Xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
TCCS - Đại hội XIII của Đảng (tháng 1-2021) lần đầu tiên nêu chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại trên cả ba trụ cột: đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đây là một chủ trương mới, phản ánh sự trưởng thành của ngoại giao cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là yêu cầu vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài đối với công tác đối ngoại nói chung, ngành ngoại giao nói riêng, phù hợp với xu thế phát triển của các nền ngoại giao trên thế giới.
Ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại
Trong gần 60 năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều di sản tinh thần vô giá về đối ngoại và ngoại giao, trong đó có tư tưởng xây dựng ngành ngoại giao. Người thường nhắc nhở, “ngoại giao phải vì lợi ích quốc gia - dân tộc” (1), phải “dựa vào sức mình là chính”, “muốn người ta giúp mình thì trước hết phải tự giúp lấy mình đã”. Người đặc biệt nhấn mạnh: “Chú ý rằng: Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy” (2). Người dặn dò: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi” (3); đồng thời, cần đặc biệt coi trọng công tác xây dựng ngành ngoại giao, như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, rèn luyện phẩm chất chính trị, tu dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, đoàn kết nội bộ...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng ngành ngoại giao được Đảng ta vận dụng sáng tạo và liên tục phát triển. Đại hội XI của Đảng (năm 2011) đã đưa ra những đổi mới tư duy đối ngoại quan trọng: Lợi ích quốc gia - dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc cao nhất của các hoạt động đối ngoại; hội nhập quốc tế toàn diện; xây dựng Cộng đồng ASEAN trở thành ưu tiên đối ngoại; triển khai đối ngoại đồng bộ, toàn diện. Trong đó, quan điểm đồng bộ, toàn diện được hiểu là: 1- Toàn diện về chủ thể với sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước; 2- Toàn diện về lĩnh vực với bốn trọng tâm là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài, được triển khai trên cả bình diện song phương và đa phương; 3- Toàn diện về đối tác và địa bàn, tăng cường mở rộng quan hệ với các nước có ảnh hưởng (ở mức độ khác nhau) đến lợi ích an ninh, lợi ích phát triển cũng như vị thế của Việt Nam, từ cấp độ tiểu vùng, khu vực đến liên khu vực và toàn cầu; 4- Toàn diện về công cụ sử dụng, bao gồm công cụ chính trị - ngoại giao ở các cấp, các kênh để tăng cường sự tin cậy, hữu nghị; công cụ kinh tế nhằm tạo đan xen lợi ích; công cụ luật pháp quốc tế; công cụ về thông tin, tuyên truyền đối ngoại qua các phương thức ngoại giao công chúng, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại”(4).
Phát triển quan điểm đồng bộ và toàn diện của Đại hội XI, Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) đã đề ra chủ trương: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”(5). Theo đó, nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại là nền ngoại giao kế thừa tinh hoa ngoại giao truyền thống Việt Nam, trên cơ sở quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại; ứng dụng hình thức ngoại giao mới của thời đại, như ngoại giao số, ngoại giao công chúng, đẩy mạnh ngoại giao đa phương… và cải tiến, hiện đại hóa toàn diện trên cơ sở bốn trụ cột: nguồn nhân lực (chuyên nghiệp, tinh nhuệ, chuyên môn cao, kỹ năng toàn diện); tổ chức bộ máy (khoa học, tinh gọn, linh hoạt, thích ứng và hiệu quả); phương thức vận hành, quy trình xây dựng, triển khai, theo dõi đôn đốc thực hiện chính sách (khoa học, hiện đại, hiệu quả cao); kết cấu hạ tầng vật chất - kỹ thuật (hiện đại, tiện ích, thân thiện), nhất là công nghệ thông tin.
Những nhân tố tác động đến xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại
Thứ nhất, bối cảnh quốc tế. Những năm tiếp theo của thế kỷ XXI, tình hình thế giới, khu vực, quan hệ quốc tế đứng trước những thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ, sâu sắc; xuất hiện những xu thế mới, đặc biệt là cách mạng công nghệ - thông tin. Các nước lớn, nhỏ đều điều chỉnh chính sách nhằm nâng cao khả năng thích ứng, tận dụng thời cơ, tăng cường khả năng ứng phó. Có thể kể đến một số xu thế chính, như: chuyển dịch quyền lực trong cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng; xu thế hình thành trật tự đa cực, đa trung tâm ngày càng rõ hơn; hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn chi phối quan hệ quốc tế; toàn cầu hóa và liên kết kinh tế mặc dù bị chững lại, song tiếp tục phát triển; các thể chế đa phương và luật pháp quốc tế gặp nhiều thách thức, nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng; sự nổi lên của các thách thức an ninh phi truyền thống; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ…(6). Các xu thế ngoại giao hiện đại, bao gồm: Chủ thể quan hệ quốc tế gia tăng về số lượng và ngày càng đa dạng; ngoại giao cấp cao, ngoại giao nguyên thủ bùng nổ; ngoại giao đa phương trở nên sôi động hơn; chính sách đối ngoại không chỉ là sự kéo dài của chính sách đối nội, mà quyện chặt với chính sách đối nội; nhiệm vụ của đối ngoại ngày càng mở rộng; hình thức ngoại giao ít khép kín hơn, cởi mở hơn; ngoại giao hiện đại quyện chặt với công nghệ số…(7).
Thứ hai, bối cảnh Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, trong 78 năm xây dựng, phát triển và đồng hành cùng dân tộc, ngành ngoại giao Việt Nam đã trưởng thành mọi mặt, cả về số lượng và chất lượng. Ngoại giao Việt Nam đã góp phần quan trọng bảo vệ độc lập dân tộc; giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ; phá thế bao vây, cấm vận, đưa Việt Nam hội nhập toàn diện, sâu rộng với thế giới, khu vực; tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; tranh thủ nhiều nguồn lực từ bên ngoài đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngoại giao Việt Nam cũng đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Có thể thấy, sau hơn 36 năm đổi mới, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(8). Trên cơ sở những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước, trong đó có thành tựu đối ngoại, đặc điểm và xu thế quốc tế…, Đại hội XIII của Đảng đã xác định tầm nhìn và định hướng phát triển của Việt Nam. Trong đó:
Mục tiêu tổng quát: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (9). Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức trung bình thấp; đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao (10).
Năm 2021, quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam là 368 tỷ USD (11), xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD (tăng 19% so với năm 2020) và nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD (tăng 26,5% so với năm 2020)(12). Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vượt Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD)(13). Viện Lowy - Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại độc lập của Australia - trong hai năm liên tiếp (năm 2018 và 2019) xếp Việt Nam trong nhóm các nước tầm trung mới nổi. Tháng 8-2020, Tạp chí The Economist (Anh) đã xếp Việt Nam trong danh sách 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. PwC - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (có trụ sở tại Anh) - dự báo Việt Nam sẽ nằm trong số 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới sau năm 2030. Một số chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng, Việt Nam có triển vọng trở thành một trong những nền kinh tế nổi bật nhất châu Á, bất chấp thách thức và khủng hoảng từ đại dịch COVID-19.
Một số giải pháp góp phần xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại trong thời gian tới
Bối cảnh quốc tế và trong nước đặt ra những yêu cầu cấp bách và lâu dài đối với Việt Nam về đổi mới, hiện đại hóa nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, mô hình tổ chức bộ máy và cơ sở vật chất khang trang, hiện đại trong tiến trình xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. Để góp phần xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, về nhận thức chung. Cần thống nhất nhận thức hiện đại hóa là tất yếu khách quan; toàn bộ ngành ngoại giao nói chung và mỗi cá nhân làm công tác ngoại giao nói riêng phải có sự đồng thuận cao; mục tiêu của ngành ngoại giao là xây dựng nền ngoại giao chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ nhiệm vụ đối ngoại đất nước đến năm 2030 và năm 2045 trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của thế giới và vận dụng sáng tạo phù hợp với đặc điểm Việt Nam; nhân tố tài chính hết sức quan trọng đối với công cuộc hiện đại hóa cần được cung cấp đầy đủ với lộ trình phù hợp.
Thứ hai, về nguyên tắc chiến lược. Triển khai đồng bộ cả bốn trụ cột chính (nguồn nhân lực; tổ chức bộ máy; phương thức vận hành và quy trình xây dựng, triển khai, theo dõi, thực thi chính sách; kết cấu hạ tầng vật chất - kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin). Ưu tiên những lĩnh vực then chốt, những biện pháp tháo gỡ các điểm nghẽn mang lại hiệu quả trước mắt và đặt nền tảng cho lâu dài. Thực hiện tinh thần làm việc hiệu quả, tiết kiệm, tranh thủ các nguồn lực tài chính khác; triển khai chiến lược từ trên xuống và từ dưới lên, trên cơ sở chiến lược định hướng của toàn ngành ngoại giao.
Thứ ba, hiện đại hóa ba trụ cột. Về nguồn nhân lực, xây dựng khung tiêu chí về phẩm chất, năng lực, kỹ năng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng; nâng cao chất lượng chuyên môn, kỹ năng; hiện đại hóa công tác cán bộ; tinh giản, tái cơ cấu; kiện toàn cơ chế động lực; đánh giá năng lực thực chất minh bạch, công khai; sử dụng cán bộ gắn liền với chiến lược đối ngoại và phát triển Bộ Ngoại giao; xây dựng đội ngũ chuyên gia…
Về hiện đại hóa tổ chức bộ máy, rà soát, tái cơ cấu hệ thống các đơn vị có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với định hướng đối ngoại, sự kỳ vọng của người dân, tổ chức; kiện toàn hệ thống các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp, tăng khả năng tự chủ, mở rộng năng lực kinh doanh.
Về phương thức vận hành, quy trình xây dựng, triển khai và theo dõi thực thi chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường cơ chế xây dựng chính sách nội bộ, cơ chế phối hợp, tham mưu trong nước và ngoài nước; rà soát, kiện toàn hệ thống quy trình quản lý và quy trình công tác chuyên môn.
Về hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, công nghệ thông tin, nghiên cứu lại định hướng bố trí cơ sở vật chất đối với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài; rà soát, chủ động kiến nghị các cấp có thẩm quyền kiện toàn quy định về tài chính, đầu tư công; xây dựng cơ chế rà soát duy tu định kỳ, thường xuyên; thành lập bộ phận chuyên trách, tăng cường đào tạo về quản lý kết cấu hạ tầng; xây dựng quy định về mua mới, duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất, kỹ thuật… Công nghệ thông tin cần đồng bộ, liên thông, hiện đại và thân thiện trên cơ sở đẩy mạnh công nghệ ứng dụng vào công tác quản lý; tăng cường bảo mật, an ninh, an toàn thông tin; đội ngũ và chất lượng nguồn nhân lực về công nghệ thông tin được nâng cao.
Tóm lại, xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại là chủ trương lớn, quan trọng được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Đó là nền ngoại giao với đặc trưng coi trọng ngoại giao đa phương, ngoại giao phát triển, vai trò trung gian hòa giải, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Trên cơ sở thế và lực đạt được trong hơn 36 năm đổi mới, với “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại”(14), dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngành ngoại giao Việt Nam quyết tâm phấn đấu thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra về hiện đại hóa, toàn diện hóa nền ngoại giao./.
------------------------
(1) Bác Hồ nói về ngoại giao, Học viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội, 1994, tr. 13
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t. 7, tr. 244
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 147
(4) Phạm Bình Minh: “Ngoại giao Việt Nam năm 2011: Triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, số 832, tháng 2-2012, tr. 18
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 162
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 105 - 106
(7) Bộ Ngoại giao: “Xu thế ngoại giao hiện đại và triển khai hiện đại hóa ngành Ngoại giao Việt Nam”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, 2020, tr. 27 - 28
(8), (9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 25, 111 - 112
(10) Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập quốc dân trên đầu người từ 876 USD - 3.465 USD/năm là trung bình thấp; từ 3.465 USD - 12.535 USD là trung bình cao; thu nhập cao phải từ 12.535 USD trở lên. Việt Nam hướng tới đạt mức thu nhập 18.000 USD/người vào năm 2045
(11) Xem: Minh Phương: “Cải cách công tác quản lý nợ công chuyên nghiệp hóa theo thông lệ quốc tế”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 23-8-2022, https://dangcongsan.vn/kinh-te/cai-cach-cong-tac-quan-ly-no-cong-chuyen-nghiep-hoa-theo-thong-le-quoc-te-617994.html
(12) Xem: Bùi Quanh Tuấn - Hà Huy Ngọc: “Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 11-2-2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/825002/kinh-te-viet-nam-nam-2021-va-trien-vong-nam-2022.aspx
(13) Tổng cục Thống kê: “Kinh tế Việt Nam năm 2020: Một năm tăng trưởng đầy bản lĩnh”, Trang thông tin điện tử Tổng cục Thống kê, ngày 14-1-2021, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/kinh-te-viet-nam-2020-mot-nam-tang-truong-day-ban-linh/
(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 111 - 112
Quan hệ Việt Nam - Pháp: Năm mươi năm hợp tác và phát triển  (26/03/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Brunei Darussalam  (11/02/2023)
Dấu ấn của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trong quá trình đàm phán ký kết Hiệp định Paris năm 1973  (01/02/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam