu. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU giai đoạn 2012 - 2022 là 10,5%/năm. Năm 2022, mặc dù còn chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng xuất khẩu vào EU đã tăng mạnh tại những thị trường như Ireland (tăng 45,9%), Đan Mạch (tăng 40,0%), Hà Lan (35,8%), Đức (23,1%)(7). Thứ hai, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. EVFTA mở ra cơ hội lớn để Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường các nước Ba Lan, Slovenia, Đan Mạch và Rumania. Thứ ba, là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh. Đơn cử tại Đức, người tiêu dùng có nhu cầu cao hoặc nhu cầu đang tăng đối với nhiều sản phẩm của Việt Nam, như dệt may, cà phê, rau quả và đồ gỗ. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần tại EU.
Về nhập khẩu. Năm 2023, Việt Nam tăng cường nhập khẩu từ EU máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, hóa chất... Tuy nhiên, một số mặt hàng giảm về kim ngạch, bao gồm hóa chất (giảm 11,2%), nguyên liệu dệt may (gần 10%) và thủy sản (giảm 5,13%)(8). Trong quý I-2024, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ EU đạt 3,7 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023(9).
Trong cơ cấu hàng hóa, gần bốn năm qua, Việt Nam nhập khẩu từ EU chủ yếu là máy tính, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, nguyên liệu dệt may, dược phẩm, sữa và sản phẩm sữa. Trong cơ cấu thị trường, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ba Lan, Áo, Romania, Séc... Nhập khẩu từ một số nước như Hungary, Thụy Điển, Slovenia, Síp… nhìn chung chưa ổn định.
Nhập khẩu từ EU đã có những tác động tích cực đối với kinh tế Việt Nam: Một là, đa dạng hóa nguồn cung. EVFTA giảm thuế nhập khẩu, nên người tiêu dùng Việt Nam có nhiều lựa chọn hàng hóa chất lượng cao, đa dạng về hình thức. Ngoài lợi ích tiêu dùng, nhập khẩu từ EU còn thúc đẩy cạnh tranh và khuyến khích sáng tạo. Qua đó, Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hai là, chuyển giao công nghệ. Từ năm 2019, EU đã triển khai Thỏa thuận Xanh châu Âu. Thỏa thuận này không chỉ áp dụng cho EU mà còn cho cả các đối tác. Trong bối cảnh đó, EU hỗ trợ Việt Nam chuyển sang sản xuất xanh, tuần hoàn, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của EU và phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Ba là, nhập khẩu nguyên liệu và máy móc hiện đại đã giúp Việt Nam tăng năng suất, chất lượng cạnh tranh khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với thương mại, EVFTA đã tạo nhiều cơ hội cho EU tiếp cận và mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Năm 2022, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của EU vào Việt Nam là 27,8 tỷ USD với 2.308 dự án, đưa EU vươn lên vị trí thứ 6 trong số các đối tác có FDI nhiều nhất vào Việt Nam(10). Năm 2023, FDI của EU vào Việt Nam đạt 27,6 tỷ USD, với 2.384 dự án(11); 25/27 nước thành viên EU đã rót vốn vào Việt Nam. Đáng chú ý là, Việt Nam đã nhận được nguồn đầu tư chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, tạo ra giá trị và lợi ích chung cho cả hai bên.
Về đối tác, Hà Lan, Pháp, Luxembourg, Đức, Đan Mạch, Bỉ là sáu nhà đầu tư hàng đầu của EU vào Việt Nam. Cụ thể, Hà Lan là nước đầu tư lớn nhất, với 427 dự án và 14,1 tỷ USD, chiếm 49% số vốn Việt Nam nhận được từ EU(12). Tiếp theo, Pháp đầu tư 3,8 tỷ USD. Đức và Đan Mạch cũng có những đầu tư lớn vào Việt Nam. Công ty LEGO (Đan Mạch) đã đầu tư 1 tỷ USD vào sản xuất đồ chơi, mở đầu cho sự gia tăng đầu tư của các tập đoàn EU khác vào Việt Nam(13).
Ngoài đầu tư của các doanh nghiệp, nguồn vốn vào Việt Nam còn có sự hỗ trợ của các chính phủ trong EU. Cụ thể, chính phủ một số nước đã hỗ trợ kỹ thuật để đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. Hiện nay, 63% số doanh nghiệp EU đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến FDI hàng đầu. Trong đó, 31% xếp Việt Nam vào top 3(14). Vì vậy, Việt Nam cần tranh thủ tìm kiếm nhiều nguồn vốn từ các đối tác nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Về lĩnh vực đầu tư, các dự án của EU đã thâm nhập 18/21 ngành, nghề của Việt Nam, trong đó chủ yếu là chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện, khí; bất động sản; thông tin; dầu khí…; đầu tư EU đã có mặt tại 54 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương...
Nguồn FDI của EU đã đem lại những tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam: 1- Cơ hội việc làm. FDI từ EU đã tạo ra hàng nghìn việc làm cho Việt Nam. Các doanh nghiệp EU đã tuyển dụng nhiều lao động có kỹ năng và chuyên môn cao. Điều này không chỉ giúp tăng việc làm, ổn định thị trường lao động mà còn nâng cao chất lượng và thu nhập của lao động, đóng góp tích cực vào cải thiện đời sống của người dân; 2- Tăng nguồn thu ngoại tệ, giúp Việt Nam tăng cường dự trữ ngoại tệ. Đầu tư của EU được thực hiện thông qua chuyển giao vốn, thanh toán tiền thuê đất và chi phí hoạt động nên đã làm tăng vốn ngoại hối, tạo nên sự ổn định và linh hoạt trong nền kinh tế, hỗ trợ cho phát triển bền vững của đất nước; 3- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế. FDI từ EU chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao như IT, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo…, do vậy đã cải thiện năng lực cạnh tranh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam; 4- Về môi trường kinh doanh, EVFTA không chỉ có lợi ích về kinh tế mà còn giúp Việt Nam cải cách thể chế, thông qua thiết lập khung pháp lý công bằng và cơ chế lành mạnh để hai bên có thể đẩy mạnh hoạt động. Hiện nay, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có động lực phát triển mạnh mẽ; nhiều nhà đầu tư EU hài lòng với môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, tiến độ chuẩn bị một số văn bản quy phạm pháp luật để triển khai EVFTA có phần nhanh hơn so với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, Việt Nam cần cân nhắc cách tiếp cận đối với các cam kết trong một số lĩnh vực, tránh việc áp dụng máy móc các quy định quốc tế thành quy phạm pháp luật trong nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Một số hạn chế trong việc thực hiện EVFTA
Về xuất khẩu, hạn chế lớn nhất là sức cạnh tranh của hàng hóa của Việt Nam tại EU còn chưa mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là:
Các yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về quy tắc xuất xứ của EVFTA. Yêu cầu về tỷ lệ hàm lượng nội địa đang đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam, khi nhiều ngành sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu của nước ngoài. Chẳng hạn, ngành dệt may của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu từ Trung Quốc. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự tìm hiểu và chuẩn bị kỹ để chuyển đổi, tận dụng các cơ hội từ EVFTA. Sau hai năm thực hiện EVFTA, chỉ có 13% doanh nghiệp chủ động thay đổi, điều chỉnh nguồn cung nguyên liệu và quy trình sản xuất để được hưởng ưu đãi thuế quan(15).
Các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) và Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT). EU là một thị trường khó tính với mức sống cao. Do vậy, hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe ở đây thì mới tận dụng được EVFTA. Các biện pháp SPS của EU được xem là khắt khe hơn so với khuyến nghị của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), Tổ chức Thú y thế giới (IOE)… Đa số tiêu chuẩn đó do Ủy ban châu Âu (EC) ban hành, khiến các biện pháp của EU trở thành những rào cản khó khăn nhất đối với nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU. Hơn thế nữa, EU đã điều chỉnh, bổ sung và nâng cao nhiều tiêu chuẩn đối với nhập khẩu. Trong ba năm thực thi EVFTA, mặt hàng nông sản của Việt Nam đã bị EU cảnh báo, nâng tần suất kiểm tra(16). Tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam trong khi tận dụng các ưu đãi từ EVFTA đang cải thiện qua các năm, với khoảng 20% trong năm đầu tiên; 25,9% trong năm 2022 và 35% trong năm 2023(17). Đây là những tiến bộ đáng mừng đối với chất lượng hàng hóa của Việt Nam.
Chỉ thị về Thẩm định chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang EU đang phải đối mặt với khó khăn do Hội đồng châu Âu đã thông qua dự thảo Chỉ thị về Thẩm định chuỗi cung ứng (CS3D) vào ngày 15-3-2024 (hiện đang chờ Nghị viện châu Âu bỏ phiếu). Mục tiêu của CS3D là thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động bền vững và có trách nhiệm trong chuỗi giá trị toàn cầu, yêu cầu các doanh nghiệp phải xác định, ngăn chặn, chấm dứt hoặc giảm thiểu các tác động tiêu cực liên quan đến lao động trẻ em, lao động cưỡng bức,… và môi trường như ô nhiễm và mất đa dạng sinh học. Để đáp ứng các yêu cầu của Chỉ thị CS3D, doanh nghiệp phải tích hợp các chính sách thẩm định vào hoạt động của công ty, xác định các tác động tiềm ẩn, giám sát hiệu quả các chính sách và công khai kết quả thẩm định. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều nguồn lực và chi phí, trong khi các quy định còn có thể khác nhau tùy theo luật của từng quốc gia thành viên EU.
Nhận diện thương hiệu. Tuy gia tăng về khối lượng và kim ngạch, nhưng hàng hóa có thương hiệu Việt Nam xuất khẩu vào EU còn khá khiêm tốn, mới có khoảng 40 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại EU(18). Các mặt hàng gạo, cà phê, dệt may… của Việt Nam thuộc nhóm đầu thế giới, song thường nhập khẩu vào EU dưới tên một nước hoặc nhãn hiệu khác khiến giá trị gia tăng bị giảm sút, sức cạnh tranh không được cải thiện. Ví dụ, phần lớn gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang EU đều chưa có thương hiệu riêng; “Nước mắm Phú Quốc” đang được bảo hộ ở EU lại là sở hữu của Công ty Viet Huong Fishsauce (Mỹ).
Về nhập khẩu, Việt Nam cũng gặp những khó khăn, như cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ của EU. Việt Nam gặp áp lực cạnh tranh ngay ở trong nước, do hàng hóa chất lượng cao từ EU đã và đang tràn vào, theo đó giá cả giảm giá mạnh. Về chất lượng, sản phẩm của EU được người tiêu dùng nội địa tin tưởng. Do vậy, người Việt Nam sẵn sàng tiêu dùng sản phẩm EU hơn sản phẩm nội địa. Ngoài ra, EU có thể dễ dàng thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam, cạnh tranh trong các lĩnh vực mà Việt Nam chưa có thế mạnh hoặc mới phát triển. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ, ít vốn, không đủ sức thay đổi công nghệ trong thời gian ngắn. Trong khi đó, doanh nghiệp EU có công nghệ tiên tiến, nguồn vốn lớn, nhiều kinh nghiệm… Đây thực sự là những khó khăn đối với Việt Nam.
Giải pháp để tận dụng tối đa lợi ích từ EVFTA
Để khai thác có hiệu quả hơn nữa EVFTA, Việt Nam cần chú trọng một số vấn đề sau:
Đối với Nhà nước, cần tăng cường tuyên truyền và phổ biến về EVFTA. Hiện nay, việc tận dụng các ưu đãi từ EVFTA vẫn còn khá thấp, mới có 17% doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu và 16% khi nhập khẩu(19). Một trong những nguyên nhân cơ bản là thiếu thông tin và tuyên truyền về EVFTA. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần tăng cường tuyên truyền và phổ biến về EVFTA, về thị trường EU, thông qua các trang thông tin điện tử, báo, đài…; cần triển khai các lớp tập huấn, hội thảo để nâng cao nhận thức và hiểu biết về nội dung cam kết, các công việc cần thiết để thực thi EVFTA có hiệu quả.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Việt Nam tại thị trường EU. Trên thực tế, nhiều cơ quan đại diện của Việt Nam ở EU đã trở thành cầu nối hiệu quả giữa trong và ngoài nước, giúp doanh nghiệp xác định đúng tiêu chí, lộ trình tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, các cơ quan Việt Nam tại EU cần chú trọng hơn nữa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cung cấp thông tin chính xác và hỗ trợ các doanh nghiệp EU quan tâm đến Việt Nam. Để hợp tác hiệu quả, các cơ quan này cần liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh trong và ngoài nước, thông qua tổ chức các diễn đàn, hội thảo định kỳ để trao đổi, giải đáp các thắc mắc liên quan đến quy định, chính sách mới, thông tin về thị trường và ngành, nghề kinh doanh tại Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp EU tiếp cận thông tin một cách hiệu quả và nhanh chóng. Ngoài ra, Chính phủ cần xây dựng cơ chế liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh trong nước, tổ chức các cuộc họp và diễn đàn thương mại định kỳ để trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm.
Xây dựng chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp. Chương trình này phải chú trọng giảm bớt sự chênh lệch giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước trong khai thác EVFTA, mở rộng thị trường và tăng giá trị xuất khẩu. Cụ thể, Chính phủ cần xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về tài chính, đào tạo, tư vấn về tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ và tư vấn về thâm nhập và mở rộng thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đồng thời bảo đảm tính ổn định, nhất quán và minh bạch của các chính sách này.
Đối với doanh nghiệp
Đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ thông qua áp dụng công nghệ mới, quy trình sản xuất hiện đại và hợp tác kỹ thuật với các đối tác EU có kinh nghiệm. Ví dụ, đối với nông sản, cần đầu tư theo hướng áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng như ISO 9000, HACCP, ISO 14000 để đáp ứng thị trường EU. Đồng thời, cần bảo đảm quy trình sản xuất sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn về chứng từ và thủ tục liên quan, thông qua việc cải thiện quản lý và đào tạo nhân viên về các quy định mới của Hiệp định.
Nâng cao chất lượng sản phẩm là chìa khóa để cạnh tranh và thâm nhập sâu hơn vào EU, do đó, các doanh nghiệp cần: Thứ nhất, thay đổi nguồn nguyên liệu và quy trình sản xuất để bảo đảm tuân thủ quy định về xuất xứ và hàm lượng nội địa. Thay vì dựa vào nhập khẩu, các doanh nghiệp cần tìm nguồn nguyên liệu nội địa để tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh. Thứ hai, hiểu rõ các điều khoản trong EVFTA liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, nắm vững lộ trình giảm thuế, các quy định về tiêu chuẩn và chất lượng hàng hóa của đối tác. Có như vậy, doanh nghiệp mới được hưởng các ưu đãi của Hiệp định.
Xây dựng và tích hợp các chính sách thẩm định chuỗi cung ứng vào hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp. Đây là giải pháp quan trọng để đáp ứng các yêu cầu của Chỉ thị CS3D. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thiết lập các quy trình, tiêu chuẩn rõ ràng để đánh giá, quản lý các tác động tiêu cực liên quan đến quyền lợi của người lao động và môi trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình. Chính sách thẩm định cần được xây dựng không chỉ đáp ứng các yêu cầu pháp lý của EU mà còn phù hợp với tình hình thực tế và khả năng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải thường xuyên đánh giá và cập nhật chính sách này để bảo đảm sự tuân thủ các quy định mới nhất và đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để tăng cường cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi và uy tín trên thị trường EU. Trước tiên, cần đăng ký bảo hộ sản phẩm tại EU để sản phẩm được bảo vệ và không bị sao chép. Cần lưu ý rằng ở EU, ngoài hệ thống đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trực tiếp ở mỗi quốc gia (chỉ có hiệu lực trong quốc gia đó), còn có Nhãn hiệu EU (European Union Trade Mark - EUTM) có phạm vi bảo hộ ở 27 nước thành viên EU(20). Do vậy, cần chọn phương thức đăng ký bảo hộ phù hợp với chiến lược kinh doanh.
Hai là, cần tìm kiếm đối tác uy tín và chuyên gia về thị trường EU, vì họ sẽ đóng vai trò quan trọng trong giới thiệu và lan tỏa thương hiệu sản phẩm một cách hiệu quả. Hơn nữa, họ có thể giúp doanh nghiệp tìm ra cách tiếp cận thị trường một cách thông minh và tối ưu.
Ba là, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để quảng bá thương hiệu là rất quan trọng. Đơn cử như, doanh nghiệp xuất khẩu có thể sử dụng như Facebook, Instagram và YouTube để chia sẻ video, hình ảnh về quy trình thu hoạch, chế biến... Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tương tác với khách hàng thông qua việc trả lời các câu hỏi, nhận xét và phản hồi từ người tiêu dùng. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể tiếp cận trực tiếp đến nhiều khách hàng tiềm năng tại EU.
Bốn là, trong ngắn hạn, việc đưa sản phẩm mang thương hiệu riêng vào EU có thể gặp nhiều khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp có thể sản xuất các sản phẩm theo yêu cầu để đáp ứng linh hoạt và hiệu quả hơn nhu cầu của thị trường. Điều này giúp doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm phù hợp và thâm nhập thị trường mục tiêu một cách nhanh chóng và linh hoạt./.
-----------------------
(1) An Trần: “Thương mại Việt Nam - EU 9 tháng đạt 44 tỷ USD”, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương Việt Nam, ngày 3-10-2023, https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/hiep-dinh-evfta/thuong-mai-viet-nam-eu-9-thang-dat-44-ty-usd.html
(2) Bảo Thoa: “Hiệp định EVFTA tiếp tục duy trì đà xuất khẩu của Việt Nam sang EU”, Báo Công thương điện tử, ngày 5-10-2023, https://kinhte.congthuong.vn/hiep-dinh-evfta-tiep-tuc-duy-tri-da-xuat-khau-cua-viet-nam-sang-eu-276608.html
(3) “Thương mại Việt Nam - EU, số Quý I/2024”, Bộ Công Thương, ngày 30-03-2024, https://goglobal.moit.gov.vn/download/documents/2024/05/17/ chuyen%20san%20quy%20I%20VN%20EU%20-2024_0927.pdf
(4) Trúc Thanh Lê: “Tận dụng EVFTA, thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang EU”, ngày 30-12-2022, https://ngkt.mofa.gov.vn/tan-dung-evfta-thuc-day-xuat-khau-nong-san-sang-eu/
(5) “Thương mại Việt Nam - EU, số Quý IV/2023”, Bộ Công Thương, ngày 30-12-2023, https://goglobal.moit.gov.vn/download/documents/2024/01/06/ chuyen%20san%20quy%20IV-2023_0009.pdf
(6) “Thương mại Việt Nam - EU, số Quý I/2024”, Bộ Công Thương, ngày 30-03-2024, https://goglobal.moit.gov.vn/download/documents/2024/05/17/ chuyen%20san%20quy%20I%20VN%20EU%20-2024_0927.pdf
(7) An Nhiên: “EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam”, Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương Việt Nam, truy cập ngày 12-9-2023, https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/hiep-dinh-evfta/eu-la-thi-truong-nhap-khau-lon-thu-5-cua-viet-nam.html
(8) “Thương mại Việt Nam - EU, số Quý IV/2023”, Bộ Công Thương, ngày 30-12-2023, https://goglobal.moit.gov.vn/download/documents/2024/01/06/ chuyen%20san%20quy%20IV-2023_0009.pdf
(9) “Thương mại Việt Nam - EU, số Quý I/2024”, Bộ Công Thương, ngày 30-03-2024, https://goglobal.moit.gov.vn/download/documents/2024/05/17/ chuyen%20san%20quy%20I%20VN%20EU%20-2024_0927.pdf
(10) An Trần: “Thương mại Việt Nam - EU 9 tháng đạt 44 tỷ USD”, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương Việt Nam, ngày 3-10-2023, https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/hiep-dinh-evfta/thuong-mai-viet-nam-eu-9-thang-dat-44-ty-usd.html
(11) “EVFTA tạo “cú huých” hút dòng vốn FDI từ Hà Lan vào Việt Nam”, Tạp chí Tài chính, ngày 6-11-2023, https://tapchitaichinh.vn/evfta-tao-cu-huych-hut-dong-von-fdi-tu-ha-lan-vao-viet-nam.html
(12) “Hiệp định EVFTA động lực giúp EU tăng cường đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam”, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương Việt Nam, ngày 20-10-2023, https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/hiep-dinh-evfta-dong-luc-giup-eu-tang-cuong-dau-tu-vao-cong-nghiep-che-bien-che-tao-viet-nam.html
(13) “Hiệp định EVFTA động lực giúp EU tăng cường đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam”, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương Việt Nam, ngày 20-10-2023, https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/hiep-dinh-evfta-dong-luc-giup-eu-tang-cuong-dau-tu-vao-cong-nghiep-che-bien-che-tao-viet-nam.html
(14) Thế Hải: “Eurocham: Việt Nam vào top 10 điểm đến FDI hàng đầu”, Baodautu.vn, ngày 10-10-2023, https://baodautu.vn/eurocham-viet-nam-vao-top-10-diem-den-fdi-hang-dau-d200503.html
(15) Nguyễn Thị Thu Trang, Phùng Thị Lan Phương, Nguyễn Thị Thùy Dung, Nguyễn Thanh Trà, Trần Minh Thu: “Việt Nam sau 2 năm thực thi EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp” Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam, tháng 11-2022, https://trungtamwto.vn/file/22071/evfta-final.pdf
(16) Nguyễn Thị Thu Trang, Phùng Thị Lan Phương, Nguyễn Thị Thùy Dung, Nguyễn Thanh Trà, Trần Minh Thu: “Việt Nam sau 2 năm thực thi EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp” Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam, tháng 11-2022, https://trungtamwto.vn/file/22071/evfta-final.pdf
(17) Chí Nhân: “Hơn 11 tỉ USD hàng hóa Việt Nam tận dụng được ưu đãi thuế vào châu Âu”, Báo Thanh niên, ngày 27-11-2023, https://thanhnien.vn/hon-11-ti-usd-hang-hoa-viet-nam-tan-dung-duoc-uu-dai-thue-vao-chau-au-185231127173843358.htm#:~:text=Cụ%20thể%2C%20trong%20năm%20đầu,và%20năm%202023%20là%2035%25.&text=Xét%20về%20con%20số%20tuyệt,với%20cùng%20kỳ%20năm%202022
(18) An Nhi: “Xây dựng thương hiệu Việt tại thị trường EU để tận dụng các lợi thế từ EVFTA”, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương Việt Nam, ngày 15-6-2023, https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/hiep-dinh-evfta/xay-dung-thuong-hieu-viet-tai-thi-truong-eu-de-tan-dung-cac-loi-the-tu-evfta.html
(19) “Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng khá hiệu quả EVFTA”, Báo Nhân Dân, ngày 14-11-2022, https://nhandan.vn/doanh-nghiep-viet-nam-tan-dung-kha-hieu-qua-evfta-post724755.html
(20) “Bảo hộ nhãn hiệu ở EU những điều cần biết”, Trung tâm WTO và Hội nhập, ngày 19-9-2020, https://trungtamwto.vn/an-pham/15966-bao-ho-nhan-hieu-o-eu-nhung-dieu-can-biet
Sự điều chỉnh chiến lược của Liên minh châu Âu trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine  (25/04/2024)
Kinh tế Liên minh châu Âu năm 2023 và triển vọng năm 2024  (15/03/2024)
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư  (27/11/2023)
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nhận diện một số tiêu chí cơ bản của xã hội văn minh ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình trong xây dựng chính sách gia đình hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm